Tất cả những người bị ảnh hưởng, thiệt hại sau vụ cháy của Cty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông như: người dân xung quanh, cảnh sát PCCC, nhà báo tác nghiệp tại đây… đều có thể yêu cầu bồi thường và khởi kiện đến Tòa án quận Thanh Xuân nếu không được đồng ý mức bồi thường.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng: Vụ cháy kho Cty Rạng Đông, Hà Nội là một sự cố nghiêm trọng về hỏa hoạn, về hóa chất, gây thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp và sức khỏe của nhiều người dân xung quanh. Bởi vậy ngoài việc xác định làm rõ nguyên nhân vụ cháy để xem xét trách nhiệm pháp lý thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng sẽ được đặt ra và cần phải được giải quyết để đảm bảo quyền lợi của người lao động, người dân nơi đây.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, hậu quả của vụ cháy này mà gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của bất cứ người dân nào xung quanh khu vực đám cháy thì Cty Rạng Đông phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường sẽ là thiệt hại thực tế đã gây ra đối với người bị hại, trừ trường hợp người bị hại có lỗi
Theo LS Đặng Văn Cường, trong vụ việc này, kể từ khi đám cháy xảy ra đến khi công ty nhận trách nhiệm, xin lỗi mất đến gần 10 ngày. Trước đó Cty này còn cho rằng sau khi hỏa hoạn, công nhân dọn dẹp và làm việc bình thường... không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến môi trường, không đưa ra bất cứ khuyến cáo nào đối với người dân. Bởi vậy, những thiệt hại xảy ra đối với người dân có một phần lỗi của người đứng đầu, người có chức trách nhiệm vụ của công ty này. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là rất rõ ràng, theo pháp luật thì kể cả trong trường hợp công ty này không có lỗi thì vẫn phải bồi thường. Còn trường hợp có lỗi thì trách nhiệm bồi thường sẽ lớn hơn và có thể xem xét về trách nhiệm về hành vi vô ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác. Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định đơn vị này đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến hỏa hoạn thì sẽ xử lý hình sự người có nhiệm vụ đối với việc phòng cháy chữa cháy ở công ty này.
Ngoài việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản thì những người bị thiệt hại về sức khỏe cũng có quyền yêu cầu công ty này phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe. Theo quy định của pháp luật thì thiệt hại về sức khỏe bao gồm như sau: - Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; - Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại…
Nội dung bồi thường thiệt hại về sức khỏe được quy định chi tiết, cụ thể tại điều 590 bộ luật dân sự năm 2015. Những người bị thiệt hại về sức khỏe có thể căn cứ vào quy định pháp luật này để yêu cầu công ty phải bồi thường. Ngoài ra còn phải bồi thường một khoản thiệt hại về tinh thần cho người bị tổn hại sức khỏe, mức bồi thường do hai bên thỏa thuận, không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quyết định nhưng không quá 50 tháng lương tối thiểu.
Thủ tục bồi thường có thể thống kê các thiệt hại bằng văn bản, kèm theo tài liệu chứng cứ về việc bồi thường thiệt hại gửi đến công ty để yêu cầu bồi thường, trong trường hợp công ty không đồng ý bồi thường với mức thiệt hại như vậy thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện đến tòa án quận Thanh Xuân, Hà Nội để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. “Những người dân bị thiệt hại là những người sống xung quanh khu vực, những người đi qua khu vực đám cháy, kể cả cán bộ nhân viên của công ty, lính cứu hỏa và các nhà báo tác nghiệp tại khu vực hiện trường đám cháy...”, LS Cường nói.
Bồi thường cả môi trường tự nhiên
Đại diện Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thêm, vụ cháy nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường và Cty Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm môi trường. Điều 602 của Bộ luật dân sự quy định: Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả khi chủ thể đó không có lỗi. Tức là, kể cả khi Cty Rạng Đông có chứng minh được là họ không cố ý, không vô ý để xảy ra cháy thì họ vẫn phải bồi thường.
Theo đại diện Ban Pháp chế VCCI, ngoài bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của cá nhân, tổ chức khác, còn phải bồi thường thiệt hại cho môi trường tự nhiên. Người yêu cầu bồi thường là UBND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
LS Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Ðoàn Luật sư TPHCM) cho biết thêm, căn cứ Điều 602 Bộ luật dân sự bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường thì chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi. Do đó trong trường hợp này người dân sống xung quanh khu vực nhà máy bị cháy gây ô nhiễm có đầy đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, việc chứng minh, xác định thiệt hại là điều không dễ. Do đó trong trường hợp này người dân nên nhờ đến sự hỗ trợ pháp lý của các luật sư.
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/nguoi-dan-co-the-khoi-kien-yeu-cau-cong-ty-rang-dong-boi-thuong.html