Theo Economica Vietnam, chỉ với 5 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Dự thảo Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực mỗi năm cần khoảng 19.000 tỷ đồng, bù lại sẽ có ít nhất 235.000 tỷ đồng được đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh và thêm một nguồn thu thuế khoảng 429.000 tỷ/năm…
[caption id="attachment_143411" align="aligncenter" width="410"]
Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự hỗ trợ để phát triển. Ảnh Laodong.com[/caption]
Một vốn… bốn mươi lời
Theo nghiên cứu đánh giá tác động của Economica Vietnam, một công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý, nghiên cứu chính sách và xây dựng dự án, với chính sách hỗ trợ về ưu đãi thuế như dự thảo, chi phí thuế của doanh nghiệp (DN) giảm được 4-5 tỷ đồng/năm, đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận của DN được cải thiện. Với ưu đãi như dự thảo, số DN xuất nhập khẩu trực tiếp sẽ tăng lên, hiện nay là 52.000 DN, 10 năm tới sẽ là 100.000 DN.
Theo dự thảo, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) để mua sắm công phải dành tỷ lệ tối thiểu 20% ngân sách hoặc 20% số lượng hợp đồng hàng năm để mua sắm sản phẩm, dịch vụ của DNNVV. Điều này góp phần mở rộng thị trường cho DNNVV với khả năng cung ứng hàng hóa dịch vụ cho các cơ quan Nhà nước trị giá xấp xỉ 21 tỷ USD. Economica Vietnam cho rằng, nếu điều này được thực hiện nghiêm túc, đây sẽ là gói kích cầu đối với sản phẩm và dịch vụ của DNNVV với tổng trị giá 4,2 tỷ USD và khoảng 40.000 DNNNV có cơ hội được cung cấp dịch vụ, sản phẩm qua các hợp đồng mua sắm công.
Ngoài ra, khoảng 27.000 ha đất tại các khu công nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp sẽ được khuyến khích cho DNNVV thuê. Và với cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng dành 30% dư nợ cho vay DNNVV, sẽ có ít nhất 397.000 tỷ đồng (khoảng 18 tỷ USD) từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và ít nhất là 7.560 tỷ đồng sẽ tới được các DNNVV thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng.
Cùng với các tác động của Luật DN, Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ góp phần đạt được mục tiêu có thêm 550.00 DN mới được thành lập và duy trì hoạt động. Như vậy, sẽ có ít nhất 235.000 tỷ đồng (10.5 tỷ USD) được đưa vào đầu tư SXKD và thêm một nguồn thu thuế mới vô cùng quan trọng với tiềm năng thu thuế khoảng 429.000 tỷ/ năm.
Ngoài lợi ích về kinh tế còn kéo theo các lợi ích về xã hội như công ăn việc làm, tăng độ che phủ bảo hiểm, tăng thu nhập, giảm thất nghiệp, tệ nạn xã hội…
Tuy nhiên, để có những lợi ích đó, theo tính toán của Economica Vietnam chỉ với 5 chương trình hỗ trợ được đưa ra trong Dự thảo, với giả định thận trọng và tính ở mức tối thiểu, mỗi năm chi cho 5 chương trình này là 11.855 tỷ đồng (Khởi nghiệp: 1.260 tỷ đồng/năm; Chẩn đoán và tư vấn nâng cao năng lực sản xuất: 1.500 tỷ đồng/năm; phát triển cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị: 170 tỷ đồng/năm; đổi mới sáng tạo: 7.800 tỷ đồng/năm; hỗ trợ DNNVV hội nhập 1.125 tỷ đồng). Mức chi này vào khoảng 1,6% tổng chi ngân sách năm 2015.
Ngoài ra, còn cần thêm 6.890 tỷ đồng chi phí khác: trong đó cần tối thiểu 1.890 đồng từ NSNN để hình thành các quỹ bảo lãnh tín dụng và ngân sách giảm thu 4.000-5000 tỷ đồng do miễn giảm thuế thu nhập DN và thuế môn bài cho DNNVV…
Mặt khác, để thực hiện các chương trình này, các cơ quan vừa phải phân công lại, vừa tuyển thêm người (ước tới 4.388 người), tăng chi phí tiền lương hành chính (329 tỷ đồng) tăng thủ tục hành chính và kéo theo chi phí tuân thủ (592 tỷ đồng). Như vậy, tổng cộng chi phí mỗi năm gần 19.000 tỷ đồng.
Băn khoăn
“Hỗ trợ DN là rất cần, hỗ trợ bằng nguồn lực là rất quý trong bối cảnh DN rất thiếu vốn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ mà DN cần nhất, và có tính quyết định nhất đó là với vai trò kiến tạo, Nhà nước sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, công bằng, minh bạch, chi phí thấp, thủ tục hành chính đơn giản, dễ dàng, Đây mới là những hỗ trợ mà các DNNVV mong muốn và kỳ vọng nhất…”-TS.Lê Duy Bình bày tỏ quan điểm.
Theo TS.Lê Duy Bình – Economica Vietnam, dự thảo chưa nói rõ nguồn lực thực hiện hỗ trợ này lấy từ đâu. Với mức chi phí vô cùng lớn như vậy, cần phải tính toán lại các phương án hỗ trợ, sao cho các chương trình khả thi hơn, không quá tham vọng, chú trọng vào các chương trình mang lại hiệu quả và lợi ích cao nhất.
TS Bình cũng cho rằng, việc yêu cầu NHTM hỗ trợ cho vay với DNNVV với lãi suất ưu đãi như trong dự thảo rất có thể mâu thuẫn với các quy định về đảm bảo an toàn trong Luật Các tổ chức tín dụng và mâu thuẫn với nhiệm vụ kinh doanh phải có lãi của NHTM vì NHTM cũng là DN. Mặt khác, những quy định như dự luật sẽ làm chi phí giao dịch của NHTM tăng gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của NHTM.
Tại Tọa đàm mới đây góp ý cho Dự thảo luật, Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, thuộc Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng cho rằng, hoạt động hỗ trợ DNNVV không chỉ là của Nhà nước, bản thân các DN muốn nâng cao năng lực cũng phải tự vận động. Ông Văn cũng băn khoăn việc hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV có vi phạm các quy định trong cam kết hội nhập WTO và các FTA mà Việt Nam đã ký kết hay không cũng như dễ nảy sinh cơ chế xin - cho.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT, Phó Ban soạn thảo, trong bối cảnhDNNVV vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết, tuy nhiên, ông Cương cũng cho rằng, không thể bao cấp cho DN, cũng không nên có hỗ trợ mang tính trợ giá cho sản phẩm bởi như vậy là bóp méo thị trường, không đem lại năng lực cạnh tranh cho DN.
Theo Bao Phapluat