(Pháp lý) - Với 115 năm lịch sử của mình, giải thưởng quốc tế Nobel đã vinh danh rất nhiều những thành tựu vĩ đại của nhân loại. Các giáo sư đạt giải Nobel - những con người tài năng và nhân cách luôn nhận được sự ngưỡng mộ của mọi người trên toàn thế giới. Vào tháng 7 này, tỉnh Bình Định sẽ được đón 6 nhà khoa học đã đạt giải Nobel đến tại Hội thảo do Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Đây có thể nói là một cuộc hội ngộ nhiều kỳ vọng của ngành khoa học - công nghệ năm 2016.
[caption id="attachment_142659" align="aligncenter" width="410"] Các giáo sư đạt giải Nobel dự lễ khánh thành giai đoạn I, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn, Bình Định năm 2013[/caption]
Nobel – giải thưởng danh giá nhất thế giới
Nobel là giải thưởng quốc tế danh giá được trao hàng năm kể từ năm 1901 cho những cá nhân đạt thành tựu trong lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, văn học, kinh tế và hòa bình. Riêng trong lĩnh vực hòa bình còn có thể được trao cho tổ chức hoặc cá nhân. Cho tới nay đã có hơn 750 giải thưởng NOBEL đã được trao cho các nhà khoa học, nhà văn những người hoạt động hoà bình cho thế giới. Những người được giải không những là một vinh dự cho cá nhân mà còn mang lại vinh quang cho tổ quốc của mình. Đây là giải thưởng khoa học lớn nhất thế giới có tác dụng thúc đẩy sự nghiệp phát triển khoa học của nhân loại.
Người sáng lập nên giải Nobel là nhà bác học nổi tiếng cùng tên Alfred Nobel (1833 - 1896). Theo di chúc do Alfred Nobel để lại, số tài sản khổng lồ của ông được gửi vào ngân hàng và lấy tiền lãi hàng năm để trao tặng cho những ai đã đem đến những lợi ích tốt nhất cho con người. Cho đến nay, trên thế giới Nobel vẫn được coi là giải thưởng danh giá nhất thế giới, thôi thúc khát vọng nghiên cứu khoa học của nhiều con người tài năng. Ở đó, giải thưởng, mặc dù có giá trị lớn, song với mọi nhà khoa học đó không phải mục đích nghiên cứu của họ. Nhà khoa học Alfred Nobel cùng với giải thưởng mang tên mình trong hơn một trăm năm qua vẫn là động lực lớn lao cho giới nghiên cứu khoa học và mang mục đích chân chính là “khoa học phải phục vụ lợi con người”.
“Gặp gỡ Việt Nam” - cầu nối Việt Nam với giáo sư đạt giải Nobel
Đầu tháng 6 vừa qua, giới truyền thông trong nước khá chú ý đến cuộc họp báo do Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Khoa học – Công nghệ tổ chức nhằm giới thiệu về chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ VII ra từ ngày 7-8/7/2016 tại Bình Định. Theo thông tin tại buổi họp báo, sẽ có 6 nhà khoa học danh tiếng thế giới và hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước, nhà quản lý sẽ tham dự Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” để bàn về vật lý và nghiên cứu cơ bản. Đặc biệt, chương trình này nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, Ngành trung ương và địa phương.
Trong khuôn khổ chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" sẽ diễn ra hội nghị khoa học cơ bản và xã hội bao gồm 12 hội nghị và 3 lớp học quốc tế chuyên đề về vật lý. Hội thảo này sẽ quy tụ các tên tuổi lớn như các giáo sư: David Gross (Nobel Vật lý 2004), Carlo Rubbia (Nobel Vật lý 1984), Jerome Fiedman (Nobel Vật lý 1990), Kurt Wuthrich (Nobel Hóa học 2002), Finn Kydland (Nobel Kinh tế 2004) và Jean Jouzel (Nobel Hòa bình 2007), Ngô Bảo Châu (Field 2010); nguyên Phó Chủ tịch của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu…
Hội thảo được sự hỗ trợ từ phía UNESCO, đồng tổ chức bởi Bộ Khoa học và công nghệ, UBND tỉnh Bình Định và Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Châu Âu (CERN), Viện quốc tế SOLVAY.
Ngoài ra, theo như ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tại chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" 201,6 các nhà khoa sẽ có những đề xuất về những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước châu Á nói chung, và đặc biệt ở các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam.
Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” do Giáo sư Trần Thành Vân khởi xướng kể từ năm 1993, với mong muốn chương trình này sẽ góp phần cho nền khoa học nước nhà. Việc chọn Quy Nhơn làm nơi tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao là một cơ duyên giữa một Giáo sư tâm huyết với các lãnh đạo chính tỉnh Bình Định trong việc phát triển khoa học, giáo dục ở các tỉnh lẻ. Trước khi chọn Bình Định, giáo sư Vân đã khảo sát và trao đổi với nhiều địa phương, nhưng ông đặc biệt cảm mến và đánh giá cao sự tâm huyết, hiểu tầm quan trọng của dự án từ các nhà lãnh đạo tỉnh Bình Định, nhất là nguyên Bí thư tỉnh ủy Vũ Hoàng Hà thời điểm đó và ông đã từng nói: "Chúng tôi thật may mắn khi được chọn làm nơi tổ chức và gặp gỡ của các nhà khoa học trên thế giới".
PV