Minh bạch chính sách và Kinh doanh liêm chính

(Pháp lý) - Minh bạch chính sách góp phần không nhỏ tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư ổn định, tạo cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Minh bạch là thành phần cốt lõi của một chính sách chống tham nhũng hiệu quả. Chỉ khi minh bạch chính sách kinh tế mới giúp được kinh doanh liêm chính.

Thực trạng thiếu minh bạch nhìn từ các dự án PPP

Tại Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á- Thái Bình Dương tiếp tục với “Cuộc họp mạng lưới liêm chính công”, ông Lê Quốc Đạt, Phó Chánh thanh tra Bộ KH&ĐT đã thẳng thắn chỉ rõ nguy cơ trong các dự án cơ sở hạ tầng đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP.

Vị Phó Chánh thanh tra nhấn mạnh, quá trình thanh tra tại một số địa phương có số lượng dự án PPP và quy mô dự án PPP lớn nhất cả nước phơi bày một thực trạng rất thiếu minh bạch: “100% các địa phương được thanh tra tại thời điểm thanh tra đều không thực hiện công bố danh mục dự án theo quy định. Một vài địa phương thực tế đã hoàn thành việc xây dựng danh mục, nhưng bằng cách nào đó, việc lấy ý kiến và công bố danh mục lại không được triển khai”.

Theo ông Đạt phân tích, vì không phải công khai, nhà đầu tư không có động lực để tham gia các dự án trong danh mục do cơ quan quản lý nhà nước lập mà tự đề xuất để tối ưu hóa các lợi ích của mình ngay từ khi lập đề xuất dự án. Và trên thực tế, tất cả dự án PPP được Bộ KH&ĐT thanh tra trong giai đoạn này đều do nhà đầu tư đề xuất và có tổng mức đầu tư (cơ sở để xác định giá trị hợp đồng dự án PPP) cao hơn nhiều so với giá trị công trình phải thực hiện.

Để tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội đối với dự án PPP thì cần công khai, minh bạch thông tin trong suốt quá trình đầu tư, vận hành dự án PPP, thay vì chỉ dừng ở công khai thông tin về quá trình lựa chọn nhà đầu tư (ảnh minh họa)

Qua rà soát, kiểm tra, thanh tra dự án PPP, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã chỉ rõ những “vấn đề” trong quy hoạch, kế hoạch như: dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm, quy hoạch sử dụng đất 10 năm; không có trong kế hoạch trung hạn dù sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước… nhưng vẫn được phê duyệt. Thậm chí có dự án chưa được phê duyệt, chưa xác định được hiệu quả đầu tư và tính khả thi nhưng đã được ứng trước tiền ngân sách (phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ) để thực hiện.

Còn Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - Nguyễn Văn Thanh nhận định, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đang là ưu tiên của nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, tỷ lệ GDP hằng năm rất lớn cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng kéo theo những quan ngại chính đáng về tính liêm chính của các dự án đó. Tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát tính liêm chính trong các dự án còn gặp nhiều khó khăn.

"Phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng đòi hỏi sự tham gia chủ động và quyết liệt của toàn xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong tất cả các giai đoạn triển khai dự án. Trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng lớn mạnh và trở thành trụ cột của nền kinh tế, cần có một cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và doanh nghiệp mới có thể tạo ra những kết quả mang tính đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, đảm bảo liêm chính trong kinh doanh nói chung và trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nói riêng" - Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.

Minh bạch chính sách kinh tế: giải pháp quan trọng xóa bỏ “vấn nạn bôi trơn”

Luật ban hành các văn bản pháp luật đã có những qui định rất rõ ràng về công khai, minh bạch và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản chính sách pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những văn bản được soạn thảo và ban hành chưa theo những qui định này hoặc chưa có đánh giá tác động kinh tế-xã hội của văn bản một cách toàn diện.

Theo ông Đậu Anh Tuấn (VCCI), tại Việt Nam, trung bình 1 Luật có tới 10,5 Nghị định, 37 Thông tư của các bộ, ngành, nên quy định từ Luật có thể thuận lợi, nhưng xuống đến nghị định, thông tư thì không còn đảm bảo.

“Chất lượng văn bản pháp luật rất quan trọng, có tác động rất lớn tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người dân. Trong số những yếu tố đảm bảo chất lượng của một văn bản pháp luật, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi và tính minh bạch là những yếu tố vô cùng quan trọng”. “Các giải pháp xây dựng pháp luật trong thời gian tới cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống chồng chéo pháp luật, tăng cường công khai, lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, những văn bản luật có ảnh hưởng rộng rãi như các Luật Thuế thì không nên làm theo quy trình rút gọn để đảm bảo cho người dân và các đối tượng có liên quan được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng văn bản luật”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức hồi đầu năm tại Hà Nội, nhiều ý kiến chuyên gia từ các tổ chức, hiệp hội được nêu ra nhằm hỗ trợ cho quá trình hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã chia sẻ ý kiến về tính thiết yếu trong việc xây dựng một khung pháp lý công bằng, minh bạch, ổn định và hiệu quả, mà trong đó coi trọng sự đổi mới sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút, duy trì và phát triển thương mại và đầu tư chất lượng cao. Các chính sách thuế cần ổn định và công bằng hơn, đẩy mạnh hiện đại hóa hải quan, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại, cấp quyền sử dụng đất nhanh và minh bạch…

Quang cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 thu hút nhiều đại biểu tham dự

Kiến nghị về chính sách thuế cũng được đề cập khá rõ trong Báo cáo về các vấn đề chính sách thuế và hải quan của nhóm công tác VBF. Theo đó, Nhóm công tác về nội dung này đánh giá, những năm gần đây Chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức lớn sao cho hoạt động có hiệu quả, cạnh tranh được với các nước trong khu vực, tuy nhiên lại phải đảm bảo tuân thủ pháp luật, trong khi không ít rào cản từ chính sách pháp luật kinh tế làm khó doanh nghiệp.

Có ý kiến nhận xét những điểm chồng chéo, thiếu rõ ràng, thiếu minh bạch hoặc khuyết thiếu trong các qui định pháp luật (như Luật Đầu tư; Luật Đất đai, Luật quản lý Thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Đấu giá….) chính là mảnh đất màu mỡ cho cán bộ tiêu cực, khiến doanh nghiệp có muốn kinh doanh liêm chính cũng khó…

Thúc đẩy kinh doanh liêm chính đồng thời phải thúc đẩy minh bạch chính sách

Minh bạch và liêm chính: hai yêu cầu cơ bản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Tham nhũng được coi là vấn đề gây khó khăn thứ ba trong kinh doanh ở Việt Nam theo dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tham nhũng, hối lộ không chỉ gây tác động tiêu cực tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN), làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh mà còn làm nản chí những người đứng đầu DN.

Nhiều DN tham gia khảo sát vấn đề liêm chính nhận định, việc không hối lộ có thể gây nhiều khó khăn, thậm chí khiến họ khó tồn tại và kinh doanh hiệu quả. Đại diện các DN này cũng cho rằng, nâng cao tính tuân thủ và tăng cường liêm chính chưa phải là vấn đề ưu tiên đối với các DN Việt Nam, đặc biệt khi họ còn phải đối mặt với nhiều thách thức kinh doanh hàng ngày khác.

Báo cáo PCI-2019 do nhóm chuyên gia của VCCI thực hiện khảo sát ý kiến khoảng 12.400 doanh nghiệp trên cả nước ghi nhận 59% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, 53% doanh nghiệp vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch.

Đáng chú ý, Báo cáo cũng chỉ rõ số doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong những năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Có trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức.

Nghi vấn Tenma của Nhật Bản hối lộ quan chức thuế ở Bắc Ninh tuy chưa có kết luận điều tra chính thức, nhưng các vụ hối lộ đình đám của DN đối với quan chức xảy ra trước đây cho thấy vấn nạn bôi trơn vẫn rất nhức nhối. DN khó mà tiếp cận được “ thước đo” kinh doanh liêm chính.

Liêm chính và chống hối lộ là những yếu tố cơ bản trong quản trị doanh nghiệp tốt, tuy nhiên vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Mặc dù đã có những tiến triển tích cực trong hai thập kỷ qua, Việt Nam vẫn bị xếp hạng thấp nhất trong số sáu nước thành viên ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) xét về khía cạnh quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng chính sách chống hối lộ phù hợp với thông lệ quốc tế, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của việc xây dựng và thực thi các chính sách liên quan đến chống hối lộ.

Có lẽ, thách thức lớn nhất của mọi chương trình hành động liêm chính là chứng tỏ được lợi ích dài hạn khi thực hiện đạo đức và sự tuân thủ trong kinh doanh. Nếu không, sẽ rất khó để có thể khuyến khích các công ty thay đổi hành vi, cách ứng xử hay thậm chí quan tâm đến vấn đề này. Ngoài việc nâng cao nhận thức, hỗ trợ DN xây dựng hệ thống tuân thủ nội bộ và văn hóa liêm chính…, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đạt được “ mục tiêu” kinh doanh liêm chính trong mỗi DN và những người thực thi luật pháp. Và việc cần chú trọng làm trước tiên, theo chúng tôi vẫn là việc thúc đẩy minh bạch chính sách pháp luật về kinh tế.

Công khai, minh bạch trong đầu tư công

Đầu tư công năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 quy định việc công khai, minh bạch trong đầu tư công như sau: Nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công tại Điều 14 quy định, bao gồm: (a) Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; (b) Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công; (c) Nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; (d) Kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công; (đ) Danh mục dự án trên địa bàn, bao gồm quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian, địa điểm; báo cáo đánh giá tác động tổng thể của dự án tới địa bàn đầu tư; (e) Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm, bao gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công bố trí cho từng dự án; (g) Tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công; (h) Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án; (i) Tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; (k) Kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án; (l) Quyết toán vốn đầu tư công. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc công khai các nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật.

Minh bạch và Liêm chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Đối với thương mại quốc tế, từ lâu minh bạch hóa chính sách là một trong những nguyên tắc cơ bản được nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) yêu cầu các thành viên phải tuân thủ. Minh bạch trong quá trình ra các quyết định của các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước góp phần không nhỏ tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư ổn định, dễ dự báo, cạnh tranh và lành mạnh cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Minh bạch là thành phần cốt lõi của một chính sách chống tham nhũng hiệu quả, vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo phân bổ nguồn lực khách quan, công bằng cũng như cho phép người dân có quyền tiếp cận đối với các thông tin liên quan đến các quyết định của nhà nước. Minh bạch cũng góp phần đảm bảo thực hiện chính sách quản trị tốt, khi nhờ minh bạch, các hành vi bất hợp pháp có thể được ngăn chặn và giảm thiểu.

Nhiều năm nay, các cụm từ “tuân thủ” và “chống hối lộ” được đề cập nhiều hơn trong giao dịch với các công ty đa quốc gia. Tuân thủ chống hối lộ đã trở thành yêu cầu cơ bản đối với các đối tác kinh doanh. Xuất phát từ sự ra đời của Hiệp định Chống hối lộ quan chức nước ngoài của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) 2009 và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), các cường quốc kinh tế ngày càng tăng cường thực thi luật chống hối lộ.

Hoa Kỳ đã đẩy mạnh thực thi Đạo luật Chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) hơn bao giờ hết kể từ khi ban hành năm 1977. Số các vụ hối lộ bị khởi tố (ví dụ theo Luật Chống hối lộ quan chức nước ngoài của Hoa Kỳ) đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Một số trường hợp xử phạt theo Luật Chống hối lộ quan chức nước ngoài của Hoa Kỳ

Tập đoàn Credit Suisse AGchấp thuận nộp hơn 30 triệu USD cho Uỷ ban Chứng khoán Hoa Kỳ và 47 triệu USD phạt hình sự do hành vi hối hộ quan chức nước ngoài trong hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (5/7/2018)

Panasonic - công ty có trụ sở chính ở Nhật Bản chấp thuận nộp hơn 143 triệu USD liên quan đến việc trả cho vị trí tư vấn của một quan chức Chính phủ ở một hãng hàng không thuộc Nhà nước để giúp công ty con ở Mỹ có được hợp đồng kinh doanh và bão dưỡng từ hãng hàng không đó. (30/4/2018)

Tập đoàn Dun & Bradstreet đã đồng ý thanh toán hơn 9 triệu USD tiền lãi, lãi suất và hình phạt dân sự để giải quyết các vi phạm Luật Chống hối lộ quan chức nước ngoài của Hoa Kỳ bắt nguồn từ các khoản thanh toán không đúng do hai công ty con của Trung Quốc thực hiện. (23/4/2018)

Theo Luật Chống hối lộ quan chức nước ngoài của Hoa Kỳ hay Luật Chống hối lộ của Anh, các công ty đa quốc gia phải chịu trách nhiệm về hành vi hối lộ không chỉ do các công ty con hoặc công ty liên doanh, mà cả các bên thứ ba 3 thực hiện thay mặt cho họ. Bên thứ 3 không chỉ bao gồm công ty con, công ty liên kết, mà cả đại lý, nhà phân phối, nhà thầu, bên trung gian. Do đó, các công ty ở các nền kinh tế có rủi ro tham nhũng cao có giao dịch trực tiếp với công ty đa quốc gia thường phải chứng minh khả năng và ký cam kết tuân thủ chống hối lộ theo chuẩn mực quốc tế.

Vương quốc Anh đã ban hành Luật Chống hối lộ năm 2008 với các qui định được coi là chặt chẽ nhất hiện nay. Các quốc gia xuất khẩu khác như Pháp, Canada, Đức cũng áp dụng các quy định pháp lý tương tự.

Mặc dù luật pháp các nước qui định khác nhau, nhưng nhìn chung thông lệ quốc tế nghiêm cấm hành vi hối lộ đối với cả giao dịch của doanh nghiệp với công chức Nhà nước (tham nhũng trong khu vực công) và với doanh nghiệp (tham nhũng trong khu vực tư).

Mới đấy nhất, trong số sáu nước thành viên ASEAN, Viện Liêm chính Malaysia (IIM) đã cam kết trợ giúp các công ty trong việc xây dựng quy trình đầy đủ để ngăn chặn những hành vi tham nhũng, trong bối cảnh Mục 17A của Luật Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) năm 2009 có hiệu lực kể từ ngày 01/6. Theo đó, sẽ áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp tham nhũng, và hình sự hóa các tổ chức thương mại nếu nhân viên hoặc cộng sự của họ có hành vi tham nhũng. Bất kỳ công ty nào bị kết án vì vi phạm theo Mục 17A đều có thể bị trừng phạt với mức không dưới 10 lần giá trị của khoản hối lộ, hoặc 1 triệu RM, tùy theo mức nào cao hơn hoặc bị phạt tù đến 20 năm, hoặc cả hai. Tuy nhiên, các tổ chức doanh nghiệp Malaysia sẽ có cơ hội đưa ra biện pháp tự bảo vệ mình nếu họ có thể chứng minh đã thực hiện đầy đủ các quy trình (chống lại những hành vi tham nhũng) trong hoạt động kinh doanh của họ.

Kết mở

Liêm chính trong kinh doanh phải từ cả hai phía, tức là cả từ phía cán bộ công quyền và phía doanh nghiệp. Muốn vậy thì chính sách phải minh bạch, cụ thể, rõ ràng , đầy đủ, để cán bộ không thể “ vận dụng” những kẽ hở và khuyết thiếu của chính sách nhằm gây khó và vòi vĩnh doanh nghiệp đưa hối lộ hoặc bôi trơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay thì cả hai yếu tố minh bạch chính sách và kinh doanh liêm chính đều rất quan trọng và cần thiết.

Lê Phúc

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin