Hoàn thiện pháp luật về hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, đối thoại các khiếu kiện hành chính

01/03/2019 09:00

Ngày 26-2, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Tại phiên họp, Ban soạn thảo thông qua Kế hoạch xây dựng dự án Luật, Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đồng thời dành thời gian chủ yếu để cho ý kiến đối với một số nội dung của dự án Luật còn có ý kiến khác nhau. Đây sẽ là cơ sở để cơ quan chủ trì soạn thảo định hướng, tiếp tục hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật, bảo đảm khi dự án Luật được gửi sang Ủy ban Tư pháp để thẩm tra sẽ có sự đồng thuận cao của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học; bảo đảm các quy định của dự án Luật khả thi, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đạt được mục tiêu đề ra.

 Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp)

Những năm qua, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính không ngừng tăng lên tỷ lệ thuận với quy mô tăng dân số và tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với những sửa đổi, bổ sung của các đạo luật mới, thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, làm cho số lượng các vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng nhiều so với các năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp; số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều.

Tòa án luôn trong tình trạng quá tải; nhiều vụ án dân sự, hành chính phải xét xử qua nhiều cấp trong nhiều năm; bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Tòa án.

Với thực trạng pháp luật và tình hình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua hòa giải, đối thoại như trên đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nghiên cứu, xây dựng một cơ chế pháp lý mới đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của người dân và xã hội.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật hòa giải được quán triệt theo hướng: Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện pháp luật về hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, đối thoại các khiếu kiện hành chính; cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội về nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của thiết chế hòa giải, thương lượng trong giải quyết tranh chấp, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, giữ gìn sự đoàn kết trong nhân dân; đổi mới thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án; giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xã hội

Bảo đảm nguyên tắc về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, không làm tăng bộ máy, tổ chức, biên chế của Tòa án nhân dân; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Khuyến khích các bên tự nguyện sử dụng hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; việc xét xử là phương thức giải quyết tranh chấp được sử dụng cuối cùng nếu việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án không thành.

Phát biểu tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc nghiên cứu, xây dựng Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án là cần thiết và có ý nghĩa. Theo đó, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mẫu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

Với Tòa án, việc đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề của Tòa án trong bối cảnh các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Dự thảo Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án gồm 6 chương, 45 điều. Tại phiên họp, Ban soạn thảo thông qua Kế hoạch xây dựng dự án Luật, Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Đồng thời, thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung quan trọng của dự thảo Luật và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, như: Về phạm vi hoà giải, đối thoại tại Toà án; về tổ chức, bộ máy của Trung tâm Hoà giải, đối thoại tại Toà án; về quyền, nghĩa vụ của Hoà giải viên, Đối thoại viên; về xử lý kết quả hoà giải, đối thoại thành; về kinh phí bảo đảm thực hiện hoạt động hoà giải, đối thoại tại Tòa án...

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/201902/hoan-thien-phap-luat-ve-hoa-giai-doi-thoai-trong-giai-quyet-cac-tranh-chap-dan-su-doi-thoai-cac-khieu-kien-hanh-chinh-305160/

Bạn đang đọc bài viết "Hoàn thiện pháp luật về hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, đối thoại các khiếu kiện hành chính" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin