Năm 2023, số đối tượng nhận hối lộ bị cơ quan chức năng xử lý tăng 692,22% so với năm 2022 (ảnh minh họa)
Theo Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, cho thấy, từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023, đã phát hiện 793 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (nhiều hơn 51,63% so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, số vụ nhận hối lộ tăng từ 32 vụ năm 2022 lên 143 vụ trong năm 2023, tăng tới 446,88%. Số đối tượng nhận hối lộ còn tăng ở mức cao hơn với 623 đối tượng, tăng tới 692,22% so với năm 2022 (90 đối tượng).
Điều này cho thấy việc xử lý tội phạm chức vụ, tham nhũng thời gian gần đây, đặc biệt là tội phạm “đưa - nhận hối lộ” ngày càng quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã và đang trở thành một xu thế tất yếu để làm trong sạch bộ máy nhà nước, giữ uy tín của Đảng trước nhân dân.
Từ thực tế quá trình đấu tranh, xử lý một số đại án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp có liên quan đến hành vi đưa - nhận hối lộ trong năm qua (như vụ "chuyến bay giải cứu", Việt Á, các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC…), có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, đồng thời đặt ra một số yêu cầu trong tình hình mới.
Kinh nghiệm điều tra, chứng minh hành vi phạm tội “ đưa nhận hối lộ”
Mặc dù đưa - nhận hối lộ là loại tội phạm "ẩn", diễn ra bí mật giữa người đưa và người nhận. Nhưng, nếu như trước đây, hành vi “Đưa – Nhận hối lộ” chỉ đơn thuần là những giao dịch, trao đổi trực tiếp giữa kẻ đưa người nhận, thì nay thủ đoạn rất tinh vi, mang tính chuyên sâu nghiệp vụ, qua nhiều trung gian, hình thức đa dạng hơn rất nhiều… khiến cho công tác điều tra, truy vết tội phạm này vốn đã khó càng thêm khó.
Điều này thấy rõ qua công tác điều tra xử lý các vụ án lớn có hành vi đưa nhận hối lộ cho thấy thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn như: lợi dụng chức vụ quyền hạn gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp; tạo ra cơ chế "xin - cho" buộc doanh nghiệp và người dân phải chi tiền theo “luật bất thành văn”, thậm chí cán bộ công chức thoái hóa biến chất công khai đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá buộc các doanh nghiệp phải “bôi trơn”, đưa tiền hối lộ… Những thủ đoạn này có thể thấy rõ trong các vụ án như Chuyến bay giải cứu hay vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm Đăng kiểm một số địa phương…
Thủ đoạn “Đưa - Nhận hối lộ” ngày một tinh vi, biến hoá khôn lường (Các bị can trong vụ đại án Việt Á)
Nguy hiểm hơn, trong các vụ án liên quan đến hoạt động đấu thầu của AIC tại một số tỉnh thành như Đồng Nai, Quảng Ninh hay đại án Việt Á… cho thấy nhiều đối tượng cán bộ có chức vụ cao (trong đó có cả Bộ trưởng; Bí thư, Chủ tịch tỉnh) còn lợi dụng kẽ hở pháp luật, thông đồng, cấu kết với những tổ chức, cá nhân làm ăn bất minh ở khu vực tư để tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân này trục lợi, từ đó được chia hoa hồng, lại quả, nhận hối lộ…
Đáng lưu ý, để qua mặt được các cơ quan chức năng các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn như: đưa hối lộ không gặp trực tiếp mà quy định với nhau về một “hộp thư chết”, giao tiền bí mật thông qua những tài khoản thông nhau để một người gửi, một người rút tiền; chuyển tiền hối lộ núp bóng những giao dịch dân sự, kinh tế; hoặc núp bóng dưới hình thức quà biếu, quà cảm ơn…
Từ thực tiễn cho thấy trong các vụ án đưa nhận hối lộ, thông thường việc đưa-nhận tiền, tài sản rất khó tìm được chứng cứ trực tiếp, trừ trường hợp bắt quả tang. Việc đưa - nhận tiền , tài sản hối lộ thường được các đối tượng tiến hành một cách kín đáo, tinh vi. Bên cạnh đó, các đối tượng nhận hối lộ thường là người có chức vụ cao, am hiểu pháp luật và luôn tìm đủ mọi cách che giấu, trốn tránh, xóa bỏ chứng cứ, ngụy biện hòng chối tội… chính những điều này khiến cho công tác điều tra, chứng minh hành vi phạm tội gặp rất nhiều khó khăn. Điều này minh chứng bởi, trước đây, trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng mặc dù có dấu hiệu rõ ràng của tội đưa hối lộ và nhận hối lộ song vẫn không thể xử lý được bị can, người liên quan về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ. Điển hình như, trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ, vụ thuốc giả VN Pharma hay trước đó là vụ án “Vua logo” liên quan đến lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai… dấu hiệu của tội phạm “đưa – nhận” hối lộ chưa thể xử lý triệt để do khó khăn trong việc điều tra, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm.
Tuy nhiên, kết quả điều tra, khám phá các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ trong thời gian gần việc phát hiện, xử lý các hành vi nhận hối lộ ngày càng tăng. Đặc biệt là năm 2023 với số đối tượng nhận hối lộ bị xử lý là 623 đối tượng, tăng tới 692,22% so với năm 2022. Đây là một bước tiến rất quan trọng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đó có xử lý tội phạm đưa nhận hối lộ.
Có được điều đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo trung ương, các ban chỉ đạo cấp tỉnh, sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan điều tra, tư pháp... Điều này cũng thể hiện rõ việc đấu tranh kiên quyết hơn, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" với loại tội này.
Bên cạnh đó, Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự... đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phát hiện, điều tra, khám phá các tội đưa, nhận, môi giới hối lộ. Như các quy định về khuyến khích, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, quy định người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ...
Và điều đặc biệt quan trọng là nhìn vào quá trình xử lý các vụ án này, chúng ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong điều tra, chứng minh hành vi phạm tội.
Điển hình như, để khui phá ra dấu hiệu của hành vi đưa nhận hối lộ, việc truy vết dòng tiền là yếu tố quan trọng để cơ quan điều tra tìm ra bản chất vụ việc. Ví dụ, như vụ Việt Á, đối tượng khai kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và chi hàng trăm tỷ đồng để quà cáp cảm ơn, hoa hồng... Rõ ràng đó là kênh để cơ quan điều tra tìm ra và mở rộng điều tra lần ra được các đối tượng nhận hối lộ.
Hay, để chứng minh cho hành vi đưa - nhận này, các cơ quan tố tụng phải sử dụng hệ thống chứng cứ, thông qua các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như ghi âm, ghi hình, trích xuất, thu thập dữ liệu điện tử cùng với những tài liệu khác chứng minh nguồn tiền, mối liên hệ giữa các bên; lời khai của bị can, bị cáo và tính hợp lý, sự lôgic và thống nhất trong lời khai của từng nhóm bị can, bị cáo…
Trên thực tế rất nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ cho thấy, các đối tượng tìm đủ mọi cách che giấu, trốn tránh, xóa bỏ chứng cứ, ngụy biện hòng chối tội. Điển hình như trong vụ án cựu Phó Tổng cục trưởng tình báo Nguyễn Duy Linh nhận hối lộ 5 tỷ đồng từ Phan Văn Anh Vũ, cả quá trình điều tra các đối tượng đều quanh co chối tội. Nguyễn Duy Linh thừa nhận đã nhận túi quà của Phan Văn Anh, nhưng chỉ là rượu và thuốc lá không phải là tiền.
Hay như trong vụ “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an) bị cáo buộc nhận 800.000 USD để chạy án cho các bị cáo Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng (đều là Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh). Trong suốt quá trình tố tụng, Hoàng Văn Hưng nhiều lần phản bác cáo buộc của cơ quan tiến hành tố tụng và “thách” đưa bằng chứng về việc bị cáo nhận tiền…
Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp tố tụng, các cơ quan chức năng đã chứng minh sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, dựa trên hồ sơ, tài liệu thu thập được, dựa trên sự thuyết phục của các lời khai và sự logic của các chứng cứ… Và cơ quan tiến hành tố tụng đã buộc tội được bị cáo đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Một số yêu cầu cấp bách đặt ra
1. Yêu cầu về hoàn thiện chính sách pháp luật
Qua điều tra xử lý các vụ án tham nhũng chức vụ thời gian qua cho chúng ta thấy rõ được nhiều quy định về quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế nên đã để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, đưa nhận hối lộ…
Điển hình như, trong vụ “chuyến bay giải cứu” cho thấy tình trạng chồng chéo, xung đột, không rõ trách nhiệm, quyền hạn trong thực thi công vụ, vẫn tồn tại cơ chế xin - cho trong các quy định. Từ đó, một số cá nhân có chức vụ ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp trong tổ chức các chuyến bay giải cứu.
Khai trước toà, có bị cáo là từng là lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, trong quá trình xin cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát thường bị các cán bộ liên quan gây khó dễ, “cứ ngày mai bay thì hôm nay mới được cấp phép" và " không cấp phép nếu chưa đưa tiền”.
Rõ ràng, cơ chế xin - cho, nhũng nhiễu, không minh bạch đã buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để “bôi trơn”, đưa hối lộ...Thông qua đó hình thành "liên minh lợi ích" tại một số bộ ngành, khi mà cán bộ từ chuyên viên lên đến lãnh đạo cấp cục, vụ, thậm chí cả thứ trưởng cũng nhận hối lộ.
Các bị cáo trong phiên toà sơ thẩm Vụ án “Chuyến bay giải cứu”
Hay như trong các vụ Việt Á, AIC, các vụ kinh tế, tham nhũng liên quan đến đất đai, mua sắm tài sản công… trước đây có điều tra và xử lý được hành vi đưa nhận hối lộ cũng đều cho thấy không ít những lỗ hổng pháp luật trong nhiều lĩnh vực, nhất là tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực thực thi pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Điển hình như trong các vụ án vi phạm đấu thầu liên quan đến công ty AIC, cho thấy rằng, nhiều quy định liên quan đến hoạt động đấu thầu, mua sắm công cần sửa đổi, bổ sung như các quy định cụ thể về năng lực tài chính (buộc sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm toán của doanh nghiệp gửi cơ quan thuế), năng lực kinh nghiệm (nhân sự gắn với các điều kiện cụ thể, hợp đồng tương tự phải đầy đủ hồ sơ, chứng từ kèm theo, các thông tin về năng lực được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, báo đấu thầu...) để đảm bảo các đơn vị tham dự thầu là những đơn vị có đủ điều kiện tham gia gói thầu, hạn chế việc sắp đặt “quân xanh” dự thầu.
Hay các quy định pháp luật trong lĩnh vực thẩm định giá cũng cần sửa đổi, bổ sung để nâng cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các Công ty hành nghề thẩm định giá, gắn với quy định quản lý chặt kiểm tra, giám sát hồ sơ, kết quả định giá… mà chúng ta thấy rõ qua vụ án Việt Á…
2. Yêu cầu về kiểm soát quyền lực cán bộ
Đáng chú ý, sai phạm trong các vụ án hầu hết đều liên quan đến người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi.
Mới đây nhất, tại kết luận điều tra vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm, cơ quan điều tra đã phân tích một số nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của loạt cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao và đưa ra 7 kiến nghị, trong đó có kiến nghị nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực người đứng đầu
Cơ quan điều tra xác định để Việt Á có thể được tham gia nghiên cứu đề tài sản xuất kit xét nghiệm và chiếm đoạt, có sự thông đồng, giúp đỡ, tạo điều kiện của một số quan chức của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cơ quan điều tra cho rằng Bộ Khoa học và Công nghệ đã buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về kit xét nghiệm. Đặc biệt đây là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia nhưng Việt Á lại có thể dễ dàng tham gia và chiếm đoạt.
Về phía Bộ Y tế, theo cơ quan điều tra, bộ này cũng thiếu kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý nhà nước về sinh phẩm y tế, hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương; không quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cá nhân trong hiệp thương giá, thời hạn ban hành kết luận kiểm tra giá.
"Do việc buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát tại Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế dẫn đến Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Á) lợi dụng, móc ngoặc với lãnh đạo, cán bộ hai bộ", kết luận nêu.
Sự móc ngoặc trên đã giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, sử dụng kết quả nghiên cứu lập hồ sở gửi Bộ Y tế và được cấp số đăng ký lưu hành. Việt Á đã biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu của Nhà nước thành tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp rồi nâng khống giá bán thu lời bất chính.
Tại các địa phương, để xảy ra sai phạm trong quá trình Việt Á tiêu thụ kit xét nghiệm, theo cơ quan điều tra là do chưa kịp thời phân bố dự toán ngân sách thực hiện, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ về đấu thầu, mua sắm thiết bị còn hạn chế, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh.
Từ những nguyên nhân phân tích trên, cơ quan điều tra đưa ra 7 kiến nghị về rà soát, sửa đổi bịt kín các kẽ hở chính sách pháp luật liên quan lĩnh vực quản lý y tế, khoa học công nghệ, kiến nghị chặn các kẽ hở trong chỉ định thầu, mua sắm công, trong đó lưu ý cần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quản lý sinh phẩm y tế đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Nhiều vụ án khác cũng đặt ra tính cấp bách về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực cán bộ như: vụ án “chuyến bay giải cứu”; các vụ án liên quan đến vi phạm quy định trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công xảy ra tại AIC và một số tỉnh thành như Đồng Nai, Quảng Ninh…
Qua các vụ án cho thấy thực trạng quản lý cán bộ, công chức thời gian qua còn lỏng lẻo, cơ chế kiểm soát quyền lực có nhiều bất cập và là lỗ hổng lớn để các công chức thoái hóa biến chất có không gian vi phạm pháp luật. Do đó, vấn đề đặt ra là cần nâng cao hơn nữa việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Thay lời kết
Thiết nghĩ, điều tra, xử lý tội phạm về kinh tế, tham nhũng nói chung, trong đó đặc biệt là tội phạm đưa hối lộ, nhận hối lộ là việc hết sức khó khăn. Tuy nhiên khó khăn như vậy không có nghĩa là không thể. Bởi thực tế đã chứng minh, kết quả điều tra, khám phá các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ trong thời gian gần đây phát hiện, xử lý các hành vi nhận hối lộ ngày càng tăng. Đây là một bước tiến rất quan trọng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đó có xử lý tội phạm đưa nhận hối lộ.
Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có đấu tranh với tội phạm đưa nhận hối lộ tiếp tục đạt được hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung vào 3 vấn đề lớn sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế bất cập trong hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực. Trong đó đặc biệt tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, tăng cường cơ chế giám sát quyền lực và quản lý cán bộ để sao cho người có chức vụ quyền hạn muốn nhận hối lộ cũng không thể nhận và những người có liên quan muốn hối lộ cũng không thể hối lộ;
Và thứ ba, cần tiếp tục tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng nói chung, hành vi đưa và nhận hối lộ nói riêng bằng những hình phạt nghiêm khắc, đủ sức cảnh tỉnh, răn đe, sao cho người có chức vụ quyền hạn không dám tham nhũng khi có cơ hội…