Hơn 130 quốc gia đạt thỏa thuận về thuế suất doanh nghiệp tối thiểu

Hơn 130 quốc gia đã đi đến đồng thuận về những thay đổi sâu rộng trong cách thức đánh thuế các công ty lớn trên toàn cầu, bao gồm thuế suất doanh nghiệp tối thiểu 15% nhằm ngăn chặn những tập đoàn đa quốc gia kiếm lợi ở các nước có thuế suất thấp.

10-1633917668.jpg

Trụ sở của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Paris. (Ảnh: AP)

Thỏa thuận được công bố như một nỗ lực nhằm hướng tới một thế giới toàn cầu hóa và số hóa ổn định và cân bằng. Luật mới sẽ cho phép các quốc gia đánh thuế một số khoản thu nhập của các công ty ở khu vực khác kiếm tiền thông qua con đường bán lẻ trực tuyến, quảng cáo web và một số hoạt động khác.

Thỏa thuận giữa 136 quốc gia đại diện cho 90% nền kinh tế toàn cầu được công bố bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế có trụ sở tại Paris. “Thỏa thuận của ngày hôm nay đóng vai trò như một thành tựu trong ngoại giao kinh tế”, bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố. Bà nói: “Thay vì cạnh tranh dựa trên tỷ lệ doanh nghiệp, nước Mỹ sẽ cạnh tranh dựa trên kỹ năng của người lao động và năng lực đổi mới, đó là cuộc đua mà chúng tôi có thể giành chiến thắng”.

Tuy nhiên, thỏa thuận phải đối mặt với một số trở ngại trước khi được ban hành chính thức và có hiệu lực. Hoa Kỳ là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia nên nếu Quốc hội nước này từ chối sẽ gây ra bất ổn không nhỏ cho toàn bộ dự luật. Các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Google và Amazon đã hỗ trợ các cuộc đàm phán. Hầu hết các công ty đồng ý về điều khoản mới bởi như vậy, họ sẽ chỉ đối phó với một chế độ quốc tế thay vì nhiều hệ thống riêng biệt tùy thuộc vào mỗi quốc gia.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho hay: “Hiệp định này mở ra con đường cách mạng thuế thực sự cho thế kỷ 21. Cuối cùng, những gã khổng lồ kỹ thuật số sẽ trả phần thuế của họ ở các quốc gia, bao gồm cả Pháp”. Hôm thứ năm, Ireland đã thông báo sẽ tham gia thỏa thuận, từ bỏ chính sách thuế thấp từng là động lực khiến các công ty như Google và Facebook đặt trụ sở hoạt động tại châu Âu.

Mặc dù sự có mặt của Ireland là một bước tiến khác nhưng không ít các nước đang phát triển bày tỏ phản đối và Nigeria, Kenya, Pakistan, Sri Lanka cho biết sẽ không ký thỏa thuận. Những người ủng hộ chống đói nghèo và công bằng thuế chỉ ra phần lớn doanh thu mới sẽ được chuyển đến các nước giàu hơn và cung cấp ít hơn cho các nước đang phát triển phụ thuộc nhiều hơn vào thuế doanh nghiệp. Nhóm các nước đang phát triển G-24 nói rằng nếu không có phần doanh thu lớn từ lợi nhuận được tái phân bổ thì thỏa thuận sẽ “dưới mức tối ưu” và “không bền vững ngay cả trong ngắn hạn”.

Thỏa thuận này sẽ được Nhóm 20 bộ trưởng tài chính đưa ra vào tuần tới, sau đó sẽ được các nhà lãnh đạo G-20 thông qua lần cuối tại hội nghị thượng đỉnh ở Rome vào cuối tháng 10. Các quốc gia sẽ ký kết một hiệp định ngoại giao để thực hiện đánh thuế đối với các công ty không có sự hiện diện thực tế ở một quốc gia nhưng vẫn kiếm lợi nhuận. Luật mới sẽ ảnh hưởng đến khoảng 100 công ty trên toàn thế giới. Trong phần thứ hai của thỏa thuận nói đến mức thuế tối thiểu sẽ là 15% áp dụng cho các công ty có doanh thu hơn 750 tỷ euro (864 tỷ đô la).

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/hon-130-quoc-gia-dat-thoa-thuan-ve-thue-suat-doanh-nghiep-toi-thieu.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin