Các nguồn tin cho biết điệp viên Nga đang tìm cách đi vào những quốc gia chứa chấp những "kẻ phản bội" Matxcơva để tìm cách bịt miệng họ. Và Mỹ là trong số những đích đến hàng đầu của những điệp vụ này.
Nhiều người Nga lưu vong ở nước Mỹ hiện sống một mình, họ nhớ bạn bè và các thành viên gia đình đang bị bỏ lại ở Nga.
Mặc dù đứng trước nhiều nguy cơ trả đũa từ Matxcơva, những người Nga đào tẩu qua nước ngoài vẫn thường gọi điện hay gửi thư điện tử cho người thân ở quê hương. Và khi họ làm điều này, Matxcơva được cho là cũng đang theo dõi ngược lại với họ từ các đầu mối liên lạc.
Nga đang săn lùng những người đào tẩu qua Mỹ?
Đó là tựa đề của bài viết đăng ngày 31-3 trên tuần san Newsweek của Mỹ.
"Chuyện tìm ra chúng tôi chẳng có gì khó cả, nếu họ thật sự quyết tâm" - một người Nga đào tẩu sang Mỹ trả lời phỏng vấn tạp chí Newsweek.
Các cuộc gọi điện và thư điện tử sẽ giúp những tay chuyên nghiệp dễ dàng lần ra dấu vết của những người Nga đào tẩu. Nếu người thân đến Mỹ tìm họ, chuyện đó sẽ còn dễ hơn nhiều. Các mật vụ có thể theo dõi họ đến tận ngạch cửa.
Một số nguồn tin an ninh của Mỹ cho biết các hoạt động như vậy của điệp viên Nga đã tăng lên trong 2 năm qua. Một số điệp viên Nga khả nghi đã bị phát hiện xuất hiện tại các khu phố mà những người Nga lưu vong đang được các đội an ninh của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) bảo vệ.
Nhân vật giấu tên trên cho biết Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và CIA đang giúp "những người nghỉ hưu, những người hoạt động chống Nga vào những năm 1990" đối phó với mối lo ngại trên.
Tháng 1-2018, các thành viên đảng Dân chủ làm việc trong Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ từng ra một báo cáo cảnh báo các điệp viên nguy hiểm của Nga có thể đã đến Mỹ và tìm cách đoạt mạng một số người.
"Một loạt cái chết bí ẩn đã xảy ra với những người nắm thông tin mà Điện Kremlin không muốn bị công khai. Các nước phương Tây không nên phớt lờ chỉ vì cho rằng họ an toàn trước những động thái cực đoan này" - báo cáo có đoạn.
Cả CIA và FBI hiện từ chối bình luận về thông tin của người đào tẩu trên.
Nga "rút cà rốt, khua gậy"
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh diễn ra cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Nga và các nước phương Tây xoay quanh vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái hôm 4-3.
"Mọi người trở nên cảnh giác cao kể từ vụ đầu độc ông Skripal" - bà Michelle Van Cleave, giám đốc cơ quan phản gián quốc gia dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, đánh giá.
Hôm 29-3, một cựu điệp viên khác của Nga hiện sống ở Anh có tên Boris Karpichkov tiết lộ với đài NBC News rằng Matxcơva có cả một "danh sách đen" gồm những nhân vật sẽ bị sát hại. Ông cho biết đã nhận được thông tin mình nằm trong danh sách đen này đúng vào ngày sinh nhật.
"Hãy cẩn thận và trông chừng đấy! Điều gì đó có khả năng sắp xảy ra. Chuyện đó rất nghiêm trọng và không chỉ có mình ông" - ông Karpichkov thuật lại lời một người bạn cũ nói với ông qua điện thoại hồi giữa tháng 2.
Các quan chức kỳ cựu CIA từng nghiên cứu về Nga cho biết một cuộc tấn công tương tự trường hợp cha con ông Skripal rất có khả năng xảy ra.
"Tôi không nghe thấy gì mang tính hăm dọa trực tiếp trong những lời nhắn đó, nhưng nó có vẻ rất hợp lý" - ông Mark Stout, một cựu chuyên viên phân tích CIA và là chuyên gia về Nga, nhận định.
Ông cho biết Matxcơva nhìn chung đã rút khỏi con đường săn lùng những kẻ đào tẩu từ giữa thập niên 1970 nhưng từ khi ông Vladimir Putin lên nắm quyền tại Nga vào những năm 1990, Matxcơva đã quay lại hoạt động này.
"Nga luôn tìm cách định vị những người Nga đã đào tẩu qua Mỹ và Anh, và tìm cách dụ họ trở về Nga nếu có thể. Họ đưa ra thông điệp rằng ‘mọi sự đã được tha thứ’, nhưng chẳng mấy ai tin" - cựu nhân viên CIA John Sipher cho biết.
Trường hợp người đào tẩu ưng thuận quay trở lại Nga nổi tiếng nhất là Vitaly Yurchenko. Một ngày nọ trong năm 1985, Yurchenko bất ngờ nói lời xin lỗi với một đặc vụ CIA có nhiệm vụ bảo vệ ông, rồi ông đi thẳng đến đại sứ quán Liên Xô. Lúc bấy giờ, Nga rầm rộ tuyên truyền về sự hồi hương của Yurchenko, nhằm khuyến khích những người đào tẩu khác noi theo.
Ông Daniel Hoffman, một cựu nhân viên CIA, nhận định các diễn biến gần đây cho thấy Nga có thể đã rút "củ cà rốt" và chỉ cầm "cây gậy", tức khi sự thuyết phục không còn hiệu quả, Matxcơva sẽ chuyển sang biện pháp mạnh tay.
Vụ tấn công nhằm vào ông Skripal sẽ gióng hồi chuông cảnh báo tới tất cả các nước thành viên NATO, gồm Mỹ, rằng sẽ có chuyện gì đó xảy ra"
Ông Daniel Hoffman, một cựu nhân viên CIA, đánh giá
Lý do Skripal bị đầu độc?
Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây có thể nói đang ở mức nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Đến nay, hơn 150 nhà ngoại giao Nga tại 28 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Canada, Úc, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã bị trục xuất về nước. Họ cho rằng các điệp viên Nga đã đội lốt nhân viên ngoại giao để hoạt động.
Nga cũng nhanh chóng đáp trả "ăn miếng trả miếng" bằng việc trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây liên quan tới cáo buộc đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal sống lưu vong ở Anh.
Ông Skripal đã bị bắt ở Nga vào năm 2004 và bị kết án 13 năm tù vì hoạt động gián điệp cho Anh. Tuy nhiên, tháng 7-2010, cựu điệp viên làm việc ở Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU) này đã được ân xá và trả tự do trong một vụ trao đổi các điệp viên Nga ở Mỹ.
"Ông ấy không còn giữ bí mật nào, không còn là mối đe dọa cho Nga. Do đó, không có lý do nào để mà trừng phạt ông ta nữa" - người Nga đào tẩu trên đặt ra nghi vấn.
Liên quan tới vấn đề này, phía Matxcơva cũng đưa ra phát ngôn tương tự. "Ông ấy đã bị bỏ tù tại Nga 5 năm. Khoảng thời gian đó đủ để chúng tôi biết tất cả những gì ông biết. Vậy hà cớ gì chúng tôi phải trả thù?" - Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Anatoly Antonov, nói với đài NBC News.
Người đào tẩu trên cho rằng vụ đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang Skripal có thể là đòn trả thù của một số cựu đồng nghiệp GRU bị Skripal phản bội và chỉ điểm cho tình báo Anh theo dõi.
Tuy nhiên, vị này đánh giá các cựu điệp viên GRU đã "dùng những tên ngu ngốc ở Nga để thực hiện vụ tấn công nghiệp dư".
Theo Tuoitre