Không để lọt người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp

Phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là yêu cầu đã được Ban Tổ chức Trung ương bổ sung trong hướng dẫn về công tác nhân sự.

Lựa chọn đại biểu đủ tiêu chuẩn, đủ tâm, đủ tầm

Vừa qua, bộ Nội vụ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Thông tin về những điểm mới trong Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Đặng Cao Đức, Phó Vụ trưởng vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, luật Tổ chức Quốc hội và luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn của ĐBQH và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thông báo kết luận số 174-TB/TW của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Kết luận số 174) đã cụ thể hóa đầy đủ hơn đối với người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, ĐBQH và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải là những người trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đối với cán bộ, đảng viên, phải là những người tiêu biểu, xuất sắc, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng, có năng lực, kinh nghiệm, thể hiện trách nhiệm nêu gương, không vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Mặt khác, quán triệt Kết luận số 174, Hướng dẫn 36 đã bổ sung cụ thể yêu cầu phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Ngoài tiêu chuẩn chung, Hướng dẫn 36 cũng quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện của ĐBQH chuyên trách và đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách.

Về tuổi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Đặng Cao Đức cho biết, đối với cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử phải đủ tuổi tham gia 2 khóa Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây.

Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội), đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây (đây là điểm khác so với Kết luận 174 là nam sinh từ 11/1963 và nữ sinh từ 11/1968 trở lại đây, vì khi ban hành Kết luận thì Bộ luật Lao động năm 2019 chưa có hiệu lực). Riêng những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và luật Công an nhân dân.

Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn như Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư (về độ tuổi tham gia công tác hội) thì do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định. Cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ được tính tuổi công tác như nam. Cụ thể, tính đến tháng 5/2021, người ứng cử lần đầu sinh từ tháng 01/1966, tái cử sinh từ tháng 7/1963 trở lại đây…

Thực hiện quy trình chặt chẽ để tránh "chạy chức, chạy quyền"

Liên quan đến vấn đề kiên quyết không để lọt những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, chia sẻ với PV báo chí, ĐBQH Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: “Công tác tiếp xúc cử tri và lắng nghe ý kiến cử tri là một điều rất quan trọng bởi một nhân sự bao giờ cũng gắn với nơi công tác, nơi ở”.

Chống “chạy chức, “chạy quyền”: Quan trọng là khâu thực hiện (ảnh minh họa)

Theo ĐB Đỗ Văn Sinh, cử tri sẽ là những người đánh giá đúng và chuẩn nhất về những nhân sự được giới thiệu để bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Việc tiếp thu ý kiến của cử tri trong cuộc tiếp xúc là điều rất quan trọng, từ đó phát hiện ra những điều tốt hoặc không tốt của nhân sự được giới thiệu. Dân là người giám sát, không ai qua mắt được dân. Nếu có biểu hiện tiêu cực, dù có giấu kín tới đâu, che giấu điều gì thì cũng sẽ có thể bị bộc lộ dưới con mắt của cử tri, của nhân dân. Do đó, việc tiếp thu ý kiến của cử tri trong cuộc tiếp xúc là điều rất quan trọng, từ đó phát hiện ra những điều tốt hoặc không tốt của nhân sự được giới thiệu.

Đối với vấn đề kiên quyết không để lọt những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, trao đổi với PV ĐS&PL, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng: Đó là mong mỏi của cử tri, người dân. Không phải ngẫu nhiên thực trạng “chạy chức”, “chạy quyền” lại được đề cập liên tục trong các Nghị quyết của Đảng. Bởi lẽ, tình trạng này đã và đang diễn ra trong thực tế, ở nhiều nơi, với nhiều hình thức, mức độ khác nhau, bằng mọi thủ đoạn, mánh lới, lợi ích nhóm để giành được vị trí, quyền lợi như mong muốn. Mục đích “chạy” cũng rất đa dạng: chạy để lên chức, chạy vào biên chế, chạy ghế, chạy bằng cấp, chạy thành tích, chạy luân chuyển…

Hình thức “chạy” diễn ra trong “bóng tối”, nơi bí mật, nên gần như chỉ có người “chạy” và người được “chạy” biết mới nhau. Chạy chức, chạy quyền cần xác định rõ vấn đề “chạy ai, ai chạy?”. “Ai chạy”- Đó là những phần tử cơ hội, muốn được bố trí, bổ nhiệm vào chỗ này, chỗ kia có nhiều lợi lộc, danh giá, nhưng thiếu tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí, bổ nhiệm thì phải “chạy”. Nhưng tệ hại là cái “lệ” này còn làm cho cả những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, rất nghiêm túc cũng phải “chạy” mới yên tâm.

Bà Bùi Thị An cho rằng, dù có nhiều quy định về tiêu chuẩn, về những điều không được làm, về quy trình, quy hoạch khá bài bản, chặt chẽ nhưng trong chọn lựa cán bộ vẫn còn để xảy ra không ít trường hợp cán bộ không đủ chuẩn vẫn vào bộ máy lãnh đạo. Vì thế, quyết tâm từ bên trên đã có, vấn đề quan trọng cần làm là khâu tổ chức thực hiện cũng phải bài bản, hiệu quả. Để làm được điều này, sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân trong công tác cán bộ là hết sức cần thiết. Việc làm này trước nay cũng đã được tiến hành nhưng trong thời gian tới cần làm tốt hơn nữa.

Chạy chức, chạy quyền thực chất là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ như Nghị quyết Trung ương 7 đã nhận định. Tham nhũng trong công tác cán bộ vừa có những điểm chung của tham nhũng nói chung, vừa có những đặc thù về hành vi, về “vụ lợi” so với tham nhũng trong các lĩnh vực khác, nhất là so với tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế.

“Cán bộ, đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ và các biểu hiện vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý, nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính nội bộ”, bà An nói.

Cũng theo bà Bùi Thị An, để lựa chọn được đúng nhân sự tiêu biểu thì trách nhiệm của đơn vị giới thiệu ứng cử, qua giới thiệu của cử tri, nơi đơn vị ứng cử giới thiệu tiếp xúc cử tri phải được thực hiện rất chặt chẽ, qua nhiều vòng, nhiều lần hiệp thương. Nếu chúng ta thực hiện tốt theo đúng quy trình đã được định trước đảm bảo khách quan, chặt chẽ thì sẽ cũng tránh để lọt được những trường hợp chạy chức, chạy quyền.

Luật sư Phan Xuân Xiểm

Chống “chạy chức, chạy quyền”: Quan trọng là khâu thực hiện

Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, Luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định: Trong công tác bầu cử cần dựa nhiều vào quần chúng nhân dân. Khi giới thiệu một đồng chí nào vào vị trí ứng cử ĐBQH hay đại biểu Hội đồng nhân dân, trong quá trình hiệp thương đều lấy ý kiến của tổ chức, của nhân dân, lấy ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân để lựa chọn đúng cán bộ. Với các đại biểu thì quan trọng nhất đó là sự tín nhiệm của nhân dân với mình. Đồng thời, việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền.

Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.

Luật sư Xiểm nhấn mạnh, Đảng đã nhiều lần cảnh báo về vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Theo tôi, vấn đề kiểm soát quyền lực là điều cốt lõi, như vậy sẽ hạn chế các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho chống chạy chức, chạy quyền. Tổng bí thư nhiều lần nhắc đến cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền bằng hình ảnh "nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp" và để cùng với Hiến pháp, pháp luật, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, sức mạnh của kỷ luật Đảng, vai trò giám sát của nhân dân sẽ kiểm soát hiệu quả.

Để chống “chạy chức”, “chạy quyền, giải pháp đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để đảm bộ máy trong sạch, đảm bảo quyền lực được trao đúng người và giám sát cán bộ trong quá trình thực thi quyền lực. Bên cạnh đó, phải công khai, khách quan, minh bạch trong thi tuyển cạnh tranh, tạo cơ hội cho tất cả các ứng viên trình bày chương trình hành động về vị trí công việc, cá nhân nào đáp ứng được yêu cầu thì sẽ được lựa chọn.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/khong-de-lot-nguoi-chay-chuc-chay-quyen-tham-gia-quoc-hoi-a508333.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin