Kiến nghị tăng chế tài hình phạt đối với một số tội danh trong Bộ luật Hình sự

15/11/2018 17:00

(Pháp lý) - Bộ luật Hình sự (BLHS) được biết đến là công cụ thể hiện sức răn đe mạnh nhất đối với tội phạm. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào những chế tài trong BLHS cũng đủ nghiêm để răn đe những tội phạm nghiêm trọng nảy sinh và phát triển trong những giai đoạn nhất định của xã hội…

Cần tăng hình phạt đối với tội phạm trong lĩnh vực quản lý công sản, đất đai

Trao đổi với Pháp lý, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: Một đặc điểm của loại tội phạm tham nhũng là tinh vi và trắng trợn. Tinh vi và trắng trợn ở việc giao nhận tiền rất kín, khó có được bằng chứng. Việc điều tra loại tội phạm này không dễ dàng. Ở một số vụ án, quan chức vi phạm về quản lý sử dụng tài sản công (đất đai, công sản) đa phần bị xử lý ở các tội danh liên quan trực tiếp đến hành vi này. Các cơ quan tố tụng không chứng minh được các đối tượng phạm tội vì vụ lợi, có động cơ chiếm đoạt tài sản, vật chất, cũng như không chứng minh được hành vi nhận hối lộ. Chính vì thế hình phạt cho những tội phạm này, theo cá nhân tôi là nhẹ. Bởi vậy theo ông Phong, cần tăng mức hình phạt đối với các tội danh về vi phạm quản lý, sử dụng tài sản công. Mức hình phạt cần tăng tương đương với hình phạt đối với hành vi nhận hối lộ, tham ô tài sản thì mới có đủ sức răn đe với loại tội phạm này.

Quan chức bị bắt về tội vi phạm quản lý đất đai sẽ phải chịu hình phạt cao nhất 12 năm tù (trong ảnh là một quan chức TP.HCM bị bắt vì liên quan đến vụ án Vũ “nhôm”)
Quan chức bị bắt về tội vi phạm quản lý đất đai sẽ phải chịu hình phạt cao nhất 12 năm tù (trong ảnh là một quan chức TP.HCM bị bắt vì liên quan đến vụ án Vũ “nhôm”))

Theo quan điểm của ông Phong, một số tội danh mà mức phạt còn nhẹ so với hành vi nguy hiểm của các bị cáo gây ra cho xã hội như: tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219). Theo đó, người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt thứ 2 là phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Tương tự, tội Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220) thì: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt cao nhất trong tội danh này phải chịu phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Thời gian gần đây, những vi phạm về quản lý đất đai khá phổ biến. Rất nhiều quan chức bị bắt, bị khởi tố liên quan đến tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (điều 229). Theo đó, khoản 1 của điều luật quy định người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Khoản 3 quy định phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

Vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai công sản gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, khiến người dân bất bình, bức xúc. Trong khi đó, mức hình phạt kịch khung cũng chỉ 20 năm tù., e rằng chưa đủ sức răn đe với tội phạm.

Tội phạm gây “nóng” dân sinh, bức xúc xã hội, nhưng chế tài không đủ tính răn đe

Từ thông tin tố cáo của một gia đình ở Cà Mau, họ phản ánh việc con gái mình bị giam lỏng, ép bán dâm, sau đó công an xác định được đối tượng giam lỏng thiếu nữ là bà Châu - một chủ khách sạn. Bà Châu ép cháu bé bán dâm nhiều lần cho khách làng chơi. Trong đó có ông Tiêu - một đại gia tại địa phương. Đặc biệt, ông Tiêu có 2 lần mua dâm khi thiếu nữ này chưa đủ 16 tuổi. Vì vậy, những người này bị truy tố về tội mua dâm người chưa thành niên, có tình tiết định khung là "Phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi". Tuy nhiên mức án mà ông Tiêu và bà Châu phải nhận sau khi Tòa tuyên án chỉ là 3 năm tù treo khiến dư luận bức xúc.

Hành vi buôn bán người rất nguy hiểm cho xã hội, nhưng chỉ bị xử phạt không quá 20 năm tù (trong ảnh là bắt tội phạm ở Lào Cai).
Hành vi buôn bán người rất nguy hiểm cho xã hội, nhưng chỉ bị xử phạt không quá 20 năm tù (trong ảnh là bắt tội phạm ở Lào Cai).)

Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ việc mua dâm trẻ em, người dưới 18 tuổi gây bất bình xã hội. Soi chiếu tại Điều 329 BLHS (tội mua dâm người dưới 18 tuổi), điều luật quy định: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mua dâm người dưới 18 tuổi trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này (quan hệ tình dục với người dưới 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi bị định tội danh và hình phạt khác - PV), thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung cao nhất của mức hình phạt dành cho tội danh này chỉ là 15 năm tù giam. Theo chúng tôi, hình phạt này chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội mà tội phạm gây ra.

Ở nhiều tỉnh biên giới của Việt Nam, hiện nay có hiện tượng gia tăng loại tội phạm mua bán người, mà chủ yếu là mua bán phụ nữ qua biên giới vì mục đích mại dâm và cưỡng ép hôn nhân trái pháp luật, lao động trái phép bên nước bạn. Tuy nhiên theo một số cán bộ thực thi pháp luật trên địa bàn này thì việc định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội mua bán người đang gặp khó khăn do bất cập của quy định pháp luật.

Tại Điều 150 BLHS 2015 quy định về tội mua bán người. Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

Mức hình phạt đối với tội phạm này được chia thành các khung cụ thể trong Điều 150 BLHS 2015. Khung một có mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Khung hai có mức hình phạt từ 08 năm đến 15 năm. Khung cao nhất có mức hình phạt từ 12 đến 20 năm.

Cũng giống như trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội mua bán phụ nữ có tổ chức là trường hợp nhiều người tham gia, trong đó có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy có người trực tiếp thực hiện tội phạm, có người xúi giục, hoặc giúp sức, nhưng tất cả đều chung một mục đích là làm thế nào để mua được, để mua bán được người. Mua bán người có tổ chức là trường hợp phạm tội nguy hiểm hơn trường hợp phạm tội không có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức do có sự phân công, cấu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện tội phạm nên chúng dễ dàng thực hiện việc mua bán phụ nữ và cũng dễ dàng che giấu hành vi phạm tội của mình. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có thể kiếm được cả trăm triệu đồng. Món tiền quá lớn khiến nhiều kẻ không từ thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội. Nạn nhân của các vụ án mua bán người trên địa bàn, khi đặt chân sang bên kia biên giới thường bị bán làm vợ đàn ông Trung Quốc hoặc bị bán vào các động mại dâm và phần lớn có cuộc sống hết sức cơ cực.

Hành vi mua bán người để đưa nạn nhân ra khỏi biên giới được coi là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Nhưng các tình tiết định khung, dù được thể hiện là rất nghiêm trọng nhưng mức hình phạt tối đa chỉ là 20 năm tù. Hình phạt này chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm mà tội phạm gây ra.

Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm bẩn tác động đến sức khỏe nhiều người, nhưng hình phạt chưa tương xứng.
Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm bẩn tác động đến sức khỏe nhiều người, nhưng hình phạt chưa tương xứng.)

Thực phẩm bẩn làm suy giảm sức khỏe, nảy sinh bệnh tật, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng. Trong BLHS 2015, đã có các quy định về xử lý hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn. Tuy nhiên mức hình phạt được cho là còn nhẹ. Cụ thể, Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; d) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…

Mức khung 2 của hình phạt đối với tội danh này là bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm; Khung 3 là bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; Khung 4 bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Điều đáng nói là hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn là hành vi được thực hiện với lỗi cố ý. Thiệt hại làm căn cứ định khung hình phạt là thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc nhiều người. Nếu so sánh với các tội danh khác về mức độ gây thương tích, lỗi (ví dụ như trong tội cố ý gây thương tích –PV) thì mức thiệt hại về sức khỏe và hình phạt của tội danh này nhẹ hơn nhiều so với các tội danh khác. Bởi vậy, quy định này chưa đủ sức răn đe với tội phạm vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Minh Minh

Bạn đang đọc bài viết "Kiến nghị tăng chế tài hình phạt đối với một số tội danh trong Bộ luật Hình sự" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin