Gói thầu Dự án Mở rộng Nhà ga quốc tế T2 – Cảng HKQT Tân Sơn Nhất: Nhà thầu chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong Hồ sơ mời thầu

30/11/2016 13:30

(Pháp lý) - Ngày 15/11/2016, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (gọi tắt là chủ đầu tư ) đã có văn bản số 2622, làm rõ hồ sơ mời thầu (HSMT) lần 2 gói thầu số 3-2 thi công xây dựng công trình và lắp đặt thiết bị giai đoạn 2 thuộc Dự án Mở rộng Nhà ga quốc tế T2, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, hiện nay các nhà thầu vẫn chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý tại hồ sơ mời thầu của gói thầu này.

Đáng chú ý theo một số nhà thầu cho biết là những điểm bất hợp lý này chỉ có lợi cho một số nhà thầu và “loại” một số nhà thầu khác một cách không công bằng tại dự án nêu trên.

Đơn cử như, trang 170 HSMT, phụ lục 4, danh mục vật tư phần thiết bị ghi: “Do đặc thù của công trình mở rộng đề nghị nhà thầu chọn các loại vật tư/thiết bị tương thích với các hệ thống hiện hữu”. Trang 146 HSMT, phụ lục 3, phần 2: Mức độ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật (Spec) của vật liệu, thiết bị hệ thống, M & E, TE yêu cầu nhà thầu cung cấp: Thỏa thuận, hợp đồng nguyên tắc… về việc cung cấp toàn bộ các chủng loại máy, thiết bị lắp đặt cho công trình. Trang 174 HSMT, phụ lục 4: Danh mục vật tư máy móc, thiết bị yêu cầu phải có giấy phép của nhà sản xuất (buộc phải của hãng sản xuất, không đồng ý của đại lý/ nhà phân phối)….

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (ảnh internet)
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (ảnh internet))

Các nhà thầu đặt câu hỏi, tại sao thỏa thuận cam kết bán hàng và giấy phép bán hàng chỉ được cung cấp bởi nhà sản xuất? Nhà phân phối, đại lý của hãng lại không được cung cấp? Trong khi giai đoạn 1 của dự án này, chủ đầu tư cho phép được cung cấp từ nhà phân phối, đại lý?

Còn nữa, cách ghi thông tin trong hồ sơ thầu, khiến những nhà thầu có kinh nghiệm thi công công trình cấp 1 sẽ bị loại. Cụ thể, trang 84, 85 HSMT ghi, dự án là nhóm, cấp trong công trình dân dụng công cộng thuộc nhóm A cấp đặc biệt, trước khi mở rộng đón 8-10 triệu hành khách/năm, sau khi mở rộng là 13 triệu hành khách/ năm. Như vậy, dự án mở rộng này chỉ có công suất 3- 5 triệu hành khách/năm. Theo Thông tư số 10, ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng, quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng, cấp đặc biệt đối với nhà ga hàng không phải có công suất phục vụ trên 10 triệu hành khách/năm, cấp I là dưới 10 triệu hành khách/năm. Như vậy đây là dự án cấp 1, tại sao ghi là cấp đặc biệt? Với cách ghi hồ sơ thầu như trên, những nhà thầu có kinh nghiệm thi công công trình cấp 1 sẽ bị loại.

Tại văn bản số 2579/TCTCHK ngày 10/11/ 2016 của chủ đầu tư về việc sửa đổi HSMT lần1, trang 5/8 đã sửa cấp công trình từ đặc biệt thành cấp 1. Tuy nhiên, tại thời điểm này các nhà thầu mua hồ sơ xong, kiểm tra tính đáp ứng và thấy mình bị loại nên đã từ bỏ ý định nộp hồ sơ dự thầu.

Trang 134 và 136 HSMT: Kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp, có ít nhất 01 hợp đồng tương tự có cấp công trình từ cấp đặt biệt trở lên và có giá trị hợp đồng từ 303 tỷ đồng trở lên.

Những bất cập trong hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư
Những bất cập trong hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư)

Theo một số nhà chuyên môn, hạng mục kết cấu thép hệ vị kèo mái nhà ga, tiêu chí khẩu độ, cao độ, trọng lượng là quan trọng, tại sao HSMT không đề cập khẩu độ, cao độ, trọng lượng mà yêu cầu vị kèo mái nhà ga? Cũng tại HSMT, trang 72, mẫu 18B, bản kê khai nhà thầu phụ đặc biệt, các hệ thống băng chuyền hành lý, hệ thống màn hình thông báo chuyến bay FIDS, thiết bị dùng chung CUTE là những thiết bị đặc biệt, chỉ có hãng sản xuất Châu Âu - G7 mới có thể cung cấp, lắp đặt, tích hợp. Vấn đề đặt ra là, tổng thầu Việt Nam không có bất cứ vai trò gì (cung cắp, lắp đặt, tích hợp)? Vì sao chủ đầu tư không tách 3 hệ thống nêu thành thầu thiết bị riêng, hoặc cho vào mẫu 18B, bản kê khai nhà thầu phụ đặc biệt? Việc yêu cầu nhà thầu phải có kinh nghiệm 3 hệ thống này có phải là để hạn chế nhà thầu tham gia? Chỉ có một nhà thầu duy nhất đủ diều kiện là REE…. ?

Ngoài những vấn đề nêu trên, tại trang 170 HSMT chủ đầu tư nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa. Như vậy là trái với quy định của Luật Đấu thầu năm 2013. Các nhà thầu cho biết, trên thị trường, các hãng được chỉ định trong HSMT đang có hiện tượng từ chối cung cấp báo giá, thỏa thuận cam kết, giấy phép bán hàng. Tại sao thỏa thuận cam kết bán hàng, giấy phép bán hàng chỉ được cung cấp bởi nhà sản xuất? Trong khi giai đoạn 1của dự án lại cho phép được cung cấp từ nhà phân phối, đại lý?...

Tạp chí Pháp lý Online tiếp tục thông tin tới bạn đọc về gói thầu này sau khi chủ đầu tư cung cấp thông tin theo đề nghị của Phóng viên./.

Tùng Lâm

Bạn đang đọc bài viết "Gói thầu Dự án Mở rộng Nhà ga quốc tế T2 – Cảng HKQT Tân Sơn Nhất: Nhà thầu chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong Hồ sơ mời thầu" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin