Nhiều khó khăn trong xử lý tài sản tạm giữ

25/12/2018 09:30

Cùng với tình trạng tài sản giảm giá nhiều lần nhưng không có người đăng ký mua hoặc tài sản đã đấu giá thành nhưng không giao được thì việc xử lý tài sản bị tạm giữ trong quá trình điều tra hoặc tạm giữ để thi hành án cũng là những vướng mắc mà các cơ quan THADS thường xuyên gặp phải.

Hình minh họa
Hình minh họa)

Trong quá trình điều tra các vụ án hình sự, Cơ quan điều tra thu giữ các đồ vật, tài sản không phải là vật chứng như: Điện thoại di động, ví da, chứng minh nhân dân, bằng lái xe hoặc giấy tờ tùy thân khác… nhưng không xử lý trả lại cho bị can, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo quyết định của bản án tuyên, các tài sản đó được trả lại cho bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc tạm giữ để đảm bảo thi hành án. Trong các trường hợp này, cơ quan THADS gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản.
Cụ thể, đối với bị cáo chấp hành hình phạt tù tại các Trại giam ngoài tỉnh, các cơ quan THADS phải thực hiện các thủ tục tống đạt các quyết định, thông báo về thi hành án thông qua Trại giam. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ quan THADS với các Trại giam chưa hiệu quả trong việc hoàn lại biên bản tống đạt còn chậm hoặc đôi khi không hoàn lại biên bản.

Đối với việc hoàn trả giấy tờ cho bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Chấp hành viên đã thông báo, tuy nhiên thông thường địa chỉ của những người này ở xa (ngoài tỉnh) hoặc địa chỉ không rõ ràng, dẫn đến mất nhiều thời gian mới xử lý xong vụ việc.

Việc xác định giá đối với tài sản tạm giữ theo Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP gặp khó khăn bởi vì để có cơ sở xác định giá theo quy định trên, Chấp hành viên phải xác minh hoặc phối hợp với các cơ quan chuyên môn.

Tuy nhiên, tài sản không còn bán trên thị trường (như điện thoại di động đã cũ không còn thích nghi với thị hiếu người tiêu dùng), cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn và cơ sở kinh doanh không xác định được giá trị của tài sản.

Trường hợp trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự, cơ quan THADS phải xử lý theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 126 Luật THADS.

Tuy nhiên, việc thực hiện theo quy định nêu trên mất rất nhiều thời gian, trường hợp không thực hiện được thông báo cho đương sự pháp luật chưa quy định nên khi áp dụng cơ quan THADS gặp nhiều lúng túng.

Đối với việc xử lý tiền, tài sản Tòa án tuyên tạm giữ để đảm bảo thi hành án, trường hợp bản án tuyên tạm giữ tài sản để đảm bảo cho việc thi hành án có ra Quyết định thi hành án hay không, khi người phải thi hành án vừa thi hành phần chủ động, vừa thi hành án phần theo yêu cầu (chưa có yêu cầu hoặc có yêu cầu thi hành án) cũng là vấn đề cần hướng dẫn cụ thể.

Trường hợp đương sự đã thi hành xong phần nghĩa vụ dân sự thì Cơ quan THADS có ra quyết định trả lại tiền, tài sản cho đương sự hay không vì hiện nay pháp luật chưa quy định.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề mà các cơ quan THADS băn khoăn, thực hiện chưa thống nhất như: trường hợp số tiền, tài sản tạm giữ trong quyết định thi hành án chủ động, người phải thi hành án thi hành xong khoản nộp ngân sách nhà nước, người được thi hành án chưa có yêu cầu thi hành án thì có ra quyết định thu hồi một phần quyết định thi hành án về việc tạm giữ tiền, tài sản và báo cáo hồ sơ xong hay không? Cách thức xử lý đối với số tiền, tài sản tạm giữ này như thế nào khi chưa có yêu cầu thi hành án; có thông báo cho người được thi hành án yêu cầu thi hành án hay không?...

Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc trên, trong quá trình điều tra làm rõ không phải là vật chứng liên quan đến vụ án, nếu Cơ quan điều tra thu giữ tài sản của bị can, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì cần trả lại họ.

Đối với các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, chứng minh thư nhân dân và các giấy tờ khác có ý nghĩa về tinh thần nên trả lại ngay cho họ. Ngoài ra, Tổng cục VIII, Bộ Công an cần chỉ đạo các Trại giam sớm hoàn lại biên bản tống đạt cho Cơ quan THADS.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ địa chỉ của bị can, người bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/nhieu-kho-khan-trong-xu-ly-tai-san-tam-giu-431070.html

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều khó khăn trong xử lý tài sản tạm giữ" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin