'Luồn lách giàu nhanh, chân chính giàu chậm'

“Nếu môi trường kinh doanh không mạnh thì DNTN sẽ “đầu tư quan hệ, công nghệ phong bì”- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu.

Nhiều ý kiến rất thẳng thắn tại Diễn đàn “Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” diễn ra tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngày 26-10.

Ông Phạm Đình Đoàn, Tập đoàn Phú Thái sau khi bày tỏ quan điểm về cách làm ăn của nhiều doanh nghiệp tư nhân (DNTN) cho rằng: “Có một thực tế là nếu làm chân chính thì giàu chậm, nên phải luồn lách để giàu nhanh”.

 Ông Phạm Đình Đoàn: "Chân chính thì giàu chậm nên nhiều DNTN phải luồn lách để giàu nhanh". Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Phạm Đình Đoàn: "Chân chính thì giàu chậm nên nhiều DNTN phải luồn lách để giàu nhanh". Ảnh: CHÂN LUẬN)

Theo ông Đoàn, cách hoạch định chiến lược kinh doanh của nhiều DNTN Việt Nam rất khác biệt, chẳng hạn so với Nhật Bản. “Ở đó có những DN làm váng đậu mà truyền cả 3-4 đời, trong khi ở Việt Nam nếu DN tích lũy được ít vốn thì lại chuyển sang kinh doanh bất động sản ngay để giàu nhanh”, ông Đoàn nói.

Cũng đề cập tới chiến lược kinh doanh, ông Đoàn cho rằng, phần lớn các DNTN chiến lược kinh doanh là thấy ngành nghề nào đang có lãi là đầu tư vào ngay. Tình trạng này gây ra việc “quân ta đánh quân mình”.

“Chúng ta cứ đánh nhau cho đến khi bị thương và đến lúc đó thì DN nước ngoài vào hốt hết thị trường”, ông Đoàn nói.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa nêu ra những vướng mắc từ chính sách và thực thi công vụ. Ông Đệ cho rằng: đạo đức công vụ đang là vấn đề lớn nhất. Bởi nhiều khi chính sách, chủ trương và pháp luật rất đúng, nhưng cấp thừa hành bên dưới thì lại “hành” DN.

Mở điện thoại, ông Đệ nói: “Tôi vừa nhận được tin nhắn từ DN cho biết, quá trình thanh tra đã diễn ra 115 ngày rồi mà cơ quan thanh tra dứt khoát không công bố. Trước đó DN đã “cầu cứu xin được thanh tra”, nhưng khi không phát hiện ra sai phạm gì thì cơ quan nhà nước lại không công bố kết luận. Cứ vậy thì DN sao mà sống được!”.

 Ông Nguyễn Văn Đệ mong muốn đạo đức công chức được đẩy mạnh để DNTN phát triển lành mạnh. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Nguyễn Văn Đệ mong muốn đạo đức công chức được đẩy mạnh để DNTN phát triển lành mạnh. Ảnh: CHÂN LUẬN)

Cũng có một DN kêu về việc tiếp cận vốn và cho rằng đang có tình trạng bất bình đẳng. Chuyên gia Nguyễn Đình Ánh nói các DN cần phải đặt mình vào vị trí của ngân hàng để hiểu vấn đề.

“Cho DN nhỏ vay 1 tỉ, nếu mất thì đi tù 5 năm; cho DN lớn vay 1.000 tỉ, mất cũng đi tù 5 năm. Vậy thì vì sao DN nhỏ tiếp cận vốn khó đã có câu trả lời. Chúng ta hãy tư duy theo nguyên tắc thị trường để hiểu ngân hàng”, ông Ánh nói.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu trong phần trình bày của mình nói ông không nói như một nhà hoạch định chính sách, mà đặt mình vào vị trí của DN.

“Có ba rào cản với khu vực kinh tế tư nhân là gánh nặng chi phí và thời gian tuân thủ pháp luật, rủi ro pháp lý và độ an toàn trong kinh doanh”, ông Hiếu nói.

Mặt khác, theo ông Hiếu, dù môi trường kinh doanh có thuận lợi nhưng hiện nay vẫn DNTN vẫn thiếu động lực. “Chỉ có cạnh tranh mới là động lực cho DNTN”, ông Hiếu nói và nhấn thêm lý do nội tại là trình độ quản trị yếu của DNTN.

Mặt khác, theo ông Hiếu, Nhà nước đang có những cách can thiệp làm sai lệch tín hiệu thị trưởng, chẳng hạn như ban hành những quy hoạch về cá tra, cá rô phi và thậm chí là cả quy hoạch cà phê, chuối.

Tuy vậy, ngỏ lời với DNTN, ông Hiếu nói: “Đương nhiên nhà nước phải tạo môi trường đầu tư tốt, môi trường ấy như một vùng nước sạch. Còn DN nên là những con cá, biết bơi bằng trí tuệ và tài năng”.

Nhưng kết luận, ông Hiếu cũng nhấn mạnh: “Nếu môi trường kinh doanh không mạnh thì DNTN sẽ “đầu tư quan hệ, công nghệ phong bì”.

Theo PLO

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin