Hoàn thiện Luật Trợ giúp pháp lý: Tạo điều kiện để Luật gia, Luật sư hoạt động vì cộng đồng

29/10/2016 06:53

(Pháp lý) - Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Trợ giúp pháp lý đang thu hút sự quan tâm của giới Luật gia, Luật sư cả nước, với hy vọng sau khi được thông qua, hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ có thay đổi tích cực, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nhiều sửa đổi tích cực

Ngày 22/8/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình số 269/TTr- CP gửi Quốc hội về Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) sửa đổi. Theo đó, Dự án Luật TGPL sửa đổi có một số sửa đổi tích cực.

Trước hết là bổ sung đối tượng được trợ giúp pháp lý. Ngoài các đối tượng được TGPL theo Luật TGPL năm 2006 bao gồm: Người thuộc hộ nghèo; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Dự án Luật TGPL sửa đổi còn đề nghị Quốc hội cho bổ sung một số đối tượng gồm: Người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn; nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em bị buộc tội; Người bị nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn bị buộc tội; Người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn.

 Quang cảnh Hội thảo: “Góp ý sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý” do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức
Quang cảnh Hội thảo: “Góp ý sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý” do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức)

Thứ hai là sửa đổi về hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý và nghĩa vụ của Trợ giúp viên pháp lý. Dự thảo Luật TGPL sửa đổi chỉ quy định 3 hình thức TGPL là: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng theo hướng ưu tiên hoạt động tham gia tố tụng. So với Luật TGPL hiện hành, Dự thảo đã bỏ bớt một số hình thức TGPL, như tư vấn pháp luật thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, TGPL lưu động nhằm khắc phục tình trạng TGPL dàn trải như hiện nay. Ngoài ra, Dự thảo Luật còn quy định nghĩa vụ của Trợ giúp viên pháp lý là bảo đảm chỉ tiêu vụ việc TGPL và trong thời hạn 02 năm liên tục, Trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng sẽ bị thu hồi thẻ Trợ giúp viên nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực TGPL, tránh tình trạng Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm nhưng không tham gia tố tụng.

Thứ ba là nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL. Để nâng cao chất lượng TGPL, Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý, cá nhân và tổ chức tham gia TGPL. Về Trợ giúp viên pháp lý, Dự thảo Luật đã nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện của Trợ giúp viên pháp lý bảo đảm tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ "tương đương luật sư", theo hướng bổ sung 2 quy định về điều kiện cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý là có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề theo quy định của Luật Luật sư; có Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự TGPL. Dự thảo Luật cũng điều chỉnh thẩm quyền cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý từ Chủ tịch UBND cấp tỉnh sang Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhằm nâng cao vị thế của Trợ giúp viên pháp lý và cho phép chủ thể này cung cấp dịch vụ TGPL trên phạm vi toàn quốc, đồng thời tạo sự đồng bộ với thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.

Về tổ chức và người tham gia TGPL, Dự thảo Luật đưa ra những điều kiện cần thiết để lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL; duy trì cơ chế đăng ký tham gia thực hiện TGPL nhằm huy động thêm luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có kinh nghiệm, uy tín tham gia thực hiện TGPL. Nhà nước kiểm tra, giám sát, kiểm soát chất lượng do các chủ thể này thực hiện. Lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL làm trung tâm, tránh bỏ sót người được TGPL khi họ cần giúp đỡ pháp lý trong phạm vi toàn quốc, Dự thảo quy định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ hỗ trợ, điều phối nguồn lực để các đối tượng được TGPL bảo vệ quyền của mình trong các vụ việc mà địa phương không đủ nguồn lực thực hiện nhằm tạo cơ chế linh hoạt, hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác TGPL.

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TGPL, Dự thảo không quy định về Chi nhánh với tư cách là đơn vị trực thuộc của Trung tâm TGPL. Các tổ chức tham gia TGPL là tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có tư cách pháp nhân thực hiện TGPL theo hai phương thức hợp đồng thực hiện TGPL với cơ quan quản lý TGPL bằng nguồn lực nhà nước và đăng ký thực hiện TGPL bằng nguồn lực của mình.

Về người tham gia TGPL, bên cạnh đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Dự thảo quy định thêm người tham gia TGPL bao gồm Luật sư và tư vấn viên pháp luật.

Cần thêm các Trung tâm trợ giúp pháp lý không thuộc nhà nước

Sau khi nghiên cứu Dự thảo với những sửa đổi, bổ sung, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân – Phó Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật HLGVN cho rằng: “Cần có thêm những Trung tâm TGPL trực thuộc Hội Luật gia các tỉnh để có thể tiến hành TGPL chuyên nghiệp, bài bản cho mọi đối tượng cần được trợ giúp”.

 Hội nghị về đổi mới công tác trợ giúp pháp lý do Cục trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp tổ chức
Hội nghị về đổi mới công tác trợ giúp pháp lý do Cục trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp tổ chức)

Trong thời gian vừa qua, hoạt động TGPL đã thu được những hiệu quả nhất định, tuy nhiên hàng lang pháp luật còn chưa đồng bộ, còn nhiều rào cản với hoạt động đặc thù này. Một yêu cầu bức thiết trong hoàn cảnh hiện nay là cần hoàn thiện pháp luật về trợ giúp pháp lý cần theo hướng tiếp tục thực hiện chính sách pháp luật về TGPL, xác định rõ hơn vai trò và trách nhiệm của Nhà nước trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm đảm bảo được quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013 và các Công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân cho rằng: Cần khẳng định TGPL là hoạt động thuộc chức năng xã hội của nhà nước, thể hiện trách nhiệm của nhà nước với người dân trong việc đảm bảo công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân khi tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên, Luật TGPL cũng cần sửa đổi trên tinh thần xã hội hóa có nghĩa là Nhà nước không trực tiếp thực hiện mà đóng vai trò quản lý, điều hành, đảm bảo tính bền vững cho TGPL. Việc thực hiện TGPL chuyển giao cho các chủ thể xã hội với sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Để có thể huy động nhiều thành phần luật gia, luật sư tham gia TGPL thì cần có những Trung tâm TGPL không trực thuộc nhà nước mà trực thuộc một tổ chức chính trị xã hội nào đó. Tốt nhất Trung tâm Trợ giúp pháp lý xã hội nên trực thuộc Hội luật gia cấp tỉnh với nhiệm vụ cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho đối tượng được hưởng TGPL. Kinh phí hoạt động TGPL do Nhà nước cấp dựa trên số vụ việc mà Trung tâm thực hiện. Nếu thực hiện được việc này thì hoạt động TGPL sẽ chuyên nghiệp hơn, do một tổ chức thực hiện. Tránh tình trạng tổ chức hành nghề mang tính kinh doanh, thu phí vừa trợ giúp pháp lý miễn phí, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.

Đối với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư sẽ thực hiện TGPL theo hình thức tự nguyện. Họ sẽ thực hiện việc TGPL tùy thuộc vào khả năng, đối tượng, vụ việc mà họ thấy cần.

Để huy động được nhiều người tham gia hoạt động TGPL thì cần quy định rõ về chức danh Trợ giúp viên pháp lý. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của các Luật về tố tụng. Bởi Trợ giúp viên pháp lý còn tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa. Bên cạnh quy định trong Luật TGPL nhà nước cũng cần ban hành văn bản hướng dẫn về chế định bào chữa viên.

Đồng thời, trong TGPL vấn đề kinh phí đóng vai trò quyết định. Có kinh phí thì mới mở rộng đối tượng, phạm vi, hình thức trợ giúp pháp lý. Ông Tuân cho rằng đối với các Trung tâm trợ giúp pháp lý cần cho phép họ kêu gọi tài trợ của các cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm. Điều này cũng cần được thể chế cụ thể để chủ trương xã hội hóa TGPL đi đúng hướng.

Hiện nay, toàn quốc có 572 Trợ giúp viên pháp lý. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng, đóng vai trò chủ chốt ở các địa bàn khó khăn nơi số lượng luật sư chậm phát triển. Trong năm 2015, số vụ việc tham gia tố tụng do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vụ việc tham gia tố tụng của Trung tâm TGPL nhà nước.

Trong khi đó Luật sư cộng tác viên (1.080 người) chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số luật sư cả nước (khoảng 10.000 luật sư), phân bổ không đồng đều giữa các địa phương, đảm nhiệm phần lớn việc TGPL tham gia tố tụng nhưng có xu hướng giảm về số lượng, chất lượng ít được cải thiện. Theo tổng kết 8 năm thi hành Luật TGPL 2006 thì từ năm 2007 - 2014 luật sư cộng tác viên thực hiện được 37.673 vụ việc tham gia tố tụng. Năm 2015 đội ngũ này thực hiện được 4.773 vụ việc. Cộng tác viên khác có số lượng lớn (hơn 9.000 người), chiếm tỉ lệ áp đảo, được tổ chức rộng khắp ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã, thực hiện TGPL chủ yếu bằng hình thức tư vấn pháp luật, hòa giải và phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua TGPL lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL ở cơ sở. Theo tổng kết 8 năm thi hành Luật TGPL 2006 thì từ năm 2007 -2014 đội ngũ cộng tác viên khác thực hiện được 355.894 vụ việc tư vấn pháp luật. Năm 2015 đội ngũ này thực hiện được 35.551 vụ việc tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, phần lớn là các vụ việc tư vấn đơn giản, không lập thành hồ sơ vụ việc.

Tạo thuận lợi cho đối tượng được TGPL

Sau khi phân tích cụ thể từng đối tượng được trợ giúp thì Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến – Chủ tịch Hội luật gia Hà Nội, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp pháp lý hiệu quả cho rằng: Các đối tượng quy định như trên “vừa trùng lặp vừa mâu thuẫn”. Ví dụ người già cô đơn không nơi nương tựa trùng lặp với người cao tuổi, người tàn tật không nơi nương tựa với người khuyết tật. Chính vì thế trong đợt sửa đổi lần này ông Tuyến có đề xuất mở rộng các đối tượng được trợ giúp pháp lý. Đồng thời, những đối tượng yếu thế quy định ở các luật khác cũng nên được hưởng trợ giúp pháp lý.

Ông Tuyến cũng cho rằng, theo Luật trợ giúp pháp lý đối tượng được trợ giúp khi đến yêu cầu trợ giúp phải xuất trình nhiều giấy tờ chứng minh mình thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Chính điều này làm hạn chế việc tiếp cận trợ giúp pháp lý của các đối tượng dễ bị tổn thương. Đồng thời luật gia này cho rằng, những đối tượng bị tổn thương thường hay mặc cảm với xã hội, bản thân, hiểu biết pháp luật ít, đồng bào dân tộc biết tiếng phổ thông ít... nên trong quá trình trợ giúp pháp lý phải chú ý đến phương thức trợ giúp. Cụ thể là chú ý đến việc tuyên truyền, trợ giúp các phương tiện bằng tiếng của dân tộc họ.

Cũng băn khoăn về đối tượng được trợ giúp pháp lý, bà Trịnh Lê Trâm cho rằng Luật Trợ giúp pháp lý không có quy định riêng người nhiễm HIV là đối tượng được trợ giúp pháp lý mà gộp chung vào nhóm đối tượng người tàn tật. Quy định đó đã thu hẹp diện người nhiễm HIV được trợ giúp pháp lý. Đồng thời để được trợ giúp pháp lý người nhiễm HIV phải xuất trình giấy xét nghiệm HIV, giấy chứng nhận là “người không có nơi nương tựa”. Thế nhưng hiện nay chưa có mẫu giấy nào chứng nhận như vậy, chưa có cơ quan nào cấp giấy đó nên nhiều người bị nhiễm HIV khó khăn khi tiếp cận với dịch vụ tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.

Với việc trợ giúp pháp lý dành cho trẻ em, Điều 4 Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành quy định 5 nguyên tắc hoạt động TGPL gồm: Không thu phí, lệ phí, thù lao từ người được TGPL; Trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; Sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người được TGPL; Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp TGPL; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung TGPL. Khi xem xét các quy định này, Thạc sĩ Nguyễn Hải Anh cho rằng: TGPL cho trẻ em phải dựa trên những nguyên tắc về quyền trẻ em. Tuy nhiên nếu chiếu theo các nguyên tắc của Luật trên thì Luật đã quên 2 nguyên tắc “Không phân biệt đối xử” và “Tôn trọng ý kiến trẻ em”. Từ đó Thạc sĩ Hải Anh kiến nghị bổ sung 2 nguyên tắc trên vào Điều 4 của Luật TGPL. Đồng thời các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện TGPL cần được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục để giảm đi những giấy tờ phức tạp, tạo điều kiện cho trẻ và người đại diện hợp pháp của trẻ tiếp cận yêu cầu TGPL.

 Tĩnh Thư

Bạn đang đọc bài viết "Hoàn thiện Luật Trợ giúp pháp lý: Tạo điều kiện để Luật gia, Luật sư hoạt động vì cộng đồng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin