Năm 2023 Bộ Tài chính đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển

20/01/2023 10:25

Bộ Tài chính vừa đề xuất hàng loạt các giải pháp về thuế, phí trong năm 2023, nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh.

Năm 2022, quy mô các hỗ trợ tài khoá như giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8%; gia hạn tiền thuế phải nộp; giảm tiền thuê đất, mặt nước; giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu về mức sàn trong biểu khung thuế... Tổng hỗ trợ các loại thuế chính lên đến 233.000 tỷ đồng.

Ngay từ cuối năm 2022, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chuẩn bị, nghiên cứu và đề xuất một loạt các giải pháp liên quan đế chính sách tài khóa và chính sách thuế để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Mặc dù thu ngân sách nội địa năm 2023 chịu nhiều sức ép nhưng Bộ Tài chính dự kiến tiếp tục đề xuất các chính sách về gia hạn thuế với quy mô lớn hơn năm 2022; đồng thời, xem xét giảm thuế, tiền thuê đất. Riêng việc giảm thuế suất VAT 2% do nhiều lúng túng khi triển khai và tác động lớn đến nguồn thu nên khó gia hạn... 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Một số giải pháp, chính sách tài khoá Bộ Tài chính đề xuất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay.

Thứ nhất, Bộ Tài chính đã trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH ngày 30/12/2022 về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn.

Về cơ bản, tất cả các mặt hàng đều được giảm 50% so với mức thuế thông thường, riêng mặt hàng dầu hỏa được giảm khoảng 40%. Tức là mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu dao động từ 1.000 - 2.000 đồng, cao nhất là xăng áp mức 2.000 đồng/lít, phổ biến các mặt hàng áp thuế suất 1.000 đồng, riêng dầu hỏa 600 đồng/kg.

Thứ hai, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình các cấp thẩm quyền tiếp tục thực hiện các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, mang tính kế thừa năm 2022.

Năm 2022, tổng tiền thuế gia hạn trong năm khoảng 106.000 tỷ đồng nhưng dự kiến trong năm 2023, con số này có khả năng cao hơn, tức vào khoảng 115.000 - 130.000 tỷ đồng. Với số tiền gia hạn này, ngân sách nhà nước không mất đi bởi gia hạn đầu năm, sau đó, đến hết kỳ gia hạn sẽ thu hồi. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp sẽ đem lại một lợi ích rất lớn, bởi đây giống như một khoản tín dụng của Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thay vì doanh nghiệp đi vay ngân hàng thì với số tiền thuế được gia hạn này, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để tăng vốn lưu động, tăng vốn kinh doanh với lãi suất là 0%.

Thứ ba, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu để trình các cấp thẩm quyền miễn giảm tiền thuê đất, trên tinh thần các chính sách thực hiện trước đây.

Bộ Tài chính cho biết, đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều đất trong sản xuất, kinh doanh như bất động sản, nông nghiệp, khai khoáng... gặp khó khăn do tín dụng thắt chặt, cầu thị trường giảm. Vì thế, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước như mức áp dụng năm 2022. 

Giảm 30% tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Giảm 30% tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp năm nay.

Quy mô gia hạn thuế năm 2023 dự kiến lớn hơn năm 2022, khoảng 115.000 - 130.000 tỷ đồng.

Mức giảm tiền thuê đất, mặt nước được tính trên số tiền thuê đất, mặt nước của năm 2023. Trường hợp người thuê đang được giảm hoặc khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định, thì mức giảm 30% này được tính trên số tiền thuê đất, mặt nước phải nộp sau khi đã giảm hoặc khấu trừ.

Được biết, trong năm 2022, số tiền thuê đất được giảm (30%) khoảng 3.500 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, để có thể sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Kiến nghị nghiên cứu tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng theo đề xuất của nhiều đơn vị cần cân nhắc kỹ lưỡng

Theo đó, hiện tại có 2 mức thuế suất 10% và 5%, nhiều ý kiến thắc mắc vậy tại sao mặt hàng có thuế suất 5% lại không được giảm sẽ gây thiệt thòi.

Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng cũng sẽ thay đổi, bởi nếu trong năm 2022 tập trung vào ứng phó với đại dịch và khoanh vùng hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch thì bây giờ cả nền kinh tế gặp khó khăn, không thể phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, nếu áp dụng đồng loạt thì quá trình triển khai sẽ phức tạp hơn và thực sự tác động rất lớn đến ngân sách nhà nước bởi thay vì chỉ hỗ trợ một số đối tượng nhất định lại áp dụng cho cả nền kinh tế và áp dụng cho cả hai loại thuế suất, chắc chắn con số giảm thu đối với ngân sách nhà nước không hề nhỏ. Do đó, chính sách này sẽ phải cân nhắc kỹ càng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tinh thần Chính phủ vẫn tiếp tục các chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua qua các chính sách thuế và phí và sẵn sàng có những kịch bản cần thiết phải có tác động từ chính sách tài khóa và chính sách thuế. Song song với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành nhịp nhàng các chính sách về tiền tệ cũng như chính sách vĩ mô khác để đảm bảo cân đối vĩ mô và ổn định nền kinh tế.

Bạn đang đọc bài viết "Năm 2023 Bộ Tài chính đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin