LS. Hoàng Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) : Cần xem xét trách nhiệm của pháp nhân Công ty Rạng Đông trong sự cố môi trường vừa qua.

09/09/2019 19:33

(Pháp lý) - Sự cố cháy xảy ra tại Cty Bóng đèn Phích nước Rạng đông (Công ty Rạng Đông) khiến dư luận lo lắng một, thì thông tin về việc Công ty này che giấu việc sử dụng thủy ngân dạng lỏng để sản xuất bóng đèn …khiến dư luận bức xúc mười. Sự vụ đòi hỏi các cơ quan chức năng cần làm rõ về trách nhiệm của chính công ty này trong việc quản lý, sử dụng hóa chất bị hạn chế sử dụng trong công nghiệp đã phát tán và gây ảnh hưởng sức khỏe cho người dân.

Cần kiểm tra hành chính việc quản lý, sử dụng hóa chất của Công ty Rạng Đông

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phát đi báo cáo chính thức vụ cháy nhà xưởng của (mã RAL) diễn ra từ lúc 18h30 đến 23h30 ngày 28/8/2019 vừa qua.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận, vụ cháy đã làm cháy khoảng 6.000m2 kho chứa sản phẩm gồm: Bóng đèn huỳnh quang là 480.000 sản phẩm, chủ yếu là loại đèn dài 1,2m, sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng với hàm lượng là 20mg/bóng.

Bóng đèn compact: 1.600.000 sản phẩm, sử dụng 1 viên Amalgam/bóng đèn trọng lượng khoảng 11,5 mg, hàm lượng Hg khoảng 22-30%.

Bóng đèn tròn công suất thấp dùng sợi đốt vonfram 2.000.000 sản phẩm), nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại.

Theo báo cáo ban đầu của công ty, từ năm 2016 Công ty chỉ sử dụng viên amalgam (hỗn hống của Hg – Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo công ty, công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thuỷ ngân dạng lỏng, có độc tính cao hơn so với viên amalgam với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng. Khối lượng hóa chất còn lại là 4.510.712 viên amalgam với trọng lượng là 41,75 kg, thuỷ nhân lỏng là 108,9 kg, trong đó 34,3 kg được bảo quản an toàn cùng với viên Amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy. Lượng thuỷ ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg.

 Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông
Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông)

Theo tìm hiểu của Phóng viên, thủy ngân dạng lỏng là loại hóa chất công nghiệp được xếp vào phụ lục II (hóa chất hạn chế sử dụng) kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ .

Theo quy định tại Thông tư 32/2017-TT-BCT quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất, thì ngành công thương là cơ quan có trách nhiệm thực hiện thủ tục hành chính về quản lý hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp. Các cá nhân liên quan sử dụng hóa chất phải lập hồ sơ đề nghị và thẩm định, cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp; Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp; Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; lập hồ sơ đề nghị và thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp; mẫu Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc; các biểu mẫu báo cáo trong hoạt động hóa chất; Xây dựng Kế hoạch và Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp; Phân loại và ghi nhãn hóa chất; Xây dựng Phiếu an toàn hóa chất; Khai báo hóa chất nhập khẩu…

Từ vụ việc đã xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét kĩ quá trình nhập khẩu, quản lý, sử dụng hóa chất là thủy ngân dạng lỏng của Công ty Rạng Đông và truy xét trách nhiệm pháp lý đối với vi phạm liên quan ( nếu có).

Xem xét trách nhiệm của pháp nhân để có biện pháp răn đe chung ?

Việc thủy ngân bị phát tán vào môi trường (nếu có ) là một sự cố vô cùng nghiêm trọng. Theo báo cáo của công ty này tính quy ra hàm lượng thủy ngân là khoảng 15,1kg đến 15,6kg nhưng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam căn cứ vào các tài liệu sản xuất đèn huỳnh quang trước đây nên quy ra khoảng 27kg.

Kiểm tra về môi trường sau sự cố, về nồng độ thuỷ ngân, có 1/12 mẫu nước mặt được thu thập vượt hàm lượng thuỷ ngân 1,3 lần so với ngưỡng khống chế. Các mẫu này được thu thập trên sông Tô Lịch (chú trọng nhiều ở ngõ 320 Khương Đình - cống xả thải của nhà máy Rạng Đông). Có 1/8 mẫu nước thải tại nhà máy vượt 1,26 lần tiêu chuẩn 40 của Việt nam.

Ngoài ra cũng có mẫu bùn thải vượt về hàm lượng thuỷ ngân đến 6,1 lần, cách vị trí cống xả thải của nhà máy 1 km trên sông Tô Lịch. So với tiêu chuẩn của Mỹ, Canada thì số mẫu vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn về thuỷ ngân lên tới 6 mẫu.

Tại sao Công ty Rạng Đông lại giấu diếm quá trình sử dụng thủy ngân lỏng? Khi sử dụng thủy ngân, liệu Công ty Rạng Đông đã tính toán đến kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường hay chưa? Các vi phạm trên cần được kiểm tra và làm rõ.

Theo luật sư Hoàng Tuấn Anh – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Vụ cháy nổ kèm hóa chất phát tán cũng gây hoang mang lớn cho dư luận. Thực tế theo thống kê và ước tính của các nhà khoa học thì đã có một lượng thủy ngân lỏng lớn bị phát tán ra môi trường sau sự cố cháy nổ trên tức là đã có hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của pháp nhân là Công ty Rạng Đông với sự cố môi trường vừa qua.

Theo tìm hiểu, hiện nay không có 1 tội danh nào trong BLHS quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhận khi quản lý, sử dụng hóa chất trong sự cố môi trường gây tổn hại cho xã hội. Tuy nhiên, từ hành vi thông tin chưa đúng sự thật của đại diện Công ty Rạng Đông (nguồn tin công khai trên báo chí –PV), quá trình vụ cháy xảy ra, hậu quả của vụ việc thì cần xem xét dấu hiệu của tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.

Theo LS Tuấn Anh, để giải quyết triệt để vụ việc, cần khởi tố vụ án để điều tra. Trong quá trình giải quyết vụ việc, những người dân bị thiệt hại có thể đệ trình đơn với tư cách là nguyên đơn dân sự yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường.

Luật gia Dương Đình Khuyến (Hội Luật gia Việt Nam) thì cho rằng xem xét trách nhiệm hình sự trong vụ việc cần hết sức thận trọng. Hiện nay, vẫn chưa có một kết luận từ cơ quan điều tra, nên việc đề cập đến trách nhiệm hình sự cần hết sức thận trọng!

Theo điều 602 (Bộ Luật dân sự 2015) quy định về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”.

Như vậy, trong mọi trường hợp thiệt hại phát sinh do đám cháy Công ty Rạng Đông vẫn phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân.

Phan Tĩnh

 

 

Bạn đang đọc bài viết "LS. Hoàng Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) : Cần xem xét trách nhiệm của pháp nhân Công ty Rạng Đông trong sự cố môi trường vừa qua." tại chuyên mục Chính sách mới. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin