Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19

04/08/2021 16:04

(Pháp lý) – Đại dịch COVID-19 đang càn quét khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới, gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp để hạn chế rủi ro của dịch bệnh đối với nền kinh tế, bảo đảm tăng trưởng hợp lý, ổn định xã hội, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong những năm tới. Sau đây TCPL trân trọng đăng tải góc nhìn và một số đề xuất của LG. Lê Đông Triều ( Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh quốc tế) về các vấn đề trên.

21-1628067737.jpg

Đại dịch COVID-19 tác động rất lớn đến kinh tế (ảnh minh hoạ)

Tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế

Quan sát đến các yếu tố của dịch bệnh Covid-19 có thể nhận thấy trên thế giới, từ ngày 08/12/2019, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã xảy ra tại Vũ Hán, Trung Quốc, (là virus Corona- SARS-CoV-2; gọi tắt là Covid-19). Sau đó đã lây lan đến rất nhiều các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đến tháng 02/2020 dịch bệnh Covid- 19 đã bùng phát ở Mỹ, các nước Châu Âu và các nước Châu Á.. Do vậy,  Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu. Dịch bệnh Covid-19 đã thực sự tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 thực sự đã tác động khủng hoảng đến kinh tế thế giới, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế- thương mại và đời sống người dân của các quốc gia. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc …đều bị suy giảm sản xuất-thương mại, suy giảm tăng trưởng kinh tế, tình trạng thất nghiệp tăng nhanh dẫn đến suy thoái kinh tế toàn câù.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mặc dù ngay khi có dịch bệnh,  Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành và lãnh đạo các Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương đã có nhiều biện pháp quyết liệt, sáng tạo phòng chống dịch.

Do vậy, năm 2020 Việt Nam đã đẩy lùi được dịch bệnh covid-19 và đã đạt được một số kết quả ban đầu; Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến sự suy thoái kinh tế toàn cầu, do đó nền kinh tế Việt Nam năm 2020 cũng đã bị ảnh hưởng nhất định.
Sang năm 2021, đặc biệt là mấy tháng gần đây, dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng trên toàn thế giới, tại Việt Nam đến thời điểm này thì tình hình dịch bệnh Covid-19 đã diễn biến rất phức tạp, bởi biến thể của chủng virus Delta lây lan mạnh, rất nhanh, diện rộng, khó kiểm soát và kéo dài, ảnh hưởng nặng nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau gần hai năm đã từng đối phó với dịch bệnh Covid-19, nhưng trong 2 tháng vừa qua (tháng 6/2021 -7/2021) của đợt dịch bệnh Covid-19 thứ tư này, Thành phố Hồ Chí Minh là Thành phố lớn, đông dân nhất Việt Nam, đã phải đối phó với những diễn biến của dịch bệnh bùng phát vô cùng phức tạp, chưa có tiền lệ. Dịch bệnh Covid-19 đã thật sự là nhân tố chính ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và nền kinh tế cả nước.

Những chỉ đạo, hành động quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành nhằm kìm chế dịch bệnh

Tại Việt Nam, ngày 29/01/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. (Các bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh).

22-1628067782.jpg

Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt nhằm kìm chế dịch bệnh


Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. (Thời gian xẩy ra dịch là từ ngày 23/01/2020)

Ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phù ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. (Trong đó yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ 00 ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc).

Ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19. (Công bố dịch truyền nhiểm tại Việt Nam, thời gian xảy ra dịch là từ ngày 23/01/2020).   

Các nhà khoa học đã cho rằng dịch bệnh Covid-19 là yếu tố rất khó dự đoán. Bước sang đầu năm 2021 Việt Nam đã phải tiếp tục đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, rất nghiêm trọng là tại Thành phố Hồ Chí Minh phải đối phó với dịch bệnh Covid-19 bùng phát bởi chủng mới biến thể Delta. Đây là biến chủng của vỉrus Corona- SARS-CoV-2 khác với trước đây, việc lây nhiểm rất nhanh, số người mắc cao hơn nhiều. 

Do chưa có nhiều kinh nghiệm, nên lúc đầu Thành phố đã có lúng túng, hoặc trong triển khai thực hiện có những sự bất cập mà Thành phố cũng đã nhận thấy.

Thông qua các con số thống kê của Bộ Y Tế mà các cơ quan truyền thông đưa tin mỗi ngày về các ca nhiễm tăng lên, đã làm cho nhân dân, đặc biệt là người dân Thành phố Hồ chí Minh có trạng thái lo lắng trước số lượng ca nhiễm tăng cao hằng ngày trong tháng 7/2021 vừa qua.

Ngày 17/7/2021, Thủ tướng chính phủ đã có công văn số 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch tại một số địa phương: Áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định  tại chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với Thành phố Hồ Chí Minh và 18 Tỉnh, Thành khu vực phía Nam. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày, kể từ ngày 19/7/2021 do diễn biến dịch bệnh quá phức tạp.

Có thể nói, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải đi đến một quyết định khó khăn , nhưng rất cần thiết vào thời điểm này. Trước đó, Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh Bình Dương và Tỉnh Đồng Nai cũng đã thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Nhiều quyết sách hỗ trợ Doanh nghiệp để cứu nền kinh tế

Hiến pháp 2013 đã xác định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất kinh doanh; phát triển các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.

Thời gian qua, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều được đánh giá là có vai trò, vị trí đặt biệt trong nền kinh tế, là bộ phận tạo ra tổng sản phẩm quốc gia (GDP), phát triển kinh tế xã hội; giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh, làm tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng thu nộp ngân sách cho nhà nước; góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế bền vững và sự ổn định xã hội.

Do vậy, khi có sự kiện bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh.. xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép; nhưng doanh nghiệp cũng không vượt qua được; thì nhà nước phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp, trong đó có người lao động.

Các sự kiện pháp lý quan trọng liên quan đến đại dịch Covid-19, doanh nghiệp có thể làm căn cứ đề nghị nhà nước xem xét hổ trợ, giải cứu và đồng thời cũng có thể xác định là yếu tố rủi ro dẫn đến các trường hợp miễn trách nhiệm do các bên (các doanh nghiệp) thoả thuận, sự kiện bất khả kháng, hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia và hành vi vi phạm của một bên do thực hiện các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh Covid-19 mà các bên không thể biết trước vào thời điểm giao dịch ký kết hợp đồng.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ của nhà nước cũng cần lưu ý đến những cam kết liên quan đến doanh nghiệp mà Việt Nam đã ký kết với WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) và các hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như (CP.TPP) Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, (EVFTA) Hiệp định Thương mại Tự do Viẹt Nam-Liên minh Châu Âu…

Cùng với định hướng chiến lược cho sự phát triển của quốc gia và thực hiện chủ trương phòng chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua chính phủ đã có nhiều chính sách, công cụ, giải pháp hỗ trợ, giải cứu cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19.

Gần đây nhất là: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nội dung bao gồm 12 chính sách mới hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch covid-19. 

Ngoài các Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn số 5098/VPCP-ĐMDN gửi các Bộ: Y tế, Tài chính, Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Lao động -Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, truyền đạt ý kiến của một Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trên theo chức năng nhiệm vụ được giao nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của đơn vị để có giải pháp tốt hơn trong quản lý, chỉ đạo điều hành; chủ trì nghiên cứu, xây dựng hoặc điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình đại dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Trường hợp vượt thẩm quyền, thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, quyết định.

Các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người lao động, lao động tự do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm duy tri sản xuất, ổn định đời sống người lao động tại địa phương. 

Ví dụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Uỷ Ban nhân dân Thành phố đã ban hành văn bản số 2512/UBND-VX ngày 28/72021 Về việc triển khai một số chính sách hổ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

23-1628067830.jpg

Nhiều quyết sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp để cứu nền kinh tế được ban hành ( Ảnh minh họa)

Sự tác động của đại dịch Covid-19 là có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam, tác động đến dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ gặp rất nhiều khó khăn; sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, mặc dù mức độ khác nhau, không đồng nhất và có rất nhiều thách thức theo đặc thù, quy mô của từng loại hình doanh nghiệp và liên quan đến nhiều yếu tố về chiến lược kinh doanh, tình hình tài chính, thị trường, khách hàng, sản phẩm, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, tình hình lao động v.v…

Ngoài việc hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp cần quan tâm: thực tế do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, sự kiện bất khả kháng, có thể xảy ra việc doanh nghiệp không thực hiện được hợp đồng là ngoài ý muốn; Hậu quả phát sinh do sự kiện bất khả kháng xảy ra thì bên không hoàn thành được hợp đồng, cụ thê như: nghĩa vụ không được thực hiện, không được thực hiện đầy đủ, hoặc không thực hiện đúng sẽ được miễn trách nhiệm; do vậy doanh nghiệp có liên quan phải chủ động đàm phán, thoả thuận lại; có thể được kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng hoặc chấm dứt việc thực hiện hợp đồng, là do thiện chí của các bên (doanh nghiệp). 

Liên quan về chế định giải quyết hậu quả trong kinh doanh của các đơn vị kinh tế; nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị kinh doanh, vẫn có thể xảy ra hai hậu quả thực tế không mong muốn có tính phổ biến là tranh chấp về hợp đồng kinh tế và phá sản khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và bị toà án nhân dân ra quyết định tuyên bố  phá sản.

Giải pháp chính sách cho giai đoạn tới

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể là Lời kêu gọi gửi Đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/7/2021 và Thư Động viên gửi Các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ Tướng Phạm Minh Chính ngày 01/8/2021... Đây là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của cả nước hiện nay, để góp phần kiềm chế, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, phát triển kinh tế xã hội, chăm lo đời sống và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân cả nước.

Căn cứ các chính sách và các gói hổ trợ của chính phủ và Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương đã công bố; các doanh nghiệp phối hợp với  các Hiệp Hội ngành nghề và đề nghị các Bộ, các Sở, chuyên ngành quan tâm triển khai nhanh và kịp thời hổ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để thúc đẩy, phục hồi hoạt dộng sản xuất-kinh doanh.

Về nội bộ các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch định hướng phát triển cho doanh nghiệp; có các biện pháp khả thi và hiệu lực để phục hồi sản xuất-kinh doanh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp Tỉnh, Thành phố công bố dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát và cho phép các hoạt động trở lại bình thường.

Kiến nghị Lãnh đạo các Bộ, Cơ quan ngang Bộ và Uỷ Ban nhân dân Cấp Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương theo thẩm quyền xem xét, nghiên cứu, cải tiến quy trình, rút ngắn các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp có đủ các điều kiện, thủ tục pháp lý để thuận lợi trong việc tổ chức sản xuất-kinh doanh. 

Đặc biệt những doanh nghiêp đã hưởng ứng chính sách của nhà nước về phát triển khoa học công nghệ; đã đẩy mạnh việc đầu tư, nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến và hiện đai, nghiên cứu làm chủ và tạo ra công nghệ mới, đã đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Đặc biệt hơn là những sản phẩm rất cần thiết, cấp bách, là giải pháp căn bản cho chiến dịch ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các Tỉnh, Thành phố trong cả nước hiện nay, đó là “Vaccine”.

Rất hy vọng sản phẩm vaccine phòng, chống Covid-19 “made in Vietnam” của các doanh nghiệp Việt Nam như Công ty Công nghệ sinh học Dược đã được đánh giá sơ bộ tốt sau các giai đoạn thử nghiệm sẽ được cấp phép sớm, để sản xuất và đưa vào tiêm chủng kịp thời phục vụ nhân dân, trong điều kiện vaccine nhập khẩu từ nước ngoài về còn rất giới hạn.

LG. Lê Đông Triều  (Phó Viện trưởng Viện IBLA)

Bạn đang đọc bài viết "Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin