Không cần 'lách luật', hoạt động kinh doanh của Nga vẫn diễn ra bình thường dù bị phương Tây trừng phạt, đây là lý do

Các gói trừng phạt của phương Tây nhắm đến các ngân hàng Nga đang cản trở hoạt động kinh doanh của quốc gia này. Song, những nỗ lực đó vẫn gặp hạn chế vì sự phụ thuộc của châu Âu đối với dầu khí của Nga.
5-1649649926.jpg
 

Những động thái nhằm cô lập Nga đã khiến hầu hết các ngân hàng lớn nhất quốc gia này bị đưa vào danh sách đen và nhắm đến những nhà tài phiệt. Ngoài ra, danh sách các cá nhân bị trừng phạt còn có các con gái của Tổng thống Vladimir Putin.

Hôm thứ Sáu, Anh cho biết sẽ cùng Mỹ và EU đóng băng toàn bộ tài sản của họ trong nước và cấm đi nước ngoài. Cùng ngày hôm đó, EU cũng đưa 4 ngân hàng vốn bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT vào danh sách đen, bao gồm ngân hàng lớn thứ 2 của Nga là VTB.

Song, một số nhà cho vay lớn và nhiều nhà cho vay nhỏ cho đến nay vẫn được… hoạt động bình thường. Hầu hết các ngân hàng Nga vẫn tiếp tục được kết nối với SWIFT. Do đó, những thương vụ liên kết với châu Á và Trung Đông vẫn được thực hiện và khiến nguồn cung ở châu Âu gặp gián đoạn nghiêm trọng.

John Smith - chủ tịch hãng luật Morrison & Foerster ở Washington và cựu giám đốc của Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, nhận định: "Số lượng các lệnh trừng phạt đã được đưa ra thực sự đặc biệt và mang tính đột phá. Nhưng ở nhiều khía cạnh thì đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm."

Trong vòng trừng phạt mới nhất vào tuần này, Mỹ và Anh đã ra lệnh phong tỏa hoàn toàn Sberbank - ngân hàng lớn nhất Nga. Họ cũng trừng phạt nhà cho vay tư nhân lớn nhất nước này là Alfa Bank. Nhìn chung, hơn 10 ngân hàng của Nga đã bị đưa vào danh sách đen kể từ khi chiến sự diễn ra.

Tuy nhiên, những lỗ hổng vẫn tồn tại. Hơn 10 ngân hàng Nga - mặc dù quy mô nhỏ, lại không bị trừng phạt. Cho đến nay, Mỹ không nhắm mục tiêu đến ngân hàng Gazprombank. EU cũng không có động thái gì với ngân hàng này và cho đến nay vẫn chưa trừng phạt Sberbank. Các nhà ngoại giao châu Âu nói rằng 2 nhà cho vay này là một "đường dẫn" cho các hoạt động thanh toán dầu và khí đốt của Nga, mà các nước thành viên của liên minh phụ thuộc rất nhiều để tiêu thụ năng lượng.

Theo Simone Tagliapietra - thành viên cấp cao của tổ chức nghiên cứu Bruegel ở Brussels, EU nhập khẩu hơn 900 triệu USD khí đốt và dầu từ Nga mỗi ngày. Trong khi đó, than của Nga - mặt hàng EU vừa đình chỉ hoạt động nhập khẩu, chỉ chiếm 16 triệu USD doanh thu hàng này của nước này.

Việc EU đóng băng tài sản đối với 4 ngân hàng Nga là một phần của gói trừng phạt thứ 5 mà khối này đã áp dụng với Nga kể từ khi nước này mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Các biện pháp mới nhất có hiệu lực vào cuối ngày 8/4, trong đó là một loạt lệnh cấm xuất khẩu và có thêm hàng chục lệnh trừng phạt nhắm đến cá nhân có địa vị cao. Khối này cũng áp lệnh cấm nhập khẩu rượu vodka và trứng cá muối của Nga.

Khi Uỷ ban châu Âu (EC) thảo luận về gói trừng phạt mới nhất hồi đầu tuần này, một nhóm hơn 200 nhà lập pháp trong Nghị viện châu Âu đã kêu gọi việc loại bỏ toàn bộ các ngân hàng của Nga khỏi hệ thống SWIFT.

Trong khi đó, các chuyên và giới chức về lệnh trừng phạt cho rằng các biện pháp này đang phát huy hiệu quả.

Lisa Ledbetter - một nhân sự cấp cao ngành tài chính tại hãng luật Reed Smith, cho biết: "Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt tài chính toàn diện cũng như doanh nghiệp, giới tài phiệt Nga đang dần cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu."

Quốc gia này đang gặp khó khăn trong việc nhập khẩu hàng hóa và nhiên liệu, chuỗi cung ứng theo đó cũng bị gián đoạn và khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) tuần trước dự báo kinh tế Nga sẽ giảm 10% trong năm nay và trải qua một đợt đình trệ kéo dài.

Nhiều biện pháp trừng phạt có thể được áp đặt nếu tình hình chiến sự vẫn căng thẳng. Chẳng hạn, việc EU loại thêm các ngân hàng hàng khác ra khỏi hệ thống SWIFT vẫn là một lựa chọn, theo các nhà ngoại giao EU. Cho đến nay, 7 ngân hàng đã nằm trong danh sách bị trừng phạt, nhưng VTB là ngân hàng lớn duy nhất.

Ledbetter cho rằng việc nhắm mục tiêu vào các ngân hàng lớn của Nga cần được tiến hành cẩn thận và từng bước. Bà nói: "Việc đưa thêm một số ngân hàng lớn vào danh sách trừng phạt có thể gây ra hậu quả lớn với thị trường liên ngân hàng, hàng hóa và năng lượng toàn cầu, có thể phá vỡ khối hội nhập tài chính quốc tế."

Theo ông Smith, khi châu Âu và các nước khác vẫn phụ thuộc vào năng lượng của Nga và các mặt hàng xuất khẩu khác, thì các biện pháp trừng phạt đó với Nga giống như "cuộc phẫu thuật phức tạp". Ông nói: "Bạn cần cẩn thận sử dụng dao mổ mà không khiến bệnh nhân tử vong, trong trường hợp này là cộng đồng quốc tế."

Theo cafef.vn

Nguồn bài viết: https://cafef.vn/khong-can-lach-luat-hoat-dong-kinh-doanh-cua-nga-van-dien-ra-binh-thuong-du-bi-phuong-tay-trung-phat-day-la-ly-do-20220410122651141.chn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin