Hà Nội siết loạt đại gia nợ 2.500 tỷ

03/01/2018 07:01

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ có 24 dự án nợ tiền sử dụng đất với tổng số tiền nợ là hơn 2.574 tỷ đồng.

Cục thuế TP. Hà Nội mới đây có văn bản báo cáo Bộ Tài chính về việc thực hiện kết luận Thanh tra số 2351 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý sử dụng đất đai tại Hà Nội.

Cục thuế Hà Nội cho biết, theo kết luận Thanh tra Chính phủ có 24 dự án nợ tiền sử dụng đất với tổng số tiền nợ là hơn 2.574 tỷ đồng. Số tiền sử dụng đất điều giảm là gần 4,4 tỷ đồng.

Ngoài số số tiền sử dụng đất nợ còn phải thu là 1.256 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng thu nhưng thực tế khó thu là 114 tỷ đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ có 75 dự án nợ tiền chậm nộp với tổng số tiền là hơn 1.880 tỷ đồng. Số tiền chậm nộp tiền sử dụng đất đã điều chỉnh giảm là 826,5 tỷ đồng. Số tiền chậm nộp đã nộp NSNN luỹ kế đến thời điểm 30/11/2017 là 198 tỷ đồng.

 Khu đô thị Xa La
Khu đô thị Xa La)

Tuy nhiên theo Cục thuế Hà Nội, tính đến thời điểm này vẫn còn một số chủ đầu tư nêu vướng mắc, tổng số là hơn 38 tỷ đồng/5 dự án.

Thứ nhất, dự án khu đô thị mới huyện Quốc Oai của Công ty CP đầu tư C.E.O với số tiền chậm nộp là 13,56 tỷ đồng.

Thứ hai, dự án khu nhà ở Xa La của Xí nghiệp xây dựng số 1 Lai Châu với số tiền chậm nộp là hơn 11,7 tỷ đồng.

Thứ ba, dự án khu nhà ở Bắc Hà của Công ty CP xử lý nền móng và xây lắp Constrexim với số tiền chậm nộp là hơn 7,8 tỷ đồng.

Tại dự án nhà ở kết hợp với văn phòng làm việc Ba La tại Hà Đông do Vinaconex 21 làm chủ đầu tư với số tiền chậm nộp là 418 triệu đồng.

Đối với các trường hợp còn có vướng mắc nêu trên chủ đầu tư chưa cung cấp hồ sơ báo cáo giải trình, Cục thuế sẽ tiếp tục phối hợp với sở ngành liên quan trực tiếp xem xét, giải quyết.

Còn lại đối với những trường hợp vướng mắc với số tiền chậm nộp là 362,4 tỷ đồng của 35 lượt dự án, trong thời gian tới Cục thuế cho biết sẽ tiếp tục thực quyết liệt, đôn đốc, thậm chí tiến hành cưỡng chế để thu hồi vào ngân sách.

Bên cạnh đó, cơn quan này cũng cho biết đề xuất với UBND TP. Hà Nội không giao dự án mới, không chấp thuận điều chỉnh quy hoạch đối với các chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (bao gồm cả tiền chậm nộp) của dự án.

Thất thu 6.000 tỷ

Trước đó, hồi giữa tháng 11/2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà của UBND TP Hà Nội giai đoạn 2002-2014.

38 trong tổng số 204 dự án trên địa bàn Hà Nội đã bị thanh tra và phát hiện hàng loạt sai phạm.

Theo kết luận thanh tra, hầu hết dự án ở giai đoạn này UBND thành phố xác định giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, đưa vào một số khoản chi không đúng quy định pháp luật, như: chi phí dự phòng, thuế VAT, chi phí giải phóng mặt bằng… để giảm trừ. Điều này dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi, trong khi ngân sách nước bị thất thu khoảng 6.000 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với một số chỉ tiêu, phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần, dẫn đến thay đổi về tầng cao, hệ số sử dụng đất. Một số công trình xây dựng mang tính tự phát, thiếu căn cứ khoa học cũng như thực tiễn.

Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt (số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, nâng chiều cao tầng nhà…).

Thanh tra Chính phủ cho rằng, những vi phạm này giúp chủ đầu tư được hưởng lợi vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do những điều chỉnh quy hoạch có lợi, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Theo quy định, chủ đầu tư các dự án khu nhà ở, khu đô thị phải nộp 20% quỹ đất ở hoặc 30% quỹ nhà ở để bổ sung vào quỹ nhà ở của thành phố (không hoàn trả tiền đầu tư hạ tầng). Thực tế, phần lớn dự án được thành phố cho phép cơ chế nộp tiền. Có trường hợp thành phố còn bỏ tiền ra mua lại số căn hộ thuộc 30% quỹ nhà mà chủ đầu tư có nghĩa vụ trích nộp cho thành phố.

Một số dự án được giao đất trong thời gian dài, nhưng sở, ngành không tham mưu trình UBND TP phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất nhưng chủ đầu tư vẫn xây dựng và bán căn hộ cho khách.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị UBND TP Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội siết loạt đại gia nợ 2.500 tỷ" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin