(Pháp lý) - Cần giao cho Chính phủ quy định và công bố công khai danh mục các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, nhưng có thể giao cho các tổ chức xã hội đảm nhiệm trên cơ sở đấu thầu công khai, minh bạch. Đó là ý kiến của Luật sư Lê Đức Tiết góp ý xây dựng Luật về Hội.
Có quá nhiều quy định chờ hướng dẫn
Nhận xét chung về Dự thảo Luật về hội đã được soạn thảo, có thể thấy rằng: Dự án Luật được làm công phu. Nội dung có tính đến việc khắc phục những bất cập của những qui định hiện hành và đưa ra nhiều quy định mới nhằm đáp ứng những đòi hỏi của tình hình. Bố cục và nội dung của dự án ngắn gọn, với 8 chương, 37 điều là vừa phải, tiện cho việc nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Tuy nhiên xem xét kĩ dự thảo, còn nhiều quy định giao cho Chính phủ hướng dẫn, trái với cách thức xây dựng luật hiện nay là giảm luật khung, luật ống. Do đó, nên hạn chế tối đa các điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành. Điều gì quy định được thì nên quy định thẳng vào luật. Trong dự án Luật có giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành đối với 5 điều cụ thể: Các Điều: 2, 4, 10, 30 và 35. Ngoài ra tại điểm khoản 1 Đ iều 37 lại quy định: “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này”. Như vậy Chính phủ sẽ phải quy định chi tiết thi hành với tất cả các điều luật. Nếu vậy sẽ không tránh khỏi tình trạng luật trở nên chồng chéo, mâu thuẫn.
Dự án luật có nêu: Điều 25 Hiến pháp năm 2013 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội biểu tình”… nhưng dự án Luật về Hội chưa làm rõ “quyền tự do lập hội” này có những điểm đổi mới mạnh dạn hơn các qui định hiện hành như thế nào. Vẫn là quy trình cũ về lập hội, quản lý hội. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đề xuất được những giải pháp mang tính thực thi để khắc phục những bất cập đã được phát hiện. Đó là điều quan trọng của việc xây dựng luật và cũng là điều mong muốn của nhân dân. Nhân dân mong muốn quyền tự do lập hội được thông thoáng hơn, sự hướng dẫn hoạt động của Nhà nước đối với hội có hiệu quả hơn. Không nên để xẩy ra tình trạng điều gì không quản lý được thì cấm. Mặt khác Nhà nước cần duy trì nghiêm kỷ cương phép nước trong hoạt động hội, ngăn ngừa và xử lý kịp thời những hành vi lợi dụng hoạt động hội để gây mất ổn định xã hội.
Ngoài ra, dự thảo luật quy định: Trình tự, thủ tục thành lập hội nên qua ba bước, nhưng thời gian cần rút ngắn hơn đối với Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã và các hội không có tư cách pháp nhân. Về công nhận chức danh người đứng đầu hội là cần thiết vừa để tăng thêm trách nhiệm của cơ quan quản lý và của người được công nhận. Chính quyền có thể quy định một số điều từ chối công nhận người đứng đầu Hội khi có khiếu nại, tố cáo gian lận trong bầu cử, hoặc đang bị điều tra, thi hành án v.v…
Một số quy định cần bổ sung…
Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều hội có những đóng góp quan trọng trong công việc của nhà nước. Luật cần giao cho Chính phủ quy định và công bố công khai danh mục các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, nhưng có thể giao cho các tổ chức xã hội đảm nhiệm trên cơ sở đấu thầu công khai, minh bạch. Đây là vấn đề cốt lõi của việc xã hội hóa hoạt động quản lý của Nhà nước. Đây là biện pháp đang được nhiều nước áp dụng nhằm làm cho bộ máy Nhà nước trở nên tinh, gọn, nhẹ, trong sạch, vững mạnh.
Về vấn đề kinh tế của hội, Luật nên quy định: Nhà nước tài trợ một phần kinh phí cho các hội khi được Nhà nước giao cho thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước; Nhà nước tài trợ một phần kinh phí cho các hội những người đã mất sức lao động như Hội người mù, Hội người tàn tật, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội người cao tuổi. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho việc đào tạo chuyên môn và tạo điều kiện cho những người chuyển nghề hoạt động xã hội có thể đảm bảo được cuộc sống gia đình.
Đồng thời, nên bổ sung thêm 10 từ vào việc định nghĩa về Hội được nêu ở khoản 1 Điều 2 như sau: “Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có tôn chỉ mục đích phù hợp với quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; đoàn kết, giúp đỡ nhau nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cuộc sống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, cộng đồng; góp phần phát triển đất nước vì mục đích dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Việc thêm 10 từ: “nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cuộc sống” vừa là để bổ nghĩa, cụ thể hóa cho các từ “đoàn kết, giúp đỡ nhau” đồng thời nêu rõ mục đích trực tiếp và thiết thực của việc lập hội nhằm khuyến khích mọi người tham gia và hoạt động cho hội.
Quản lý nhà nước về Hội cần đổi mới
Quy định về cách thức quản lý của nhà nước với hội rất quan trọng. Nó có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy được sức mạnh của hội, đảm bảo cho công dân quyền lập hội, tránh xuyên tạc chủ trương, chính sách về hội. Nội dung các khoản 6 và 7 của Điều 31 quy định trong dự thảo Luật là điều mà Nhà nước cần quan tâm thực hiện tốt để ngăn ngừa các hành vi xúi giục, kích động tiến hành các cuộc cách mạng màu, nhưng cách viết chưa thật mềm dẻo. Cách viết như trong các khoản 6 và 7 của Điều 31 khiến người đọc có cảm nhận nhà nước can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của các Hội. Chỉ cần quy định: Thanh tra, Kiểm tra việc tuân thủ quy định về tài chính theo Luật tài chính trong các khâu tiếp nhận sự tài trợ của Nhà nước, của nhân dân, của cá nhân, tổ chức nước ngoài và việc sử dụng các nguồn tài chính của Hội.
Đồng thời định nghĩa về Hội không có tư cách pháp nhân ở điểm b khoản 2 Điều 2 là không chính xác, trái với quy định của Bộ luật dân sự. Cũng tại điểm b khoản 2 quy định Hội không có tư cách pháp nhân là “hội chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký theo hoạt động của luật”. Như vậy hội chưa được cấp phép thành lập, hoạt động vẫn có quyền hoạt động chăng? Vì Điều 2 quy định “Hội bao gồm hội có tư cách pháp nhân, hội không có tư cách pháp nhân”. Nên chăng có thêm một số quy định về Hội không có tư cách pháp nhân với trình tự, thủ tục thành lập rút gọn hơn so với hội có tư cách pháp nhân. Số lượng hội không có tư cách pháp nhân trong xã hội rất nhiều nhưng hiện chưa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh. Nhà nước không nên buông lỏng quản lý đối với các hội không có tư cách pháp nhân.
Nên quy định rõ phạm vi quản lý của Nhà nước đối với hội, nên gói gọn trong một số điều như sau: Tạo điều kiện thuận lợi để các hội tham gia rộng rãi và có hiệu quả chương trình xã hội hóa hoạt động quản lý của Nhà nước; Đăng ký Điều lệ hội. Nhà nước từ chối đăng ký các Điều lệ hội có tôn chỉ, mục đích và những điều quy định trái luật pháp, trái đạo đức, trái thuần phong mỹ tục trong nhân dân. Định kỳ hoặc đột xuất tiến hành thanh tra hoạt động của hội nhằm thúc đẩy kết quả hoạt động và phòng ngừa và các sai phạm trong hoạt động trái Điều lệ hội, trái pháp luật của Nhà nước.
Tóm lại, Luật về hội cần tránh hiện tượng can thiệp quá vụn vặt vào hoạt động của Hội.
Luật sư Lê Đức Tiết