Bộ luật Hình sự 2015 đã được hoãn thi hành (đến ngày 1.7.2017) để sửa chữa nhiều điều khoản có sai sót. Hiện những người làm công tác xét xử mong muốn bộ luật sửa đổi xác định rõ thẩm quyền xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại do quân đội quản lý (doanh nghiệp) là thuộc tòa quân đội hay tòa dân sự.
[caption id="attachment_144881" align="aligncenter" width="410"] ảnh minh họa[/caption]
Cách bắt tội doanh nghiệp
Quy định mới mẻ về trách nhiệm hình sự (TNHS) của doanh nghiệp trong Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã làm thay đổi nhận thức truyền thống, rằng không thể “bỏ tù” doanh nghiệp là suy nghĩ ấu trĩ.
Chương XI, “Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội”, BLHS xác định: Doanh nghiệp là đối tượng phải chịu TNHS (điều 75) nếu hội đủ các điều kiện sau:
(i) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh doanh nghiệp, tức là, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội dưới danh nghĩa của doanh nghiệp (chứ nếu dưới danh nghĩa cá nhân thì không thể truy cứu TNHS đối với doanh nghiệp, ngay cả khi họ là người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp).
(ii) Đồng thời, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của doanh nghiệp, tức là, mục đích của việc thực hiện hành vi phạm tội đó mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp (chứ nếu chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân, thì cho dù hành vi đó thực hiện dưới danh nghĩa doanh nghiệp cũng không thể truy cứu TNHS doanh nghiệp được).
(iii) Và cuối cùng, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của doanh nghiệp. Đây là điều kiện quan trọng để xác định doanh nghiệp có bị truy cứu TNHS hay không vì căn cứ này phản ánh dấu hiệu lỗi của doanh nghiệp thông qua việc đánh giá ý thức chủ quan của người đứng đầu và ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Như vậy, doanh nghiệp chỉ phải chịu TNHS khi người đứng đầu doanh nghiệp hoặc ban lãnh đạo của doanh nghiệp nhận thức được hành vi của người thực hiện là trái pháp luật mà vẫn chỉ đạo, trực tiếp điều hành hoặc chấp thuận cho người đó thực hiện hành vi nhằm phục vụ cho lợi ích chung của doanh nghiệp.
Phạt tiền, "bỏ tù" và "tử hình"
BLHS 2015 quy định doanh nghiệp chỉ phải chịu TNHS trong hai lĩnh vực chính là kinh tế và môi trường, với 31 tội danh, tương đồng với lĩnh vực hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về tính phổ biến và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Theo luật, hình phạt chính nhẹ nhất đối với doanh nghiệp phạm tội hình sự là phạt tiền (tối thiểu là 50 triệu đồng). Tội nặng hơn (gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế) thì bị “bỏ tù”, tức đình chỉ hoạt động, có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Doanh nghiệp sẽ bị kêu án “chặt tay, chặt chân”, tức đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực, nếu doanh nghiệp phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Đặc biệt với doanh nghiệp thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị “tử hình”, tức đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Ngoài ra, bên cạnh các hình phạt kể trên, BLHS 2015 còn quy định một số hình phạt bổ sung đối với doanh nghiệp phạm tội hình sự như: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh…
Nhưng, luật cũng có quy định, rằng doanh nghiệp phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Tòa nào xét xử?
Tất nhiên, các hành vi phạm tội hình sự của doanh nghiệp sẽ do tòa án xét xử. Nhưng theo ông Võ Văn Trung (Tòa án quân sự Khu vực 1, Quân khu 9), vấn đề đặt ra là với các doanh nghiệp do quân đội quản lý phạm tội thì tòa án quân sự hay tòa án dân sự sẽ xét xử?
Trên thực tế có không ít doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của quân đội hoạt động theo kiểu: vừa sản xuất kinh doanh vừa hoạt động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng được giao. Cho nên, nếu những doanh nghiệp này có vi phạm về thuế, in ấn, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, gây ô nhiễm mối trường, vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên… thì thẩm quyền xét xử cần phải được phân định rõ ràng.
Dù BLHS 2015 và cả Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (khoản 1 điều 272) không quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đối với trường hợp doanh nghiệp do quân đội quản lý phạm pháp hình sự; nhưng do tính chất đặc thù các doanh nghiệp đó - chủ yếu hoạt động vì mục đích quốc phòng, an ninh (hơn nữa, đều có quy định riêng về bảo đảm bí mật khi thực hiện nhiệm vụ trên giao) nên nếu để các cơ quan tiến hành tố tụng bên ngoài thực hiện hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì chắc chắn rằng yếu tố bí mật liên quan đến thực hiện nhiệm vụ quốc phòng của doanh nghiệp, công ty đó không được bảo đảm.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại, dù doanh nghiệp do quân đội quản lý nhưng một khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận thì phải được đối xử công bằng như các doanh nghiệp bình thường khác.Và, thực ra, tại khoản 2b điều 3 BLHS 2015 quy định: “Mọi doanh nghiệp phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế”.
Do đó, thiết nghĩ, để đảm bảo an ninh và bí mật quốc phòng, các doanh nghiệp do quân đội quản lý chỉ nên tập trung cho mục tiêu quốc phòng; nếu muốn tham gia vào thị trường, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận thì phải chấp nhận một sân chơi bình đẳng.
Khoản 2 điều 75 BLHS 2015 quy định nguyên tắc không loại trừ TNHS của cá nhân khi xử lý TNHS của pháp nhân
Theo đó, TNHS của pháp nhân không thay thế, làm loại bỏ hoặc ảnh hưởng đến việc truy cứu TNHS đối với cá nhân. Cụ thể, không được coi việc truy cứu TNHS đối với doanh nghiệpvề hành vi phạm tội là để thay thế cho việc truy cứu TNHS đối với cá nhân về hành vi phạm tội đó mà cá nhân phải đồng chịu trách nhiệm với pháp nhân về hành vi phạm tội theo nguyên tắc: (i) Người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội luôn phải chịu TNHS về cùng tội danh với pháp nhân trừ trường hợp người đó thuộc diện không phải chịu TNHS hoặc được miễn TNHS theo quy định của Bộ luật Hình sự. (ii) Đối với người đứng đầu pháp nhân thì tùy từng trường hợp cụ thể để xử lý. Nếu những người này đều biết và thống nhất chỉ đạo, chấp thuận cho thực hiện thì họ cùng chịu trách nhiệm chung về tội danh với pháp nhân và người trực tiếp thực hiện tội phạm. Nếu có căn cứ cho rằng, trong số họ có người không biết hoặc phản đối việc thực hiện hành vi này thì họ không phải chịu trách nhiệm chung tội danh với pháp nhân. |
Theo Motthegioi