Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam sẽ phải đưa 280 thủ tục hành chính qua chế độ một cửa quốc gia (NSW) và một cửa ASEAN, trong đó chủ yếu là các thủ tục hành chính liên quan đến các bộ. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có gần 13% (36 thủ tục) được đưa vào thực hiện. Đây là tồn tại, chậm trễ cần sớm được khắc phục.
Cụ thể, tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì sáng nay (8/12), sau khi nghe báo cáo con số các thủ tục hành chính được xử lý qua cơ chế một cửa quốc gia, nhiều đại biểu bộ, ngành đều cảm thấy ngao ngán, lắc đầu về sự chậm trễ trong việc thực hiện.
Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11/2016, cả nước đã có 10/14 bộ, ngành tham gia thực hiện cơ chế giải quyết các thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa quốc gia của ASEAN. Tuy nhiên, số thủ tục được xử lý rất thấp chỉ đạt 36 thủ tục trong khi đó yêu cầu nhiệm vụ cho 5 năm 2016 -2020 là 280 thủ tục hành chính phải thực hiện chế độ một cửa quốc gia.
Như vậy, năm 2016, các bộ, ngành không hoàn thành chỉ tiêu bởi theo Tổng cục Hải quan, với con số 280 thủ tục, trung bình mỗi năm phải đưa được 56 thủ tục vào thực hiện cơ chế một cửa.
Điều đáng nói, kết quả năm 2016 có được cũng do tích lũy cả từ năm 2015 khi vào tháng 9/2015, Việt Nam chính thức tham gia cơ chế một cửa quốc gia với các nước ASEAN.
Hiện, cơ chế một cửa quốc gia, mở rộng hơn là một cửa ASEAN là tiêu chuẩn giải quyết các thủ tục liên quan đến hải quan, thuế, xuất nhập khẩu, lưu kho, kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn kỹ thuật... liên quan đến hàng hóa, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ chế một cửa ở hải quan cho phép doanh nghiệp (DN) nộp đầy đủ hồ sơ, các giấy tờ liên quan vào một đơn vị, đầu mối giải quyết và nhận kết quả tại đây. DN không phải chạy đi nhiều cửa, giải quyết các thủ tục như trước đây.
Hiện các nước thành viên ASEAN đã ký kết Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN. Đến nay, Việt Nam cùng với 5 nước Brunei, Lào, Malaysia, Myanmar và Thái Lan đã phê chuẩn Nghị định thư này. Về kết nối kỹ thuật, 7 nước thành viên ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã công bố đã triển khai cơ chế một cửa quốc gia. Từ 9/2015, Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là đơn vị có số thủ tục được kết nối một cửa nhiều nhất với 11 thủ tục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đúng thứ 2 với 9 thủ tục; Bộ Y tế - 5 thủ tục; Bộ Công Thương - 4 thủ tục; Bộ Tài nguyên và Môi trường - 4 thủ tục; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông - đều 1 thủ tục...
Về phía DN, tính đến hết ngày 25/11, đã có hơn 213.000 bộ hồ sơ của hơn 8.300 DN được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho hay kết quả 36 thủ tục được thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia chỉ đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cơ chế một cửa ASEAN không chỉ giúp cơ quan công quyền của Việt Nam hòa nhập khu vực mà còn tạo điều kiện đổi mới mình, tăng cường vai trò cơ quan điều tiết, điều phối và hỗ trợ DN. Tuy nhiên, hiện cơ chế phối, kết hợp giữa các bộ, ngành chưa hiệu quả. Nếu các bộ, ngành không thực sự chuyển động thì sẽ khó thực hiện mục tiêu đặt ra. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc thu hút được doanh nghiệp tham gia bởi nếu NSW làm tốt, nhưng doanh nghiệp không tham gia thì cũng không đạt được hiệu quả cuối cùng.
Phó Thủ tướng yêu cầu, đến năm 2018, phải tạo ra bước chuyển biến căn bản, hoàn thành triển khai mở rộng trong phạm vi toàn quốc các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, các thủ tục đối với phương tiện vận tải vào, rời cảng hàng không thông qua cơ chế một cửa quốc gia.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, thời gian chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu của DN tại Việt Nam từ năm 2015 đến 2016 đã giảm 30 giờ (từ 106 giờ xuống còn 76 giờ). Nếu chi phí bình quân để chuẩn bị hồ sơ (nhập khẩu và xuất khẩu) tại Việt Nam vào khoảng 2,5 USD/giờ, mỗi lô hàng (cả nhập khẩu và xuất khẩu) rút ngắn 30 giờ sẽ tiết kiệm được 75 USD chi phí. Tính trên khoảng 8 triệu lô hàng cả xuất khẩu và nhập khẩu tính đến tháng 10/2016, chỉ riêng chi phí chuẩn bị hồ sơ ước có thể tiết kiệm được khoảng 600 triệu USD.
Việc để xảy ra tình trạng chậm đưa các thủ tục hành chính vào cơ chế một cửa quốc gia, liên thông xử lý hồ sơ được cho là xuất phát từ các thủ tục ở các cơ quan bộ ngành còn rườm rà, nhiêu khê. Bản thân một số bộ, ngành vẫn chưa thực sự quyết liệt, tiến độ xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, ngành thường xuyên chậm hơn so với yêu cầu.
Theo Danviet