(Pháp lý) - Kịp thời “bắt lỗi”, kháng nghị một số vụ án nghiêm trọng mà dư luận bức xúc; nâng tầm chất lượng kiểm sát viên khi thực hiện quyền công tố tại nhiều phiên tòa hình sự; tích cực điều tra xử lý các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp… là những hoạt động được dư luận đánh giá cao đối với ngành kiểm sát trong năm 2017.
Nghiêm khắc với án xâm phạm trật tự hoạt động tư pháp
Theo báo cáo của Viện trưởng Lê Minh Trí trước Quốc hội, năm 2017, cơ quan điều tra của VKS nhân dân tối cao đã điều tra 28 vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp. Việc này góp phần chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm trong hoạt động tư pháp, xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Những vụ án phải kể đến như vụ khởi tố, điều tra thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình (TAND tỉnh Sóc Trăng) vì bất chấp pháp luật để thụ lý và ra quyết định áp dụng BPKCTT để ngăn chặn việc chuyển nhượng nhà của các đương sự dù trước đó việc chuyển nhượng đã hoàn tất công khai và hợp pháp tại văn phòng công chứng. VKSND Tối cao đã kháng nghị hủy bản án do ông Bình xét xử. Đồng thời xác định tòa án không chấp nhận sự thỏa thuận của các nguyên đơn, bị đơn là sai, vi phạm tố tụng. Đây là một điển hình cho hành vi vi phạm xâm phạm đến hoạt động tư pháp. Ở đây có thể thấy việc khởi tố của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, nghiêm minh.
Hay vụ khởi tố với Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện ở Đắk Lắk về hành vi gợi ý cho bị can trong vụ án để giảm án và nhận hối lộ 10 triệu đồng. Ông H. là bị can trong vụ án trộm cắp tài sản. Trước ngày xét xử, Phó Viện trưởng VKS của huyện đã gợi ý ông H. phải chung chi cho ông và một số người liên quan để được giảm án. Tuy nhiên, sau đó TAND huyện mở phiên tòa xét xử ông H. về tội trộm cắp tài sản và tuyên phạt ông bảy tháng tù. Chiều cùng ngày, ông H. đã đến công an tỉnh tố cáo vụ việc. Vị Phó Viện trưởng Viện kiểm sát sau đó bị VKSND tỉnh tạm đình chỉ công tác để Cục Điều tra VKSND Tối cao điều tra.
Trước đó, CQĐT VKSND Tối cao tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Dương Quang Hợp - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên. Ông này được phân công chỉ đạo kiểm sát điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên ông Hợp đã ra các quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản và trả lại vật chứng cho một số người trái quy định pháp luật. VKSND Tối cao xác định hành vi của ông Hợp đã gây thiệt hại cho 23 người, hậu quả đến nay rất nhiều người vẫn không được thi hành án do tài sản phạm tội mà có đã bị tẩu tán sau khi lệnh kê biên bị hủy. Việc khởi tố, điều tra với ông Hợp là kịp thời.
Thẩm tra hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2017, công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, tiến độ, chất lượng giải quyết vụ án tăng lên; số vụ án được giải quyết đạt 81,4% (tăng 15,6%). Tuy nhiên, số vụ việc vi phạm, xâm phạm trật tự trong hoạt động tư pháp được phát hiện, khởi tố, điều tra chỉ có 28 vụ là chưa phản ánh đúng tình hình tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Ủy ban Tư pháp đề nghị VKS nhân dân tối cao cần có những biện pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác này.
Lập luận đối đáp sắc sảo với luật sư ở nhiều vụ án hình sự trọng điểm
Có thể thấy nhiệm vụ thực hành quyền công tố trong các vụ án hình sự là một nhiệm vụ “nặng nề” của Viện kiểm sát. Năm qua, theo báo cáo của Viện trưởng Lê Minh Trí hoạt động này có nhiều chuyển biến tích cực. Trên thực tế, qua theo dõi hoạt động tranh tụng tại một số phiên tòa hình sự, dư luận cũng đánh giá cao vai trò của Viện kiểm sát.
Những ai theo dõi phiên tòa xét xử đại án Oceanbank hẳn còn nhớ những màn đối đáp sắc sảo của các kiểm sát viên thực hiện quyền công tố tại toà. Cụ thể, khi có phản ánh của Luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) cho rằng có 81 bút lục trong vụ án bị rút ra, thay thế bằng 81 bút lục khác. Đại diện viện kiểm sát bị đặt vào tình thế khó, tuy nhiên họ cũng thận trọng kiểm tra biên bản bàn giao hồ sơ vụ án giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát, giữa viện kiểm sát và tòa án, đại diện viện kiểm sát khẳng định: Hồ sơ vụ án nguyên vẹn, không mất 81 bút lục. Luật sư Thơ cho rằng bút lục bị rút ra là tài liệu trước khi khởi tố vụ án Hà Văn Thắm, do điều tra viên khác, không phải điều tra viên được phân công trong vụ án thực hiện. Chúng tôi (Viện kiểm sát) cũng đã cẩn trọng nghiên cứu các bút lục này thì nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín, không nằm trong phạm vi xem của vụ án này.
Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Oceanbank, tại tòa các bị cáo và luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo là không làm trái. Việc chi lãi ngoài chỉ nhằm tránh sự đổ vỡ cho ngân hàng. OceanBank không có thiệt hại 1.576 tỉ đồng như cáo trạng quy kết. Đại diện VKS cho rằng căn cứ lời khai của các bị cáo, người liên quan, nguyên đơn dân sự và chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được cho thấy số tiền hơn 1.576 tỉ đồng mà các bị cáo chi lãi ngoài là trái nguyên tắc quản lý kinh tế, được chi từ 3 nguồn trái quy định. Khoản tiền này đã được chi không có chứng từ hóa đơn hợp lệ, trái với quy chế tài chính của OceanBank. Đại diện viện kiểm sát nhấn mạnh hậu quả của việc thất thoát số tiền trên không chỉ là thiệt hại về vật chất mà thiệt hại cả về phi vật chất, tạo điều kiện cho tội phạm về tham nhũng phát triển. Cụ thể trong vụ án này có các bị cáo đã bị truy tố về các tội: Tham ô tài sản; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tiếp tục có các vụ án đang được cơ quan điều tra khởi tố, điều tra ở giai đoạn II. Nghiêm trọng hơn là các hành vi trên đã làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với hoạt động không minh bạch của một số cơ quan Nhà nước, tổ chức tín dụng.
Theo đại diện VKS, số tiền thất thoát đã khiến OceanBank nợ xấu, lỗ, âm vốn chủ sở hữu khiến Ngân hàng Nhà nước phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng, gánh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của OceanBank đối với khách hàng; chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các cổ đông góp vốn. Trong đó Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) là doanh nghiệp nhà nước với 800 tỉ đồng đã bị mất. "Các bị cáo làm lĩnh vực ngân hàng phải biết chi tiền cần có địa chỉ, có người nhận nhưng lại chi hàng ngàn tỉ đồng không có chứng từ, không có hóa đơn. Thử hỏi các bị cáo tuân thủ pháp luật ở đâu, trường lớp nào dạy các bị cáo"- Lời đại diện VKS.
Việc các bị cáo và luật sư cho rằng thời điểm 2009- 2014, nhiều ngân hàng chi lãi suất vượt trần nhưng không bị xử lý trừ OceanBank, đại diện VKS cho biết thời gian qua, có nhiều vụ án đã bị xử lý như Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) cho vay liên ngân hàng nhưng lại núp bóng ủy thác để cá nhân thực hiện; đại án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây Dựng) đã lập hợp đồng khống rút tiền chi lãi ngoài. "Một số ngân hàng chi lãi suất vượt trần nhưng cần xem xét quy mô, hành vi đó có tiêu cực có tham nhũng hay không. OceanBank có hành vi tiếp tay cho Nguyễn Xuân Sơn tham nhũng nên bị xử lý. Các luật sư nói nhiều ngân hàng chi lãi ngoài nhưng không bị xử lý là chỉ nêu chung chung, không có số liệu, ngân hàng cụ thể.."- Đại diện Viện kiểm sát cho biết.
Những màn đối đáp sắc lẹm như trên không chỉ khiến những người vi phạm nể phục mà còn khiến dư luận an tâm hơn về sự chặt chẽ, công minh, sắc sảo của hoạt động công tố.
Kịp thời “bắt lỗi”, kháng nghị án mà dư luận bức xúc
Năm 2017, theo báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao Lê Minh Trí, VKS các cấp đã kháng nghị hơn 4.000 bản án, quyết định. Đáng lưu ý là có một số vụ án gây nhức nhối trong dư luận đã được Viện kiểm sát kháng nghị kịp thời, khiến dư luận có thêm niềm tin vào hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Còn nhớ, năm 2017, công tác tố tụng, xét xử sơ thẩm đại án VN Pharma khiến dư luận không đồng tình về định tội danh và hình phạt cho hành vi buôn bán thuốc giả là thuốc chữa bệnh. Ngay sau khi tòa cấp sơ thẩm tuyên án, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã kịp thời xem xét kháng nghị vụ án. Theo kháng nghị, cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng bản chất toàn diện vụ án và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường khi không truy tố, xét xử hai đối tượng này đối với hành vi làm và sử dụng con dấu giả. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng còn nhiều ý kiến gây tranh cãi trong vụ án là lô thuốc H-Capita 500mg do công ty VN Pharma nhập về là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng cần làm rõ để xác định hành vi của các bị cáo là buôn lậu hay buôn bán thuốc giả. Đồng thời, theo nội dung kháng nghị, quá trình khám xét của Cục Quản lý Dược cho VNPharma nhập khẩu lô thuốc cũng có nhiều sai phạm khi đơn vị này tham gia giám định chính lô hàng mình cấp phép. Kháng nghị còn yêu cầu điều tra làm rõ số tiền 7,5 tỉ đồng còn chi hoa hồng cho những lô thuốc nào. Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát cấp cao tại TP Hồ Chí Minh yêu cầu HĐXX tuyên hủy án để điều tra lại vụ án.
Trong khi hàng loạt bị cáo vụ VN Pharma xin giảm nhẹ hình phạt và kêu oan, kháng nghị kịp thời của cơ quan kiểm sát cấp cao khiến dư luận quan tâm "thở phào". Cũng từ kháng nghị này, Tòa án cấp phúc thẩm sau nhiều ngày xét xử đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại vụ án. Từ đây, người dân hoàn toàn có quyền hi vọng vào một bản án nghiêm khắc hơn, xử lý đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm.
Bên cạnh những ưu điểm thì hoạt động kháng nghị của Viện kiểm sát còn có một số hạn chế nhất định. Là cơ quan thẩm tra báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hoạt động của Viện kiểm sát trong năm vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định một số hạn chế của công tác kháng nghị đáng lưu tâm: Trách nhiệm kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân cấp sơ thẩm chưa được đề cao dẫn đến số kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp còn chiếm tới 38,2% tổng số kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân; nhiều kháng nghị thiếu căn cứ bị Viện kiểm sát nhân dân cấp trên rút kháng nghị. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được Tòa án chấp nhận vẫn chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết số 37. Số kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với số lượng bản án bị Tòa án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hủy, sửa.
Minh Hải