'Lỗ hổng' pháp lý về hộ kinh doanh

Với 109 ý kiến phát biểu tại tổ và 19 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí sửa đổi Luật Doanh nghiệp tại Kỳ họp thứ 9 để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn một số vấn đề chưa đạt sự thống nhất cao, nhất là vấn đề hộ kinh doanh.

Một trong những vấn đề có tranh luận nhiều nhất là có đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp hay không. Ban đầu, khi Bộ KH&ĐT dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi thì không đề xuất sửa đổi về hộ kinh doanh, nhưng khi Chủ tịch VCCI - ông Vũ Tiến Lộc lên tiếng đề nghị xem xét đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh với mục đích hỗ trợ hàng triệu hộ kinh doanh phát triển và có thể ngày càng lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp, đóng góp lớn cho nền kinh tế, thì Bộ KH&ĐT đã tiếp thu, trình Chính phủ đồng ý bổ sung hộ kinh doanh.

Có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với kiến nghị này, nhưng cho rằng không nên ép hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, đồng thời cần ban hành nghị định quy định chế độ kế toán đối với hộ kinh doanh, cần có sự công bằng với các loại hình kinh doanh khác, bổ sung đánh giá kinh tế ban đêm ở đô thị, nhất là đóng góp của các loại hình kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi vẫn còn một số vấn đề chưa đạt sự thống nhất cao, nhất là vấn đề hộ kinh doanh (Ảnh: Internet)

Việc bổ sung hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thực chất là nhằm khắc phục khiếm khuyết của Luật Doanh nghiệp hiện hành khi không coi hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật nhưng lại yêu cầu hộ kinh doanh có từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, tức là thừa nhận hộ đăng ký kinh doanh có dưới 10 lao động và đăng ký kinh doanh theo quy định của Chính phủ, do vậy Chính phủ đã hướng dẫn nội dung này tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Có đại biểu Quốc hội cho rằng quy định như hiện hành là không có căn cứ pháp lý, không phù hợp với tinh thần Hiến pháp, không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự không coi hộ kinh doanh là một chủ thể giao dịch dân sự. Do vậy, việc bổ sung hộ kinh doanh là đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với các nguyên tắc quản lý đối tượng này là phù hợp về căn cứ pháp lý.

Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xây dựng luật riêng để điều chỉnh loại hình này, không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, nhưng lại vẫn giữ quy định của Luật hiện hành về giao Chính phủ quy định về hộ kinh doanh.

Quan điểm này thể hiện sự mâu thuẫn trong đề xuất và phân tích lý do không đồng ý với quan điểm của Chính phủ về phạm vi điều chỉnh của luật với tên của hộ kinh doanh, nên có ý kiến đề nghị đổi tên hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và cơ chế quản lý và hoạt động đơn giản như hộ kinh doanh, không bắt buộc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, hỗ trợ về thủ tục, ghi chép sổ sách, ứng dụng công nghệ thông tin.

Mặt khác, quan điểm xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh gây ra lo ngại có lỗ hổng pháp lý về hộ kinh doanh trong hệ thống pháp luật từ nay cho đến khi Quốc hội thông qua luật riêng về hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, dù đưa vào Luật hay giao Chính phủ quy định về hộ kinh doanh, thì không thể phủ định sự tồn tại và vai trò của hàng triệu hộ kinh doanh với đóng góp thuế không nhỏ. Tuy nhiên, nếu lỗ hổng pháp lý này không được lấp đầy trong Luật Doanh nghiệp lần này thì những bất cập trong quản lý hộ kinh doanh vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Điển hình là vấn đề thuế khoán cho hộ kinh doanh, loại thuế này đã tồn tại từ rất lâu thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và các hộ kinh doanh đã quen với sự thuận tiện của loại thuế này khi chỉ cần thống nhất với cán bộ thuế xã, phường về mức thuế khoán dựa trên doanh thu tự khai báo, cán bộ thuế báo cáo Hội đồng tư vấn thuế xã, phường và thống nhất với Chi cục thuế về mức thuế khoán.

Sự thuận tiện này cũng đồng hành với sự tùy tiện có thể xảy ra ở bất cứ cán bộ thuế nào, vì hầu như không có sự kiểm tra, giám sát từ các lực lượng khác ngoài kiểm tra nội bộ của ngành thuế.

Nên thực tế có những hộ kinh doanh có quy mô hoạt động rộng và doanh thu rất lớn nhưng vẫn không muốn trở thành doanh nghiệp vì sự thuận tiện của thuế khoán mang lại nhiều lợi ích cho hộ kinh doanh, được cán bộ thuế chấp nhận mức thuế khoán nhỏ hơn doanh thu thực tế rất nhiều. Nếu pháp luật không lấp lỗ hổng này thì tình trạng thất thu thuế còn kéo dài.

Hộ kinh doanh là một chủ thể kinh doanh đang tồn tại và rất phát triển ở nước ta, nên rất cần hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành để khẳng định địa vị pháp lý của đối tượng này, cần xác định đúng bản chất và gọi đúng tên của chủ thể này, thực chất là cá nhân kinh doanh hoặc doanh nghiệp một chủ như thông lệ nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, cách tiếp cận về phát triển cá nhân kinh doanh lại chưa được các nhà hoạch định chính sách và lập pháp nghiên cứu thấu đáo, đón sóng cơ hội khởi nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tác động của chiến tranh thương mại và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang cần tranh thủ cơ hội.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/lo-hong-phap-ly-ve-ho-kinh-doanh.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin