Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách và chế tài pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng

05/07/2023 09:02

(Pháp lý) – Nghiên cứu thực tiễn hoạt động phân phối bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng cho thấy đã có nhiều quy định pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít các qui định thiếu chặt chẽ, sơ hở, khuyết thiếu, đặc biệt chế tài xử phạt còn quá nhẹ đối với các sai phạm.

1-1677136944.jpg

Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đang là “gà đẻ trứng vàng” cho các DN bảo hiểm và ngân hàng.

Cần chuyển cơ quan điều tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự

Trước hiện tượng một số tổ chức tín dụng “ép” khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn, ngày 15-2-2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 506/NHNN-TTGSNH về chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các TCTD nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Yêu cầu khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ /đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.

NHNN yêu cầu TCTD nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật tại Luật Các TCTD, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản có liên quan. Cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm… đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi "ép" khách hàng mua bảo hiểm...

Trước đó ngày 20/2, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã có văn bản yêu cầu thanh, kiểm tra các công ty bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn và việc giới thiệu người gửi tiết kiệm đầu tư sản phẩm bảo hiểm liên kết trái quy định.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, trong năm 2023, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ, chủ động cung cấp thông tin theo thẩm quyền và chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Mặt khác, hai bên sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.

Đã có nhiều văn bản qui định pháp luật điều chỉnh

Nghiên cứu các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động phân phối bảo hiểm  qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng thấy đã có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh như: Luật Các TCTD năm 2010, Luật sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD năm 2017; Luật Kinh doanh bảo hiểm, sửa đổi, bổ sung mới nhất năm 2022; các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Các TCTD.

Đặc biệt, Thông tư liên tịch 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và Thông tư số 37/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm…

Pháp luật đã có nhiều qui định điều chỉnh hoạt động phân phối bảo hiểm  qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng

Cụ thể, đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm Luật các TCTD quy định ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh Bảo hiểm; được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực Bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán… (theo quy định tại Điều 103 Luật các TCTD)

Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (Theo Điều 106 Luật các TCTD).

Theo quy định tại Thông tư số 37/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Về nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ các quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng phải được ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp cho tổ chức tín dụng..

Về hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm gồm một hoặc một số các hoạt động: giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chào bán bảo hiểm; chào bán trực tiếp, giải thích điều kiện, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm; hoặc chào bán bảo hiểm thông qua các phương thức điện tử, bảo hiểm trực tuyến hoặc các phương thức khác phù hợp với quy định của pháp luật; hướng dẫn, hỗ trợ cho khách hàng lập hợp đồng bảo hiểm, tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm...

Theo quy định tại Điều 129 Luật kinh doanh bảo hiểm (2022), về quyền và nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm (trong đó có NHTM), đại lý bảo hiểm có các nghĩa vụ , tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm; cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; thực hiện các nghĩa vụ khác theo phạm vi được ủy quyền trong hợp đồng đại lý bảo hiểm.

Đồng thời, đại lý bảo hiểm không được thực hiện hành vi thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm...

Ngoài ra, tại Điều 9 Luật kinh doanh bảo hiểm (2022) cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm như: thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;… đặc biệt là nghiêm cấm hành vi đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Cơ chế, chính sách còn khuyết thiếu và chế tài xử phạt quá nhẹ

Có thể thấy, đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng về cơ bản pháp luật cũng đã có nhiều quy định điều chỉnh song hiện vẫn còn những khoảng trống khiến việc quản lý hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng gặp không ít khó khăn.

Điển hình như, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 với nhiều quy định định mới đối với hoạt động của đại lý bảo hiểm tổ chức bao gồm các tổ chức tín dụng như đã chỉ ra ở trên. Đồng thời, Luật cũng giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về trách nhiệm của đại lý tổ chức trong việc tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng hay chi tiết về các loại chứng chỉ đại lý bảo hiểm; nội dung đào tạo, hồ sơ, trình tự, thủ tục thi, cấp, thu hồi, cấp đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm... Tuy nhiên hiện nay những văn bản chi tiết này vẫy chưa được ban hành.

Bên cạnh đó, hiện nay đối với những hành vi vi phạm như: không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm; triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật; ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức… pháp luật đều đã có chế tài xử phạt với mức phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng và hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động… (Nghị định số 98/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP và Nghị định số 80/2019/NĐ-CP).

Tuy nhiên, với mức xử phạt như trên dường như còn là quá nhẹ so với khoản lợi nhuận, hoa hồng có được và không đủ sức răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm này. Chính điều này khiến một số đại lý bán bảo hiểm (trong đó có các NHTM) tìm đủ mọi cách dụ dỗ, ép buộc người tham gia mua bảo hiểm một cách không tự nguyện.

Kiến nghị

Thiết nghĩ, hoạt động kinh doanh, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng là một kênh phân phối tiềm năng và đang tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây bên cạnh các kênh phân phối bảo hiểm truyền thống khác. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng như: hiện tượng một số tổ chức tín dụng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, tăng lãi suất/“ép” khách hàng tất toán khoản vay nếu hủy hợp đồng bảo hiểm, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, chuyển từ tiền tiết kiệm tại ngân hàng của khách hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ…

Để ngăn chặn tình trạng trên, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường thanh - kiểm tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng và xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm.

Bên cạnh tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, các ngành chức năng cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng.

Trong đó, cần sớm ban hành các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức đại lý là ngân hàng trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm; các quy tắc đạo đức hành nghề; xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng hệ thống kênh phân phối; chuẩn hóa hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý tổ chức, đại lý ngân hàng…

Cần xem xét tăng nặng chế tài đối với những hành vi vi phạm, bảo đảm tính răn đe cao để hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, TCTD phải tuân thủ quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ, chủ động cung cấp thông tin theo thẩm quyền và chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng.

Đinh Chiến
Bạn đang đọc bài viết "Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách và chế tài pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin