Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC, TS. Dương Thanh Biểu và chuyện “hậu trường” phá án tham nhũng giờ mới kể

18/02/2019 13:32

(Pháp lý) - Hơn 30 năm gắn bó với ngành Kiểm sát, kinh qua nhiều vị trí công tác, đúc rút được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC Dương Thanh Biểu đã trực tiếp tham gia chỉ đạo, phá thành công nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng.

Trong không khí “lò rực lửa” hiện nay, ông Biểu đã không ngần ngại chia sẻ “hậu trường” phá một số đại án tham nhũng trước đây và kiến nghị một số giải pháp để công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay hiệu quả hơn.

“Hậu trường” phá hai đại án tham nhũng nghiêm trọng, “chạm tới” cán bộ cấp cao

Những năm cuối thập kỷ 70, một vụ đại án tham nhũng hàng trăm cây vàng đã xảy ra ở Đồng Nai gây chấn động dư luận, mà kẻ đầu vụ này không ai khác lại là Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Giộc. Ít ai biết thời điểm đó, TS. Dương Thanh Biểu là điều tra viên cao cấp của vụ án này. Ông kể: "Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Khi ấy, Nguyễn Hữu Giộc bị truy tố với nhiều tội danh, trong đó có tội cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án gây hậu quả nghiêm trọng; tội tham ô tài sản XHCN (thu và chiếm đoạt 1.979 lượng vàng); tội nhận hối lộ; tội cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản XHCN. Với những bằng chứng không thể chối cãi, ngày 1/11/1984, bản án sơ thẩm đồng thời là chung thẩm số 01-HS/SCT đã tuyên phạt Nguyễn Hữu Giộc án tử hình, còn một số bị cáo khác bị tuyên phạt tù có thời hạn.

TS. Dương Thanh Biểu – khi đương chức Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại một Hội nghị
TS. Dương Thanh Biểu – khi đương chức Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại một Hội nghị)

Tuy nhiên có một đại án tham nhũng khác rất phức tạp mà đến giờ ông Biểu vẫn còn “lưu giữ nhiều kỷ niệm”, đó là vụ Lã Thị Kim Oanh (trong vụ án này có 2 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng bị truy tố). Ông kể: “Năm 2000, tôi được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng VKSND Tối cao. Sau đó không lâu thì xảy ra vụ án Lã Thị Kim Oanh. Đây là vụ án rất phức tạp, cơ quan điều tra phải mất gần hai năm điều tra và xác minh hàng trăm cơ quan, hàng chục địa phương và gặp hàng ngàn người để thu thập chứng cứ. Với cương vị Viện Phó, tôi tham gia chỉ đạo kiểm sát điều tra vụ án này”. Lã Thị Kim Oanh là giám đốc Công ty Tiếp thị và Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT. Từ năm 1995 đến 1999, Kim Oanh và đồng phạm đã sử dụng vốn do ngân sách Nhà nước cấp cũng như đi vay các ngân hàng để thực hiện dự án nhưng sau đó đã tham ô hơn 70 tỉ đồng và hơn 92.000 USD, cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 34 tỉ đồng và 3.000 USD. Hai nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT là Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân cùng hai nguyên Vụ trưởng của Bộ này là Phan Văn Quán và Huỳnh Xuân Hoàng phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, ngày 2/12/2003, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Kim Oanh mức án tử hình về tội “Tham ô” và “Cố ý làm trái”; nguyên Thứ trưởng (thường trực) Nguyễn Quang Hà và nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân cùng bị ba năm tù, hai nguyên vụ trưởng Huỳnh Xuân Hoàng và Phạm Văn Quán cùng bị bốn năm tù.

Nhớ lại thời điểm đó, TS. Dương Thanh Biểu chia sẻ: Trước phiên xử sơ thẩm, dư luận cho rằng VKSND Tối cao còn để lọt tội phạm (hàm ý trách nhiệm của ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng khi đó và ông Nguyễn Công Tạn - cựu Bộ trưởng, lúc ấy đang là Phó Thủ tướng). Thậm chí ngay trong VKSND Tối cao cũng râm ran dư luận này. Sau phiên tòa sơ thẩm, dư luận và công luận cho rằng việc xét xử chưa nghiêm, chưa công bằng, nhiều nhân chứng quan trọng không có mặt tại phiên tòa làm cho vụ án chưa thấu tình đạt lý. Không chỉ thế, những bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng hành vi ký xác nhận cho Lã Thị Kim Oanh vay tiền của các ngân hàng đã được báo cáo cho Bộ trưởng biết. Dư luận đề nghị cần đối chất giữa các bị cáo với Bộ trưởng đương chức khi đó, ông Lê Huy Ngọ và cựu Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn. Không ít bài báo khi đó ám chỉ cơ quan tố tụng đã để lọt những bị can quan trọng.

Ông Biểu nhớ lại: “Khi đó, với trách nhiệm tham mưu, tôi trao đổi với Viện trưởng Hà Mạnh Trí về những dư luận bức xúc nói trên. Tại tòa, các bị cáo và Luật sư đều tập trung khai thác những vấn đề liên quan đến trách nhiệm Bộ trưởng nhưng không có các vị ấy để đối chất. Mặt khác, Lã Thị Kim Oanh tham ô số tiền hơn 70 tỉ đồng nhưng khi khám nhà bị cáo lại không thu được gì đáng kể”… Lúc đó, tôi đã đề xuất kế hoạch đối chất giữa các bị cáo và được Viện trưởng Hà Mạnh Trí đồng ý (chủ yếu là đối chất hai nguyên Thứ trưởng với Bộ trưởng Lê Huy Ngọ và cựu Bộ trưởng - Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn).

Ngay sau đó, ngày 18/2/2004, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Dương Thanh Biểu đã ký giấy giới thiệu cho Vụ phó 2A Mai Anh Thông trực tiếp sang gặp ông Nguyễn Công Tạn và ông Lê Huy Ngọ đặt vấn đề tiến hành đối chất. Ông Tạn và ông Ngọ đồng ý. Sáu ngày sau, tại trụ sở Bộ NN&PTNT, chúng tôi tiến hành cuộc đối chất. Hôm đó, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ trông rất buồn, những nếp nhăn như hằn sâu thêm trên vầng trán làm cho khuôn mặt vốn khắc khổ của ông càng khắc khổ hơn. Tôi từng làm việc nhiều lần với ông nhưng hôm đó trông ông già hẳn. Ai từng bị dư luận, báo chí “kết tội” sai, hẳn hiểu được nỗi khổ của ông Ngọ lúc đó.

Kết quả phiên đối chất đúng như sự tiên liệu cả hai nguyên Thứ trưởng - bị cáo trong vụ án - khi ký giấy tờ xác nhận cho Lã Thị Kim Oanh vay tiền đều không có bằng chứng thể hiện có báo cáo Bộ trưởng Lê Huy Ngọ. “Buổi đối chất kết thúc, nét mặt Bộ trưởng dãn ra, đượm nét tự tin nhưng ông cũng hơi thấm mệt. Tôi bắt tay ông định tạm biệt thì bộ trưởng nắm chặt tay tôi kéo vào phòng ông. Tôi đi theo như bị thôi miên. Trong câu chuyện, tôi nhắc lại lời đề nghị ông ra tòa vào phiên phúc thẩm. Tôi chưa kịp nói hết câu thì bộ trưởng chìa tay cho tôi bắt và nói như đinh đóng cột: “Tôi sẽ ra tòa. Nhất định tôi sẽ ra tòa”. Ngày 22/3/2004, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm. Bộ trưởng Lê Huy Ngọ có đơn xin vắng mặt trong ngày khai mạc vì “bận công việc đã có lịch trước” nhưng hứa “sẽ có mặt khi tòa yêu cầu ra làm chứng”. Và ông Ngọ đã giữ đúng lời hứa ấy. Kết quả tòa tuyên y án tử hình đối với Lã Thị Kim Oanh (sau này Chủ tịch nước đã ân giảm cho Lã Thị Kim Oanh xuống còn chung thân); giảm án cho bị cáo Luân, nguyên Thứ trưởng, từ ba năm xuống còn hai năm tù nhưng cho hưởng án treo, giữ nguyên mức án ba năm tù đối với bị cáo Hà, nguyên Thứ trưởng nhưng cho hưởng án treo.

Chống tham những cần “bàn tay sạch” và phải không có “vùng cấm”

Về những áp lực ngày đó khi tham gia phá các vụ án kinh tế có liên quan tới những quan chức cấp cao, ông Biểu không ngần ngại chia sẻ: Khi tham gia phá các vụ án lớn, đối diện với những “vùng cấm”, đúng là có những áp lực. Nhưng với tôi, áp lực lớn nhất của các cơ quan bảo vệ pháp luật là phải bảo đảm vụ án được xét xử chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bản án được tuyên các bị cáo phải tâm phục, khẩu phục. Những yêu cầu đó chính là áp lực công việc mà những người thực thi pháp luật phải nỗ lực phấn đấu vượt qua. Sau đó mới là áp lực trước các bị cáo phạm tội tham nhũng có quyền và có tiền nên sẵn sàng mua chuộc hoặc nhờ người can thiệp. Đây là áp lực rất lớn, đã và đang đặt ra cho người thực thi pháp luật phải kiên quyết vượt qua. Bởi vì, khi bàn tay của người thực thi công vụ “nhúng chàm” thì sẵn sàng bóp méo sự thật và chắc chắn vụ án sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết. Từ kinh nghiệm nghề nghiệp, TS. Dương Thanh Biểu cho rằng vượt qua những áp lực này không phải chuyện dễ. Kinh nghiệm từ bản thân, muốn thực hiện tốt nguyên tắc không có “vùng cấm” trong đấu tranh với tội phạm thì người thực thi công vụ phải có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi và tư cách đạo đức phẩm chất tốt, đặc biệt phải có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có tinh thần đấu tranh không khoan nhượng đối với những hành vi phạm tội tham nhũng và kiên quyết không để mình bị mua chuộc cám dỗ.

 Bị cáo Lã Thị Kim Oanh được dẫn giải ra Tòa (ảnh tư liệu)
Bị cáo Lã Thị Kim Oanh được dẫn giải ra Tòa (ảnh tư liệu))

Vậy ngày đó, ông có nhận được chỉ đạo hay thư từ nhờ vả, can thiệp? TS. Dương Thanh Biểu thẳng thắn bộc bạch: Khi là Phó Viện trưởng VKSNDTC, được phân công chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc xét xử hình sự, tôi cũng nhận được nhiều thư từ các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan, tổ chức và của nhân dân yêu cầu xem xét các vụ việc cụ thể. Nhưng đó là những đơn, thư kêu oan mà thôi. Còn những ý kiến đề nghị can thiệp nhằm nhờ gỡ tội cho ai đó thì chưa gặp trường hợp nào. Ông cho rằng nguyên tắc hoạt động của các cơ quan tố tụng, tư pháp phải thật sự được độc lập, tinh thần thượng tôn pháp luật được tuân thủ cao nhất. Với tôi sự chỉ đạo của các cấp đối với công tác PCTN được đặt ra như một yêu cầu tất yếu. Nếu vừa qua, không có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo PCTN Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì việc giải quyết những vụ đại án tham nhũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi nói sự chỉ đạo của các cấp, chúng ta cũng nên chú ý, đó là những quan điểm về chủ trương lớn, phương hướng tiến hành và thủ tục khi xem xét đối với các trường hợp thuộc các cấp ủy quản lý. Đồng thời, sự chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành để bảo đảm thời gian hoàn thành giải quyết vụ án với chất lượng cao nhất. Còn đối với việc thu thập và đánh giá chứng cứ, vận dụng pháp luật để xác định tội danh, hình phạt thì thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan tư pháp. Pháp luật đã quy định rõ, không ai được can thiệp vào công tác xét xử. Khoản 2, Điều 103, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”.

Với thực tiễn, kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác tố tụng, ông Biểu cũng thừa nhận việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng như khắc phục hậu quả thiệt hại từ các vụ án cố ý làm trái từ trước đến nay rất khó. Nguyên nhân chính vẫn là việc quản lý tài sản của cán bộ công chức còn bất cập. Ngoài ra, tình trạng hiện nay công tác quản lý dòng tiền còn lỏng lẻo, các khoản thu nhập không minh bạch, không đi qua ngân hàng mà đi qua đường “cặp táp”, của chìm của nổi, nên không ai biết những người đó có bao nhiêu tiền để kê biên. Về mặt pháp luật tố tụng, việc kê biên, phong tỏa tài sản của các cơ quan pháp luật để bảo đảm thi hành án cũng còn nhiều bất cập. Theo quy định tại Điều 128, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì “Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại...”. Như vậy pháp luật chỉ quy định về điều kiện kê biên, thẩm quyền và các giai đoạn kê biên. Trong khi đó, không quy định nghĩa vụ kê biên và những điều kiện bắt buộc kê biên. Cho nên thực tiễn mới xảy ra trường hợp khi Tòa án tuyên phạt, nhưng các cơ quan pháp luật không biết thi hành thế nào.

Và điều tôi chiêm nghiệm gần 40 năm nay đó là, muốn cho công cuộc đấu tranh PCTN có hiệu quả thì bắt buộc phải có sự tham gia của nhân dân. Để người dân có điều kiện tham gia vào công tác chống tham nhũng, chúng ta cần thực hiện nguyên tắc minh bạch hóa, nhất là đối với các việc có liên quan đến tài chính, tài sản. Đây là cơ sở để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình. Thí dụ, việc kê khai tài sản của cán bộ cần được công khai tại nơi cư trú của cán bộ và trên các thông tin báo chí. Việc thu, chi tài chính đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế cũng phải được niêm yết công khai để người dân nơi đó có điều kiện giám sát...

Thành Chung

Bạn đang đọc bài viết "Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC, TS. Dương Thanh Biểu và chuyện “hậu trường” phá án tham nhũng giờ mới kể" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin