Hướng tới một Quốc hội chất lượng, đáp ứng mong mỏi của cử tri (Bài 2): Hạn chế của Quốc hội khóa XIII nhìn từ chất lượng một số đại biểu dân cử

(Pháp lý) - Quốc hội khóa XIII đã có nhiều dấu ấn đổi mới đáng ghi nhận, nhưng không thể phủ nhận vẫn còn những hoạt động hạn chế, chưa đáp ứng được mong mỏi của cử tri. Hạn chế đáng kể đó là chất lượng một số đại biểu dân cử , một số ĐBQH vi phạm pháp luật và đạo đức làm hình ảnh của Quốc hội chưa đẹp trong lòng cử tri. Thẳng thắn nhìn lại hạn chế đó là bài học cho chặng đường tiếp theo của Quốc hội. 

>> Bài 1: Quốc hội khóa XIII và những dấu ấn trong lòng cử tri

Im lặng, không đi họp hay vắng trách nhiệm …

Cử tri bầu đại biểu, mong rằng mỗi khi QH quyết định những vấn đề quan trọng với quốc kế, dân sinh thì đại biểu thể hiện tiếng nói của cử tri trong đó. Thế nhưng thực tế trong một số phiên họp của Quốc hội khóa XIII, xem qua truyền hình trực tiếp thì Đại biểu vắng mặt quá nhiều. Điều này làm cử tri và chính các đại biểu “chuyên cần” bức xúc.

[caption id="attachment_137118" align="aligncenter" width="410"] Đại biểu do cử tri bầu ra nhưng lại có phát ngôn không chuẩn khiến cử tri bức xúc (Trong ảnh là ông Hoàng Hữu Phước)
Đại biểu do cử tri bầu ra nhưng lại có phát ngôn không chuẩn khiến cử tri bức xúc (Trong ảnh là ông Hoàng Hữu Phước)[/caption]

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng số lượng đại biểu vắng mặt lên tới 50 người (khoảng 10% tổng số) ở những phiên biểu quyết thông qua nghị quyết quan trọng. Điều này là đáng báo động. Thực trạng này nghiêm trọng đến mức, để xiết chặt kỉ luật họp Quốc hội, cơ quan này lại phải họp để đưa ra những quy định nghiêm ngặt mang tính cưỡng chế, ép buộc với đại biểu. Cụ thể nội quy họp Quốc hội có quy định đại biểu muốn nghỉ họp phải xin phép Chủ tịch Quốc hội. Quốc hội không phải là lớp học, Quốc hội là nơi đại biểu phải có trách nhiệm, đại biểu  mà không tự giác thì dân sao nhờ được?

Một vấn đề khác cũng thuộc về ý thức và trách nhiệm của đại biểu đó là vấn đề “đại biểu im lặng”. Trong phiên họp và biểu quyết thông qua toàn văn Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, chỉ có 392/496 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, vắng 104 đại biểu. Nghị quyết này quyết định một trong những vấn đề quan trọng của đất nước, tại sao số lượng đại biểu không quan tâm hay không thể hiện quan điểm về Nghị quyết này nhiều như vậy? Điều đó đặt ra vấn đề, không biết chính kiến của đại biểu thế nào? Cử tri bầu các vị làm đại biểu cho mình là để các vị có chính kiến trước những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Các vị ngồi ì ra vậy, cử tri còn “cậy” được ai?

Đại biểu thì phải có quan điểm. Tán thành vì sao? Không tán thành vì sao? 104 đại biểu ngồi im là thiếu trách nhiệm. Có nhiều ý kiến của cử tri cho rằng, Quốc hội cần phải thay đổi và cần phải công bố công khai danh tính  đại biểu Quốc hội trong quá trình biểu quyết để truy trách nhiệm đại biểu “lờ đờ”, “lặng im”.

Chất lượng đại biểu không ổn…

Ngoài ý thức thì vấn đề chất lượng đại biểu cũng là vấn đề quan trọng. Trong buổi thảo luận tại hội trường sáng 16/11/2015, một đại biểu của tỉnh Nam Định đã mở đầu phát biểu bằng việc nhắc lại một “quốc văn giáo khoa thư” về vai trò của Quốc hội: “Quốc hội chúng ta với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri khẳng định rằng chúng ta không quên và không bỏ sót tất cả những gì chúng ta đã đặt ra đối với Chính phủ, các cơ quan tư pháp, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương. Chúng ta cũng không bỏ qua những gì chúng ta yêu cầu, nhưng tình hình chưa được chuyển biến…”. Vân vân và vân vân... Đại biểu này phát biểu lòng vòng đến hàng ngàn từ chỉ để “đáo khen” rồi mới rụt rè góp ý về quốc nạn tham nhũng với những từ chung chung. Với một cấu trúc phát biểu như vậy, cử tri dù cảm ơn ông đã nói lên nhiều tâm tư thật sự của họ song vẫn cảm thấy tiếc về hiệu quả của cách đặt vấn đề này.

[caption id="attachment_137119" align="aligncenter" width="410"]Một ĐBQH không tốt có ảnh hưởng lớn đến hình ảnh Quốc hội (trong ảnh là bà Châu Thị Thu Nga) Một ĐBQH không tốt có ảnh hưởng lớn đến hình ảnh Quốc hội (trong ảnh là bà Châu Thị Thu Nga)[/caption]

Không chỉ ở phiên họp đó mà nhiều phiên họp khác ta cũng thường gặp thấy những đại biểu nói vòng, nói vo như vậy khiến Chủ tịch Quốc hội phải “ngắt lời”. Điều này phản ánh trình độ của một số đại biểu Quốc hội ta còn thấp. Từ những đại biểu như vậy, đúng là Quốc hội khóa mới rất cần những đại biểu nói ngay, nói thẳng nói ngắn. Nói ngắn mà đi vào lòng người thật không dễ, điều đó đòi hòi ở trình độ đại biểu.

Mỗi đại biểu là một phần của Quốc hội và góp phần tạo hình ảnh của Quốc hội. Việc đại biểu sống thế nào, làm việc gì, tư cách ra sao đều ảnh hưởng đến cái nhìn của người dân với Quốc hội. Năm 2014, dư luận cả nước rúng động về scandal “Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước viết trên blog về “tứ đại ngu”. Ông Phước đã có những ngôn từ bình luận, công kích ĐB Dương Trung Quốc về chuyện chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp. Theo đó, ông Phước mắng ĐBQH khác là ngu, đại ngu... Không chỉ ở đời thường, ngay ở Quốc hội, đại biểu này cũng thể hiện “cái kém” của mình. Đặc biệt, khi nói đến vấn đề mại dâm, ĐB Hoàng Hữu Phước đã dùng quá nhiều câu chữ phản cảm, “chợ búa”.

Trong cuộc sống, mọi người đều có thể có những ý kiến khác nhau, thậm chí có thể nảy sinh mâu thuẫn với nhau. Nhưng chỉ những người kém văn hóa mới dùng những lời lẽ nặng nề phỉ báng nhau hay nặng nề để diễn đạt vấn đề. Ông Phước làm ĐBQH nhưng cách ông cư xử ở trong cuộc sống lẫn ở nghị trường khiến cử tri giật mình, hình ảnh của Quốc hội bị ảnh hưởng.

Vào Quốc hội mà không vì dân…

Dân bầu đại biểu là phải làm việc vì dân. Thế nhưng thực tế không ít đại biểu được bầu ra nhưng không hoàn thành trọng trách của mình. “Nhiều đại biểu chạy ghế để dễ bề quan hệ”, đó là chia sẻ của ĐBQH Bùi Thị An cảnh báo về việc để những đại biểu không vì nước vì dân vào cơ quan dân cử. Và những điều đó cũng ít nhiều biểu hiện ở Quốc hội khóa XIII và cả những Quốc hội khóa trước.

Nhức nhối và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Quốc hội đó là trường hợp các đại biểu vi phạm pháp luật, bị bắt, bị bãi nhiệm… Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri với quốc hội. Nữ đại biểu doanh nhân Châu Thị Thu Nga bị bắt giam vào tối 7/1/2015 là một ví dụ. Đang là ĐBQH khóa XIII, bà Châu Thị Thu Nga còn được biết đến là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group). Bà Châu Thị Thu Nga bị bắt để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tập đoàn Housing do bà Nga đứng đầu đã sai phạm hàng loạt dự án bất động sản, chiếm dụng vốn, lừa đảo khách hàng.

Trước bà Châu Thị Thu Nga còn có 2 người khác bị bắt trong thời gian còn là Đại biểu Quốc hội. Ông Mạc Kim Tôn – nguyên là Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình, từng là đại biểu Quốc hội khóa XI, bị bắt tạm giam, khám xét nơi ở và làm việc về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vào ngày 21/7/2006. Dưới sự "bảo hộ" của ông Mạc Kim Tôn, Trần Thị Ánh đã lừa mua của 3 công ty gần 390 máy tính để bàn, hơn 30 máy tính xách tay, 25 máy chiếu đa năng và 7 thiết bị khác, với tổng số tiền phải thanh toán hơn 4,2 tỷ đồng. Ông Tôn đã trực tiếp nhận gần 100 triệu đồng của 11 trường được lắp máy tính và 10 món quà biếu của Ánh trị giá hơn 60 triệu đồng. Ông Mạc Kim Tôn bị bắt khi là đại biểu Quốc hội khóa XI (năm 2006)

Ông Lê Minh Hoàng cũng từng là ĐBQH, giữ cương vị Giám đốc Công ty điện lực TP.HCM và bị bắt trong thời gian làm ĐBQH do có những sai phạm. Theo kết quả điều tra, trong quá trình tổ chức đấu thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng mua 312.000 công tơ điện tử của Công ty Linkton Singapore, Công ty Điện lực TPHCM đã vi phạm nghiêm trọng các quy chế đấu thầu do Chính phủ ban hành. Sai phạm của ông Lê Minh Hoàng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân.

Kết thúc bài viết, xin nhắc lại rằng “để có một Quốc hội chất lượng thì ta phải có những đại biểu chất lượng”. Trước cuộc bầu cử quan trọng lần này, cử tri đòi hỏi cần nghiêm ngặt hơn trong quá trình tuyển lựa đại biểu tốt về tư cách đạo đức, giỏi về trình độ để Quốc hội không bị mất lòng cử tri như thời gian qua.

Minh Hải (Tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin