(Pháp lý) – Mặc dù pháp luật về Chứng khoán của Việt Nam thời gian gần đây đã hoàn thiện đáng kể, đặc biệt chế tài đối với những hành vi vi phạm đã tăng nặng hơn khá nhiều so với những năm trước đây và tiệm cận với chế tài của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán hiện nay vẫn chưa có xu hướng giảm, thậm chí ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.
Điều này đặt ra yêu cầu đối với cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán (TTCK), củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thu hút nhà đầu tư mới. Đồng thời, cần tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, góp phần quan trọng trong bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, phát triển bền vững thị trường.
Những vi phạm điển hình trong lĩnh vực chứng khoán
Thời gian gần đây, vi phạm pháp luật trên TTCK Việt Nam diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Đáng chú, những vi phạm tập trung chủ yếu vào một số hành vi như: Vi phạm quy định công bố thông tin, giao dịch có dấu hiệu nội gián khi không báo cáo trước thời điểm tiến hành giao dịch hay hành vi thao túng giá chứng khoán…
Trong đó, vi phạm quy định công bố thông tin như: việc công bố thông tin không đảm bảo yêu cầu chính xác, kịp thời và đầy đủ có tác động không nhỏ đến giá cổ phiếu.
Điển hình như mới đây nhất, ngày 14/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) địa chỉ tại 57 Quang Trung, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Theo đó, Hancorp bị phạt tiền 70.000.000 đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Theo Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Hancorp đã công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về báo cáo thường niên năm 2018, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, báo cáo thường niên năm 2019 và năm 2020.
Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định số 144/QĐ-XPVPHC xử phạt hành chính Công ty cổ phần Đầu tư kiến trúc xây dựng Toàn Thịnh Phát (địa chỉ tại tầng 20, số 53-55 đường Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), số tiền 50 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm các hành vi vi phạm quy định về hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán chứng khoán riêng lẻ; vi phạm quy định trong quản trị công ty đại chúng, vi phạm trong lĩnh vực niêm yết chứng khoán, đăng ký giao dịch chứng khoán; vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán và giao dịch chứng khoán; vi phạm quy định về kinh doanh chứng khoán và hành nghề chứng khoán; vi phạm quy định về nghĩa vụ công bố thông tin… và thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK.
Trước đó, Ngày 9/6, UBCK đã xử phạt Công đoàn Công ty cổ phần Cấp nước Bà Rịa-Vũng Tàu theo Quyết định số 133/QĐ-XPVPHC vì bán 14.289 cổ phiếu BWS vào ngày 19/11/2020 nhưng không báo cáo dự kiến giao dịch…
Đáng nói, không chỉ có các doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin mà nhiều cá nhân cũng vi phạm quy định này. Điển hình như mới đây nhất, Bà Nguyễn Thị Nguyệt (địa chỉ tại số 6, đường số 6, Cư xá Đài Ra Đa, Phú Lâm, phường 13, quận 6, TP Hồ Chí Minh) bị phạt hành chính theo Quyết định số 135/QĐ-XPVPHC, số tiền 10 triệu đồng do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch; Bà Trần Thị Mai (địa chỉ tại 121B Mai Hắc Đế, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị phạt hành chính theo Quyết định số 140/QĐ-XPVPHC, số tiền 7,5 triệu đồng vì không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch; Bà Võ Thị Cẩm Hồng (địa chỉ tại 13.2 C/c 326/1 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, bị phạt hành chính theo Quyết định số 134/QĐ-XPVPH, số tiền 5 triệu đồng do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch…
Bên cạnh đó, nhiều vi phạm liên quan đến thao túng giá chứng khoán, giao dịch có tính chất nội gián diễn ra liên tục, lặp đi lặp lại. Đây là các hành vi chiếm tỷ trọng khá lớn trong những vụ UBCKNN phát hiện và xử phạt.
Cụ thể, năm 2017, UBCKNN xử phạt 5 trường hợp về thao túng giá chứng khoán; Năm 2018, con số này tăng lên 9 trường hợp với tổng số tiền phạt lên tới 5,1 tỷ đồng, chiếm hơn 25% trong tổng số tiền phạt cả năm, trong đó có 8 trường hợp cùng bị phạt 550 triệu đồng và không có biện pháp khắc phục hậu quả và chỉ có duy nhất một trường hợp yêu cầu nộp thêm số lợi bất hợp pháp thu được.
Năm 2019, UBCKNN xử phạt nhiều trường hợp thao túng giá chứng khoán (7 trường hợp trong 9 tháng đầu năm) và các trường hợp đều không phát hiện số thu bất hợp pháp. Năm 2020 ghi nhận tổng cộng 6 trường hợp thao túng giá chứng, trong đó 2 vụ xử phạt với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Không ít trường hợp thao túng giá chứng khoán bị xử phạt kịch khung nhưng tính chất, mức độ của vi phạm này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Năm 2020, UBCKNN ra quyết định xử phạt đối với 380 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 22,2 tỷ đồng; có 02 vụ án liên quan đến thao túng TTCK đã được xét xử.
Chế tài của pháp luật Việt Nam đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán
Theo tìm hiểu của Phóng viên, đến nay, pháp luật về Chứng khoán của Việt Nam đã hoàn thiện đáng kể, đặc biệt chế tài đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán đã tăng nặng hơn so với những năm trước và tiệm cận so với chế tài của nhiều nước trên thế giới.
Theo đó, ngày 26/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán 2019 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021 vừa qua với nhiều điểm mới mang tính đột phá như: Nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; nâng cao chất lượng báo cáo tài chính; đổi mới cơ chế đăng ký doanh nghiệp; tăng cường minh bạch thông tin; thống nhất một sở giao dịch chứng khoán; trao thêm thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; tăng chế tài xử lý vi phạm…
Cùng với đó, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cụ thể, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Riêng hành vi vi phạm sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán và thao túng thị trường chứng khoán thì mức phạt tiền tối đa đối với hành vi này là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định ở trên thì áp dụng mức phạt tiến tối đa quy định ở trên để xử phạt…
Đáng chú ý, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng dành riêng 1 điều (Điều 42) để quy định về xử phạt vi phạm quy định về công bố thông tin. Theo đó, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về phương tiện, hình thức công bố thông tin; Không lưu giữ thông tin công bố theo quy định pháp luật.
Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 4 Điều 123, khoản 3 Điều 124 Luật Chứng khoán; Công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 4 Điều 123, khoản 3 Điều 124 Luật Chứng khoán; Công bố thông tin cá nhân của chủ thể khi chưa được chủ thể đồng ý.
Ngoài ra, phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 4 Điều 123, khoản 3 Điều 124 Luật Chứng khoán; Không xác nhận hoặc đính chính thông tin hoặc xác nhận, đính chính thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật khi có thông tin làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán hoặc khi nhận được yêu cầu xác nhận, đính chính thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con theo quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 4 Điều 123, khoản 3 Điều 124 Luật Chứng khoán.
Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Đặc biệt, Bộ luật Hình sự 2015, cũng dành 4 điều, từ Điều 209 đến Điều 212 để quy định về các hành vi tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, gồm: Điều 209, Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Điều 210, Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Điều 211, Tội thao túng thị trường chứng khoán; Điều 212, Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.
Theo đó, chế tài hình sự đối với các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 gồm: Hình phạt tiền, bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 5 tỷ đồng đối với cá nhân và bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 10 tỷ đồng đối với pháp nhân. Hình phạt tù, từ 03 tháng đến 07 năm đối với cá nhân phạm tội.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể chịu hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2.tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Chế tài đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán của một số nước trên thế giới
Không chỉ ở Việt Nam, hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán còn xuất hiện ở nhiều nước có nền kinh tế phát triển. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư mà còn gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của TTCK. Bởi, pháp luật của nhiều nước rất nghiêm ngặt, luôn coi đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng và có chế tài trừng phạt nghiêm khắc.
Như tại Mỹ, từ năm 1933 đến năm 1940, Quốc hội Mỹ liên tục thông qua nhiều đạo luật như: Luật chứng khoán, Luật giao dịch chứng khoán và thành lập nhiều cơ quan quản lý có liên quan để thực hiện quản lý và kiểm soát hoạt động của các Sở giao dịch chứng khoán.
Theo Đạo luật Chứng khoán năm 1933 và Đạo luật Giao dịch chứng khoán Mỹ năm 1934, các nhân viên của Ủy ban Chứng khoán Mỹ – SEC có quyền: triệu tập nhân chứng, lấy lời khai hoặc lời chứng có tuyên thệ; thu thập bằng chứng, yêu cầu cung cấp bất kỳ tài liệu, hồ sơ nào mà SEC cho rằng có liên quan đến vụ việc; yêu cầu các cơ quan, tổ chức phối hợp trong việc xác minh, làm rõ, thu thập thông tin.
Đối với giao dịch nội gián, thao túng giá cổ phiếu có thể sẽ bị phạt tiền (xử lý dân sự) hoặc phạt tù (hình sự) hoặc cả hai. Theo Luật Chứng khoán và Giao dịch năm 1934, Mục 21A quy định “tiền phạt không vượt quá 1 triệu USD hoặc gấp 3 lần khoản lợi nhuận/khoản thua lỗ tránh được do hành vi vi phạm”. Theo nhận định của các chuyên gia, đối với nhà đầu tư, một số tiền phạt lớn sẽ làm nhà đầu tư chùn bước khi muốn giao dịch nội gián.
Ngoài ra, các công ty chứng khoán, công ty tài chính có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động hoặc nếu vi phạm nghiêm trọng, có thể bị cấm hoạt động trong ngành Tài chính/Chứng khoán suốt đời.
Còn tại Nhật Bản, các hình phạt chính đối với giao dịch không công bằng liên quan đến “thao túng thị trường” được quy định bởi Đạo luật về các công cụ tài chính và hối đoái như sau:
Cấm các hành vi thương mại không công bằng (Điều 157 của Đạo luật về các công cụ tài chính và hối đoái): Cấm các phương tiện, kế hoạch hoặc kỹ thuật không phù hợp trong các giao dịch mua bán như chứng khoán; Cấm lấy tiền, v.v. bằng cách khai man hoặc không hiển thị các vấn đề quan trọng trong giao dịch mua bán như chứng khoán; Nghiêm cấm sử dụng báo giá sai nhằm thu hút các giao dịch mua bán chứng khoán,…
Cấm phổ biến tin đồn và sử dụng hành vi giả mạo, công kích hoặc đe dọa nhằm mục đích định giá thị trường của chứng khoán, …(Điều 158 của Đạo luật về các công cụ tài chính và hối đoái, Nhật Bản)
Người thực hiện các hành vi liên quan sẽ bị phạt tù không quá 10 năm hoặc phạt tiền không quá 10 triệu yên. Hoặc sự kết hợp của nó. (Điều 197, đoạn 1, mục 5, Luật Công cụ Tài chính và Hối đoái, Nhật Bản). Tài sản có được do hành vi liên quan sẽ bị tịch thu. (Điều 198 của Đạo luật về các công cụ tài chính và hối đoái, Nhật Bản).
Tại Hàn quốc bán cổ phiếu hoặc thao túng giá thị trường bằng cách sử dụng thông tin không được tiết lộ trên thị trường chứng khoán là một tội nghiêm trọng và bị trừng phạt nghiêm khắc theo Đạo luật Thị trường Vốn.
Theo đó, Điều 443 Luật Thị trường Vốn (Hàn Quốc) quy định nếu lợi ích thu được từ hành vi thao túng giá thị trường chứng khoán dưới 100 triệu won sẽ bị kết án từ 6 tháng đến 1 năm tù. Nếu trên 100 triệu won và dưới 500 triệu won sẽ bị kết án từ 1 đến 4 năm tù. Nếu trên 500 triệu won và dưới 5 tỷ won sẽ bị kết án từ 3 đến 6 năm tù. Nếu 5 tỷ won trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 9 năm trở lên…
Tại Trung Quốc, theo Luật Chứng khoán của quốc gia này, bất kỳ ai cũng đều bị cấm thao túng thị trường chứng khoán bằng các phương thức sau: Cá nhân hoặc thông qua cấu kết, tập trung lợi dụng vốn, lợi dụng việc nắm giữ cổ phiếu, lợi dụng thông tin để cùng hoặc liên tục mua bán, thao túng giá, khối lượng giao dịch chứng khoán; Thông đồng với người khác giao dịch chứng khoán với nhau vào thời điểm, giá cả và phương thức đã thỏa thuận trước làm ảnh hưởng đến giá cả, khối lượng giao dịch chứng khoán; Thực hiện các giao dịch chứng khoán giữa các tài khoản mà mình thực sự kiểm soát làm ảnh hưởng đến giá hoặc khối lượng giao dịch chứng khoán; Thao túng thị trường chứng khoán bằng các thủ đoạn khác.
Người nào phạm tội thao túng giá giao dịch chứng khoán, hợp đồng tương lai, thì bị phạt tù có thời hạn không quá 5 năm hoặc bị tạm giữ hình sự, phạt tiền từ một lần đến năm lần thu nhập bất hợp pháp.
Còn ở Indonexia, Điều 104 Luật số 8 năm 1995 liên quan đến Thị trường vốn (Luật Thị trường vốn) quy định bất kỳ người nào trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi lũng đoạn thị trường với mục đích tạo ra một bức tranh sai lệch hoặc gây hiểu lầm về thương mại, tình hình thị trường hoặc giá chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán sẽ bị phạt tù trong thời hạn 10 (mười) năm và tiền phạt tối đa là 15 tỷ Rup…
Thay lời kết
Thiết nghĩ, TTCK càng phát triển thì tính chất, mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán sẽ ngày càng phức tạp và tinh vi gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của TTCK và gây thiệt hại cho nhà đầu tư, đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc phát hiện và xử lý.
Do đó, để giảm thiểu và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm nâng cao tính minh bạch của TTCK, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thu hút nhà đầu tư mới. Đồng thời, đẩy mạnh xử lý nghiêm các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, góp phần quan trọng trong bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, phát triển bền vững thị trường.
Xuân Trường