Hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến

21/12/2017 06:52

Hôm qua (19/12), Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ “Mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Đây là mô hình đã có lịch sử 20 năm hình thành trên thế giới nhưng ở Việt Nam lại chưa được quan tâm đầu tư, chưa có khung khổ pháp lý để hoạt động.

 Viện trưởng Nguyễn Văn Cương phát biểu tại Hội thảo
Viện trưởng Nguyễn Văn Cương phát biểu tại Hội thảo)

Khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết: Từ chỗ sơ khai, thương mại điện tử (TMĐT) ngày nay đã không còn xa lạ với nhiều người dân Việt Nam bằng việc đặt hàng, mua hàng, thanh toán thông qua các phương tiện điện tử. Tuy nhiên, pháp luật điều chỉnh về TMĐT đang chậm nhịp so với thực tiễn phát triển, trong đó các quy định về giải quyết tranh chấp dường như còn rất mới mẻ bởi khi đã tham gia mua bán ắt sẽ phát sinh tranh chấp. Khi ấy, cách giải quyết tranh chấp theo con đường truyền thống gây ra khó khăn cho các giao dịch trực tuyến, đòi hỏi phải có phương thức giải quyết tranh chấp thuận tiện hơn, thân thiện hơn với thế hệ công dân mới – công dân mạng trong cuộc cách mạng 4.0.

Một con số thống kê tại emarketer.com cho biết, mỗi ngày có khoảng 120 triệu giao dịch TMĐT được tiến hành song trong đó có đến 2-5% giao dịch phát sinh tranh chấp. Cụ thể, năm 2016 có 821,2 triệu vụ tranh chấp TMĐT và năm 2017 dự kiến là 942,8 triệu vụ. Với số lượng vụ việc tranh chấp quá nhiều như này thì các phương pháp giải quyết tranh chấp truyền thống trực tiếp tại tòa án trở nên bất khả thi. Bởi vậy, cơ chế ODR đã ra đời và phát triển. Tương tự, ở Việt Nam, TMĐT thời gian qua có bước tăng trưởng nhanh chóng với doanh thu hơn 4 tỷ USD năm 2016 và có thể tăng hơn 6 tỷ năm 2017. Tuy nhiên, một trong những trở ngại là Chính phủ và doanh nghiệp Việt chưa thực sự quan tâm và đầu tư ODR, dù một số công ty tư nhân đã bước đầu triển khai những dịch vụ cho phép giải quyết các khiếu nại, phàn nàn của người tiêu dùng trực tuyến qua website.

Không những thế, Phó Trưởng phòng Pháp chế (Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công Thương) Lê Thị Hà chia sẻ, Bộ Công Thương nhận được một số thông tin phản ánh về hiện tượng lừa đảo của công ty bán tour du lịch trực tuyến và cả đơn thư về việc bị lừa đảo tài chính xuyên biên giới. Quá trình giải quyết các vụ việc, bà Hà nhận thấy Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện chưa có các quy định riêng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với TMĐT. Các trường hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại được áp dụng không đồng nhất với từng trường hợp tại các địa phương. Ngoài ra, do các tranh chấp trong giao dịch trực tuyến còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, các doanh nghiệp khi có tranh chấp xảy ra thường không biết gửi đơn thư đến cơ quan quản lý nào, gây mất thời gian xử lý vụ việc khi phải chuyển tiếp đến đơn vị chủ quản.

Đồng tình, nhiều đại biểu đánh giá rằng đang có sự khập khiễng rất lớn giữa thực tiễn phát triển và khung khổ pháp lý trong lĩnh vực này. Nổi lên là Việt Nam đã có pháp luật về TMĐT nhưng lại “bỏ trống” các quy định liên quan đến phương thức ODR trong lúc mà các tranh chấp TMĐT phát sinh ngày càng nhiều.

Nhằm khắc phục bất cập trên, TS Nguyễn Ngọc Hà (Đại học Ngoại thương Hà Nội) kiến nghị cơ quan nhà nước xây dựng cơ sở pháp lý cho việc triển khai và áp dụng ODR vào quá trình giải quyết tranh chấp tại Việt Nam. Theo đó, có thể sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để bổ sung quy định về sử dụng ODR trong giải quyết tranh chấp và sau đó xây dựng một nghị định hướng dẫn cụ thể. Để triển khai ODR trong thực tế, ông Hà lưu ý một số vấn đề như lựa chọn thí điểm lĩnh vực có thể ứng dụng ODR (là lĩnh vực có liên quan đến người tiêu dùng và các tranh chấp lựa chọn có giá trị nhỏ); xây dựng tài liệu và hướng dẫn sử dụng ODR…

Tán thành với đề xuất ban hành văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho ODR tại Việt Nam, ThS Đoàn Quỳnh Thương (Đại học Luật Hà Nội) còn cho rằng nên hỗ trợ tài chính cho các đơn vị cung cấp ODR tại Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu thành lập một đơn vị có sự quản lý nhà nước để tiến hành ODR với nhiệm vụ thực hiện 3 phương thức ODR là hỗ trợ thương lượng trực tuyến, hòa giải trực tuyến và trọng tài trực tuyến.

Theo Bao Phapluat

Bạn đang đọc bài viết "Hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình giải quyết tranh chấp trực tuyến" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin