(Pháp lý) - Giới phân tích ở Ấn Độ dự báo tham nhũng gia tăng trong năm 2018. Ngay cả đất nước được đánh giá là một trong những nước ít tham nhũng nhất trên thế giới – Na Uy cũng đang phải đối mặt với nạn tham nhũng, hối lộ hiện hữu. Trung Quốc – một quốc gia châu Á nổi tiếng với chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” vừa qua cũng tăng cường chống quốc nạn này bằng việc lập siêu cơ quan chống tham nhũng.
Dự báo tham nhũng gia tăng trong năm 2018
Trong nghiên cứu do Cơ quan Tư vấn giảm thiểu rủi ro Kroll và Viện Nghiên cứu độc lập Ethisphere (Ấn Độ) tiến hành, giới phân tích dự báo nạn tham nhũng và hối lộ ngày càng phức tạp, đặc biệt trong năm 2018.
Theo báo cáo hàng năm về chống tham nhũng và hối lộ (ABC), 93% trong số 448 người tham gia khảo sát cho rằng mức độ hối lộ và tham nhũng ngày càng tăng, dù các quốc gia nỗ lực triển khai thêm biện pháp phòng, chống vấn nạn này. Báo cáo cũng nhấn mạnh việc cả nể trong lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tham nhũng.
Theo giám đốc điều hành KrollTarun Bhatia, quy mô và mức tăng trưởng của nền kinh tế khiến nạn tham nhũng trở thành vấn đề nhức nhối. Tarun Bhatia cho rằng: “Yêu cầu thực thi các quy định chống tham nhũng hiện hành, cùng với việc người lao động luôn mong muốn doanh nghiệp thay đổi phương thức làm việc đã đặt ra thách thức đáng kể cho doanh nghiệp.
92% số người tham gia khảo sát khẳng định giới lãnh đạo đều quan tâm, tham gia hoặc hỗ trợ các nỗ lực phòng, chống tham nhũng, hối lộ tại doanh nghiệp.
Na Uy trước áp lực tham nhũng
Dù xếp thứ 6 trong 5 năm liên tiếp với 85 điểm CPI và được đánh giá là một trong những nước ít tham nhũng nhất trên thế giới do TI công bố, Na Uy vẫn phải đối mặt với nạn tham nhũng, hối lộ hiện hữu.
Kết quả khảo sát do Hiệp hội các Cơ quan địa phương và vùng Na Uy (KS) tiến hành, cho thấy người lao động làm việc ở 4 trong số 10 thành phố tại Na Uy cảm thấy áp lực khi phải thực hiện thỏa thuận "ngầm" nơi công sở.
30% lãnh đạo tại các công ty Nhà nước cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự.
Giáo sư Tina Soreide, Đại học Kinh tế Na Uy cho rằng tình trạng trên thực sự là một vấn nạn đối với nhiều đô thị của nước này.
Đã có 1.244 trưởng các phòng, ban và 258 lãnh đạo công ty thuộc sở hữu của các thành phố tham gia khảo sát: 25% lãnh đạo nhận diện rõ nạn lạm dụng công quỹ dù gần 24% có kiến thức pháp luật về vấn đề này; 14% thừa nhận có hối lộ tại nơi làm việc. Trong khi đó 25% các trưởng phòng, ban bị gây áp lực, buộc phải lựa chọn nhà cung ứng nhất định; 17% thừa nhận có hối lộ tại nơi làm việc; 14% nhận diện rõ nạn lạm dụng công quỹ.
Ông Soreide giải thích: “Lợi ích kinh tế là trên hết, các công ty này có thể làm mọi cách trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ cho khu vực công. Vì vậy, vi phạm pháp luật là tất yếu”.
Trung Quốc lập siêu cơ quan chống tham nhũng
Theo South China Morning Post, tại kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội Trung Quốc khóa 13 đã thành lập Ủy ban Giám sát quốc gia, siêu cơ quan chống tham nhũng có vị trí cao hơn Tòa án tối cao và Văn phòng công tố viên hàng đầu.
Người đứng đầu Ủy ban mới này được Quốc hội bổ nhiệm chính thức vào ngày 18/3. Ông Triệu Lạc Tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI), là lãnh đạo Ủy ban với giới hạn 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. Luật giám sát mới nêu chi tiết cách thức hoạt động của siêu ủy ban này được đưa ra bỏ phiếu trong ngày 20-3. Quốc hội là cơ quan duy nhất giám sát hoạt động của Ủy ban mới này.
Phó Bí thư CCDI Tiêu Bồi cho biết, trong khi Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương chỉ có thẩm quyền với riêng đảng viên, Ủy ban mới nói trên sẽ có thẩm quyền đối với toàn bộ cơ quan thuộc khu vực công. Luật giám sát cũng sẽ được áp dụng với toàn bộ công chức, viên chức trong lĩnh vực công.
P.V (tổng hợp)