Một số điểm mới về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới. Trong phạm vi bài viết này, tác giả giới thiệu một số điểm mới cơ bản về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

4

Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng của nhóm Việt Ngữ thì “lạm dụng” là sử dụng quá mức hoặc quá giới hạn đã được quy định, “tín nhiệm” là tin cậy trong một nhiệm vụ cụ thể nào đó. Như vậy lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể hiểu là việc đối tượng nào đó sử dụng quá mức sự được người tin cậy mình để chiếm đoạt tài sản.

Theo giáo trình Luật Hình sự Việt Nam của trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là trường hợp chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản đã được giao ngay thẳng do có sự tín nhiệm của chủ tài sản giao cho để thực hiện một việc nào đó.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam là một trong những tội phạm xâm phạm sở hữu. Theo quy định ở Bộ luật Hình sự 2015, tội phạm này người phạm tội không dùng bất cứ thủ đoạn nào để lấy tài sản từ trong tay của chủ sở hữu. Chỉ sau khi nhận được tài sản một cách ngay thẳng từ chủ sở hữu thông qua các giao kết hợp pháp, người phạm tội mới có hành vi chiếm đoạt. Bằng các biểu hiện khác nhau, họ thể hiện sự chiếm đoạt của mình có thể là bỏ trốn, đến hạn trả lại tài sản mặc dù có khả năng, điều kiện mà cố tình không trả, dùng thủ đoạn gian dối hoặc sử dụng tài sản vào mục đích hợp pháp dẫn đến không có khả năng để trả lại tài sản. Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định chi tiết các dấu hiệu pháp lý trong cấu thành tội phạm này một các cụ thể, đầy đủ, chính xác hơn.

Dưới góc độ khoa học luật hình sự thì lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi của chủ thế có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định đã vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên thông qua hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn hoặc đến thời hạn trả lại tài sản dù có khả năng, điều kiện trả lại tài sản mà cố tình không trả hoặc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản hoặc dùng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời đánh dấu một bước tiến mới trong kỹ thuật lập pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập cũng như phù hợp với tình hình thực tiễn về phát triển kinh tế – xã hội và thực sự là một bước tiến trong lịch sử lập pháp của nước ta. Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Bộ luật Hình sự 2015 có sự sửa đổi bổ sung như sau:

Thứ nhất, để cụ thể hóa điều luật, tránh hiểu sai, hiểu không thống nhất về quy định “đã gây hậu quả nghiêm trọng” “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản”, Bộ luật Hình sự mới đã bỏ cụm từ “đã gây hậu quả nghiệm trọng” và quy định cụ thể rõ ràng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc một số tội danh cụ thể. Các tội danh được liệt kê cụ thể tránh hiểu chung chung không rõ ràng như Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Thứ hai, Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định bổ sung trường hợp “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại”. Đây cũng là quy định cần thiết, phù hợp, thể hiện rõ việc bảo vệ người bị hại. Nếu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại thì đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà không cần phải xem xét đến yếu tố định lượng tài sản trị giá bao nhiêu hay trước đó đã bị kết án về tội phạm nào hay chưa.

Thứ ba, thay đổi về các dấu hiệu định khung hình phạt. Điểm e khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 sử dụng các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” làm tình tiết định khung hình phạt của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nhưng cũng như ở các tội khác, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định các tình tiết này làm tình tiết định khung hình phạt, đây cũng chính là một điểm mới mang tính tiến bộ của Bộ luật Hình sự năm 2015, bởi lẽ: Đây là những “hậu quả gián tiếp” do hành vi phạm tội gây ra, mà việc định tội, định khung hình phạt đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải căn cứ vào hậu quả trực tiếp của hành vi nguy hiểm cho xã hội, chứ không phải là hậu quả gián tiếp (hậu quả mang tính chất suy diễn và nằm ngoài khả năng dự đoán của người phạm tội). Hơn nữa, những “hậu quả nghiêm trọng” hay “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” như trên mang tính không cụ thể, nếu quy định vào trong luật như Bộ luật Hình sự năm 1999, thì sẽ dẫn đến việc phải có văn bản hướng dẫn dưới luật thì mới thi hành được luật, mà luật hình sự thì phải cụ thể và rõ ràng, dễ hiểu để mọi người đều có thể hiểu và thi hành, tránh phát sinh nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật; như vậy, quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể hơn và mang tính tiên liệu thực tiễn cao hơn Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bên cạnh đó, điểm b khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thêm tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” làm tình tiết định khung hình phạt, quy định này là hợp lý và cần thiết để răn đe, trừng trị đối với những người mà tính “bất tín” đã trở thành bản tính. Hiện nay tình trạng vay nợ nhưng đến hạn không chịu trả diễn ra tràn lan trên khắp cả nước, nhiều đối tượng sử dụng thủ đoạn này liên tục nhiều lần, thực hiện trong thời gian dài và coi đây như công cụ kiếm sống của mình. Trong các tội danh thuộc chương các tội xâm phạm sở hữu cũng quy định đây là tình tiết định khung hình phạt. Do vậy để phù hợp với tình hình thực tế cũng như cân đối phù hợp với các tội danh khác, các nhà làm luật đã đưa tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” làm tình tiết định khung hình phạt.

Thứ tư, Bộ luật Hình sự 2015 đã thể hiện cao tính nhân đạo khi quy định giảm nhẹ hơn các khung hình phạt trong từng điều khoản của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể khoản 3 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 quy định khung hình phạt chỉ còn từ 5 năm đến 12 năm trong khi đó Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm. Tương tự khoản 4 Điều 174 mức hình phạt cũng nhẹ hơn, bỏ hình phạt chung thân.

Khoản 5 Điều 140 của Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định hình phạt bổ sung khi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là phạt tiền, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt trên. Đến Bộ luật Hình sự 2015 thì hình phạt bổ sung quy định chỉ áp dụng 1 trong hai hình phạt bổ sung theo quy định chứ không được áp dụng cả hai hình phạt bổ sung trong một số trường hợp như Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định.

Theo http://pup.edu.vn -Tạp chí KHGD CSND số 99

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/nhung-diem-moi-ve-toi-lam-dung-tin-nhiem-chiem-doat-tai-san-theo-quy-dinh-cua-blhs-nam-2015

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin