Một số tội danh hình sự đối với hành vi nhận tiền chạy án

24/02/2023 15:52

(Pháp lý). Theo nghiên cứu của luật sư, hiện pháp luật hình sự không có quy định về khái niệm “chạy án” là gì. Tuy vậy, có thể hiểu chạy án là việc một người hoặc nhóm người dùng mọi thủ đoạn để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội. Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, người nhận tiền chạy án có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…

1-1676954468.jpg

Nhận hàng chục tỷ đồng để chạy án cho doanh nghiệp

Ngày 20/2, thông tin từ Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị đang tiếp tục điều tra, làm rõ việc ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Ca được cho là có liên quan đến vụ án xảy ra vào đầu tháng 2/2023, đối tượng Trương Xuân Đước (SN 1971, trú tại quận Hải An, TP Hải Phòng) đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh bắt khẩn cấp do có hành vi mua bán trái phép hóa đơn, vi phạm vào điều 203 Bộ luật Hình sự.

Làm việc với cơ quan điều tra, ông Đỗ Hữu Ca thừa nhận đã cầm hàng chục tỷ đồng để "chạy án" cho đại diện doanh nghiệp, nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ở Quảng Ninh. Đến nay, ông Ca đã khắc phục hết.

Hiện, Cơ quan điều tra đang làm các thủ tục cần thiết, để tiến hành điều tra, làm rõ thêm về hành vi của ông Đỗ Hữu Ca.

 

Ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng bị tạm giữ hình sự để phục vụ điều tra xác minh hành vi nhận hàng chục tỷ đồng nhằm "chạy án" cho đại diện một doanh nghiệp

Trước đó, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Trốn thuế, Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng, ngày 18/2 Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và công an một số tỉnh thành thực hiện quy trình tố tụng với các nghi phạm liên quan.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã tạm giữ hình sự Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca (65 tuổi), cựu Giám đốc Công an Hải Phòng để xác minh một số vấn đề có liên quan vụ án nêu trên, trong đó có hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Một số tội danh hình sự đối với hành vi nhận tiền chạy án

Phân tích dưới góc độ pháp luật, Ts. Ls. Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật hình sự hiện không có quy định về khái niệm “chạy án” là gì, tuy có thể hiểu chạy án là việc dùng mọi thủ đoạn để bóp méo, xoay chuyển vụ án theo hướng có lợi cho người phạm tội.

Tuỳ vào trường hợp cụ thể người nhận tiền chạy án có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội nhận hối lộ, lạm dụng tín nhiệm chiếm chiếm đoạt tài sản hay tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, nếu người thực hiện hành vi nhận tiền chạy án không có chức vụ, quyền hạn thì người này có thể bị truy tố về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Bởi người này không có chức vụ, quyền hạn, không thể can thiệp và thực hiện được việc thay đổi tội danh, khung hình phạt, …. có lợi cho người phạm tội nhưng vẫn nhận tiền hòng chiếm đoạt tài sản của người khác.

Những năm tháng quân ngũ góp phần tôi luyện ý chí tân Tiến sỹ luật học

Ts. Ls. Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Theo đó, mức xử phạt đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản căn cứ tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, như sau:

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Mức phạt cao nhất trong trường hợp này có thể là chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trong trường hợp người nhận tiền là có chức vụ, quyền hạn và có thể can thiệp và thực hiện được việc thay đổi tội danh, khung hình phạt,…. có thể sẽ bị khép vào tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, tội Nhận hối lộ tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận. Hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng. Hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Lợi ích phi vật chất… Mức phạt cao nhất cho tội này có thể tử hình. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, theo Luật sư Cường, không chỉ người nhận tiền “chạy án” phải chịu trách nhiệm hình sự mà người đưa tiền nhờ “chạy án” cũng có thể bị xử lý về tội Tội đưa hối lộ được quy định tại điều 364 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, khi người nào trực tiếp hoặc qua trung gian đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc gì đó sẽ bị phạt cao nhất là 20 năm tù.

Ngoài ra, người nào đưa hối lộ còn có thể bị phạt tiền lên đến 200 triệu đồng. Nếu chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ…Ts. Ls. Đặng Văn Cường phân tích.

Quay trở lại vụ việc thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên giám đốc công an Hải Phòng bị tạm giữ hình sự vì liên quan đến nghi án lừa đảo, Ts. Ls. Đặng Văn Cường phân tích: trong quá trình điều tra mở rộng vụ án về trốn thuế xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng, cơ quan điều tra thấy có dấu hiệu cấu thành tội phạm của ông thiếu tướng này nên đã tiến hành xem xét xử lý. Bởi vậy, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế đang bị điều tra trong vụ án trên có phải là người đã đưa tiền cho ông Ca hay không, việc đưa tiền diễn ra như thế nào, ông Ca có phải là người có chức vụ quyền hạn liên quan đến công việc mà người đưa tiền đang yêu cầu hay không?... đây là những tình tiết quan trọng để xác định hành vi vi phạm pháp luật và tội danh có liên quan của ông Ca.

Đinh Chiến
Bạn đang đọc bài viết "Một số tội danh hình sự đối với hành vi nhận tiền chạy án" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin