Hàng giả, hàng lậu hoành hành, do đâu?

(Pháp lý) - Công ty Nhật Cường buôn lậu ở Hà Nội, đại gia xăng giả Trịnh Sướng ở Sóc Trăng, Công ty Asanzo nhập nhèm xuất xứ ở Hà Nội… là những vụ liên tiếp bị phanh phui thời gian gần đây. Những vụ việc này phản ánh sự lỏng lẻo trong quản lý, trong các quy định của pháp luật và lỗ hổng từ các thiết chế chống gian lận thương mại, chống buôn lậu, hàng giả ở Việt Nam hiện nay.

Điểm mặt gian lận

Từ ngày 28/5 đến 2/6, Ban chuyên án do Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm Trưởng Ban chỉ đạo, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông làm Phó Ban chỉ đạo, đã tiến hành bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi pha trộn dung môi với chất kích RON, bột màu thành xăng giả; tổ chức khám xét tại 6 địa điểm cũng là nơi các đối tượng đang tổ chức pha trộn và cất giấu chất dung môi, các chất để pha trộn thành xăng giả thuộc địa bàn TP.HCM, TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng.

Kho xăng dầu của Trịnh Sướng - Ảnh VNN
Kho xăng dầu của Trịnh Sướng - Ảnh VNN)

Công an đã tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại trong đó có trên 2,1 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả; 432.474 lít dung môi chưa pha; 3 tàu thủy, 6 xe ôtô (xe bồn), 5 máy bơm, 50kg tạo màu và nhiều vật dụng liên quan… của Công ty TNHH Mỹ Hưng.

Theo thông tin ban đầu, Trịnh Sướng (Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, ở ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã bỏ ra khoảng 3.000 tỷ đồng để mua dung môi (chất trộn làm xăng giả). Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, thủ đoạn của những đối tượng sản xuất, kinh doanh xăng giả, xăng kém chất lượng là dùng chất dung môi Solmix (loại chất dùng trong công nghiệp như pha chế sơn, cao su, keo, chế biến gỗ, xúc rửa máy…) pha trộn với xăng để tạo ra loại xăng có chỉ số RON không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, xăng kém chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm khẳng định xăng giả không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng xấu đến hiệu suất động cơ, thậm chí có thể làm hỏng động cơ. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy xe được xác định liên quan tới xăng giả và cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh, làm rõ.

Theo Bộ Công an, tính đến nay đã khởi tố, bắt giam 23 bị can liên quan đường dây làm xăng giả do Trịnh Sướng cầm đầu.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức do Bùi Quang Huy (trú tại số 151 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường cầm đầu.

Khám xét một cửa hàng của Nhật Cường - Ảnh PLO
Khám xét một cửa hàng của Nhật Cường - Ảnh PLO)

Khám xét khẩn cấp 9 địa điểm liên quan Công ty Nhật Cường, cơ quan chức năng thu giữ hàng ngàn điện thoại di động, Ipad, phụ kiện điện tử các loại... và tài liệu liên quan. Bước đầu xác định, Bùi Quang Huy và một số đối tượng đã thực hiện hành vi buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia và đã lập, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính, để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu.

Ngày 14/5/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án và ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường và 8 đồng phạm về tội “Buôn lậu” quy định tại Khoản 4 Điều 188 BLHS năm 2015 và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 221 BLHS năm 2015.Do Bùi Quang Huy đã bỏ trốn nên cơ quan công an đã có lệnh truy nã. Mở rộng điều tra vụ buôn lậu tại Nhật Cường, ngày 9/7, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bổ sung Bùi Quang Huy về tội danh Rửa tiền theo Điều 324 BLHS 2015.

Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam cũng đang trở thành điểm nóng do nghi vấn xuất xứ hàng hóa của Asanzo và việc kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, linh kiện của doanh nghiệp này.

Asanzo ghi tem nhãn "xuất xứ VN" trên sản phẩm điện gia dụng trong khi xuất xứ gốc là Trung Quốc. Các sản phẩm đồ điện gia dụng Asanzo (ấm đun nước siêu tốc, bếp từ, bếp điện, nồi lẩu điện, nồi cơm điện, máy xay sinh tố, máy làm mát không khí, máy lọc nước...) được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc. Vụ việc đang được xác minh, để làm rõ dấu hiệu và mức độ gian dối, sai phạm, trốn thuế của doanh nghiệp này.

Lỗ hổng pháp luật và trách nhiệm quản lý?

Những vụ việc trên đây đặt ra nhiều vấn đề trong đó có công tác thực thi pháp luật lỏng lẻo khiến những hành vi kinh doanh gian lận, trái pháp luật diễn ra trong thời gian dài, gây thiệt hại nhiều mặt đối với nền kinh tế và người tiêu dùng.

Hơn 2 năm, Công ty của Trịnh Sướng bán ra thị trường 174 triệu lít xăng giả. Một con số khổng lồ. Điều đáng lo ngại là không chỉ riêng doanh nghiệp này gian dối, mà lợi dụng việc kiểm tra còn hạn chế của các ngành chức năng, nhất là kiểm định sản phẩm, một số doanh nghiệp đã sản xuất ra loại xăng dầu có tiêu chuẩn thấp hơn với quy chuẩn công bố. Trong khi đó, tác dụng của các chất dung môi có giá thành thấp, mua bán dễ dàng, không được quản lý theo quy định, nên đã khiến nhiều đối tượng hám lợi pha chế để thu lợi bất chính. Khách hàng mua phải những loại xăng giả này chịu nhiều rủi ro.

Có thông tin cho hay Trịnh Sướng từng tài trợ cho đoàn du lịch đi Nhật có lãnh đạo và cựu lãnh đạo Sóc Trăng tham gia - Ảnh TT
Có thông tin cho hay Trịnh Sướng từng tài trợ cho đoàn du lịch đi Nhật có lãnh đạo và cựu lãnh đạo Sóc Trăng tham gia - Ảnh TT)

Phương thức hoạt động là các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhỏ lẻ sử dụng phương tiện đo chưa thực hiện kiểm định; không đạt yêu cầu quy định về kỹ thuật đo lường; can thiệp vào thiết bị đo lường nhằm trục lợi, mua bán xăng dầu ngoài hệ thống; không niêm yết giá nhằm gian lận, trốn tránh nghĩa vụ thuế; kinh doanh xăng dầu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện…

Vấn đề đáng quan ngại ở chỗ Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng thường xuyên kiểm tra nhưng không phát hiện xăng giả. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng khẳng định việc kiểm tra xăng giả hay không giả không thuộc trách nhiệm của đơn vị. Các đơn vị của Sở chỉ kiểm tra trên chất lượng sản phẩm và kiểm tra trên cột độ đo lường. Cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng cũng lý giải rằng do thiết bị các đơn vị chưa đủ hiện đại để phát hiện xăng giả. Vậy tại sao không lấy mẫu gửi các trung tâm có chức năng, điều kiện để kiểm định chất lượng? Đây là điều có vẻ không khó hiểu lắm.

Năm 2015, Trịnh Sướng từng dính vào vụ mua bán sai quy định lô xăng 2 triệu lít, trị giá khoảng 40 tỉ đồng nhưng Công an tỉnh Sóc Trăng thời điểm đó xử phạt hành chính 50 triệu đồng, trả lại toàn bộ giấy tờ liên quan và xăng cho doanh nghiệp, khiến dư luận địa phương khi đó rất bức xúc. Sau đó không lâu, lực lượng cảnh sát biển lại phát hiện tàu của doanh nghiệp này chở 200.000 lít xăng trái phép.

Một lưu ý rằng, Trịnh Sướng đã từng tài trợ chuyến du lịch Nhật Bản có lãnh đạo và cựu lãnh đạo tỉnh tham gia, khiến dư luận nghi ngờ có mối quan hệ thân tình, tin cậy lẫn nhau giữa hai bên.

Nếu Đăk Nông và Bộ Công an không triệt phá được vụ án này thì Sóc Trăng vẫn là thiên đường làm xăng giả của Trịnh Sướng và các đồng phạm. Lỗ hổng nào ở đây, người dân chờ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền.

Vụ Công ty Nhật Cường buôn lậu xuyên quốc gia với các mặt hàng điện thoại di động, phụ kiện điện tử các loại… hoạt động đã 19 năm song đến bây giờ mới bị phát hiện cũng là điều bất thường. Vì sao cả một quãng thời gian dài như vậy, nhiều hoạt động vi phạm pháp luật kinh doanh như thế mà các cơ quan chức năng như Công an kinh tế, quản lý thị trường, thuế, phòng kinh tế các quận, huyện nơi doanh nghiệp này có cửa hàng kinh doanh lại không hề biết!?

Thực tế, có hàng loạt các doanh nghiệp buôn bán dịch vụ sầm uất, mở thêm các chuỗi bán lẻ dịch vụ nhưng vẫn kêu lỗ hoặc thực hiện nghĩa vụ ngân sách rất thấp với nhà nước… Rồi hiện tượng bảo kê tiêu cực, lơ là thiếu trách nhiệm mà báo chí còn biết được, tại sao những cơ quan quản lý lại không biết? Đúng là những con voi chui qua lỗ kim.

Trong vụ việc của Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam, dù chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng nhưng nó cũng khiến vấn đề trốn lậu thuế trở nên nóng hơn, với những thủ đoạn cần được chặn đứng. Hiện nay doanh nghiệp thay vì nhập nguyên chiếc, họ nhập linh kiện rời qua nhiều công ty ma rồi mới lắp ráp hoàn chỉnh. Đây là chiêu trốn thuế tinh vi. Ví dụ đối với máy điều hòa không khí (máy lạnh) có công suất dưới 90.000 BTU, các doanh nghiệp nhập khẩu ở các dạng trên mà khai báo đúng theo quy định thì doanh nghiệp phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với mức 10%. Khai báo ở dạng linh kiện thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Rất nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách tháo rời sản phẩm từ nước ngoài thành một vài nhóm linh kiện rồi nhập về Việt Nam. Tinh vi hơn là các doanh nghiệp bắt tay nhau, mỗi doanh nghiệp nhập một số bộ phận (của cùng nhà sản xuất tại Trung Quốc) rồi đưa về cùng nhà máy (doanh nghiệp) để lắp ráp lại thành bộ máy lạnh hoàn thiện.

Sau những vụ việc nêu trên, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 rà soát, có giải pháp để bịt các lỗ hổng về chính sách buôn lậu, trốn thuế; đồng thời xem xét trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các đơn vị chức năng ở địa phương.

Tuy nhiên, ngoài lỗ hổng về các quy định của pháp luật, lỗ hổng nghiêm trọng hơn chính là trách nhiệm các tổ chức, cá nhân thực thi công vụ. Nếu họ không làm tròn trách nhiệm, không kiên quyết chống tiêu cực, gian lận, tội phạm và nguy hiểm hơn lại thông đồng, bảo kê nhằm trục lợi thì hậu quả khôn lường.

Đem lại sự minh bạch công khai, công bằng trong sản xuất kinh doanh, phân biệt rõ ràng ai là người thực chất kinh doanh nghiêm túc, đâu là kẻ làm ăn phi pháp, vi phạm pháp luật là nhiệm vụ rất phức tạp, khó khăn nhưng rất cần cho xã hội. Niềm tin của những doanh nghiệp chân chính sẽ được hun đúc mạnh mẽ hơn, bằng những cố gắng trong công tác quản lý thuế và chống "kinh tế ngầm" bất hợp pháp hiện nay tại thị trường Việt Nam.

  Thái Đăng

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin