Việc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm phải thật rõ đối với từng người, từng chủ thể, không thể đánh đồng trách nhiệm tập thể.
LTS: Liên quan đến việc, ngày 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải triệu tập gấp cuộc họp với trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố để bàn cách hoãn hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015, từ ngày 1/7, vì đã phát hiện bộ luật này có tới hơn 90 nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
TS Lê Hồng Sơn - Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) - Bộ Tư Pháp đã có những quan điểm riêng của mình về vấn đề trên. Báo Đất Việt xin đăng tải nguyên văn những ý kiến của TS Lê Hồng Sơn!
Điểm qua sự kiện
Lại một lần nữa buộc tôi phải có một số ý kiến về những sai trái trong hoạt động "Làm Luật" và cũng một lần nữa tôi phải dùng cụm từ "đừng để chìm xuồng trách nhiệm".
Lần trước tôi đã nói là "cá chết hàng loạt ở miền Trung đừng để chìm xuồng trách nhiệm". Dư luận đang ngóng cổ trông chờ.
Giờ đây, tôi buộc phải lên tiếng về một số sai sót trong việc xây dựng văn bản "QPPL".
Tôi thấy vừa qua có nhiều sai sót trong hoạt động xây dựng văn bản QPPL mà tôi đã nhiều lần nói tới kể cả trong thời kỳ đứng đầu hệ thống kiểm tra xử lý văn bản QPPL lẫn thời gian gần đây.
Sự kiện mới nhất là ở những sai sót có thể nói nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng trong nội dung của Bộ Luật hình sự năm 2015. Đây là một Bộ Luật rất lớn, rất quan trọng của nhà nước ta.
Là Bộ Luật về "tội phạm và hình phạt", trong đó mức phạt thường là tù tội, tức quyền tự do của con người, của công dân. Cao nhất trong các hình phạt là tử hình- tước quyền được sống của một con người, của một công dân.
Đây cũng không phải là Bộ Luật được xây dựng mới hoàn toàn mà nó có nền móng hơn 30 năm kể từ Bộ luật hình sự đầu tiên năm 1985 (lúc đó tôi có may mắn được tham gia Ban thư ký của Ban soạn thảo dự án Luật).
Từ Bộ Luật 1985 đến nay, đã có nhiều lần sửa đổi, bổ sung, thay thế, mà điển hình là sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự 1999, cũng như Luật sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự 2009.
Nói vậy để thấy, Bộ Luật hình sự 2015 đã được xây dựng trên một nền tảng khá vững chắc, được xây dựng hoàn thiện nhiều lần trong hơn 30 năm để các bạn thấy được cái mức độ nghiêm trọng cũng như khó có thể tha thứ với hơn 90 lỗi/426 điều của Bộ luật này.
[caption id="attachment_143595" align="aligncenter" width="410"]
TS Lê Hồng Sơn - Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL)[/caption]
Bây giờ, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đang tập trung công sức, thời gian, tiền của cho việc nghiên cứu để sửa lỗi, giải quyết hậu quả trong Bộ Luật hình sự 2015.
Tôi cũng xin nhắc lại từ lúc ban hành công bố Bộ Luật này cho đến nay đã có vài việc lình xình như xin thay 4 trang có liên quan 6 điều Luật ở cả phần quy định chung lẫn phần các tội phạm, với lý do có sơ suất về kỹ thuật. Thường vụ Quốc hội phải mất vài phiên họp để giải quyết.
Trước phiên họp, ngày 27/6 vừa rồi, tại phiên họp thứ 49 đầu tháng này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã dành thời gian thảo luận một số nội dung liên quan đến Bộ Luật này.
Trong đó, có đưa ra chủ trương vẫn giữ nguyên hiệu lực 1/7/2016, nhưng kiến nghị sửa một số nội dung của Bộ Luật này tại kỳ họp thứ nhất khóa XIV khai mạc 20/7 tới đây.
Rồi đến cuộc họp ngày 27/6, Thường vụ Quốc hội phải đưa ra quyết định rất mới với sự tham gia của các trưởng đoàn các đoàn đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành và hiện đang gửi phiếu biểu quyết đến các ĐBQH khóa XIII để xin biểu quyết về kéo dài thời gian có hiệu lực của Bộ Luật hình sự 1999; Luật sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự 2009 đến ngày 1/1/2017 và đương nhiên, hiệu lực của Bộ luật hình sự mới cũng phải kéo lùi đến 1/1/2017.
Mới điểm qua như vậy đã thấy Thường vụ Quốc hội, các ĐBQH, các cơ quan tổ chức có liên quan mất khá nhiều thời gian, công sức, tiền của của dân để xử lý những sai sót, có trong Bộ Luật hình sự 2015.
Hậu quả của sai sót trong Bộ Luật hình sự 2015
Như trên đã nói, chúng ta khá dễ dàng để đi đến thống nhất với nhau rằng vấn đề tốn kém, thời gian, công sức, tiền của trong thời gian vừ qua là không hề nhỏ.
Các bạn thử hình dung cả một quá trình rà soát để nhận diện một cách tương đối đầy đủ hơn 90 lỗi có trong Bộ Luật mới rồi đến một loạt các hoạt động, các cuộc hợp của các cơ quan có thẩm quyền, từ một số Ủy ban của Quốc hội đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Không ai họp chay cả, kinh phí chi không hề nhỏ. Từ góc nhìn khác, cũng thấy được sự tốn kém công sức, thời gian. Rất đơn giản, ví dụ 63 trưởng đoàn ĐBQH về Hà Nội họp thường không đi 1 mình, tiền công tác phí, tiền vé máy bay, tiền ăn ở. Về 63 đoàn ĐBQH có hình thức để cho các đại biểu trao đổi thảo luận và bỏ phiếu bất thường...
Cũng là một tốn kém dù không lớn lắm, chi phí cho việc công văn, giấy tờ, trao đổi, liên hệ phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Tiền của dân cả đấy!. Nếu dùng chữ bất thường và tốn kém còn là nhẹ.
Còn một vấn đề nữa, với tư cách là chuyên gia pháp luật tôi thấy cần phải nêu lên đó là phải tính đến hệ lụy và những hậu quả khá lớn của việc kéo dài hiệu lực của Bộ Luật hình sự 1999 thêm 6 tháng đến 1/1/2017, cùng với đó là việc lùi thời điểm có hiệu lực của BLHS 2015 đến thời điểm này.
6 tháng trời của những quy định cũ buộc phải áp dụng, mặc dù ai cũng biết quy định đó không còn phù hợp buộc phải sửa đổi, những chủ trương, quyết sách mang tính đổi mới, có lợi cho dân, cho xã hội trong Bộ Luật mới phải kéo lùi thêm 6 tháng nữa mới có hiệu lực.
Hậu quả này không chỉ đơn thuần tính đếm bằng tiền bạc.Ở đây, liên quan đến sinh mệnh con người, đến số phận của từng công dân, từng con người, không may vướng vào vòng tố tụng hình sự và đương nhiên, như tôi đã nói ở trên, đó là hậu quả của mất công sức, tiền của, thời gian và hơn nữa là mất lòng tin của dân đối với bộ máy làm Luật của nhà nước.
Vài việc liên quan đến làm Luật
Nhân đây cũng nhắc đến một số thiếu sót gần đây ví dụ Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và hệ thống các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành Luật này.
Ngày Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực thì Chính phủ vẫn nợ hàng loạt Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật này, tạo ra một khoảng trống pháp luật mênh mông, gây lúng túng, khó khăn cho đội ngũ thi hành Luật này trên toàn quốc.
Chỉ vì lỗi chậm ban hành văn bản quy định chi tiết cũng như chủ trương xử lý chưa đạt chuẩn, đó là thiếu rà soát, minh định những quy định nào của các Nghị định cũ không trái với Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và người ta có thể tiếp tục thi hành nó.
Đi theo đó là những quy định của các Nghị định này trái với Luật mới thì phải bãi bỏ không được tiếp tục thi hành. Do sai sót này mà cả năm trời tôi phải nhiều lần hướng dẫn cho các lực lượng thi hành về cách hiểu và thực thi Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Hậu quả của nó trong xã hội khi áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính mà chưa có những quy định của Chính phủ cũng không hề nhỏ.
Hoặc đến bây giờ tôi vẫn chưa quên một ví dụ khá hài hước đó là thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, ngay khi đó, tôi đã thấy và nói ngay với Bộ trưởng Bộ Tư pháp lúc đó rằng quy định về Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật mà không xác định rõ nội hàm của QPPL là cái gì, tức là làm việc mà không biết việc đó là việc gì.
Đưa đến hậu quả là đến tận bây giờ vẫn mày mò, lúng túng trong hoạt động pháp điển.
Các kết quả của nó vẫn mang tính đối phó, hình thức, vì lý do người ta không hiểu QPPL là gì? Dư luận cũng đã rộ lên về quy định bất cập, sai trái của một số Luật trong thời gian gần đây. Việc này dư luận đã nói nhiều tôi không nói lại.
Xác định trách nhiệm
Tôi cho rằng đây là một vấn đề đã được Đảng và Nhà nước đưa ra chủ trương rõ ràng trong mấy năm vừa qua, đó là:
Người tham mưu, người ban hành văn bản QPPL sai trái, gây hậu quả buộc phải chịu trách nhiệm. Điều này tôi cũng đã nói nhiều rồi. Không thể cứ kéo dài mãi sợi dây rút kinh nghiệm một cách chung chung, hời hợt.
Đặc biệt, Luật ban hành văn bản QPPL 2015 xác định rõ trách nhiệm khi ban hành văn bản QPPL sai trái.
Cá nhân tôi trong nhiều năm theo dõi, trực tiếp tham gia công việc liên quan đến hoạt động của Quốc hội, tôi thấy một vấn đề cơ bản rất quan trọng, đó là lựa chọn ĐBQH với chất lượng trình độ chất lượng, trách nhiệm, trí tuệ như thế nào.
Thông thường người ta nghe thảo luận, thấy ổn, rồi thì bỏ phiếu thông qua, thậm chí có những ĐBQH không hiểu hết vấn đề và những người này khi được đề nghị bỏ phiếu thì phần lớn là đồng ý thông qua cho xong trách nhiệm.
Chỉ có một tỷ lệ khá ít đại biểu, thông thường khoảng vài chục ĐBQH có nhận thức sâu sắc, trách nhiệm và phát biểu mang tính phản biện cao, có chất lượng giúp cho việc hoàn thiện dự án, dự thảo. Vậy thôi, một bức tranh theo tôi không mấy sáng sủa trong cơ chế hoạt động tập thể của Quốc hội thời gian vừa qua.
Trong quy trình làm Luật hiện nay, như Bộ luật hình sự lần này, nó phải đi theo một dải trách nhiệm, một hệ thống các đầu mối chịu trách nhiệm các mức khác nhau, thấp nhất là Tổ biên tập, Ban soạn thảo dự án Bộ Luật; tiếp theo, là cơ quan thẩm định giúp cho Chính phủ đó là Hội đồng thẩm định dự án Bộ Luật.
Cao hơn nữa là Chính phủ xem xét thông qua trình Quốc hội; tiếp sau đó là trách nhiệm thẩm tra, tham gia của Ủy ban chuyên trách của Quốc hội; rồi còn Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến để chỉnh lý dự án Luật trình QH.
Đặc biệt, với dự án Bộ Luật này quyết định thảo luận và thông qua tại 2 kỳ họp. Giữa 2 kỳ họp là trách nhiệm chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Bộ Luật thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, ủy ban tư pháp và một số ủy ban khác có liên quan của Quốc hội.
Ở đây, tôi lại phải nhắc lại bộ phận chịu trách nhiệm chính là Tổ biên tập, ban soạn thảo của Chính phủ và trách nhiệm thẩm tra, chỉnh lý hoàn thiện của Ủy ban tư pháp giúp cho thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Đi theo đó là một số vụ chuyên trách của văn phòng quốc hội.
Một điều nữa tôi muốn nói thêm, đó là trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, người ta nói nhiều đến chất lượng đội ngũ công chức, tham gia quá trình xây dựng, hoàn thiện các văn bản QPPL vừa yếu, vừa hời hợt thiếu trách nhiệm và thiếu sự say mê về chuyên môn, nghiệp vụ.
Có người có trách nhiệm ở Ủy ban pháp luật đã nói với tôi rằng, chất lượng anh em bây giờ nhiều hạn chế và việc tham gia cũng không thể say sưa trách nhiệm như thế hệ đi trước, các bậc tiền bối và do gần đây, mỗi kỳ họp có nhiều Luật được thảo luận thông qua nên chúng tôi không quán xuyến được hết.
Nói vậy để thấy, bên cạnh việc tuyển chọn, đào tạo, nâng cao trình độ, vấn đề xác định trách nhiệm có vai trò hết sức quan trọng.
Có người nói làm Bộ Luật kỳ này thời gian ít, cập rập, coi đấy là một lý do biện minh cho sai sót hơn 90 lỗi, tôi hoàn toàn không đồng ý, bởi vì như trên tôi đã nói Bộ luật hình sự 2015 được xây dựng trên một nền tảng khá vững chắc, đồ sộ của Bộ luật hình sự 1985 và trực tiếp là Bộ Luật hình sự 1999 và sửa đổi, bổ sung 2009...
Vấn đề còn lại là trình độ, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chuyên trách giúp cho chính phủ, giúp cho Quốc hội đối với dự án này. Việc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đưa ra hình thức kỷ luật đích đáng, tôi thấy hoàn toàn không có gì quá đáng.
Đó là việc mà cả xã hội và người dân mong đợi, cũng như đang mong đợi việc xem xét trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong việc để cá chết hàng loạt ở miền Trung mà tôi đã nêu trong thời gian vừa qua.
Theo Bao Datviet