Mới đây, một dự thảo nghị quyết do Nga đệ trình, trong đó lên án các cuộc tấn công quân sự do Mỹ, Pháp và Anh tiến hành nhằm vào Syria, đã không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua.
AFP ngày 15/4 cho biết, chỉ với 3 phiếu thuận, Nga đã không thể khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua dự thảo nghị quyết lên án cuộc tấn công của liên quân Mỹ - Anh - Pháp nhằm vào Syria hôm 14/4.
Dự thảo của Nga lên án "cuộc xâm lăng" nhằm vào Syria và yêu cầu liên quân không gây ra thêm cuộc tấn công nào trong tương lai. Được biết, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 14/4, 8 nước đã bỏ phiếu chống trong khi 4 nước bỏ phiếu trắng. Số phiếu cần thiết để dự thảo được thông qua là 9.
Theo đó, Trung Quốc và Bolivia ủng hộ dự thảo của Nga. Ngoài 3 nước Mỹ, Anh, Pháp, các nước bỏ phiếu chống là Thụy Điển, Hà Lan, Ba Lan, Kuwait và Bờ Biển Ngà. Peru, Kazakhstan, Ethiopia và Guinea Xích Đạo bỏ phiếu trắng.
Trước phiên bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói rằng "đạn đã lên nòng" và Mỹ sẵn sàng tiến hành tấn công thêm vào Syria nếu Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục dùng vũ khí hóa học. Trong khi đó, Anh lập luận rằng cuộc tấn công của liên quân là "đúng và hợp pháp" để giảm thiểu sự thống khổ của người dân liên tục phải đối mặt với khí độc trong các cuộc tấn công ở Syria.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cáo buộc phương Tây theo "chủ nghĩa hooligan" và yêu cầu các nước ngay lập tức chấm dứt các hành động chống lại Syria và kiềm chế trong tương lai.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về hành động quân sự nói trên của Mỹ, Anh, Pháp và kêu gọi tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc cũng như luật pháp quốc tế về vấn đề này.
Phát biểu trước phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về các các cuộc không kích do Mỹ, Pháp và Anh vừa tiến hành nhằm vào Syria, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng, không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria, mà thay vào đó chỉ có giải pháp chính trị.
Tổng thư ký một lần nữa nhấn mạnh, các quốc gia có nghĩa vụ phải tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế nói chung, nhất là khi xử lý các vấn đề hòa bình và an ninh. Ông cũng hối thúc tất cả các quốc gia thành viên thể hiện sự kiềm chế trong những hoàn cảnh nguy hiểm này, đồng thời tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang tình hình và làm tồi tệ hơn nữa tình cảnh khốn khổ của người dân Syria.
Theo Congly