Nguyên thủ quốc gia dính bê bối tài chính: Quy trình điều tra, xử lý diễn ra đặc biệt thế nào?

(Pháp lý) - Trong bất kỳ hình thức chính thể nào, các nguyên thủ quốc gia, Tổng thống, Thủ tướng hay Nghị sĩ đều có các quyền miễn trừ để đảm bảo công tác hoạt động cấp cao của họ. Chính vì thế mà trong trường hợp những nhân vật này vướng vào các bê bối tài chính hoặc có vi phạm pháp luật thì việc điều tra theo lối thông thường sẽ không được diễn ra. Thay vào đó là những cơ quan đặc biệt cùng với các thủ tục đặc biệt sẽ được áp dụng đối với những nhân vật cũng rất “đặc biệt” này.

Bê bối tài chính khiến nhiều nguyên thủ quốc gia bị phế truất

Năm 2016 – 2017, khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc lên đến đỉnh điểm với vụ bê bối tài chính của nữ Tổng thống Park Geun – Hye. Bà bị cáo buộc là đồng phạm trong vụ tham nhũng của người bạn thân Choi Soon – Sil và chính thức bị phế truất chức vụ Tổng thống vào ngày 10/3 vừa qua sau khi Tòa án Hiến pháp nhất trí với quyết định này của Thượng nghị viện.

Thế nhưng đây không phải trường hợp đầu tiên thế giới chứng kiến một nữ Tổng thống bị phế truất liên quan đế bê bối tài chính. Trước đó, vào 31/8/2016, nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cũng chính thức bị Thượng viện Brazil bãi nhiệm khỏi vị trí này. Bà Rousseff bị cáo buộc lũng đoạn ngân sách với những hành vi phi pháp nhằm che đậy sự thâm hụt ngân sách, chậm thanh toán cho các ngân hàng nhằm làm giảm mức thấu chi ngân sách năm 2014, từ đó tạo “tấm đệm” dày cho việc bà tái đắc cử vào năm đó.

 Tổng thống Hàn Quốc Park Geun – Hye bị phế truất vào đầu tháng 3 vừa qua
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun – Hye bị phế truất vào đầu tháng 3 vừa qua)

 

Góp mặt vào bức tranh đen tối trên còn có một số “đấng mày râu” là nguyên thủ quốc gia của các nước lớn trên thế giới. Đầu tiên phải kể đến vụ việc của Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma. Đầu năm 2016, Tổng thống Zuma đã bị cáo buộc liên quan đến một số vụ tham nhũng và lạm quyền, trong đó có vụ bê bối sử dụng công quỹ để xây dựng và sửa chữa tư dinh tại quê nhà. Tòa án Hiến pháp Nam Phi đã buộc Tổng thống Zuma phải hoàn trả Nhà nước 500.000 USD và số tiền trên đã được ông hoàn trả vào tháng 9/2016. Sau sự việc, nhiều phe phái đối lập và Nghị sỹ của Nam Phi đã yêu cầu ông Jacob Zuma phải từ chức. Rất nhiều cuộc biểu tình cũng nổ ra, tuy nhiên cho đến nay, ông Jacob Zuma vẫn “yên vị” với chiếc ghế Tổng thống Nam Phi của mình.

Ở châu Âu, Pháp là nước được điểm tên trong danh sách các quốc gia có những nhân vật đứng đầu bộ máy nhà nước dính vào bê bối tài chính, trong năm 2016 - đầu 2017. Vụ bê bối tập trung vào ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Francois Fillon. Ông Francois Fillon bị cáo buộc rằng: trong thời gian làm Thủ tướng (2007 – 2012) và Nghị sĩ sau đó, ông đã sử dụng công quỹ để trả lương cho vợ và con bằng cách “tạo việc làm giả” với tư cách là trợ lý Quốc hội. Cuộc điều tra đã được tiến hành vào ngày 25/1 bởi Viện Công tố tài chính Quốc gia Pháp và đến ngày 14/3, ứng cử viên Tổng thống đã chính thức bị khởi tố vì tội “lạm dụng công quỹ”, “sử dụng sai mục đích tài sản công” và một số tội danh khác. Vụ bê bối tài chính đã khiến uy tín của ông Fillon sụt giảm mạnh nhưng ông khẳng định vẫn quyết tâm theo đuổi chiến dịch tranh cử Tổng thống nhằm chấn hưng và hiện đại hóa nước Pháp.

  Biểu tình yêu cầu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma từ chức.
Biểu tình yêu cầu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma từ chức.)

Trở lại Châu Á vài năm về trước, thời sự thế giới cũng không ít lần đưa tin các sự việc người đứng đầu Chính phủ bị phế truất hoặc bị buộc phải từ chức liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có một phần thuộc về vấn đề tài chính: Vào tháng 5/2014, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bị Tòa án Hiến pháp nước này ra quyết định phế truất do lạm quyền khi thuyên chuyển quan chức, mưu đồ trục lợi cho người thân và có nhiều khuất tất trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân.

Nhật Bản là quốc gia được thế giới đánh giá cao với văn hóa “tự từ chức” của các lãnh đạo cấp cao Nhà nước và Thủ tướng cũng không ngoại lệ: Trước ông Shinzo Abe 2 nhiệm kỳ, người giữ vị trí Thủ tướng Nhật Bản là ông Naoto Kan (2010 – 2011). Trong khoảng thời gian này, do dính vào bê bối tài chính bị cho là vi phạm Luật quản lý quỹ chính trị Nhật Bản, ông Naoto Kan đã bị yêu cầu từ chức. Cuối cùng, sau một thời gian chịu sức ép gay gắt cộng thêm việc bị chỉ trích dữ dội vì không chứng tỏ được khả năng lãnh đạo tốt sau thảm họa động đất sóng thần, ông Naoto Kan đã tuyên bố từ chức chủ tịch Đảng Dân chủ cầm quyền và ghế Thủ tướng vào cuối tháng 8/2011, mở đường cho Thủ tướng mới lên nhậm quyền.

Cơ chế kiểm soát, điều tra và xử lý vi phạm đối với các lãnh đạo cấp cao ở một số nước

Một đặc điểm chung mà chúng ta dễ nhận thấy trong các vụ xử lý bê bối, sai phạm liên quan đến các nhân vật cấp cao ở một số quốc gia trên thế giới, chính là có sự hiện diện của “Tòa án Hiến pháp”, “Thượng nghị viện”…Những cơ quan này có vai trò gì trong quá trình này? Quy trình kiểm soát, điều tra và xử lý đối với những nhân vật “đặc biệt” nói trên diễn ra như thế nào? Pháp lý sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu ngay sau đây:

Tổng thống, Thủ tướng, Nghị sĩ hay bất kỳ nhân vật cấp cao nào trong bộ máy Nhà nước của nhiều quốc gia trên thế giới thường có những đặc quyền mà Hiến pháp quy định nhằm đảm bảo tính độc lập và hiệu quả hoạt động của họ. Các đặc quyền đó thường bao gồm quyền không phải chịu trách nhiệm về dân sự và hình sự (tất nhiên vẫn phải chịu trách nhiệm về mặt chính trị) về những phát biểu hay biểu quyết của mình tại Nghị viện; quyền không bị bắt giam (trừ trường hợp bị bắt quả tang) hoặc không bị truy tố hoặc bị xét xử mà không có sự cho phép trước của Nghị viện.

Ở các nước theo mô hình Cộng hòa Tổng thống (Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Brazil…), Cộng hòa đại nghị (Nam Phi, Ấn Độ, Đức…), Quân chủ nghị viện (Nhật Bản, Anh, Thái Lan…) hay Cộng hòa hỗn hợp (Pháp…) thì Tồng thống, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thường có quyền lực hành pháp rất lớn. Do đó để kiểm soát, điều tra, xử lý những hành vi lạm quyền hoặc vi phạm pháp luật, Nghị viện phải dùng đến những cơ chế sau đây: Bỏ phiếu bất tín nhiệm; Ủy ban điều tra; Luận tội.

Ứng cứ viên Tổng thống Pháp Francois Fillon
Ứng cứ viên Tổng thống Pháp Francois Fillon)

Thứ nhất, về cơ chế Bỏ phiếu bất tín nhiệm, đây được coi là cấp “xử lý” đầu tiên và chỉ mang tính chính trị khi có sai phạm xảy ra đối với các nhân vật cấp cao: Một cá nhân Tổng thống, Thủ tướng hay các thành viên của bộ máy hành pháp mà hoạt động không tốt thì trước hết sẽ gây ra điều tiếng cho chính phủ của họ. Khi đó Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện, Nghị viện tỏ thái độ trước kết quả hoạt động của Chính phủ bằng cách bỏ phiếu bất tín nhiệm chính nhiệm. Sở dĩ ở đây nói đến trách nhiệm chính trị vì cơ sở để quy trách nhiệm là sự đánh giá chính sách, đường lối hoạt động chính trị của Chính phủ và các thành viên.

Bỏ phiếu bất tín nhiệm có lẽ là cơ chế có tính thủ tục Nghị viện nổi trội nhất ở các nước theo mô hình quân chủ Nghị viên như Nhật Bản, Anh. Cơ chế này buộc Chính phủ mỗi nhiệm kỳ phải tự bảo vệ mình bằng cách giải trình về các chính sách, thanh minh các hành động của Chính phủ đối với các Nghị sĩ của mình và cả Đảng đối lập.

Cơ chế thứ hai – Ủy ban điều tra của Nghị viện: Việc thành lập các Ủy ban điều tra về hoạt động sai phạm của cơ quan hành pháp đặc biệt phổ biến ở các nước theo mô hình cộng hòa Tổng thống. Ở các nước theo mô hình Nghị viện Anh, Nhật cũng có thể thành lập các Ủy ban điều tra tuy nhiên lại ít được sử dụng hơn so với các nước có chính thể cộng hòa Tổng thống. Đặc điểm của hoạt động này là điều tra sự lạm dụng công quyền không chỉ trong các cơ quan hành pháp (mà cả tư pháp) với các hoạt động cơ bản như: tìm hiểu các tài liệu ở các cơ quan nhà nước; kiểm tra những địa điểm cần thiết; triệu tập các nhân chứng…Họ có quyền triệu tập cả nhân chứng là Tổng thống, trong đó sự có mặt nhân chứng là bắt buộc.

Ở Hoa Kỳ (đại diện cho mô hình cộng hòa Tổng thống), hoạt động điều tra của các Ủy ban và tiểu ban trong Quốc hội được biết đến rộng rãi trên thế giới. Hoạt động này thậm chí có thể dẫn đến sự từ chức bất đắc dĩ của Tổng thống như đã từng xảy ra vào năm 1974, khi hoạt động điều tra của một ủy ban của Hạ viện Hoa Kỳ đã dẫn đến sự từ chức của Tổng thống Nixon.

Cơ chế cuối cùng – Luận tội: Cơ chế này tiến hành sau hoạt động điều tra của Ủy ban điều tra và đi đến việc áp đặt trách nhiệm pháp lý của các nhà chức trách thuộc nhánh hành pháp cũng như tư pháp. Cơ sở quy trách nhiệm là sự vi phạm pháp luật. Tuy vậy, trách nhiệm pháp lý ở đây cũng chỉ là sự truất quyền nhân vật bị luận tội, kéo theo việc mất quyền miễn trừ và tạo điều kiện cho việc truy tố hình sự theo thủ tục bình thường.

Liên hệ đến các vụ phế truất Tổng thống đã đề cập ở phần trên, việc bãi nhiệm chức vụ Tổng thống Hàn Quốc hay Thủ tướng Thái Lan…chỉ là sự kết thúc quá trình xử lý mang tính chính trị tại Quốc hội. Nhưng đó có thể lại là sự khởi đầu cho quy trình truy cứu trách nhiệm hình sự tiếp theo như bao quy trình tố tụng hình sự khác đối với những công dân bình thường.

Trong thực tiễn hoạt động của Nghị viện các nước, có ba hình thức luận tội phổ biến nhất được áp dụng: Hình thức thứ nhất – Nghị viện hoặc một Viện của Nghị viện chỉ có vai trò buộc tội, còn vụ việc về trách nhiệm pháp lý sẽ được giải quyết ở tòa án do Nghị viện lập ra (thông thường Thượng viện lập ra tòa án này). Trong trường hợp cần thiết, tòa án đó có thể hoạt động như một tòa án bình thường và xem xét cả trách nhiệm hình sự. Tiêu biểu là Nghị viện Pháp, Nam Phi…

Hình thức thứ hai – cả quá trình luận tội (từ buộc tội đến kết tội và quyết định trách nhiệm pháp lý) diễn ra trong khuôn khổ Nghị viện (Hạ viện buộc tội, Thượng viện kết tội và quyết định trách nhiệm pháp lý), sau đó mới có thể diễn ra thủ tục tố tụng hình sự ở tòa án riêng biệt. Tiêu biểu là Nghị viện ở các nước Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản…

Hình thức thứ ba – Nghị viện hoặc một viện của Nghị viện cũng bị giới hạn trong việc buộc tội, còn vụ việc cơ bản được giải quyết ở cơ quan tài phán hiến pháp (Chính là Tòa án Hiến pháp ở một số nước); cơ quan này chỉ phán xét về trách nhiệm hiến pháp, truất quyền của nhân vật bị luận tội. Hình thức này được áp dụng ở Hàn Quốc, CHLB Đức,…

Khác biệt tiếp theo là đối tượng của việc luận tội: Theo Hiến pháp Hoa Kỳ (và một số nước có chính thể cộng hòa Tổng thống như Hàn Quốc, Brazil…) Tổng thống, Phó Tổng thống, các Thẩm phán và các công chức nhà nước cấp Liên bang đều có thể bị luận tội bởi Nghị viện; Ở Italia, Pháp, Đức, Nga, hình thức luận tội chỉ áp dụng cho Tổng thống; còn ở Nhật Bản, chỉ Thẩm phán mới bị luận tội, do đó trong vụ bê bối của Thủ tướng Naoto Kan, ta không thấy có sự việc vị Thủ tướng này trải qua quy trình luận tội ở Nghị viện mà chỉ bị yêu cầu từ chức.

Tuệ Lâm

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin