Mỗi năm, thất thu khoảng 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá

01/11/2017 10:18

Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi năm Việt Nam và một số nước đang phát triển bị thất thu khoảng 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng)

Đây là thông tin được đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), nêu ra tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại hội trường hôm nay về tình trạng chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia và giải pháp cho nguồn thu bền vững của ngân sách.

Đại biểu Nhân cho biết giai đoạn 2007 - 2015 cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền.

Samsung có vấn đề là tăng trưởng suy giảm ngay

“Điều ngược đời là càng lỗ thì doanh nghiệp FDI càng mở rộng sản xuất. Thống kê trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015 được công bố cho thấy 1 nghịch lý là doanh nghiệp FDI xuất hiện nhiều nhất: 46%. “Nhưng tỷ lệ góp vào tổng thuế thu nhập doanh nghiệp của toàn bảng chỉ ở mức 37% và đang có xu hướng giảm dần”, đại biểu Nhân phân tích.

Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi năm Việt Nam và một số nước đang phát triển bị thất thu khoảng 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá.

Ở 1 góc nhìn khác chỉ tiêu tăng trưởng tổng hợp từ nhiều yếu tố, trong đó có tổng kim ngạch xuất khẩu, thế nhưng con số 70% tổng kim ngạch xuất khẩu FDI giúp cho Việt Nam tăng trưởng đã bị chuyển giá đầu vào.

“Do đó, lợi nhuận từ con số này là vô cùng thấp. Vì vậy, dù có thu 20% thuế thu nhập trên con số đó cũng không đáng là bao. Thậm chí là bằng 0 khi bị báo cáo lỗ, 80% còn lại dĩ nhiên sẽ được FDI chuyển về chính quốc. Số 20% thu được từ đây cùng các khoản thu khác đang phải gồng gánh cho gần 70% chi thường xuyên của ngân sách”, đại biểu Nhân bình luận.

Trong khi câu chuyện Tập đoàn Viettel vỡ mộng khi bị Bộ Tài chính thẳng thừng bác xin ưu đãi thuế giống như Sam Sung Việt Nam, hai khoản đầu tư 500 tỉ để phát triển khoa học công nghệ của gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ chỉ vì thiếu vài thủ tục hành chính là ví dụ cho thấy.

“Liệu chúng ta có rời được vai những gã khổng lồ để tự sớm đứng trên đôi chân của mình hay không là một câu hỏi lớn mà tất cả chúng ta ít nhiều đều có trách nhiệm trả lời”, đại biểu Nhân băn khoăn.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, đang tư tưởng cố tăng trưởng bằng mọi giá. Hiện tượng này "nảy sinh" từ cách đây 2 năm khi Việt Nam khai thác thêm tài nguyên để đảm bảo tăng trưởng và kéo dài sang năm nay.

Điểm yếu nữa của "sức khoẻ" tăng trưởng, theo ông Hàm, chưa xuất phát từ động lực nền kinh tế. "Samsung có vấn đề là tăng trưởng suy giảm ngay, vì thế phải có giải pháp tăng trưởng bền vững để nền kinh tế không chịu tổn thương từ tác động bên ngoài", đại biểu Hàm cảnh báo.

"Điều này lý giải vì sao tăng trưởng quý II hụt hơi so với quý trước, không tăng trưởng được nữa", Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội nói thêm. Và thực tế tăng trưởng quý IV vẫn đang trông vào giải pháp ngắn hạn khi tăng trưởng tín dụng được "kích" từ 12 lên 21%.

 

 Đại biểu Phạm Trọng Nhân
Đại biểu Phạm Trọng Nhân)

Tăng trưởng năm sau sẽ có thêm Formosa, Lọc hoá dầu Nghi Sơn...

Phản hồi lại những ý kiến thảo luận từ đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 là số liệu "đáng tin cậy” dựa trên phương pháp thống kê có cơ sở khoa học, khách quan, được các tổ chức lớn công nhận.

Nhắn nhủ “đại biểu yên tâm”, ông cũng khẳng định tình hình chung hiện tại là “tích cực”, trong đó mục tiêu tăng trưởng cả năm khả quan khi nhìn vào những con số. Trong 10 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 8,1%, cao hơn số trên 7% cùng kỳ. Khách đến Việt Nam đạt 10,5 triệu lượt, tăng 28,1% so cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới, đầu tư FDI và xuất khẩu cả năm đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Đặc biệt, cả năm ước xuất khẩu đạt 204 tỷ USD, lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ.

Thừa nhận có sự tăng giảm đột ngột tăng trưởng giữa các quý trong năm, nhưng theo Bộ trưởng Dũng tăng trưởng kinh tế là chỉ tiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, riêng trong quý I thì thường bị ảnh hưởng bởi Tết, kết thúc năm ngân sách… nên sẽ thấp hơn quý IV của năm trước liền kề.

“Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng giai đoạn 2011-2017 đã có nhiều cải thiện, chưa phải mức độ cao nhưng cùng tiến trình, chúng ta có cơ sở tin tưởng chất lượng ngày càng đúng hướng, đạt mức cao hơn”, ông nói thêm.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2018, dự báo GDP 6,5 – 6,7% là hợp lý nhưng cũng cần thận trọng trước nguy cơ bất ổn an ninh, chính trị, xu hướng bảo hộ các nước... Ngành khai khoáng tiếp tục giảm, ảnh hưởng giảm 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng GDP. Ngoài Samsung, một số dự án lớn như Formosa, Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Cao su Đà Nẵng... đi vào sản xuất trong năm tới sẽ đóng góp vào tăng trưởng.

“Mô hình kinh tế hiện nay chưa thể chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu thời gian ngắn, nếu đặt mục tiêu quá cao các ngành sẽ phải gắng gượng, ảnh hưởng tới năm sau”, Bộ trưởng Dũng nói.

Theo Danviet

Bạn đang đọc bài viết "Mỗi năm, thất thu khoảng 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin