Thế giới xử rất nghiêm các đại gia thao túng chứng khoán

19/12/2016 19:11

(Pháp lý) - Thao túng, làm giá chứng khoán không chỉ xuất hiện ở những thị trường chứng khoán sơ khai. Ở đó sự hiểu biết về thị trường chứng khoán và nhận thức về việc bị vi phạm còn hạn chế. Mà thao túng, làm giá chứng khoán còn xuất hiện ở nhiều nước có nền kinh tế phát triển. Ở đó, nhiều doanh nghiệp đã bị xử lý rất nặng, kể cả xử lý hình sự nếu bị phát hiện thao túng, làm giá chứng khoán…

Các nhà đầu tư theo dõi biến động của chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch ở New York ngày 11/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các nhà đầu tư theo dõi biến động của chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch ở New York ngày 11/8. (Nguồn: AFP/TTXVN))

Mỹ: Mạnh tay xử lý nhiều vụ gian lận chứng khoán

Mới đây, giới chức Mỹ cáo buộc một mạng lưới gian lận chứng khoán quốc tế đã thu lợi bất chính 100 triệu USD bằng việc đánh cắp các thông tin tài chính. Theo thông tin công bố, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc 9 đối tượng đã có hành vi dàn dựng và tham gia một kế hoạch phi pháp và thu về hơn 30 triệu USD từ các giao dịch bất chính dựa trên các thông tin đánh cắp. Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) cũng đệ đơn kiện về vụ việc này, đã liệt kê tổng cộng 32 bị cáo và cho biết số tiền phi pháp lên đến hơn 100 triệu USD. Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết âm mưu trên do hai tin tặc người Ukraine xây dựng. Hai tên này đã xâm nhập thành công vào hệ thống máy tính của Marketwired, PR Newswire và Business Wire, các cơ quan chịu trách nhiệm tiếp nhận và công bố các thông cáo báo chí gồm số liệu tài chính và các thông tin quan trọng khác của các công ty trên thị trường. Sau đó, họ bán dữ liệu cho các giao dịch viên. Bên cạnh đó, cáo trạng của Bộ Tư pháp còn nêu tên bảy bị cáo khác từ Ukraine, các bang Georgia, Pennsylvania và New York của Mỹ. Năm trong số chín tên này đã bị bắt giữ và Bộ trên đã phát lệnh truy bắt quốc tế đối với 4 đối tượng còn lại đang ở Ukraine. Đơn kiện của SEC đệ lên một tòa án liên bang tại New Jersey cũng liệt kê tên những đối tượng trên song bổ sung thêm nhiều giao dịch viên khác ở Pháp và Nga.

Còn Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán Mỹ (SEC) cũng từng đóng băng tài sản của Broco sau khi phát hiện công ty này áp dụng chiêu chức “ăn cắp tài khoản trực tuyến, bơm và đẩy”. Theo Reuters, công ty này đã chiếm đoạt tài khoản cá nhân của nhiều nhà môi giới chứng khoán trên internet và từ đó thao túng giá của hơn 38 cổ phiếu được niêm yết trên. Có lần Broco gom tới 141.500 USD chỉ trong vòng 15 phút, theo SEC.

Sau đó, bị cáo Jaisankar Marimuthu, người Ấn Độ, đã lãnh án 81 tháng tù giam vì tội chiếm đoạt tài khoản trực tuyến của các nhà môi giới chứng khoán để thao túng giá thị trường. Bên cạnh đó, Marimuthu buộc phải phạt gần 2,5 triệu USD để đền bù cho hơn 90 nạn nhân và 7 công ty môi giới.

Bán khống vô căn cứ là một thủ thuật, theo đó lệnh bán khống được đặt trước khi nhà đầu tư thực sự mua được cổ phiếu đó. Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã ký thông qua Đạo luật Cải cách tài chính phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng, gọi tắt là Dodd-Frank. Theo đó, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai sẽ cấm một số công cụ hủy lệnh giao dịch chứng khoán, gồm “spoofing” (đặt lệnh mua nhưng hủy ngay trước khi thực hiện); “quote stuffing” (đổ một khối lượng lớn lệnh đặt mua vào thị trường trong thời gian cực ngắn và hủy lệnh đó ngay tức thời).

Trung Quốc: Xử nghiêm các đối tượng thao túng thị trường chứng khoán

Năm 2015 và đầu năm 2016, chứng kiến một cuộc sụt giảm nghiêm trọng của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ngay sau đó, nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố mở một cuộc điều tra về những cáo buộc gian lận trên thị trường chứng khoán. Trong đó, đáng chú ý có ông Yim Fung, CEO của Tập đoàn Tài chính Hồng Kông - Guotai Junan International Holdings đã “mất tích”. Đây là một trong những tập đoàn chứng khoán lớn nhất Trung Quốc. Không chỉ ông Yim Fung mà Chủ tịch Mao Xiaofeng của China Minsheng Bank không thể liên lạc được do đang trong quá trình bị điều tra. Tiếp đó, CEO Poon Ho Man của công ty cho thuê máy bay China Aircraft đã viết thư xin từ chức không rõ lý do sau kỳ nghỉ phép một tháng. Tuy nhiên, truyền thông đưa tin ông có dính líu tới một cuộc điều tra nhằm vào China Southern Airlines - một trong những đối tác của công ty, sau vụ việc, cổ phiếu công ty giảm nghiêm trọng

Một nhà đầu tư Trung Quốc lo ngại nhìn vào giá của cổ phiếu tại một trung tâm môi giới chứng khoán ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang phía đông của Trung Quốc
Một nhà đầu tư Trung Quốc lo ngại nhìn vào giá của cổ phiếu tại một trung tâm môi giới chứng khoán ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang phía đông của Trung Quốc)

Trong một vụ việc khác, nhiều nhà phân tích đã nghi ngờ về sự phất lên đột ngột của Chủ tịch Hanergy, khi cổ phiếu hãng này trước đó tăng 625% năm, trước khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc. Nghi vấn thao túng thị trường và thổi phồng lợi nhuận được đặt ra sau khi hãng tuyên bố 60% doanh thu đến từ công ty mẹ.

Ngoài ra, ông Xu Xiang – Giám đốc quỹ đầu tư Zexi Investment vừa bị cảnh sát Trung Quốc tạm giam vì nghi ngờ giao dịch nội gián, Bộ Công An nước này cho biết. Xu Xiang được coi là nhà đầu tư huyền thoại của Trung Quốc với số tài sản quản lý lên tới 10 tỷ NDT (1,57 tỷ USD). Xu bị tình nghi lấy thông tin bất hợp pháp về thị trường chứng khoán và thao túng giá cổ phiếu. Cảnh sát đã lục soát văn phòng của Zexi tại Thượng Hải và Bắc Kinh, lấy đi nhiều tài liệu, máy tính và thẩm vấn các nhân viên để điều tra.

Theo Hãng tin Bloomberg, giới tài chính ở Trung Quốc đang “sống trong sợ hãi” khi cơ quan chức năng tiến hành một loạt vụ bắt giữ các nhân vật cấp cao trên thị trường chứng khoán. Trong đó có cả Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, người giữ vị trí quan trọng nhất trong các vụ IPO trên thị trường chứng khoán nước này. Các vụ bắt giữ này là một phần trong chiến dịch loại trừ các hoạt động giao dịch bất hợp pháp bị cho là đã khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm chóng mặt trước đó. Thiệt hại của đợt sụt giảm cổ phiếu này đã khiến Trung Quốc mất cả nghìn tỷ đô la.

Hàn Quốc xử lý hình sự công ty thao túng chứng khoán

Văn phòng công tố quận trung tâm Seoul đã kết tội và xử phạt công ty quản lý đầu tư Hermes vì tội đã dùng thủ đoạn thao túng giá chứng khoán. Với cáo buộc của toà, Hermes bị buộc tội đã bán 5 % cổ phần tương đương với 7,77 triệu cổ phiếu của công ty Samsung để thu được số lãi là 29,2 tỷ won. Ngay sau khi một tờ báo địa phương phỏng vấn ông chủ công ty tài chính này thì giá cổ phiếu của công ty đã leo thang. Trong cuộc phỏng vấn đó, ông Robert Clements nguyên là trưởng quản lý thị trường nổi của công ty đầu tư Hermes đã nêu ra khả năng là công ty Samsung có thể bị Hermes tiếp quản nếu không cải thiện được việc điều hành công ty của mình. Tin này lập tức đã khiến giá cổ phiếu của Samsung lên cao chóng mặt. Giám đốc của công ty này đã bị kết án thu nhập 5,4 triệu won vì đã bán 8.300 cổ phiếu của công ty Samsung. Toà đã tính là giá cổ phiếu lên cao sau cuộc phỏng vấn đó đã mang lại 7,3 tỷ won về tay công ty Hermes.

Toà cũng đã phạt công ty tài chính có trụ sở tại London này một khoản tiền là 7,3 tỷ won (tương đương với 7,4 triệu đô Mỹ) vì tội đã thao túng giá cổ phiếu. Sau sáu tháng điều tra, toà không thấy có chứng cớ một quản lý nào khác ngoài ông Clements đã dính dáng trong vụ này, nhưng toà cũng đã kết luận là Hermes phải có trách nhiệm về việc làm sai trái của nhân viên công ty mình. Những người theo dõi thị trường dự đoán rằng việc phạt công ty Hermes sẽ tạo tiền lệ để áp dụng đối với các công ty nước ngoài có những hành vi kinh doanh bất chính.

Ngoài ra, Chính phủ một số nước đang nỗ lực đưa ra các biện pháp tăng cường kiểm soát và theo dõi thị trường chứng khoán. Một trong những cách này là trao thêm quyền cho những tổ chức quản lý thị trường chứng khoán, như Ủy ban Chứng khoán quốc gia. Bên cạnh đó, kể từ sau cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu, một số nước áp dụng biện pháp cấm bán khống vô căn cứ các cổ phiếu, trái phiếu, trong đó có Úc, Ấn Độ, Hà Lan, Nhật Bản, Thụy Sĩ và gần đây nhất là Đức. Năm 2010, Đức ban hành lệnh cấm bán khống đối với 10 loại cổ phiếu, trái phiếu và bảo hiểm tín dụng.

Hòa Bình (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Thế giới xử rất nghiêm các đại gia thao túng chứng khoán" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin