Nhắc lại một nguyên tắc then chốt trong công tác chống tham nhũng

(Pháp lý) - Về hưu nhiều năm nhưng thế sự vẫn đong đầy trong suy nghĩ của ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư). Biết Tạp chí Pháp lý đăng tải chuyên đề đặc biệt góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), với kinh nghiệm, trải nghiệm, thông qua Pháp lý, ông Hùng đã có một số hiến kế đối với công tác PCTN trong giai đoạn mới.

>> Vì sao tham nhũng vẫn chưa giảm?

>> Chống tham nhũng và những điều cốt tử

Phóng viên: Ông có nhận xét gì về những quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động PCTN hiện nay ?

Ông Vũ Quốc Hùng: Là người từng làm công tác PCTN, tôi nhận thấy muốn chống tham nhũng hiệu quả thì ta phải xây dựng một thiết chế để người có ý định tham nhũng không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng.

Để người có ý định tham nhũng không dám và không thể tham nhũng thì ta phải xây dựng hệ thống pháp luật thật chặt chẽ và có sức mạnh để đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên ở ta, hệ thống pháp luật vẫn còn kẽ hở, bất cập, nên tham nhũng vẫn lộng hành.

Xin ông nêu một ví dụ cho thấy sự hạn chế của pháp luật giúp tham nhũng lộng hành?

[caption id="attachment_146615" align="alignleft" width="410"]Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư trả lời phỏng vấn Phóng viên Pháp lý Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư trả lời phỏng vấn Phóng viên Pháp lý[/caption]

Tham nhũng có thể thực hiện bằng nhiều cách nhưng cuối cùng nó thể hiện dưới dạng tài sản là tiền, nhà đất, hàng hóa. Nếu ta kê khai cụ thể được tài sản của quan chức thì ta có thể kiểm tra và yêu cầu việc giải trình lý do tăng thêm hay giảm bớt của tài sản. Tài sản có thể tăng lên do được biếu xén nhưng cũng có thể bớt đi do bị biếu xén (chạy quyền, chạy chức)…

Từ khi ta có Nghị Quyết đại hội VI về xây dựng chỉnh đốn Đảng, ta đã đề cập đến hoạt động kê khai tài sản, minh bạch tài sản của quan chức với mục đích góp phần PCTN hiệu quả.

Việc minh bạch các quá trình của tài sản có ý nghĩa quan trọng với PCTN. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chúng ta có kê khai nhưng vẫn hình thức và kê khai sai cũng không bị truy đến cùng.

Ông có bình luận gì về hiện tượng nhiều quan chức lương “ba cọc ba đồng”, nhưng khi họ về hưu thì phát lộ ra nhiều tài sản đất đai khủng và người thân của họ rất giàu. Phải chăng từ trước đến nay, chúng ta bất lực với việc kiểm soát thu nhập của quan chức? Ông có hiến kế gì không?

Bản chất của tội phạm là sự che giấu. Tội phạm tham nhũng cũng vậy. Chuyện biến báo tài sản để phi tang tài sản do tham nhũng là có từ lâu. Tuy nhiên vì ngày xưa, của cải xã hội còn hạn chế, mức độ gian tham còn hạn chế nên tài sản nó không phải là vấn đề nổi cộm.

Qua theo dõi thực tế, tôi nhận thấy càng ngày tài sản tham nhũng càng được các quan tham biến báo khó lường. Có trường hợp quan chức tham nhũng nhưng tài sản có thể đã tẩu tán đi rất nhiều nơi. Trước đây, thời tôi còn làm việc, từng kiểm tra tài sản của Lã Thị Kim Oanh, khi các cơ quan vào cuộc kiểm tra, tài sản của Oanh không còn nhiều.

Trong một số vụ việc nổi cộm gần đây, dư luận và báo chí thông tin thì tài sản không được đứng tên trực tiếp kẻ tham nhũng mà đứng tên họ hàng, con cái. Thậm chí nó được chuyển ra nước ngoài.

Từ hiện tượng đó, theo tôi, kê khai tài sản là phải minh bạch hóa các tài sản của chính người đó đồng thời phải minh bạch cả tài sản những người liên quan. Có thể là chồng, vợ, bố mẹ, anh em và kể cả bạn hữu. Khi bước vào cụ thể, kê khai trực tiếp đến mức độ nào thì những người làm luật phải tính toán và nghiên cứu.

Có ý kiến cho rằng: hiện nay nhóm lợi ích đang lớn mạnh, bênh vực bảo vệ nhau, khiến công tác PCTN kém hiệu quả. Ý kiến của ông thế nào về thực tế này?

Trước đây, từ thời tôi còn làm, tôi còn nhớ một đề tài nghiên cứu, nhận dạng mối quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp. Nếu nó là một mối quan hệ bình thường thì quá tốt cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên nếu nó là một mối quan hệ xấu có yếu tố tham lam, vụ lợi thì gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Trong xã hội ngày nay, mối quan hệ đó ngày càng rõ ràng và lộ liễu. Một người làm sẽ không an toàn nên họ rủ nhau làm để có độ an toàn hơn. Và thực tế này đúng là ảnh hưởng rất lớn tới công tác PCTN hiện nay.

Nhóm lợi ích cấu kết để thực hiện tham nhũng, chạy chức, chạy quyền sẽ gây nguy hại thế nào cho đất nước, thưa ông?

Tôi thấy hiện nay khá phổ biến xu hướng vụ lợi trong công tác cán bộ. Có tình trạng bố chạy cho con, anh em, dòng họ chạy cho nhau. Những con người có được chức quyền chỉ nhờ vào đồng tiền, quan hệ mà không phải vì đức tài thì trước sau họ cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Chức càng cao mà không hoàn thành nhiệm vụ thì tổn hại càng lớn. Bản thân những người đó sẽ bị xã hội khinh rẻ, nhưng nghiêm trọng nhất là gây tổn hại cho quốc gia. Cho nên, chọn cán bộ mà theo kiểu chọn con cái hoặc bị mua chuộc là không thể chấp nhận được!

Hoặc có hiện tượng cán bộ yếu kém nhưng được nâng đỡ, chuyển hết vị trí này đến vị trí khác. Cán bộ vi phạm kỉ luật nhưng lại được “thăng chức”… Những cán bộ kiểu này móc nối với nhau họ có thể đục khoét rỗng ngân khố, thiệt hại cho đất nước rất lớn.

Hay có hiện tượng anh cán bộ bao che, bợ đỡ lẫn nhau. Vừa rồi có vụ việc thanh tra giao thông nhận hối lộ 3, 5 tỉ đồng nhưng lãnh đạo của đơn vị đó lại tỏ ra “sửng sốt” khi biết chuyện. Tôi cho rằng đó là điều ngụy biện. Việc nhận nhiều tiền của thanh tra là hiện tượng tham nhũng rõ ràng. Thế nhưng đằng sau đó là hiện tượng tham nhũng trong công tác cán bộ. Có dấu hiệu vụ lợi đằng sau thì lãnh đạo mới không biết nhân viên “ăn tiền” của doanh nghiệp như thế.

Ngoài ra, hiện tượng tham nhũng trong làm chính sách nó cũng từ lợi ích nhóm mà ra. Cấu kết thành nhóm để có thể tham nhũng an toàn và hiệu quả hơn. Tất cả những điều đó cực kì nguy hại với xã hội.

Ông đánh giá mức độ của tình trạng này ở Việt Nam hiện nay và sự ảnh hưởng tiêu cực thế nào của nó đến sự phát triển kinh tế xã hội?

Đó là những mối quan hệ chằng chịt và phức tạp. Mối quan hệ đó ngày càng rõ ràng và lộ liễu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ở Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, những vấn nạn tham nhũng trên (chạy chức, chạy quyền, chạy chính sách) đã xuất hiện âm ỉ lâu rồi. Nhưng cho đến nay, chưa thấy công khai được một địa chỉ, một cá nhân nào tham nhũng chính sách, tham nhũng trong công tác cán bộ. Theo ông, vì sao bắt tội phạm tham nhũng này lại khó đến vậy?

Tôi đã nói rằng vì nó cấu kết, bao bọc với nhau nên rất khó bị phát hiện. Tôi đề nghị báo chí lên án thật mạnh mẽ những vấn nạn đó, giúp đưa ra ánh sáng những nhóm lợi ích hại nước, hại dân.

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN hiện nay?

Theo tôi, quyết tâm chống tham nhũng của ta là cao, nhưng mức độ tinh vi, biến báo của tội phạm tham nhũng cũng nhiều và lớn.

Những trở ngại như đã phân tích ở trên khiến hoạt động của các cơ quan có nhiệm vụ PCTN được nhân dân đánh giá chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được mong mỏi của cử tri.

[caption id="attachment_146614" align="aligncenter" width="410"]Để công tác chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, thì các cán bộ trong các cơ quan điều tra chống tham nhũng phải thực sự liêm chính (ảnh minh họa) Để công tác chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, thì các cán bộ trong các cơ quan điều tra chống tham nhũng phải thực sự liêm chính (ảnh minh họa)[/caption]

 

Và câu hỏi cuối cùng, hiện nay có mấy luồng ý kiến về việc trao quyền cho một cơ quan điều tra chống tham nhũng độc lập, có ý kiến nên trao cho Quốc hội, có ý kiến nên trao chức năng này cho một cơ quan trực thuộc Đảng. Còn quan điểm của cá nhân ông?

Theo tôi, các cơ quan chống tham nhũng hiện nay đã đầy đủ. Chỉ cần phát huy sức mạnh của chính họ trong PCTN mà thôi. Ta có nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong suốt những năm đương chức, tôi nhận thấy nếu thực hiện tốt nguyên tắc này ta sẽ chống được tham nhũng hiệu quả.

Có thể dẫn chứng từ hiệu quả trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng trong những vụ việc trước đây. Trước đây, vụ án Năm Cam - một tay xã hội đen đình đám đứng ra tổ chức đánh bạc, bảo kê tại TP Hồ Chí Minh. Không chỉ hoạt động một mình, y còn phối hợp với các quan chức, được nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của cơ quan luật pháp dưới hình thức này hay hình thức khác bảo vệ.

Năm Cam hoành hành ở TP HCM như là nhà mình. Thế nhưng, khi Năm Cam coi thường pháp luật quá mức, vi phạm trắng trợn, ta vẫn đưa Năm Cam ra ánh sáng và nhiều cán bộ cấp cao sau đó bị xử lý.

Nói vậy để thấy, chống tham nhũng muốn hiệu quả ta cần sức mạnh tổng hợp, tức là nhiều cơ quan tham gia và kêu gọi sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Phan Minh (ghi)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin