Không “ăn dày, giàu có”, sao nhà đầu tư vẫn đổ xô làm BOT?

08/06/2016 09:23

"Kém hấp dẫn, không ăn thua gì như vậy tại sao người ta lại “đổ xô” vào BOT? Nhiều doanh nghiệp không phải chuyên về cầu đường cũng “xông” vào?"

[caption id="attachment_142080" align="aligncenter" width="410"]ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco[/caption]

Tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 ngày 7/6, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco cho hay, dư luận thời gian qua cho rằng các nhà đầu tư BOT “giàu có, ăn dày” nhưng thực tế trong hợp đồng BOT thực hiện chỉ 11-12% lãi trên vốn chủ sở hữu.

“Doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập 22%, trừ đi lợi nhuận đưa về chỉ còn 8,5-9%, trong khi nhà đầu tư huy động vốn trên thị trường lãi suất cạnh tranh phải 12-15% thì cổ đông mới góp vốn.

Vậy thử hỏi lợi nhuận ở đâu để nhà đầu tư tranh nhau làm BOT? Hiện nay nhà đầu tư BOT phải chịu nhiều áp lực, nghe như tội đồ, chúng tôi ái ngại”, ông Dũng cho biết, ông không còn “hưng phấn” để tiếp tục đầu tư.

Ông Dũng cho biết, thời điểm kinh tế lạm phát, tiền ngân hàng không có người vay, trong lúc kinh tế khó khăn khủng hoảng những nhà đầu tư như chúng tôi không biết làm gì mới quay sang đầu tư BOT, tuy lợi nhuận thấp nhưng cái được cái là có việc làm cho cán bộ nhân viên và tăng GDP cho xã hội.

Ông này cũng khẳng định, trong 5 năm qua Bộ Giao thông vận tải đã “mua” được tài sản BOT với giá rất rẻ, thậm chí rẻ hơn ODA rất nhiều.

Đây không phải là lần đầu người đứng đầu Tasco “than vãn” về sự bèo bọt khi làm BOT. Tại tọa đàm do Báo Giao thông tổ chức ngày 2/6, ông Dũng cũng than đầu tư lĩnh vực này chỉ là “lấy công làm lãi”, để nhân công đỡ bị thất nghiệp!

Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng: “Nhà đầu tư nói trên quan điểm của họ, họ phải có lợi họ mới làm. Nhưng chúng ta cũng cần phải thảo luận vấn đề làm sao để lợi ích của họ có hài hòa với lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân”.

Khi BizLIVE hỏi về câu chuyện doanh nghiệp có nhiều dự án BOT lớn, quan trọng như Tasco than đầu tư BOT không ăn thua gì, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết không bình luận gì nhiều, chỉ đưa ra các câu hỏi: Kém hấp dẫn, không ăn thua gì như vậy tại sao người ta lại “đổ xô” vào BOT? Nhiều doanh nghiệp không phải chuyên về cầu đường cũng “xông” vào làm BOT? Ngân hàng cũng muốn cho đổ vốn cho các dự án BOT?

“Tất cả đang tạo nên “phong trào” đầu tư BOT ồ ạt”, ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh.

Hiện nay, trong các doanh nghiệp kinh doanh BOT tại Việt Nam, Tasco được gọi là “ông trùm” thu phí khi công ty này đứng sau hàng loạt dự án BOT lớn, quan trọng như: Nâng cấp quốc lộ 10 qua đoạn Thái Bình, đoạn tuyến tránh thành phố Nam Định từ Quốc lộ 10 đến Thị trấn Mỹ Lộc, Quốc lộ 21, Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình, Quốc lộ 10 đi Hải Phòng, đường 39B Thái Bình, tuyến tránh Đông Hưng (Thái Bình)…

Trước khi tham gia các dự án BOT, Tasco chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực bất động sản, nhưng kinh doanh ở lĩnh vực này không mấy hiệu quả, lợi nhuận ở mức thấp. “Soi” báo cáo tài chính của Tasco trong vài năm gần đây cho thấy, sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác một số tuyến đường, lợi nhuận sau thuế của Tasco có chuyển biến rõ rệt so với con số “lẹt đẹt” trước đó.

Cụ thể, nếu năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Tasco chỉ đạt 12,1 tỷ đồng thì năm 2014 con số này “vot” lên 258,6 tỷ đồng. Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2016 của Tasco cho biết, mỗi ngày doanh nghiệp này thu về trên 1 tỷ đồng từ hoạt động thu phí.

Không để “BOT” thành phong trào ồ ạt!

Việc khuyến khích và tạo điều kiện cho các hình thức đầu tư theo đối tác công tư (PPP), trong đó có các dự án BOT, BT, đã tạo ra “phong trào” các doanh nghiệp tìm đến các dự án này.

Minh chứng rõ ràng nhất, đó là trong 5 năm, tổng nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý đã lên đến 444.040 tỷ đồng, trong đó, huy động nguồn vốn tư nhân là 186.660 tỉ đồng (chiếm 42%), không kể 6,24 tỷ USD vốn ODA đã được ký kết.

Có tổng số 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Trong đó, có 26 dự án với tổng mức đầu tư 74.806 tỷ đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Chưa kể có 18 dự án với tổng mức đầu tư 37.212 tỷ đồng được đưa vào khai thác trong giai đoạn 2011-2015, nhưng khởi công trước năm 2011.

Bên cạnh nhìn nhận những mặt tích cực do các dự án trên mang lại như thay đổi kết cấu hạ tầng, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận cho người dân đi lại, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị đã thẳng thắn nhìn đánh giá những hạn chế, yếu kém, thậm chí vi phạm trong đầu tư BOT để đề ra những biện pháp, giải pháp trong thời gian tới nhằm phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội bền vững hơn.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói: “Vừa rồi là phong trào BOT, nhiều nhà đầu tư có trách nhiệm, tâm huyết và xác định đúng khối lượng và chi phí và được dân ủng hộ. Nhưng vẫn còn những nhà đầu tư chưa tính chính xác, để lại bức xúc cho xã hội. Nói rõ ở khối lượng thực tế thấp hơn nhiều so với dự toán. Khối lượng đưa vào tính toán thì lớn, nhưng thực tế thì thấp, chúng ta phải nghiêm khắc, từ đó làm tăng chi phí đầu vào cho sản phẩm, tăng thời gian thu phí và tăng chi phí đầu vào và tăng phí”.

[caption id="attachment_142081" align="aligncenter" width="410"]Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP[/caption]

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, còn không ít công trình chất lượng thấp, ảnh hưởng đến an toàn cho phương tiện, con người, gây bức xúc cho xã hội. Bên cạnh những nhà đầu tư uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, đầu tư nghiêm túc, cũng có nhiều nhà đầu tư tính toán chưa chính xác, trình độ, năng lực còn hạn chế gây bức xúc cho xã hội.

“Có những công trình khối lượng thực tế thấp hơn nhiều so với dự toán ban đầu, gây bức xúc trong xã hội. Điều này làm tăng chi phí đầu vào sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, của nền kinh tế. Tình trạng này cần phải được chấn chỉnh”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, việc bố trí các trạm thu phí còn chưa hợp lý, dẫn đến sự bức xúc của người dân. Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, chính việc phối hợp giữa các nhà đầu tư chưa tốt là nguyên nhân dẫn đến nhiều trạm thu phí, trạm thu phí bố trí không phù hợp.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, việc huy động vốn đầu tư BOT, BT cho giao thông chỉ mới từ các doanh nghiệp trong nước, chưa thu hút được doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, vốn của những doanh nghiệp này lại yếu, dựa vào ngân hàng, do đó chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong những năm tiếp theo.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng sự mất cân đối giữa các loại hình giao thông vận tải đang tạo ra áp lực rất lớn cho phát triển hạ tầng. Hiện tại mới chỉ thu hút đầu tư BOT, BT chủ yếu vào hệ thống đường bộ.

Phó thủ tướng cho rằng Bộ Giao thông vận tải cần nhận thức lại bản chất đầu tư BOT và phải tính toán để bảo vệ lợi ích của người dân, xác định chính xác tổng mức đầu tư, minh bạch trong chọn nhà thầu, rà soát kiểm tra lại các dự án nếu thấy có dấu hiệu vi phạm hoặc theo định kỳ để kịp thời khắc phục các sai phạm về khối lượng chất lượng, về giá phí, trạm thu phí...

Theo Bizlive

Bạn đang đọc bài viết "Không “ăn dày, giàu có”, sao nhà đầu tư vẫn đổ xô làm BOT?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin