Gian nan thu hồi tài sản từ các vụ đại án kinh tế: Do luật bất cập hay do tội phạm chây ỳ (?)

21/12/2018 10:17

(Pháp lý) - Khắc phục hậu quả là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc biệt lần đầu tiên kể từ năm 2018 (khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) tình tiết này được quy định bằng định lượng, nếu tội phạm chủ động khắc phục ¾ tài sản thiệt hại thì sẽ được thoát án tử. Thế nhưng hiệu ứng từ thực thi chế tài khắc phục hậu quả chưa như mong đợi, một năm đã trôi qua vẫn chưa có một tội phạm nào hưởng lợi từ điều luật này?

Khắc phục còn khiêm tốn

Báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019 (diễn ra vào giữa tháng 11.2018) cho biết: Năm 2018, tổng số thụ lý là 927.249 việc. So với năm 2017, không những tăng về số việc mà còn tăng rất cao về số tiền thụ lý, lần đầu tiên chạm tới con số gần 200.000 tỷ đồng. Các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong gần 600.000 việc, tương ứng với số tiền trên 34.000 tỷ đồng. Như vậy dưới góc độ vụ việc, ngành thi hành án (THA) đã giải quyết được trên 60% khối lượng công việc nhưng đối với thu hồi tài sản thì quá nhỏ vì chỉ mới đạt tỷ lệ 17%.

Đối với người phạm các tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án (ảnh minh họa)
Đối với người phạm các tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án (ảnh minh họa))

Trước đó vào tháng 9/2018, báo cáo giải trình trước Ủy ban Tư Pháp Quốc hội, Bộ Tư pháp thừa nhận, nhiều vụ án lớn đưa ra xét xử có hiệu lực nhưng số tiền chưa thi hành được còn rất lớn. Ngoài những vụ việc chuyển từ kỳ trước sang với giá trị phải thi hành lớn như vụ Phạm Công Danh còn phải thi hành 6.512 tỷ; vụ Huỳnh Thị Huyền Như 13.767 tỷ đồng; vụ Phạm Thị Bích Lương - Ngân hàng NN&PTNT Nam Hà Nội hơn 2.400 tỷ đồng... thì trong quý 3/2018, các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thụ lý thêm một số vụ án lớn khác như vụ Hà Văn Thắm trên 1.797 tỷ đồng... Giá trị phải thi hành ngày một tăng lên, trong khi đó những vụ việc đã thụ lý trước đó vẫn chưa giải quyết xong. Đại diện Tổng cục THADS cho biết, đối với các vụ đại án, ngay trong quá trình xét xử, Bộ Tư pháp và Tổng cục đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án bám sát, theo dõi diễn biến quá trình xét xử, xây dựng kế hoạch về nguồn lực, nhân lực để chuẩn bị tiếp nhận bản án, tiếp nhận các tài liệu có liên quan khi tòa án, cơ quan điều tra bàn giao để thi hành án. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch giải quyết, thành lập các tổ công tác, tổ chức các buổi họp liên ngành, ban hành công điện đôn đốc và tổ chức các buổi làm việc với các địa phương đang giải quyết các vụ việc…

 Bị cáo Nguyễn Đức Kiên
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên)

Trong số 17% nói trên, theo Tổng cục THADS, duy nhất vụ án Nguyễn Đức Kiên (tức “Bầu” Kiên) xảy ra tại Ngân hàng ACB là đã thi hành xong toàn bộ các khoản thi hành án gồm án phí, tiền phạt và tiền truy thu sung công quỹ vụ án. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB phải hầu tòa năm 2014 vì cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và trốn thuế. Cùng ra tòa còn có 5 cựu lãnh đạo ACB “cố ý làm trái”. Tổng số tiền thiệt hại do “bầu” Kiên gây ra được cơ quan điều tra xác định là gần 1.700 tỷ đồng, chưa kể hơn 400 tỷ lỗ kinh doanh vàng. Sau 2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm, “bầu” Kiên bị tòa tuyên án 30 năm tù giam. Biến cố “bầu” Kiên khiến ACB lao đao trong một thời gian dài từ 2012, đến nay mới bắt đầu phục hồi.

Tiếp đến là vụ án Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng VNCB và Ngân hàng Xây dựng, đã thi hành xong hơn 5.230 tỷ đồng (đạt 45%). Tuy nhiên mới chỉ là giai đoạn 1 của vụ án, khi Phạm Công Danh cùng các đồng phạm đang thụ án tổng cộng 122 năm tù (trong đó Phạm Công Danh lĩnh án 30 năm). Tính đến thời điểm này thì vụ án Phạm Công Danh mới là đại án lớn nhất với số tiền được xác định thiệt hại lên đến 18.000 tỷ đồng. Tiếp tục mở rộng vụ án ở VNCB, hồi đầu tháng 8 năm nay, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bắt tạm giam hai cựu lãnh đạo to nhất của Sacombank là ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang vì ký duyệt cho ông Phạm Công Danh vay trái quy định, gây thất thoát 1.800 tỷ đồng. Vụ án mở rộng với diễn biến mới là khởi tố ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Và mới đây nhất là khởi tố ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV).

Riêng vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm, số tiền phải thi hành án là hơn 358 tỷ đồng, nhưng mới thu được hơn 41 tỷ đồng và gần như không còn khả năng thu hồi thêm. Vụ Agribank Nam Hà Nội, theo bản án, các đương sự phải bồi thường cho ngân hàng hơn 2.574 tỷ đồng. Các cơ quan THADS đã xác minh điều kiện thi hành án, đã xử lý tài sản và thu được hơn 84 tỷ đồng, hiện không còn tài sản để thi hành án. Vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng số tiền án phí và bồi thường các bị cáo phải nộp là gần 400 tỷ đồng nhưng đến nay, cơ quan thi hành án mới thu được 4 tỷ đồng, xử lý một ôtô được hơn 600 triệu. Trong đại án Oceanbank, tiền án phí và truy thu sung công quỹ là hơn 71 tỷ đồng. Ngoài ra, các bị cáo phải trả cho ngân hàng Oceanbank và các cá nhân khác là hơn 84 tỷ. Bản án cũng buộc Hứa Thị Phấn, Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu… phải bồi thường cho ngân hàng Đại Dương gần 1.850 tỷ đồng; nhưng đến tháng 10, cơ quan chức năng mới thu được hơn 100 tỷ đồng…

“Tài sản giá trị bị chiếm đoạt bất hợp pháp phải được thu hồi để trả lại cho dân. Công lý phải được thực thi và những người có hành vi tham nhũng sẽ bị xử lý nghiêm”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh tại buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng (chiều 22/11/2018)
“Tài sản giá trị bị chiếm đoạt bất hợp pháp phải được thu hồi để trả lại cho dân. Công lý phải được thực thi và những người có hành vi tham nhũng sẽ bị xử lý nghiêm”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh tại buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng (chiều 22/11/2018))

Do đâu?

Theo đại diện Tổng cục Thi hành án Dân sự, trong quá trình thi hành án, gặp rất nhiều khó khăn. Vì đây là những vụ án số tiền phải thi hành án là rất lớn. Tài sản cơ quan điều tra thu giữ hoặc kê biên trong quá trình điều tra không đủ để thi hành án. Hầu hết các đối tượng thi hành án trong trường hợp này không còn tài sản trực tiếp đứng tên, không phát hiện được các tài sản khác, do đó, không có điều kiện để xử lý. Trong các vụ việc có một số tài sản là cổ phiếu, chứng khoán cần có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan nên thi hành án phải có thời gian. Trong những vụ án này có những vụ có nhiều tài sản phát sinh tranh chấp, mua bán, chuyển nhượng thiếu rõ ràng, chưa hoàn tất, chưa đầy đủ nên khi cơ quan thi hành án đã phát sinh tranh chấp phải yêu cầu toà án xử theo đúng thẩm quyền nên làm chậm việc thi hành án…

Có rất nhiều nguyên nhân làm cản trở kết quả thi hành án bị động. Vấn đề đặt ra là vì sao không khuyến khích được tội phạm tự nguyện khắc phục hậu quả, hay nói cách khác là thi hành án chủ động. Trong khi đó tại điểm b, khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 quy định: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đặc biệt lần đầu tiên Bộ luật Hình sự 2015 đã đưa vào điều luật (điểm c, khoản 2 Điều 40 về tội Tử hình), theo đó không thi hành án tử hình đối với: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan có chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Việc pháp luật quy định cho đối tượng phạm tội được chủ động nộp lại tiền để tránh hình phạt tử hình là một quy định tiến bộ và kỳ vọng hiệu quả trong công tác thu hồi tài sản, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội đã biết ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả mà mình đã gây ra. Quy định này không chỉ phù hợp với quan điểm pháp lý của các nước tiến bộ trên thế giới và công ước giảm áp dụng hình phạt tử hình mà Việt Nam tham gia; mà còn giúp Nhà nước thu hồi tối đa tài sản đã thất thoát, hạn chế tình trạng tội phạm bị áp dụng hình phạt tử hình tẩu tán tối đa tài sản khi không còn lựa chọn khác.

Thực tế thời gian qua đã có vụ án, nhờ chủ động khắc phục hậu quả kịp thời, Đinh Mạnh Thắng (cựu chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Sông Đà, em trai ông Đinh La Thăng) trong vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam - PVP Land chỉ bị tuyên phạt 9 năm tù. Trong khi 05 bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên phạt lần lượt từ sáu năm đến 13 năm. Trước đó trong ngày khai mạc phiên phúc thẩm (5/6/2018), VKS Cấp cao ghi nhận ông Đinh Mạnh Thắng ăn năn hối cải. Trong số 19 tỷ đồng, bị cáo đã khắc phục ngay 05 tỷ và đốc thúc Trịnh Xuân Thanh (Chủ tịch PVC) trả lại số tiền 14 tỷ. Nhưng trường hợp của Đinh Mạnh Thắng là hiếm hoi.

 Bị cáo Đinh Mạnh Thắng trong vụ án xảy ra tại Cty CP BĐS Điện lực Dầu khí
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng trong vụ án xảy ra tại Cty CP BĐS Điện lực Dầu khí)

Gần đây nhất vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ, bị cáo Phan Sào Nam - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC online). Trong vòng 2 tuần sau khi ra đầu thú, ông trùm cờ bạc này đã nộp lại cho cơ quan điều tra số tiền 1.000 tỷ đồng, cùng với đó là tài sản tại ngân hàng bị phong tỏa kê biên và 4 ô tô. Cùng với tự nguyện khắc phục hậu quả, ra đầu thú, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng, Phan Sào Nam có điều kiện để hưởng mức án thấp nhất của khung hình phạt (tổng cộng 2 tội tổ chức đánh bạc và tội rửa tiền) theo đề nghị của VKS chỉ từ 6 - 7 năm tù.
Nhìn lại các vụ đại án đã được xét xử thời gian gần đây, có lẽ duy nhất trường hợp của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc Oceanbank là hướng đến việc khắc phục hậu quả để được pháp luật khoan hồng, từ án tử chuyển xuống chung thân. Tuy nhiên thông tin này cũng chỉ được “bắn” ra từ luật sư bảo vệ tại phiên tòa phúc thẩm. “Gia đình ông Sơn sẽ lo 5 tỷ đồng, còn doanh nhân Nguyễn Trung Hà (thành viên sáng lập Công ty FPT, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Thiên Việt) hứa chi 32 tỷ đồng để đủ khắc phục 3/4 số tiền 49 tỷ mà cựu Tổng Giám đốc Oceanbank bị cáo buộc tham ô” - vị Luật sư này cho biết. Tuy nhiên đến nay, thông tin này chưa thành hiện thực.

Nhận diện nguyên nhân và đề xuất ?

Khoản 1 Điều 63, BLHS 2015 quy định: “Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt”. Với những cụm từ: “một thời gian nhất định”, “có nhiều tiến bộ”, đặc biệt là phần khắc phục hậu quả “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”… cho thấy nội dung điều luật quy định còn rất chung chung, rất dễ bị lạm dụng theo hướng tiêu cực và trong những trường hợp cơ quan thi hành án có thẩm quyền không làm hết trách nhiệm, có động cơ không trong sáng. Do đó không loại trừ khả năng người bị kết án đã hướng đến kẽ hở này của pháp luật để “bảo tồn” tài sản phạm tội, dẫn tới thờ ơ, không mặn mà với việc nỗ lực khắc phục hậu quả để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Trở lại trường hợp Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng Giám đốc Oceanbank. Câu hỏi đặt ra là vì sao bị cáo có đủ điều kiện để khắc phục ¾ tài sản vi phạm nhưng không tự nguyện khắc phục hậu quả để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật ? Càng không có cơ sở khi nói rằng bị cáo không sợ chết, bởi trước khi Tòa tuyên án, được cho nói lời sau cùng Nguyễn Xuân Sơn đã van xin HĐXX: “Xin cho bị cáo cơ hội được sống, được làm việc có ích cho xã hội. Bị cáo là người đang có bệnh hiểm nghèo có thể bị tai biến, đột tử bất cứ lúc nào”. Theo các chuyên gia luật, việc bồi thường 3/4 số tiền tham ô chỉ mới là điều cần, chưa phải là điều kiện đủ để Tòa xem xét chuyển hình phạt từ tử hình sang chung thân. Ngoài việc chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ, Điều 40 BLHS còn quy định, bị cáo “còn phải hợp tác tích cực với cơ quan có chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Có nghĩa là, điều kiện để bị cáo Sơn được xem xét chuyển từ án tử sang án chung thân không chỉ có nộp lại tài sản chiếm đoạt, mà còn phải hợp tác tích cực với cơ quan chức năng bằng những việc làm cụ thể. Trong khi đó, theo vị đại diện VKS, chưa thấy bị cáo “tích cực hợp tác” có thái độ khai báo thành khẩn về số tiền 246 tỷ đã chi cho ai, đến các địa chỉ nào, nên không có cơ sở để đề nghị giảm án.

Như vậy để thu hồi có hiệu quả tài sản tham ô, nhận hối lộ từ các vụ đại án kinh tế, cần phải khai thông những “điểm nghẽn” nói trên. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của Bộ Tư pháp và của Cơ quan thi hành án các cấp thời gian qua là chưa đủ, khi mà pháp luật vẫn còn những bất cập để lách và chưa thực sự làm cho tội phạm run sợ phải chủ động thi hành án. Tại sao không phải là người bị kết án được giảm thời hạn hình phạt, nếu bồi thường được một nửa hoặc hai phần ba… nghĩa vụ dân sự mà là “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” ?

Người bị kết án tử hình có cơ hội được thoát án tử khi phải đồng thời vừa khắc phục ¾ tài sản phạm tội vừa phải hợp tác với cơ quan chức năng. Với quy định này đã mở ra một cơ hội sống cho người bị kết án tử hình nếu họ thỏa mãn các điều kiện của pháp luật đặt ra. Đối với người phạm các tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng, người phạm tội phải hội đủ nhiều yếu tố (trong đó có việc hợp tác tích cực với cơ quan chức năng) mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình.

Nói lời sau cùng trước khi Tòa tuyên án, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn có cảm giác mình bị oan ức: “Bị cáo đã thành khẩn với cơ quan điều tra, tích cực hợp tác trong công tác điều tra. Bị cáo cũng đã nhiều lần ngăn cản khi biết anh Thắm chi lãi ngoài…”. Như vậy bất cập điều luật này là ở chỗ, người bị kết án còn mơ hồ chưa hiểu thế nào là “hợp tác tích cực”, “lập công lớn”…. Do đó cần phải khai thông bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, cụ thể hóa các cụm từ khó hiểu để người bị kết án hiểu được đầy đủ nội dung của điều luật. Từ đó tích cực hợp tác với cơ quan có chức năng, để thỏa mãn điều kiện, hưởng sự khoan hồng của pháp luật./.

MINH TRUNG

Bạn đang đọc bài viết "Gian nan thu hồi tài sản từ các vụ đại án kinh tế: Do luật bất cập hay do tội phạm chây ỳ (?)" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin