Malaysia: Quyết tâm đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng

Với việc ngày 4-7-2018, cựu Thủ tướng Najib Razak chính thức bị truy tố với cáo buộc lạm dụng chức vụ để nhận hối lộ và thiếu trách nhiệm, công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Malaysia rẽ sang bước ngoặt mới. Và quan trọng hơn, từ những bài học qua sự việc này, chính quyền đương nhiệm dưới sự lãnh đạo của chính khách kỳ cựu 92 tuổi Mahathir Mohamad đang đưa ra những giải pháp nhằm đẩy lùi, tiến tới quét sạch tệ nạn này.

Đụng đâu cũng có vấn đề

Trong phiên tòa sáng 4-7, Tòa án Kuala Lumpur buộc tội cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak vi phạm sự tín nhiệm và lợi dụng chức quyền tham ô liên quan đến Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB). Theo cáo trạng do các công tố viên công bố, ông Najib vi phạm 3 điểm trong tội lạm dụng tín nhiệm trên các cương vị Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính và cố vấn công ty liên quan đến khoản tiền 42 triệu Ringhit (10,5 triệu USD) của SRC International - công ty con từng trực thuộc 1MDB, được chuyển vào tài khoản riêng của ông Najib. Ngoài ra, ông Najib bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô theo Luật chống tham nhũng của Malaysia. Với mỗi tội danh trên, ông Najib có thể bị kết án tù lên tới 20 năm và phạt tiền. Trước đó, ngày 3-7, Ủy ban điều tra chống tham nhũng của Malaysia (MACC) bắt giữ ông Najib để phục vụ cuộc điều tra liên quan đến bê bối 1MDB.

 Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak được dẫn giải ra tòa ngày 4-7
Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak được dẫn giải ra tòa ngày 4-7)

Hiện ông Najib Razak phải nộp 1 triệu Ringgit (khoảng 247.000 USD) để được tại ngoại. Tòa thượng thẩm Kuala Lumpur cho biết, phiên tòa xét xử về tội tham nhũng của cựu Thủ tướng Najib sẽ bắt đầu diễn ra vào tháng 2-2019. Nhà chức trách Malaysia có hơn nửa năm để củng cố bằng chứng về tội danh cũng như sự liên quan của ông Najib Razak trong vụ việc của Quỹ 1MDB vốn bị thua lỗ triền miên và đang đối mặt khoản nợ hơn 11 tỷ USD.

Đây là quỹ đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội Malaysia thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài, do Thủ tướng Najib sáng lập năm 2009 ngay sau khi lên cầm quyền và giữ vai trò cố vấn trong nhiều năm. Tuy nhiên, quỹ này là trung tâm của vụ bê bối thất thoát 3,7 tỷ USD, được cho là tiền tham nhũng và chuyển ra nước ngoài để rửa tiền, dẫn đến một loạt cuộc điều tra ở một số nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Malaysia, Trung Quốc... Những cáo buộc nhằm vào ông Najib xuất hiện từ năm 2015 khi báo The Wall Street Journal của Mỹ đăng tải bài viết về sự biến mất của những khoản tiền khổng lồ thuộc 1MDB do ông Najib thành lập năm 2009. Tiết lộ này đã dẫn tới hoạt động điều tra ở nhiều quốc gia như Mỹ, Singapore… và trở thành một trong những nguyên nhân khiến đảng Mặt trận Quốc gia (BN) thất cử, đánh mất quyền thành lập chính phủ liên bang vào tay Liên minh Hy vọng (PH) đối lập.

Về tài sản, bên cạnh các hiện vật đã thu giữ, cơ quan chức năng Malaysia tiếp tục phong tỏa nhiều tài khoản ngân hàng của cá nhân, tổ chức bị có nghi ngờ liên quan tới dòng tiền của Quỹ 1MDB. Cơ quan chức năng Malaysia dự kiến sẽ đấu giá số trang sức, đồ hàng hiệu và đồng hồ trong tài sản tổng trị giá khoảng 270 triệu USD, tịch thu từ nhà cựu Thủ tướng Najib Razak trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ bê bối. Cảnh sát Malaysia cho biết, trong khối tài sản này có hơn 28,8 triệu USD tiền mặt. Việc đấu giá lượng tài sản này được kỳ vọng sẽ bù đắp phần nào khoản tiền đã thâm hụt khỏi ngân sách. Bên cạnh đó, Malaysia đang hợp tác với các đối tác từ Mỹ, Singapore, Thụy Sĩ để điều tra và tìm ra bằng chứng về dòng tiền thất thoát từ Quỹ 1MDB.

Tuy nhiên, những cáo buộc đối với ông Najib Razak không chỉ liên quan đến vụ bê bối 1MDB. Tại 2 dự án xây dựng đường ống dẫn dầu có tổng trị giá 9,4 tỷ ringgit (2,36 tỷ USD), cựu Thủ tướng cũng bị cho là có hành vi sai phạm khi Bộ Tài chính Malaysia mới đây phát hiện 2 dự án này “có vấn đề”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết hai dự án, gồm dự án Đường ống dẫn Đa sản phẩm (MPP) và dự án Đường ống dẫn khí xuyên Sabah (TSGP), mới thực hiện được 13% khối lượng công việc, song gần 88% giá trị dự án đã được thanh toán. Bộ trưởng Lim cho hay, trước giao dịch đáng ngờ nói trên, ông chỉ đạo cấp dưới nộp đơn lên MACC hồi tuần trước. Vụ việc cũng đã được báo cáo lên Thủ tướng Mahathir Mohamad. Phản bác lại, ông Najib khẳng định việc trên được thực hiện theo thỏa thuận đã thương thảo, các dự án nói trên triển khai theo đúng các thủ tục pháp lý cần thiết. Bên cạnh đó, toàn bộ số tiền đã thanh toán được trả cho phía đối tác Trung Quốc chứ không chuyển cho “bên thứ 3 nào khác”. Vụ việc này đang được MACC chuẩn bị điều tra làm rõ.

Việc ông Najib Razak bị đưa ra truy tố về các tội danh liên quan đến tham nhũng trở thành sự kiện lịch sử của Malaysia. Ông Najib cũng là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên ra trước tòa để chịu sự xét xử. Những chính khách khác như các cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, Yingluck Shinawatra hay cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos khi phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng đều đang sống lưu vong ở nước ngoài.

Chỉ thành công khi người đứng đầu kiên quyết, nêu gương

Vụ điều tra Quỹ 1MDB ảnh hưởng không chỉ tới dự án trực tiếp từ nguồn vốn của quỹ này mà còn cả những dự án mà chính phủ tiền nhiệm đã ký kết. Hầu hết các dự án lớn đều đang bị xem xét lại, dưới góc độ xem có yếu tố tham nhũng không. Trong tình hình này, một số nhà đầu tư ngừng lại để theo dõi, nghe ngóng động thái từ Chính phủ Malaysia. Chỉ khi mọi chính sách rõ ràng, các nhà đầu tư mới có thể trở lại. Đây rõ ràng là tổn thất và khó khăn không nhỏ đối với nền kinh tế và hình ảnh đất nước Malaysia.

Tuy nhiên, đây là việc phải làm. Vụ bê bối về Quỹ 1MDB nếu được làm rõ sẽ là “quả bom lớn” về tham nhũng. Do thua lỗ, nợ đầm đìa tới hơn 11 tỷ USD, vào tháng 5-2016, quỹ này được giao toàn bộ cho Bộ Tài chính quản lý. Hậu quả mà ông Najib Razak để lại rất nặng nề. Mặc dù Malaysia xây dựng được hệ thống pháp luật và cơ chế phòng, chống tham nhũng khá hoàn thiện, từng hoạt động hiệu quả trước đây, song rõ ràng trong vụ bê bối Quỹ 1MDB, hệ thống rõ ràng bộc lộ nhiều lỗ hổng, nếu không muốn nói là bị vô hiệu hóa.

Lên nắm quyền trong cuộc bầu cử ngày 9-5 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad khẳng định ưu tiên của chính phủ là tập trung đối phó với nạn tham nhũng và quyết tâm thu hồi khoản tiền thất thoát từ quỹ này. Do vậy, Chính phủ Malaysia cho điều tra lại vụ 1MDB và thành lập một ủy ban riêng nhằm xem xét các vấn đề liên quan quỹ này, không chỉ để buộc ông Najib Razak phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm pháp luật của mình, mà còn nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Chỉ vài ngày sau khi ông Najib Razak bị truy tố, ngày 10-7, Thủ tướng Mahathir Mohamad tuyên bố chỉ có thể đấu tranh chống tham nhũng thành công khi các nhà lãnh đạo cao nhất của chính phủ miễn nhiễm với căn bệnh trầm kha này. Ông cam kết chính phủ của ông sẽ làm mọi việc có thể để phòng, chống tham nhũng. Phát biểu trước báo giới trong nước, Thủ tướng Mahathir bày tỏ mong muốn báo chí sát cánh cùng các cơ quan chức năng của chính phủ để giành được thắng lợi trong cuộc chiến chống cam go này.

Tiếp đó, Thủ tướng Mahathir yêu cầu các thành viên nội các Malaysia công khai tài sản với MACC và không được nhận quà, trừ trường hợp quà là thực phẩm chóng hỏng và hoa. Yêu cầu trên được áp dụng với toàn bộ chính phủ, bao gồm cả bản thân ông Mahathir, và các nghị sĩ. Thời hạn để các quan chức công khai tài sản sẽ sớm được công bố. Chính phủ đang xem xét để quyết định những thông tin tài sản nào cần công khai.

Thủ tướng Mahathir cũng cho biết hiện chính phủ đang soạn thảo luật và cân nhắc các cách thức điều hành để có thể đấu tranh chống tham nhũng thực sự hiệu quả, thậm chí có thể xóa bỏ được tham nhũng tại Malaysia. Chính phủ của ông cũng đang cân nhắc liệu có tiến hành bắt buộc thành viên gia đình của các nghị sĩ công khai tài sản đối với trước cơ quan phòng chống tham nhũng hay không. Hiện các nhà lập pháp Malaysia đang xây dựng một đạo luật nhằm bảo đảm các đảng phái chính trị không được đưa ra những chính sách có lợi cho những người đã tài trợ cho các chính đảng. Theo Thủ tướng Mahathir, hệ thống vận động hành lang được trả tiền để tiến hành các hoạt động có thể tác động đến quyết sách của chính phủ tại Mỹ là một cảnh báo, và ông sẽ không cho phép điều này diễn ra ở Malaysia.

Đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng như MACC cũng sẽ được cải tổ theo hướng độc lập và hiệu quả hơn. Thủ tướng Mahathir Mohamad khẳng định, chính phủ do Liên minh Hy vọng đứng đầu sẽ bảo vệ những người tố giác tham nhũng. Ngày 20-7, khi dự đại hội thường niên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hiệp hội người gốc Hoa Malaysia (ACCCIM), ông Mahathir nêu rõ, chính phủ của ông cam kết không chỉ cương quyết chống tham nhũng mà còn là một chính phủ trong sạch. Theo đó, chính phủ sẽ nỗ lực hết sức bảo vệ những người đứng ra tố cáo tham nhũng khỏi bất kỳ mối đe dọa hoặc âm mưu trả thù nào. Hành động tập thể, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền từ trên xuống dưới và người dân, các tổ chức chính trị - xã hội - dân sự, truyền thông, khu vực tư nhân… để thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh và phòng, chống tham nhũng, sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Malaysia.

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/tin-quoc-te/201809/malaysia-quyet-tam-day-manh-phong-chong-tham-nhung-304531/

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin