Nhận diện thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực phát hành trái phiếu DN; bài học cho các nhà đầu tư và đề xuất hoàn thiện chính sách

(Pháp lý). Nghiên cứu nhận diện rõ những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp qua một số vụ án xảy ra thời gian qua, từ đó rút ra các bài học quan trọng cho nhà đầu tư, đồng thời khẩn trương hoàn thiện những khuyết thiếu của chính sách…là những việc cần quan tâm nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững.
1-1721120635.jpg

Ảnh minh hoạ

Nhận diện những thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp qua 2 vụ án

- Vụ Tân Hoàng Minh và những thủ đoạn chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng của 6.600 nhà đầu tư trái phiếu

Cơ quan tố tụng cáo buộc, trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, các Công ty kiểm toán ban hành báo cáo kiểm toán nội dung không đúng thực tế; trong khi các Công ty thẩm định giá ban hành báo cáo thẩm định chưa đảm bảo đủ tin cậy. Hồ sơ vụ án thể hiện đầu năm 2021, Tân Hoàng Minh gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư. Để có tiền chi phí và thanh toán các khoản nợ, Đỗ Anh Dũng ( chủ tịch tập đoàn) chỉ đạo thuộc cấp tìm phương án huy động vốn và  thống nhất chủ trương cho Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo để tạo niềm tin, thu hút được nhiều người mua. Sau đó, hợp thức trái chủ, sử dụng pháp nhân, thương hiệu của Tân Hoàng Minh để bán cho nhà đầu tư thứ cấp. Theo cáo trạng, Dũng đã ủy quyền cho các bị cáo đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 công ty, gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông, phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu như ngụy tạo hoạt động kinh doanh bằng hình thức ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần... không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc tập đoàn. Các bị cáo đã thông đồng với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Ngoài ra, các bị cáo còn ký các hợp đồng "giả cách" chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền "khống" thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo lập giá trị "ảo" các gói trái phiếu. Viện Kiểm sát xác định, các bị cáo đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư "khống" làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Kết quả điều tra xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu hồi toàn bộ thiệt hại của vụ án.

Để phát hành được trái phiếu, nhóm thuộc cấp của ông Dũng "thông đồng" với cá nhân tại công ty kiểm toán hợp thức báo cáo tài chính với ý kiến chấp nhận toàn phần, đủ điều kiện phát hành và tổ chức chạy dòng tiền "khống" để tạo lập giá trị "ảo" của trái phiếu, hợp thức thanh toán hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu sơ cấp và phương án phát hành trái phiếu; Đồng thời, thống nhất các thủ tục liên quan với đơn vị cung cấp dịch vụ thẩm định giá, tư vấn phát hành, quản lý tài sản đảm bảo trái phiếu.

2-1721120641.jpg

Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Đoàn kiểm tra do Bộ Tài chính chủ trì về tuân thủ pháp luật kiểm toán độc lập tại Công ty Kiểm toán Nam Việt đã kết luận: "Kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil" và Cung Điện Mùa Đông".

Đối với các đơn vị thẩm định giá, ba đại diện Công ty: Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông, đã ký hợp đồng để được ban hành các chứng thư, báo cáo thẩm định giá tài sản tại gói trái phiếu do ba công ty phát hành, tổng giá trị hơn 13.302 tỷ đồng.

Sai phạm của nhóm Công ty kiểm toán và Công ty thẩm định giá, tạo điều kiện cho 3 công ty con của Tân Hoàng Minh, chào bán thành công 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thu gần 14.000 tỷ đồng. Qua đó, giúp ông Đỗ Anh Dũng chiếm đoạt 8.643 tỷ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.

Trong vụ việc, các đơn vị tham gia tư vấn phát hành, đại lý đăng ký và lưu ký số trái phiếu trên gồm Công ty Chứng khoán An Bình, Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Everest, Chứng khoán Agriseco, Chứng khoán KIS Việt Nam. Thêm vào đó, quá trình phát hành trái phiếu, 3 công ty phát hành này cũng đã ký các hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo với các ngân hàng Viettinbank Chi nhánh Tây Thăng Long, SHB Trung tâm kinh doanh và Vietcombank Chi nhánh Thanh Xuân.

Theo quy định, các ngân hàng phải giám sát mục đích sử dụng tiền có được từ phát hành trái phiếu theo đúng mục đích phát hành, tuy nhiên, các đơn vị này đã không thực hiện đúng.

- Vụ Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan bất chấp pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn phát hành 300 triệu trái phiếu khống, lừa hơn 30.000 tỉ của 35.000 nhà đầu tư trái phiếu

Giai đoạn 2 của đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB, VKSND Tối cao xác định Trương Mỹ Lan ( chủ tịch tập đoàn)  rửa tiền 445.747 tỷ đồng; vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới; và lừa đảo 30.081 tỷ đồng thông qua việc phát hành khống hơn 308 triệu cổ phiếu.

Theo đó, Cơ quan điều tra đã thu thập có đủ căn cứ chứng minh phương thức thủ đoạn gian dối của các đối tượng trong việc tạo lập trái phiếu của 4 Công ty . 4 công ty được chọn để thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu khống, gồm: Công ty An Đông; Công ty Quang Thuận; Công ty Sunny World và Công ty Setra. "KPI" mà bà Lan và 5 thuộc cấp đề ra là dùng 4 công ty trên để huy động tổng cộng 30.800 tỷ đồng từ việc bán trái phiếu khống, qua đó tạo dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho 8 công ty cùng "hệ sinh thái". 8 công ty sau đó sẽ mua lại số trái phiếu này của 4 công ty, phát hành dưới dạng trái phiếu riêng lẻ "nhằm mục đích bán trái phiếu rộng rãi cho hàng chục nghìn người dân", cáo trạng nêu. Cách làm này tương tự phương thức mà cha con cựu chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng áp dụng để phát hành 90 triệu trái phiếu khống thu lợi 14.000 tỷ đồng, vừa được xét xử hồi tháng 3.2024

Cụ thể, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã thành lập Công ty “ma” (không có bộ máy nhân sự, hoạt động thực tế), thuê người đứng tên thành lập Công ty, sở hữu cổ phần, tài sản, khoản vay, ký khống tài liệu, phục vụ cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn như vay vốn, phát hành trái phiếu, mua bán, chuyển nhượng cổ phần, tài sản.

Đến thời điểm khởi tố vụ án, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có 1.470 Công ty và gần 1.800 cá nhân để đứng tên thành lập doanh nghiệp, đứng tên khoản vay, cổ phần, tài sản, ký khống tài liệu, chứng từ. Đây tiền đề cho việc thực hiện thủ thuật tài chính thường gọi tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là “Giải quỹ”, thực chất là cho các Công ty chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức “hứa chuyển nhượng cổ phần” của các Công ty ma thuộc Tập đoàn với mức đơn giá cổ phần được nâng khống lên nhiều lần tùy vào quy mô và tài sản của các Công ty; làm căn cứ chuyển tiền và rút tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB mà không làm phát sinh thuế theo quy định của pháp luật.

Trương Mỹ Lan cũng là người ra chủ trương phát hành trái phiếu, lựa chọn tổ chức phát hành, trái chủ sơ cấp, chạy dòng tiền “khống” để tạo lập 25 gói trái phiếu “khống” bán cho các nhà đầu tư để chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng. Khi đã phát hành xong trái phiếu doanh nghiệp, thủ đoạn rút tiền và “cắt đứt”, che giấu dòng tiền để sử dụng của Trương Mỹ Lan và các bị can cũng rất tinh vi.

Sau khi Công ty Chứng khoán TVSI chuyển tiền về, các đối tượng đã thực hiện giao dịch rút tiền để sử dụng tại Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành bằng 2 hình thức rút tiền mặt trực tiếp và cho các cá nhân được thuê đứng tên ký chứng từ rút tiền mặt, nộp tiền mặt vào các tài khoản chỉ định, sau đó, tiếp tục đi lệnh chuyển tiền vào các tài khoản khác nhau để chiếm đoạt.

3-1721120642.jpg

Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm giai đoạn một của vụ án, hồi tháng 3 (Ảnh: Quỳnh Trần - Vnexpress.net)

Theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, sau khi thu được tiền từ việc bán trái phiếu, các đồng phạm đã thực hiện giao dịch chuyển tiền cho cá nhân được thuê để rút tiền tại SCB nhằm che giấu, "cắt đứt dòng tiền" và sử dụng toàn bộ tiền bán trái phiếu vào mục đích: trả nợ vay ngân hàng; trả gốc, lãi trái phiếu; chi dự án; chuyển tiền ra nước ngoài và mục đích cá nhân khác của bà Lan, dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.

5 công ty đã thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng trái phiếu qua lại với nhau và với các công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát rồi chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty Chứng khoán TVSI để bán ra thị trường cho 30.738 nhà đầu tư, thu về hơn 25.300 tỷ đồng. Riêng tại Setra, VKSND Tối cao còn cáo buộc công ty này không đủ điều kiện phát hành trái phiếu nhưng Chủ tịch Trần Văn Tuấn và Trần Thị Lan Chi (Kế toán trưởng) đã làm các tài liệu khống, sửa báo cáo tài chính từ "lỗ" sang "lãi", rồi cung cấp cho Công ty kiểm toán A&C.

Trong "thương vụ" lừa đảo 30.081 tỷ đồng qua trái phiếu khống, bà Trương Mỹ Lan bị VKSND Tối cao cáo buộc là người "chi phối, điều hành, chỉ đạo, quyết định" mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đường đi nước bước. Như vậy, chỉ trong 2 năm, các bị can đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.0000 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư - tức trung bình mỗi nhà đầu tư bị thiệt hại 860 triệu đồng.

Những bài học quan trọng cho các  nhà đầu tư

Hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế như tài chính, chứng khoán, đầu tư, nhất là là trái phiếu doanh nghiệp đã và đang làm nhức nhối dư luận xã hội với thủ đoạn hết sức tinh vi. Nhóm tội phạm trong lĩnh vực này đã lợi dụng triệt để sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để hoạt động phạm tội, gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và cá nhà đầu tư chân chính.

Không ít các doanh nghiệp đã lợi dụng phương thức huy động vốn bằng trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trục lợi, chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư. Điển hình như 2 vụ án xảy ra tại tập đoàn Tân Hoàng Minh và  Vạn Thịnh Phát nêu trên. Thực tế nếu không xử lý nghiêm những vụ việc như thế này thì nguy cơ sẽ còn rất nhiều vụ việc tương tự mà hậu quả rất khó lường. Vì thế, để nhận diện dấu hiệu lừa đảo của các doanh nghiệp dưới hình thức phát hành trái phiếu, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư cần tỉnh táo, kĩ lưỡng sẽ nhận ra những dấu hiệu gian dối thể hiện ở việc đề án kinh doanh không chính xác, các thông tin, cam kết đưa ra chỉ là hứa hẹn và không có, tính thanh khoản, sự nguỵ tạo khuyếch trương hoạt động kinh doanh, việc sử dụng tiền huy động được….

Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lính vực trái phiếu DN, nhà đầu tư trái phiếu DN cần có năng lực khả năng tự đánh giá; tăng cường trau dồi cập nhật kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo phương thức thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên các phương tiện, thông tin đại chúng. Đặc biệt nghiên cứu, kiểm tra kỹ về doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, cần đề phòng cảnh giác trước những khoản đầu tư mang lại “Lợi nhuận cao”.

1, Thứ nhất, Nhà đầu tư phải có năng lực đánh giá, có kiến thức nhất định về kinh tế, chứng khoán, trái phiếu, theo đó: 

- Cần xác định chủ thể phát hành của trái phiếu. Công ty đó đã niêm yết hay chưa, vì niêm yết rồi thì mọi thứ sẽ minh bạch hơn. Tình hình tài chính sẽ được công bố theo hàng quý và được kiểm toán 6 tháng, 12 tháng. Thông thường các công ty được niêm yết sẽ công bố thông tin rất đầy đủ, kể cả tình hình kinh doanh và tài chính, cả những hoạt động bất thường khác. Nên sẽ có độ tin tưởng tin cậy cao hơn so với các công ty chưa niêm yết.

- Cần tìm hiểu kĩ về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó trong những năm vừa qua. Có khả quan hay không? Doanh thu, lợi nhuận có theo chiều hướng tích cực hay không? Mục đích phát hành trái phiếu là gì. Thông thường việc phát hành trái phiếu có mục đích rất rõ ràng như đầu tư phát triển dự án, hay là mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, người đầu tư phải xem xét xem doanh nghiệp sử dụng vào mục đích đó có phải là quyết định đúng đắn hay không? Bởi vì họ đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh, và những hoạt động họ đang có lợi thế, thì sẽ khác với việc đầu tư vào các hoạt động đầu cơ, mua bán tài sản. Khi đó nhà đầu tư sẽ đánh giá được việc doanh nghiệp huy động vốn có thực tế hay không?

Dựa trên các yếu tố đó, nhà đầu tư sẽ đánh giá được trái phiếu này có tài sản đảm bảo là tài sản gì. Ví dụ như khi phát triển dự án thì doanh nghiệp có tài sản đảm bảo chính là dự án đó hoặc những tài sản hình thành sau này trên dự án. Hoặc tiền mặt, hoặc cổ phần của chính doanh nghiệp đó. Nhà đầu tư sẽ đánh giá được chất lượng tài sản đó có đủ giá trị đảm bảo khả năng thanh toán khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán cả gốc và lãi hay không? Tài sản đảm bảo phải liên quan đến một đơn vị thứ 3, được định giá bởi một công ty có giấy phép định giá.

- Tiếp đến cần đọc và hiểu được bản cáo bạch, trong đó có đầy đủ các phương án, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, có thông tin của các đơn vị tư vấn, đơn vị tham gia bảo lãnh phát hành và thanh toán. Phải có kiến thức tài chính đánh giá tài chính của công ty, phải có hiểu biết về kinh tế xã hội đánh giá về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp có khả quan hay không. Phải là nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp mới có năng lực làm điều đó. Đa phần những người mua trái phiếu đều không có năng lực đó, chủ yếu là mua do tin tưởng, rằng có ngân hàng bảo lãnh thì mua.

- Đặc biệt phải quan tâm đến chủ thể phát hành, những đơn vị phân phối trái phiếu đó cho mình. Chủ thể phát hành cho mình có phải là chủ thể chính hay không. Bởi hiện tại có rất nhiều công ty ví dụ như trong vụ Tân Hoàng Minh là họ mua lại trái phiếu của những công ty con của họ phát hành để lách quy định liên quan đến phát hành riêng lẻ. Sau đó dựa trên trái phiếu đấy, lại phát hành một loại trái phiếu của chính Tân Hoàng Minh hoặc của công ty mẹ mua lại, rồi bán cho rất nhiều nhà đầu tư, ở đây là trên 100 nhà đầu tư. Trong khi quy định là phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư và phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức đầu tư. Thì ở đây Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu không giới hạn, nhà đầu tư cũng không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

2, Nhà đầu tư cần có kiến thức về pháp luật, chính sách và những hiểu biết về ưu, nhược điểm của từng loại trái phiếu trước khi quyết định đầu tư

- Trước tiên nhà đầu tư cần hiểu trái phiếu là gì? Nhà đầu tư cũng cần hiểu những kiến thức tối thiểu về ưu và khuyết của trái phiếu DN so với các loại hình đầu tư khác hoặc so với tiết kiệm ngân hàng.  Theo khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành. Cụ thể, trái phiếu là giấy ghi nhận nợ quy định nghĩa vụ của công ty phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) một khoản tiền xác định. Vì thế đây là công cụ rất hữu hiệu của doanh nghiệp khi muốn huy động nguồn vốn từ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp.

4-1721120642.jpg

- Hiện nay, các doanh nghiệp muốn phát hành, chào bán trái phiếu phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Luật chứng khoán; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện chào bán chào bán trái phiếu được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Nghị định 08/2023/NĐ-CP…

- Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro trước khi xuống tiền đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư cần lưu ý trang bị đầy đủ hiểu biết về quy định của pháp luật về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận đầy đủ thông tin và đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng…Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời mà không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu hoặc chỉ mua trái phiếu vì lãi suất cao, tránh việc đầu tư thiếu hiểu biết, gây thiệt hại cho chính bản thân nhà đầu tư và không được pháp luật bảo vệ.

Trong đó cần đặc biệt lưu ý đánh giá mức độ rủi ro và cân nhắc những ưu, nhược điểm của từng loại trái phiếu trước khi quyết định đầu tư:

+ Đối với trái phiếu chuyển đổi, nhà đầu tư được đảm bảo hưởng mức lãi cố định khi chưa tiến hành việc chuyển đổi và không phải gánh chịu những rủi ro của công ty trên thị trường chứng khoán; có quyền lựa chọn, chuyển đổi sang cổ phiếu khi giá cổ phiếu tăng, hoặc giữ nguyên trái phiếu hưởng lãi suất khi giá cổ phiếu giảm; giá thị trường của trái phiếu chuyển đổi có chiều hướng ổn định hơn giá cổ phiếu trong thời kỳ thị trường xuống giá.

Tuy nhiên, trái phiếu chuyển đổi có mức lãi suất thấp hơn so với các loại trái phiếu khác; thời gian chuyển đổi thường dài nên tiềm ẩn các rủi ro như trong trường hợp doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất hay giải thể thì những người nắm giữ trái phiếu chuyển đổi sẽ mất đi đặc quyền chuyển đổi ngay lập tức.

+ Đối với trái phiếu kèm chứng quyền, chứng quyền được xem là công cụ phòng ngừa rủi ro hữu ích khi nhà đầu tư, nhà đầu tư sở hữu trái phiếu sẽ có quyền được mua cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu. Các chứng quyền sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán như cổ phiếu, nhà đầu tư được dùng tài khoản giao dịch cổ phiếu để mua/bán chứng quyền; khi giao dịch chứng quyền nhà đầu tư không phải ký quỹ…

Tuy nhiên, giá của chứng quyền có sự biến đổi và chịu tác động của nhiều yếu tố, chẳng hạn như biến động thị trường. Trong trường chứng khoán cơ sở bị tạm dừng giao dịch hoặc hủy niêm yết thì chứng quyền cũng bị gặp tình trạng tương tự. Đặc biệt lưu ý đến thời hạn chứng quyền, bởi thời điểm đáo hạn nhà đầu tư sẽ không được tiếp tục nắm giữ chứng quyền.

Ngoài những rủi ro từ thị trường thì phía doanh nghiệp cũng sẽ có những rủi ro bất ngờ như: doanh nghiệp phá sản dẫn đến việc nhà đầu tư phải chịu những khoản phí nhất định.

+ Đối với trái phiếu có đảm bảo,việc nắm giữ trái phiếu này được xem là có độ tin cậy cao cho trái chủ bởi trái phiếu có đảm bảo thường có tính ổn định hơn so với các loại trái phiếu khác do có cam kết từ phía đơn vị bảo lãnh thanh toán hoặc được đảm bảo bởi tài sản có giá trị giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Trái phiếu có đảm bảo thường có tính thanh khoản cao, có thể bán ra để thu hồi vốn và lợi nhuận nhanh chóng.

Tuy nhiên trước khi đầu tư, nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý về đơn vị bảo lãnh thanh toán; loại tài sản, tính pháp lý, giá trị của tài sản được sử dụng để đảm bảo cho trái phiếu... đối với những tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu. Nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro rất lớn khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu…

3, Các nhà đầu tư trái phiếu DN cần đề phòng cảnh giác cao trước những khoản đầu tư mang lại “Lợi nhuận cao bất thường”.

Những tổ chức phát hành có mức độ xếp hạng tín nhiệm cao hơn sẽ an toàn hơn cho nhà đầu tư. Lãi suất từ những tổ chức phát hành này có thể thấp hơn từ 0,5-1% so với các tổ chức phát hành có mức tín nhiệm thấp, nhưng sẽ an toàn cho nhà đầu tư tham gia nắm giữ.

4, Nhà đầu tư phải cân nhắc, chọn lựa trái phiếu của những doanh nghiệp uy tín, phát hành minh bạch, chiến lược kinh doanh ổn định, hoạt động hiệu quả; tuyệt đối không nghe tin đồn mà có thể bị ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, cần lưu ý phân định rõ và chọn mua trái phiếu được các ngân hàng, công ty chứng khoán phân phối bảo lãnh thanh toán trái phiếu vì bên bảo lãnh sẽ thực hiện trả gốc, lãi trái phiếu cho trái chủ trong trường hợp tổ chức phát hành không thực hiện được nghĩa vụ này đúng hạn. Đây chính là hình thức bảo đảm uy tín nhất và tốt nhất hiện nay cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cũng có các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán chỉ cung cấp dịch vụ phân phối trái phiếu doanh nghiệp, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành. Trường hợp này, các đơn vị này không bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu.

Hiện các công ty chứng khoán cung cấp nhiều sản phẩm đầu tư linh hoạt dành cho khách hàng. Nhà đầu tư có thể tùy chọn mua và nắm giữ trái phiếu từ ngày phát hành lần đầu đến thời điểm đáo hạn (thường là 12-36 tháng). Nếu không muốn nắm giữ đến đáo hạn hoặc có nhu cầu thanh toán, nhà đầu tư có thể giao dịch với nhà đầu tư khác trên cơ sở thỏa thuận trái phiếu của công ty chứng khoán mà mình đặt mua.

Trong tình huống bị chậm thanh toán lãi gốc, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận phương án thanh toán, bảo đảm quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.

Một số đề xuất kiến nghị về hoàn thiện chính sách

Thứ nhất, cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách. Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã hết hiệu lực (ngày 31/12/2023) , nên cần sớm nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định mới điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Bởi vai trò của “bàn tay hữu hình của Nhà nước” rất quan trọng. Sự can thiệp của Chính phủ không chỉ bằng cơ chế hay tháo gỡ pháp lý dự án, mà còn là các chính sách điều tiết mang tính can thiệp nhất định.

Thứ hai, phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai và cần rất nhiều nỗ lực để xây dựng được thói quen sử dụng việc xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức phát hành và người đầu tư như các thị trường lân cận. Hiện nay, Bộ Tài chính đã cấp phép kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho 3 DN đáp ứng đủ điều kiện và năng lực theo quy định của pháp luật, trong đó có 1 DN có cổ đông góp vốn thành lập là tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới là Moody’s, 2 DN còn lại đang có sự tham gia hỗ trợ kỹ thuật từ S&P và Fitch. Xếp hạng tín nhiệm sẽ là một công việc khó khăn ban đầu với tất cả các bên tham gia, nhưng về dài hạn sẽ tạo lập nên một thị trường trái phiếu lành mạnh và bền vững, có lợi cho tất cả các bên.

Thứ ba, cần sớm có khung pháp lý về trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, trái phiếu xã hội nhằm thúc đẩy những sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu.

Thứ tư, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ nhân sự phục vụ công tác này là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế để có những công cụ quy định pháp lý thực sự hiệu quả trong việc định hướng phát triển, quản lý, giám sát lĩnh vực này cũng rất cần thiết.

Thứ năm, cần sớm nhận diện và chỉ ra những hạn chế của khung pháp lý xác định thiệt hại cho nhà đầu tư trước hành vi công bố thông tin sai sự thật trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu một số giải pháp pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho nhà đầu tư theo luật chứng khoán của một số quốc gia, từ đó nghiên cứu hoàn thiện khung pháp luật liên quan ở Việt Nam.

Nam Kiên - Bùi Lộc

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin