Hậu cổ phần hóa DNNN: Câu chuyện từ Tập đoàn BRG và Tập đoàn T&T

31/10/2016 09:22

(Pháp lý) - Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương đúng đắn. Thực tế cho thấy, sau cổ phần hóa, đời sống người lao động một số DNNN được cải thiện, đồng vốn được quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hậu cổ phần hóa DNNN lại đang xuất hiện nỗi lo mới.

Đó là tình trạng người lao động ở một số DNNN sau cổ phần thất nghiệp do chính sách thanh lọc nhân sự của nhóm cổ đông mới. Bên cạnh đó, nhiều khu đất vàng của DNNN sau cổ phần hóa lại được chuyển đổi thành các trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp…đem lại lợi nhuận khổng lồ cho chủ đầu tư, còn ngân sách nhà nước và người lao động gắn bó với DN đó thì lại đứng trước nguy cơ bị thiệt?

Phóng viên Pháp lý đã ghi nhận thực tế này ở 2 Tập đoàn BRG và Tập đoàn T&T.

Hàng loạt DNNN bị T&T “thâu tóm”

Trong thời gian vừa qua, Tập đoàn T&T (T&T Group) của ông Đỗ Quang Hiển hay còn gọi là bầu Hiển đã liên tục rót vốn vào các đợt IPO của các doanh nghiệp Nhà nước ở nhiều ngành nghề khác nhau và trở thành một trong số các doanh nghiệp tư nhân đầu tư mạnh mẽ nhất vào quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Vậy đâu là đích ngắm của bầu Hiển?

 Quá trình thâu tóm các DNNN của bầu Hiển
Quá trình thâu tóm các DNNN của bầu Hiển)

Hiện tại, Tập đoàn T&T đang có những khoản đầu tư lớn tại các doanh nghiệp Nhà nước mới cổ phần hóa, bao gồm Cảng Quảng Ninh, Tổng công ty rau quả, nông sản Việt Nam (Vegetexco), Bệnh viện Giao thông Vận tải và sẽ trở thành cổ đông lớn nhất tại Unimex Hà Nội trong thời gian tới. Cụ thể, Tập đoàn T&T đã mua 100% vốn Nhà nước tại Công ty CP Cảng Quảng Ninh, tương đương 49 triệu cổ phiếu và tỷ lệ sở hữu 98%. Tại Tổng công ty Rau quả nông sản – Vegetexco, Tập đoàn T&T và Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH), hai tổ chức chịu sự chi phối của bầu Hiển, hiện sở hữu 50% vốn. Một doanh nghiệp liên quan tới BSH là Art Export cũng sở hữu 10% cổ phần Vegetexco. Còn với Bệnh viện Giao Thông Vận Tải, hiện tập đoàn T&T đang là cổ đông chiến lược duy nhất với tỷ lệ sở hữu 30% vốn.

Mới đây, sàn chứng khoán khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo T&T sẽ trở thành cổ đông chiến lược của công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư (Unimex Hà Nội) với tỷ lệ sở hữu 50%.

Có thể thấy, quá trình thâu tóm cổ phần các DNNN của bầu Hiển diễn ra khá dồn dập trong thời gian qua. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong các doanh nghiệp trên, một số có kết quả kinh doanh khá thường trước khi cổ phần hóa và tiềm năng tăng trưởng không rõ ràng. Ví dụ như Cảng Quảng Ninh, hoạt động kinh doanh trong những năm gần đây gặp khó khăn khi phải cạnh trạnh với cảng CICT nằm liền kề được đầu tư hiện đại.

Còn Vegetexco, sự tăng trưởng của công ty này không rõ rệt qua các năm. Trong 6 tháng đầu năm 2015, công ty lãi ròng 19,6 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Tuy vậy, lợi nhuận lại chủ yếu đến từ doanh thu tài chính trong khi lãi gộp sụt giảm 12% so với cùng kỳ.

Trường hợp của bệnh viện Giao Thông Vận Tải và Unimex Hà Nội, khả năng tăng trưởng có phần tốt hơn. Bệnh viện Giao thông Vận tải được đánh giá là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu và là bệnh viện công lập hàng đầu của ngành giao thông vận tải. Cùng với đó là dự án tòa nhà Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương đang được triển khai với tổng mức đầu tư 15 triệu USD. Hiện Unimex Hà Nội đang có kết quả kinh doanh khả quan hơn cả, doanh nghiệp này vừa thu 3,24 triệu USD chuyển nhượng 5,26% cổ phần tại khách sạn Metropole Hà Nội cho Hanoitourist. Trước đó, giá vốn đầu tư của Unimex Hà Nội chỉ là 1 triệu USD.

Nhiều khu đất vàng vào tay các Tập đoàn tư nhân

Khi tìm hiểu về các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa mà bầu Hiển đầu tư trong thời gian gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy một điểm chung, đó chính là quỹ đất lớn mà các doanh nghiệp này đang sở hữu.

Bệnh viện Giao thông Vận tải đang ghi nhận giá trị sổ sách quyền sử dụng đất tại Ngõ 1194 đường Láng, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội. Trong đó, 19.414,6 m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ có thời hạn sử dụng lâu dài với hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất và 1.876,8m2 đất nằm trong quy hoạch mở đường. Trên thực tế, bệnh viện Giao thông Vận tải đang quản lý tổng cộng 20.983,8 m2 diện tích đất do Bộ GTVT đã quyết định bàn giao khu đất có diện tích 307,8 m2 hiện do bệnh viện quản lý cho Trung tâm Giám định Y khoa – Cục Y tế GTVT.

 Khu đất vàng cả nghìn m2 ở số 2 Phạm Ngọc Thạch của Tổng Công ty rau quả, nông sản Việt Nam do Tập đoàn T&T “thâu tóm”
Khu đất vàng cả nghìn m2 ở số 2 Phạm Ngọc Thạch của Tổng Công ty rau quả, nông sản Việt Nam do Tập đoàn T&T “thâu tóm”)

Với trường hợp của Vegetexco, nếu không bao gồm mảnh đất 11.000 m2 tại TP.HCM vẫn được tính thuộc sở hữu Nhà nước, hiện công ty đang có quyền sử dụng đất tại 9 mảnh đất với tổng diện tích lên tới 160.000m2. Trong đó phải kể đến 38.191m2 đất tại Phường Bình Hưng Hòa, TP. HCM; 1.969m2 đất tại số 2 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội và 11.221m2 đất kho Cầu Diễn, Hà Nội.

Cùng với đó, hàng loạt dự án bất động sản đang được Vegetexco thực hiện như nâng cấp cải tạo trụ sở 58 Lý Thái Tổ thành khách sạn tương đương 3 sao, xây dựng tòa nhà hỗn hợp bao gồm trung tâm thương mại văn phòng cho thuê cao 9 tầng tại Phạm Ngọc Thạch và xây dựng chung cư Cầu Tiên 15 tầng tại Hoàng Mai, Hà Nội.

Còn với Cảng Quảng Ninh, doanh nghiệp này có cơ sở hạ tầng gồm 4 kho với tổng diện tích 10.700m2, tổng diện tích bãi chứa hàng là 142.000m2. Cảng nằm trong vịnh nên có tầm nhìn đẹp, thích hợp để xây dựng các khu căn hộ cao cấp. Quảng Ninh lại là nơi có cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn, đủ tiềm năng để phát triển du lịch.

Unimex Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ khi đang quản lý sử dụng 10 khu đất tại Hà Nội và 5 khu đất khác tại Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh với tổng diện tích đất hơn 63.000m2.

Một vài doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa cần có thời gian để cải thiện và phát triển hoạt động kinh doanh. Song “tấc đất tấc vàng”, với quỹ đất dồi dào của các doanh nghiệp đang được đầu tư, không khó để nhận ra tiềm năng cũng như lợi thế mà các doanh nghiệp này đang nắm giữ.

Đời sống người lao động: Nơi khấm khá, nơi “bết bát”

Cuối năm 2014, Công ty TNHH Một thành viên Khách sạn Du lịch Thắng Lợi thông tin trên báo chí về việc Tập đoàn BRG góp vốn vào khách sạn này. Và sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, đơn vị này đã có động thái mới để phát triển khách sạn.

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ông Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Hành chính, Công ty Cổ phần Khách sạn Thắng Lợi, thông tin: tôi là người gắn bó với đơn vị từ những năm còn bao cấp, phục vụ từ Đại hội Đảng 5 đến Đại hội Đảng lần thứ 12, thấy mỗi giai đoạn, khách sạn Thắng Lợi có những đặc điểm riêng. Thời bao cấp, Thắng Lợi là khách sạn to nhất miền Bắc, đối tượng phục vụ chủ yếu là lãnh đạo Đảng, nhà nước; những chính trị gia nước ngoài, khách đối nội, đối ngoại nên có nhiều vòng an ninh, người ngoài không thể vào được.

 Khách sạn Thắng Lợi nhìn ra hồ Tây – một vị trí đắc địa của Thủ đô đã được Tập đoàn BRG mua lại cổ phần
Khách sạn Thắng Lợi nhìn ra hồ Tây – một vị trí đắc địa của Thủ đô đã được Tập đoàn BRG mua lại cổ phần)

Năm 1988, khách sạn Thắng Lợi chuyển từ Tổng cục Du lịch về Bộ Văn hóa quản lý trực tiếp và chuyển qua hoạt động theo cơ chế thị trường. Khi đã hoạt động theo cơ chế thị trường, ai cũng có thể vào nghỉ được. Song, do ảnh hưởng từ thời bao cấp, nên khi đã chuyển qua kinh tế thị trường vẫn không ai dám vào. Vì thế kinh doanh có những khó khăn nhất định.

Cuối năm 2014, Tập đoàn BRG góp vốn vào khách sạn. Cũng từ thời điểm này, công việc của cán bộ công nhân viên ổn định hơn, thu nhập khá hơn, làm việc chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt là khi chuyển qua hình thức kinh doanh mới, khách nhiều hơn. Có thể nói, cổ phần hóa đã đem lại luồng gió mới cho doanh nghiệp. Đó chính là những thắng lợi, những cái hay của cổ phần hóa”, ông Hà khẳng định.

Ông Hà cho biết, sau cổ phần, Tập đoàn BRG đã chuyển giao nhiều cách làm việc mới; cách vận hành, hoạch toán rõ ràng. Với vai trò là nhân viên, tôi thấy họ cân nhắc rất kỹ, rất chuẩn và cặn kẽ từng vấn đề một. Ngày chưa cổ phần, đi công tác ở đâu về chỉ cần báo cáo là họ thanh toán công tác phí. Nhưng giờ, đi đâu, đi với bao nhiêu người phải báo cáo kỹ từng tí một họ mới thanh toán. Đó là điều tích cực trong quản lý. Trước đây, do còn được bao cấp nên anh làm nhiều hay làm ít lương vẫn vậy. Giờ, muốn có thu nhập phải làm, làm phải có ý thức hơn, trách nhiệm hơn. Đặc biệt, thời còn hoạt động theo cơ chế bao cấp, có những người đã già, không đủ năng lực mà cứ ngồi giữ ghế khư khư không chịu về. Sau cổ phần nhiều người rất trẻ, nhưng chứng minh được năng lực nên được làm lãnh đạo.

Một trong những nguyên tắc khi chuyển sang cổ phần hóa là kinh doanh, làm việc phải theo nguyên tắc. Hơn nữa, do cách làm việc mới có cơ chế thưởng phạt công minh, rõ ràng. Vì thế, tuy thời gian đầu mọi người có chút bỡ ngỡ, nhưng tất cả đều có sự hứng thú trong công việc nên chỉ một thời gian ngắn, tất cả đã làm quen được với tư duy vận hành mới, ông Hà nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Quang, phụ trách Truyền thông khách sạn Thắng Lợi cũng cho rằng: cổ phần hóa thật sự là sự đột phá của doanh nghiệp. Sau cổ phần hóa đời sống nhân viên ổn định hơn, lương cao hơn. Hiện khách sạn Thắng Lợi là khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao. Thời gian tới, đơn vị chủ quản sẽ tiến hành chỉnh trang, cải tạo nâng cấp và xây mới một số hạng mục nâng cấp lên thành khách sạn 5 sao, để kinh doanh tốt hơn, ông Quang thông tin thêm.

Tuy nhiên trên thực tế, không phải DNNN nào sau cổ phần, đời sống người lao động cũng được như ở Công ty CP Khách sạn Thắng Lợi. Bởi sau khi nắm giữ cổ phần chi phối ở những DNNN cũng là lúc, các cổ đông mới sẽ tiến hành cải tổ và sắp xếp lại nhân sự, hoạt động của DN. Đồng nghĩa với không ít người lao động sẽ đứng trước nguy cơ bị “thanh lọc”. Xin dẫn ra 2 ví dụ “thanh lọc” người lao động ở ngay chính 2 Tập đoàn BRG và Tập đoàn T&T. Chị Nguyễn Thị Hiền ở Hà Nội, vốn là nhân viên thủ quỹ của Ngân hàng Phát triển Nhà Hà Nội (Habubank), sau gần 7 năm gắn bó với Habubank, đến năm 2012, khi Habubank sáp nhập với Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) do “bầu” Hiển làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị thì chỉ sau đó vài tháng chị đã chính thức trở thành người thất nghiệp do không thể đáp ứng được yêu cầu công việc mà SHB đưa ra.

Theo chị Hiền cho biết, trước đây khi còn làm ở Habubank, chị là nhân viên thủ quỹ nên Habubank không khoán doanh số kinh doanh cho phòng chị. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập với SHB, những người ở phòng thủ quỹ của chị không chỉ làm công việc như trước đây mà còn phải kiêm nhiệm làm thêm kinh doanh. Theo đó, mỗi tháng chị Hiền được giao khoán phải huy động được khách hàng tối thiểu 500 triệu đồng thì mới hoàn thành doanh số kinh doanh. Cũng theo chị Hiền cho biết thêm, chỉ trong mấy tháng sau sáp nhập này, đã có tới hàng trăm nhân viên của ngân hàng cũ đã phải chủ động xin nghỉ vì không chịu được áp lực của công việc.

Không giống như chị Hiền, một nữ nhân viên ở Tổng công ty rau quả, nông sản Việt Nam (Vegetexco) cũng tỏ ra khá bi quan khi đề cập tới việc Vegetexco cổ phần hóa và hiện tại cổ đông lớn nhất của DN này là Tập đoàn T&T. Nhân viên này cho biết, sau khi cổ phần hóa thì rất nhiều nhân viên của Vegetexco đã chủ động xin nghỉ hoặc chuyển sang các DN khác, riêng chị thì đã có tuổi nên muốn đi cũng khó. Cũng theo nhân viên này thì từ khi được cổ phần hóa thì các chế độ cho người lao động ở Vegetexco cũng giảm xuống và không được cao như trước đây. Cũng theo tiết lộ của nhân viên này thì trụ sở của Vegetexco ở số 2 Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa (Hà Nội) sắp tới sẽ được đập phá bỏ và thay vào đó là một tòa nhà hiện đại. Có thể vừa làm văn phòng cho thuê và các căn hộ chung cư cao cấp?

Theo quan sát của phóng viên, trụ sở của Vegetexco ở số 2 Phạm Ngọc Thạch nằm ở vị trí khá đắc địa, tiếp giáp cả 2 mặt tiền với diện tích của khu đất lên tới cả nghìn m2, nếu Vegetexco đập phá và xây dựng chung cư thương mại thì khu đất vàng này có thể đem lại lợi nhuận rất lớn cho chủ đầu tư. Đây mới chỉ là 1 trong những khu đất vàng mà hiện nay Vegetexco đang sở hữu, bởi Vegetexco còn đang nắm rất nhiều các khu đất vàng ở Hà Nội và các địa phương khác.

Trở lại với các DNNN được Tập đoàn BRG mua cổ phần. Trái ngược với khách sạn Thắng Lợi, sau cổ phần hóa, Tập đoàn BRG từng bước cho cán bộ công nhân viên tại khách sạn Sông Nhuệ nghỉ việc. Đến thời điểm hiện tại, khi Phóng viên Pháp lý đến khách sạn sông Nhuệ rìm hiểu thì chỉ thấy còn duy nhất một người cũ của khách sạn Sông Nhuệ làm việc cho đơn vị mới, còn hơn một trăm con người cũ đều được cho nghỉ việc hoặc nghỉ theo chế độ. Theo tìm hiểu của Phóng viên Pháp lý, năm 2007, Tập đoàn BRG tham gia góp vốn vào khách sạn Sông Nhuệ. Thời điểm tập đoàn này tham gia góp vốn, giá cổ phiếu ở khách sạn này là 50.000VNĐ/ cổ phiếu. Nhưng, chỉ một thời gian sau, gần như tất cả đều bán hết cổ phần cho Tập đoàn BRG. Ngay sau khi cổ phần, đơn vị này đã tinh giản lực lượng lao động từ 110, xuống còn 85 người. Tháng 1/2013, đơn vị này tiếp tục cho gần 60 cán bộ công nhân viên nghỉ việc. Và đến tháng 6/2016, 15 lao động tiếp tục phải nghỉ việc theo sự sắp xếp của đơn vị chủ quản. Giờ chỉ còn hai người ở lại khách sạn để quản lý cơ sở vật chất đã cũ nát, xuống cấp hết.

 Sau cổ phần hóa, gần như toàn bộ người lao động làm việc tại khách sạn sông Nhuệ đã lâm vào tình trạng được cho nghỉ việc hoặc nghỉ theo chế độ
Sau cổ phần hóa, gần như toàn bộ người lao động làm việc tại khách sạn sông Nhuệ đã lâm vào tình trạng được cho nghỉ việc hoặc nghỉ theo chế độ)

Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Bá Phong, Trưởng phòng Kinh doanh Khách sạn Sông Nhuệ, thông tin: tôi vào làm việc ở khách sạn Sông Nhuệ từ năm 2000. Thời gian đầu vào làm nhân viên, nhưng một năm sau lên làm trưởng phòng. Đến nay tôi vẫn giữ chức vụ là trưởng phòng, nhưng hiện khách sạn không kinh doanh gì nữa, tôi chỉ ở lại để quản lý cơ sở vật chất, chứ không được quyết định một vấn đề gì.

Theo đánh giá của tôi, sau tư nhân hóa bộ máy nhân sự có gọn hơn, hoạt động trơn tru hơn một chút, nhưng tình hình kinh doanh vẫn khó khăn, không có gì chuyển biến. Do kinh doanh khó khăn, nên từ tháng 1/2013 Tập đoàn BRG đã cho đơn vị thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông thuê toàn bộ khách sạn làm văn phòng, mỗi năm được 6,9 tỷ đồng, ông Phong cho biết.

“Được biết, sang năm đơn vị chủ quản sẽ phá khách sạn để xây trung tâm thương mại. Không biết, khi chuyển đổi hình thức kinh doanh mới họ có sử dụng tôi nữa không. Nếu phải nghỉ việc, tôi cũng chẳng biết làm cái gì nữa. Năm nay tôi 52 tuổi rồi, chứng kiến nhiều người cũ phải nghỉ việc ở nhà, tôi lo cho tương lai lắm!”, ông Phong chua xót nói.

Kết mở

Có thể thấy, việc cổ phần hóa DNNN là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, có một thực tế mới nảy sinh đó là không ít người lao động ở nhiều DN có nguy cơ thất nghiệp. Trong khi các DNTN bỏ tiền ra mua cổ phần của các DNNN, họ được cái lợi rất lớn đó là các khu đất vàng của các DNNN được “biến” thành các trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp…đem lại lợi nhuận khổng lồ cho nhóm cổ đông mới này.

Đây là những vấn đề cần được các cơ quan quản lý tính đến và sớm có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Văn Don – Nguyễn Hòa

Bạn đang đọc bài viết "Hậu cổ phần hóa DNNN: Câu chuyện từ Tập đoàn BRG và Tập đoàn T&T" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin