(Pháp Lý) - Là Đại biểu Quốc hội 3 khóa VIII, IX, X, nhiều năm liền sau khi nghỉ hưu Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn miệt mài theo dõi chính trường và nghị trường. Lúc nào tâm huyết của ông cũng đong đầy những sự kiện quan trọng của đất nước.
>> Bài 1: Quốc hội khóa XIII và những dấu ấn trong lòng cử tri
>> Bài 2: Hạn chế của Quốc hội khóa XIII nhìn từ chất lượng một số đại biểu dân cử
Biết Tạp chí Pháp Lý làm số chuyên đề đặc biệt góp ý cho hoạt động của QH và chất lượng Đại biểu QH khóa mới, ông đã chia sẻ với Pháp lý những trăn trở để chọn lựa ĐBQH thật sự có chất lượng cho Quốc hội.
Phóng viên: Thưa Trung tướng, ông từng làm ĐBQH trong 3 khóa liên tiếp, đến thời điểm này những kỉ niệm nào về hoạt động của các đại biểu Quốc hội trên nghị trường vẫn ghi dấu trong kí ức của ông?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Những năm còn là ĐBQH tôi là đại biểu của đoàn Nghệ An. Đến bây giờ ngồi đây tôi vẫn nhớ những lần mình phát biểu trên nghị trường, tôi cảm giác như mình có một dòng máu nóng chảy trong người… Đã nói là phải nói thẳng, tôi không kiêng nể ai khi phát biểu…Ngược lại, cũng ở trong Quốc hội, tôi biết có nhiều đại biểu biết nhưng không nói. Chẳng hạn những đại biểu là Chủ tịch tỉnh, họ không dám chất vấn Thủ tướng, không dám chê trách Thủ tướng?
[caption id="attachment_137166" align="alignleft" width="410"] Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trả lời phỏng vấn Phóng viên TCPL[/caption]
Xác định là đại biểu và nhận trọng trách của cử tri, tôi không thể im lặng. Cũng chính vì hay tranh đấu trong giai đoạn đất nước còn nặng nề cơ chế “xin cho” thì bên cạnh số đông cử tri được lợi lại là số ít khác lại phải chịu thiệt vì dũng khí của đại biểu. Đại biểu ở tỉnhkhi chỉ ra những bất thường trong quản lý của cấp trên thì tỉnh đi xin dự án đầu tư, xin hỗ trợ đều bị cấp trên từ chối…
Nhiều năm liền tôi theo dõi Quốc hội, tôi nhận thấy phải có sự độc lập thì đại biểu mới dám nói. Vừa qua chất vấn thủ Tướng cũng là một ĐBQH không là quan chức, không kiêm nhiệm. Chỉ riêng câu chuyện đó đã nói ra vấn đề dũng khí đại biểu phụ thuộc rất nhiều vào vị trí của đại biểu và tấm lòng của đại biểu với dân với nước.
Theo ông ĐBQH cần có những tiêu chuẩn gì trong giai đoạn hiện nay?
Đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong cuộc họp triển khai hoạt động bầu cử Quốc hội thì đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016. Trong tình hình mới, Quốc hội khóa XIV phải có những khởi sắc hơn đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện phát huy quyền lực nhân dân theo quy định của Hiến pháp 2013.
Tổng kết nhiệm kì XIII Quốc hội có những điểm được, cũng có những điểm chưa được. Theo tôi, yếu kém nhất là nhiều đại biểu chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình, có biểu hiện vụ lợi.
Trong tình hình mới, theo tôi yêu cầu tối cao với đại biểu là phải hết mình đứng ra bảo vệ quyền lợi của dân. Nếu như người lính ra trận, cầm súng là xác định hi sinh, thì người đại biểu trên nghị trường phải đặt nhiệm vụ bảo vệ nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện xâm phạm lợi ích của nhân dân lên trên tất cả. ĐBQH phải có dũng cảm dám gạt bỏ những lợi ích của mình vì lợi ích nhân dân.
Nhân đây tôi cũng cảnh báo tình trạng chạy ghế vào Quốc hội sau đó làm chính sách vì lợi ích nhóm.Trong tình hình hiện nay, vấn đề tham nhũng trong bộ máy chính quyền ngày một nghiêm trọng và nhức nhối thì điều mà cử tri mong mỏi nhất là người đại biểu của mình cũng phải là người có quyết tâm chống tham nhũng.
Thưa Trung tướng, nói tiêu chuẩn thì rất dễ nhưng làm thế nào để tìm được người đủ tiêu chuẩn mới khó. Nước ta có hơn 90 triệu dân vậy làm thế nào tuyển lựa được những người tâm huyết và làm việc cho dân phù hợp với những tiêu chí mà ông đưa ra?
Đúng là tìm được đạt biểu đủ tiêu chuẩn rất khó. Muốn có đại biểu tốt phải có những người được giới thiệu ứng cử tốt để chọn. Đại biểu là do dân cử,làm thế nào để người dân là người hiểu tường minh về đại biểu ứng cử, từ đó có quyết định chọn người đại diện cho mình sáng suốt? Tôi cho rằng phải công khai thông tin về những người được giới thiệu ứng cử. Cụ thể, ta phải biết rõvề hoạt động trước ứng cử của người ứng cử.
Với công chức, cán bộ đã có thành tích gì?Có xứng đáng để dân chọn và bầu hay không? Phải công khai tài sản của cán bộ, công chức ứng cử. Việc này phải làm trước hội nghị hiệp thương để người dân khu vực đi bầu biết giám sát.
Nếu là doanh nhân phải có các thông tin rõ ràng là đã cống hiến gì cho nhân dân, tiến hành hoạt động gì cống hiến cho người nghèo, trong quá trình hoạt động có dính líu hay vi phạm gì tới pháp luật hay không? Những vấn đề này cũng cần được công khai trước hội nghị hiệp thương để dân giám sát và cho ý kiến.
Yêu cầu này để tránh tình trạng từ trước đến nay việc giới thiệu đại biểu chỉ qua một tiểu sử chung chung ghi trong một tờ giấy nhỏ mà không có thông tin về tài sản hay tình trạng chấp hành pháp luật của đại biểu.
Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất có đưa ra cơ cấu về đại biểu. Có nhiều ý kiến cho rằng nếu nặng về cơ cấu ta không thể có đại biểu tốt. Quan điểm của Trung tướng là thế nào?
Để thực hiện đúng theo Hiến pháp về quyền dân chủ trong bầu cử tôi cho rằng đất nước ta có trên 90 triệu dân và hơn 4 triệu Đảng viên, như vậy cứ 1 người mới có 25 người là Đảng viên. Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất của người dân do vậy người ngoài Đảng số đông nên là người ngoài Đảng.
Quốc hội khóa I (1946), số Đảng viên rất ít. Đa số ĐBQH là người ngoài Đảng, nhiều người từng là cán bộ trong chính quyền cũ. Thế nhưng Bác Hồ lãnh đạo rất xuất sắc, nhân dân ta vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ... Quốc hội nếu có nhiều người ngoài Đảng sẽcó tiếng nói bên ngoài và làm sâu sắc hơn nghị quyết của Đảng.
“Trong tình hình mới, tham nhũng do chính sách được cảnh báo là cực kì nguy hiểm. Dư luận thì lo lắng về việc đại biểu không hiểu biết nên không phát biểu, còn tôi thì lo lắng về những đại biểu “biết mà không phát biểu”. Họ ngại động đến quyền lợi lợi ích của nhóm và của chính mình. Để khắc phục, tôi cho rằng phải để dân thật sự có quyền cử, quyền bầu. Phải có những đại biểu độc lập, dám nói, dám hi sinh quyền lợi của bản thân mình thì cử tri mới yên tâm, đất nước mới phát triển”- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Về phần cơ cấu đại biểu chuyên trách và kiêm nhiệm, tôi cho rằng cũng nên điều chỉnh. Thực tế họp Quốc hội theo dõi qua truyền hình, tôi thấy nhiều ĐBQH bỏ ghế trống. Họ bỏ ghế là do đâu? Cũng do chính là những cán bộ lãnh đạo được cơ cấu vào Quốc hội mà bỏ ghế trống. Họp hành QH mất nhiều thời gian nên đang họp phải bỏ về điều hành địa phương. Cho nên tôi cho rằng cần phải bớt cơ cấu đi. Nặng cơ cấu quá đâm ra hình thức và không phát huy hết được vai trò của một ĐBQH. Đại diện tiếng nói của nhân dân mà đến kỳ họp dân nhìn lên thấy ghế trống như thế thì làm sao ăn nói với dân? Trong Quốc hội cần giảm đi những người là cán bộ đang công tác bên chính quyền bởi họ bận nên khócó thời gian để tham gia tiếng nói hay đóng góp cho các hoạt động Quốc hội.
Trước đây, có nhiều ĐBQH đã mạnh dạn cảnh báo: Nhiều người vào ĐBQH để giữ ghế để quan hệ, thậm chí có thể có tình trạng nhóm lợi ích, cùng làm chính sách để tham nhũng. Thưa Trung tướng ta cần có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này trong Quốc hội khóa XIV?
Trong hội nghị hiệp thương phải tránh tình trạng “Đảng cử dân bầu”. Phải làm đúng theo hướng “Đảng lãnh đạo cho dân cử và dân bầu”. Đảng không được áp đặt… Đảng lãnh đạo thể hiện qua việc để MTTQ tổ chức hiệp thương tìm ra người đúng tiêu chuẩn. Còn việc chọn ai, bầu ai phải do dân làm. Người dân sáng suốt sẽ lựa chọn những đại biểu nói tiếng nói của mình gửi gắm ở Quốc hội. Việc đó cũng tránh được tình trạng có người chạy vào Quốc hội chỉ để giữ ghế để quan hệ hay mưu đồ làm chính sách để tham nhũng.
Tôi nhấn mạnh rằng khâu hiệp thương để chọn ra các ứng cử viên rất quan trọng. Ngay ở khâu này đã phải chú trọng chọn được những người tốt để khi bầu cử xong, ngay cả những người “không trúng cử” cũng phải là người tốt.
Cuộc bầu cử ĐBQH đang đến rất gần. Quốc hội khóa XIV và những quyết sách của nghị trường lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn đất nước đổi mới và hội nhập sâu rộng. Trung Tướng có tâm tư đặc biệt gì với cuộc bầu cử lịch sử này ?
Khi tôi và phóng viên đang ngồi ở đây thì nhiều Việt kiều ở Philipine đang phản đối việc Trung Quốc mang tên lửa ra triển khai ở Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó đã chứng tỏ không chỉ người dân trong nước mới yêu nước và có nguyện vọng xây dựng đất nước. Việt kiều họ cũng vậy…
Quốc hội là cơ quan quyền lực của dân trong đó có 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống và làm việc trên khắp thế giới. Ta nên có hình thức nào đó để tìm cách giới thiệu những kiều bào vào Quốc hội, bởi nhiều người trong số họ là những nhà khoa học, trí thức tiêu biểu. Họ có có sáng kiến, cống hiến cho cả thế giới. Trong giai đoạn hội nhập, tiếng nói của họ rất quan trọng vì vừa khách quan, vừa được nể trọng.
Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!
Phan Tĩnh ( thực hiện)