Sáng 26.5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Theo Bộ trưởng Hà, dự thảo luật sửa đổi lần này đưa ra 15 nhóm quy định, chính sách mới quan trọng về khung chính sách; công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường; về thanh kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…
Về thanh tra, kiểm tra, dự thảo luật Bảo vệ môi trường quy định việc thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao. Việc thanh tra đột xuất không công bố trước trong trường hợp cần thiết.
Về xử lý vi phạm trong bảo vệ môi trường, một trong những đề xuất chính sách đáng chú ý mà dự thảo luật đưa ra là quy định cho phép công chức, viên chức cấp xã chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng có trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, trong hoạt động xây dựng, phương tiện tham gia giao thông theo biên lai thu tiền trực tiếp theo quy định của Chính phủ.
Quy định này đã mở rộng các chức danh được phép xử phạt hành chính so với quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Bên cạnh đó, dự thảo quy định, số tiền thu được từ việc xử phạt được để lại 50% cho cơ quan, tổ chức xử phạt để tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý.
Trái luật Ngân sách nhà nước
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều ý kiến đồng ý với việc cần có quy định về thanh tra, kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, có ý kiến đề nghị cần thận trọng xem xét kỹ vấn đề này vì việc thanh tra đột xuất đã được quy định mang tính nguyên tắc tại luật Thanh tra; trường hợp cần quy định trong dự thảo luật thì phải xác định rõ nguyên tắc, điều kiện tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất để tránh tình trạng áp dụng tùy tiện gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Cũng theo ông Dũng, một số ý kiến cho rằng, việc mở rộng chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính so với quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính là phá vỡ nguyên tắc pháp chế.
Bên cạnh đó, quy định sử dụng 50% tiền thu được từ việc xử phạt để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về bảoi vệ môi trường trên địa bàn quản lý là trái với luật Ngân sách nhà nước.
Ngoài, ra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường cho hay, có ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường như cá nhân hay cộng đồng dân cư… nhằm đảm bảo quyền của các chủ thể này quy định trong Hiến pháp được thực thi đầy đủ.
"Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu các ý kiến trên để hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về hình sự, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính; thiết lập cơ sở pháp lý bảo đảm quyền cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về môi trường được khởi kiện đòi bồi thường phù hợp với quy định pháp luật về dân sự và điều kiện đặc thù của thiệt hại về môi trường", ông Dũng cho hay.
Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/giu-lai-50-tien-phat-vi-pham-moi-truong-la-trai-luat-ngan-sach.html