Kỳ vọng Luật về Hội được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các Hội

25/10/2016 09:37

(Pháp lý) - Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc ngày 20/10/2016. Kỳ họp sẽ cho ý kiến thông qua bốn dự án Luật quan trọng và một số Nghị quyết, trong đó có Luật về Hội. Nhân sự kiện này, Tạp chí Pháp Lý đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam xung quanh những vấn đề đáng quan tâm về dự án luật về Hội với góc nhìn từ Hội Luật gia Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh của các Hội tại Việt Nam

PV: Sau một chặng đường chuẩn bị khá dài, Dự án Luật về Hội chuẩn bị được trình Quốc hội xem xét thông qua, xin Chủ tịch cho biết sự kiện này có ý nghĩa chính trị - pháp lý – xã hội như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Quyền lập Hội là một trong các quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trang trọng trong các bản Hiến pháp của Nhà nước ta từ 1946 đến 2013. Căn cứ vào Hiến pháp 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 102/SL/L004 về “Luật quy định quyền lập Hội”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Quyết định quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày Tờ trình về dự án Luật Trưng cầu ý dân tại Quốc hội khóa XIII
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày Tờ trình về dự án Luật Trưng cầu ý dân tại Quốc hội khóa XIII)

Từ đó đến nay các Hội ở nước ta phát triển rất đa dạng, phong phú với quy mô, phạm vi và tính chất hoạt động khác nhau. Về số lượng, tính đến tháng 12 năm 2014, cả nước có 52.565 Hội (483 Hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 Hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 Hội có tính chất đặc thù (28 Hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.764 Hội hoạt động phạm vi địa phương). Một số Hội đã được xác định là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và 10 Hội được thành lập Đảng đoàn để lãnh đạo hoạt động; các hội còn lại được xác định là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nhân đạo.

Tuy nhiên, cùng với công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cấu trúc xã hội nước ta đã có nhiều thay đổi đa dạng hơn trước đây, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, nên năm 2005 Quốc hội đã cho xây dựng Dự án Luật về Hội. Chính phủ đã trình dự án Luật về Hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XI (tháng 6 năm 2006). Sau rất nhiều hội thảo, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các Đại biểu Quốc hội, đến nay sự chuẩn bị đã chín muồi, Dự án Luật về Hội được trình Quốc hội thông qua là một sự kiện lớn, rất đáng quan tâm về sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật và được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các Hội tại Việt Nam.

PV: Xin Chủ tịch nói rõ hơn, vì sao đây lại là sự kiện lớn, kỳ vọng tạo điều kiện cho sự lớn mạnh của các Hội tại Việt Nam?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Như tôi đã nêu, tình hình kinh tế, xã hội, bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đã khác rất xa so với 60 năm trước, Sắc lệnh số 102/SL/L004 đã không còn phù hợp với thực tiễn tổ chức, hoạt động của các Hội hiện nay. Do chưa có Luật nên hệ thống pháp luật về Hội chưa đồng bộ. Các Hội nói chung được điều chỉnh bằng Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, riêng Liên đoàn Luật sư Việt Nam theo Luật Luật sư, Hiệp hội Công chứng theo Luật Công chứng… Do đó có thể nói các qui định của pháp luật về Hội hiện tại còn rất nhiều bất cập.

Bất cập thường được nói đến là chưa phân biệt rõ các Hội do Đảng và Nhà nước có nhu cầu thành lập để thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao với các Hội khác hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự lo kinh phí. Rồi nhiều Hội hoạt động còn hình thức, chưa đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích hợp pháp của Hội viên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có xu hướng “hành chính hoá” trong tổ chức và hoạt động Hội theo cấp hành chính.

Hiến pháp năm 2013 quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25) và "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14). Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và hội nhập quốc tế, dân chủ được phát huy, quyền công dân, quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp và các Công ước quốc tế, theo đó nhu cầu lập Hội ngày càng nhiều và đa dạng cần phải được điều chỉnh bằng luật để bảo đảm quyền lập Hội của công dân và để có đủ căn cứ xử lý các trường hợp lợi dụng tổ chức Hội, lợi dụng diễn đàn, đối thoại của Hội để chống phá sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tạo ra những bất ổn trong xã hội.

Do đó việc xây dựng, ban hành Luật về Hội để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm thực hiện quyền lập Hội của công dân, phát huy vai trò của Hội và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với Hội là cần thiết, tạo hành lang pháp lý cho các Hội phát triển lành mạnh.

Hội thảo: “Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật về Hội” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức
Hội thảo: “Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật về Hội” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức)

Hội Luật gia Việt Nam và hơn 60 năm đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước

PV: Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp đặc thù, là một trong những Hội đã trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, xin Chủ tịch cho biết đôi nét về sự phát triển cũng như đóng góp của Hội Luật gia Việt Nam vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

TS. Nguyễn Văn Quyền: Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Hội Luật gia Việt Nam chúng ta tự hào nhận thấy rằng lịch sử của Hội Luật gia Việt Nam gắn liền với lịch sử đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Kể từ ngày thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức 12 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc và không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Từ chỗ chỉ có 40 Hội viên, đến nay Hội đã có hơn 63.000 Hội viên ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội viên của Hội gồm những Luật gia lão thành với nhiều kinh nghiệm quý báu về chuyên môn pháp lý và thực tiễn và các Luật gia trẻ đầy hoài bão, đã và đang công tác tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, mặt trận, các đoàn thể, tổ chức kinh tế và các trường đại học, viện nghiên cứu... hoạt động trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh. Trong các giai đoạn phát triển, nhiều Hội viên được giao trọng trách trong các cơ quan cấp cao của Đảng và Nhà nước. Hệ thống tổ chức Hội tiếp tục được củng cố và phát triển. Đến nay, tổ chức Hội đã có ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 408 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; 52 cơ quan, ban, ngành, tổ chức ở Trung ương và nhiều phường, xã, thị trấn có đủ điều kiện. Hoạt động của Hội ngày càng phong phú, đa dạng với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận, bạn bè quốc tế trân trọng.

Bám sát các nhiệm vụ chính trị pháp lý, mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhà nước đã đề ra trong từng giai đoạn, quán triệt đường lối đổi mới, toàn diện, đồng bộ nền kinh tế - xã hội, quán triệt chủ trương phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh, Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, cả trong công tác đối nội cũng như công tác đối ngoại, đặc biệt là mười năm trở lại đây.

PV: Với bề dày và sự lớn mạnh không ngừng, đóng góp của giới Luật gia Việt Nam vào sự nghiệp chung rất to lớn của đất nước, xin Chủ tịch điểm qua một số hoạt động cụ thể?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính và thực hiện chủ trương xã hội hóa một số mặt công tác của Nhà nước, nhiệm vụ của các cấp Hội Luật gia đã được mở rộng và trọng trách nặng nề hơn. Hội Luật gia Việt Nam đã góp một phần nhất định trong việc xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng và có tính cạnh tranh cao, để tạo thế chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát huy tiềm lực to lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, các cấp Hội đã có nhiều cố gắng và đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.

Công tác tư vấn pháp luật có những bước phát triển mới, đã có nhiều hợp tác tư vấn pháp luật cho các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước. Ngoài ra, các Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội hàng năm tư vấn cho hàng trăm nghìn khách hàng trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, thương mại, đầu tư … Hoạt động trợ giúp pháp lý đã mở rộng đến người dân sống ở vùng nông thôn lạc hậu, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là tới cả các trại giam để cung cấp kiến thức pháp luật cho các phạm nhân. Theo báo cáo của các tỉnh, thành hội, trong giai đoạn 2004-2014 các Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội đã thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 890.128 lượt người.

Trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật, các cấp Hội đã tham gia tích cực vào hoạt động lập pháp và lập quy của cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Hội Luật gia Việt Nam được Quốc hội giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Trọng tài Thương mại và Luật Trưng cầu ý dân, trong đó Luật trọng tài thương mại đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7, tháng 6 năm 2010 và Luật Trưng cầu ý dân đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 25 tháng 11 năm 2015. Hội cũng đã tham gia góp ý kiến cho hàng trăm dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định quan trọng do các cơ quan khác soạn thảo, đặc biệt là đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đóng góp những ý kiến thiết thực, có giá trị cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Hội còn tham gia các Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán và Kiểm sát viên với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả.

Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý được Hội duy trì với các đề tài nghiên cứu cấp Bộ. Trung ương Hội và các Viện nghiên cứu trực thuộc TW Hội đã tổ chức thực hiện thành công năm đề tài nghiên cứu khoa học và đang triển khai thực hiện hai đề tài nghiên cứu khoa học do Bộ Khoa học và Công nghệ giao. Hội cũng chú trọng phát triển công tác thông tin, báo chí, nâng cao chất lượng nội dung của Báo Đời sống và pháp luật; Tạp chí Pháp lý; Tạp chí Pháp luật và phát triển (song ngữ/ Việt - Anh), đặc biệt đã xây dựng thành công trang thông tin điện tử của Hội.

PV: Đó là những hoạt động mang tính đối nội, nhưng nhân dân cả nước còn quan tâm đến những hoạt động của Hội Luật gia mang tính đối ngoại tầm quốc tế, đặc biệt như sự kiện tháng 6/2014, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức họp báo ra tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Rồi kiến nghị để Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế - IADL ra tuyên bố của IADL ủng hộ quan điểm của Việt Nam về vụ việc ở Biển Đông và gửi thư của IADL đến Chính phủ Trung Quốc. Xin Chủ tịch chia sẻ về những hoạt động này?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Đúng là cùng với những thành tựu trong hoạt động đối nội, Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác pháp luật với các nước. Đặc biệt với điều kiện nguồn lực của các cấp Hội còn hạn hẹp, Trung ương Hội đã tranh thủ được tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế và nước ngoài để tăng cường, thúc đẩy các hoạt động chiến lược của Hội, nhất là các hoạt động trợ giúp pháp lý và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Từ năm 2009 đến nay, Hội đã liên tục phối hợp với Học viện quan hệ ngoại giao - Bộ Ngoại giao, trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, tổ chức nhiều Hội thảo quốc tế về Biển Đông, gây tiếng vang lớn, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về các vấn đề pháp lý trên Biển Đông để có tiếng nói ủng hộ cho quan điểm của Việt Nam về vấn đề này. Năm 2013, Hội Luật gia Việt Nam đã đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra các cuộc họp của Hội Luật gia dân chủ thế giới (IADL) để tranh thủ sự ủng hộ của giới Luật gia quốc tế đối với Việt Nam. Ngày 11 tháng 11 năm 2013, IADL đã ra tuyên bố kêu gọi các bên không tiến hành các hành động làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông; giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngày 9/5/2014 và ngày 25/6/2014, Hội Luật gia Việt Nam ra tuyên bố cực lực phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam và có các hành động leo thang đâm chìm tàu cá của Việt Nam, đồng thời thông báo sự việc cho toàn thể các thành viên của IADL và đề nghị IADL ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình trên biển Đông. Ngày 11/6/2014, IADL đã công bố bản tuyên bố về vấn đề này và Chủ tịch IADL gửi thư đến Chính phủ và các cơ quan liên quan của Trung Quốc yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, không làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Đồng chí Trương Tấn Sang (nguyên Chủ tịch Nước) và Đ/c Nguyễn Văn Quyền – Bí thư Đảng đoàn HLGVN trong buổi làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Luật gia VN hồi tháng 8/2015
Đồng chí Trương Tấn Sang (nguyên Chủ tịch Nước) và Đ/c Nguyễn Văn Quyền – Bí thư Đảng đoàn HLGVN trong buổi làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Luật gia VN hồi tháng 8/2015)

Cần có chính sách phù hợp đối với từng loại Hội

PV: Với những thành tựu nói trên, giai đoạn 2004 - 2015 đã ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của Hội trong điều kiện nguồn lực của các cấp Hội còn hạn hẹp, như Chủ tịch vừa nói. Để Hội Luật gia Việt Nam có điều kiện phát triển, đóng góp được nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, thì Chủ tịch quan tâm đến nội dung nào trong Dự án Luật về Hội sắp được trình Quốc hội?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Giới Luật gia Việt Nam quan tâm đến nhiều nội dung nhưng với câu hỏi của Phóng viên thì tôi chỉ nêu một vấn đề, đó là Đảng và Nhà nước cần có chính sách phù hợp đối với từng loại Hội. Trong thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, có nhiều loại Hội, có Hội có tư cách pháp nhân, có Hội không có tư cách pháp nhân như các Hội đồng hương, Hội bảo thọ… Trong các Hội có tư cách pháp nhân cũng rất đa dạng, phong phú do lịch sử phát triển, do vai trò và mục đích hoạt động của Hội nên rất cần có sự phân loại phù hợp, để từ đó có cơ chế chính sách quản lý, hỗ trợ tương ứng, phù hợp của Nhà nước đối với mỗi tổ chức Hội.

PV: Được biết, Hội Luật gia Việt Nam là một trong 28 Hội có tính chất đặc thù theo Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 1 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt, Hội Luật gia Việt Nam là 1 trong 10 Hội được thành lập Đảng đoàn để lãnh đạo hoạt động, xin Chủ tịch cho biết, những qui định trong Dự án Luật về Hội có điểm nào cần chú trọng đối với các Hội có Đảng đoàn?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Đối với Hội có tính chất đặc thù, Hội có Đảng đoàn, đúng như Phóng viên nói thì trong Dự án Luật cũng cần có những quy định cụ thể.

Tuy nhiên, tại điểm 4, Điều 7 của Dự án Luật chỉ quy định chung chung: “Nhà nước hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện để Hội thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao”. Hơn nữa, Dự thảo Luật cũng không qui định rõ Hội nào thì được Nhà nước giao nhiệm vụ. Do vậy, với quy định này vẫn chưa phản ánh đầy đủ chính sách quan điểm của Đảng về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tạo điều kiện để phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Hội được thành lập theo nhu cầu của Đảng và Nhà nước được thể hiện trong Nghị quyết 08B-NQ/HNTW ngày 27/3/1990 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân; Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 28/8/2012 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các Hội quần chúng; Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 và Công văn số 226-CV/TW ngày 20/8/2015 của Bộ Chính trị về Hội quần chúng.

Để thể chế hóa đúng quan điểm trên của Đảng, đề nghị điểm 4, Điều 7 của Dự án Luật nên viết rõ: “Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với các Hội được thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Lưu Thái Bảo (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ vọng Luật về Hội được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các Hội" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin