Giải pháp chặn vấn nạn “sân sau”: Phải vô hiệu hóa được “quyền lực mềm” của quan chức

(Pháp lý) - Hệ quả của “sân sau” đã và đang làm kiệt quệ nền kinh tế của đất nước vì tài sản công bị “đục khoét”, thất thoát nghiêm trọng. Sau hàng loạt vụ án được đưa ra xét xử và đang lộ diện, đến thời điểm này “sân sau” không còn là những “dấu hiệu” hay “nghi ngờ” nữa mà trở thành vấn nạn thực sự. Vì vậy tìm giải pháp để khống chế, ngăn chặn vấn nạn “sân sau” là việc cần làm trong lúc này…

Báo động vấn nạn… “sân sau” của quan chức

Liên quan đến vụ ông Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Thuận TP. HCM - trực thuộc UBND TP. HCM, gọi tắt là Công ty Tân Thuận) bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam (14/5), đề điều tra về 2 tội danh “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, dư luận đang hướng đến “người chống lưng” cho DN này là ông Tất Thành Cang – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xử lý kỷ luật cách chức hồi cuối năm 2018.

Cần làm rõ cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang có hay không “chống lưng” cho tiêu cực tham nhũng tại IPC?
Cần làm rõ cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang có hay không “chống lưng” cho tiêu cực tham nhũng tại IPC?)

Trong đó đáng lưu ý là việc ông Cang nhân danh Thường trực Thành ủy TP. HCM (nhưng cơ quan này và Ban Thường vụ Thành ủy không được báo cáo) ban hành văn bản ngày 01/6/2017, chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận được chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai. Không những qua mặt tổ chức Đảng mà ông Cang còn chỉ định hợp tác, chuyển nhượng không qua đấu thầu, với giá bán thấp hơn giá thị trường và giá do Hội đồng thẩm định giá thành phố thẩm định. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM kết luận, văn bản chỉ đạo của ông Cang đã vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước về kinh doanh bất động sản; không đảm bảo quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ TP.HCM…

Trước đó theo đề án tái cơ cấu năm 2015, Công ty Tân Thuận không cần giảm tỉ lệ vốn sở hữu cổ phần 44% tại đối tác liên kết là Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), vì DN này đang kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên sau đó, Công ty Tân Thuận vẫn quyết định giảm tỉ lệ sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống chỉ còn 28,8% thông qua phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá. Trước đó, Hội đồng thành viên Công ty này đã nhận được Thông báo 495-TB/VPTU ngày 18/5/2017 chấp thuận của nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM Tất Thành Cang. Hệ quả đã gây thiệt hại tài sản nhà nước với số tiền ít nhất 153 tỷ đồng vì sự chênh lệch giá cổ phiếu. Tuy nhiên theo cơ quan có chức năng, nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco - thời điểm giá đất tăng cao thì thiệt hại “sẽ còn rất lớn”…

Giữa tháng 5 vừa qua, dư luận lại “nóng” lên vụ ông Bùi Quang Huy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobille) bị khởi tố và bắt tạm giam cùng 8 đồng phạm về tội Buôn lậu quy định tại khoản 4 Điều 188 BLHS 2015 và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại khoản 3 Điều 221 BLHS 2015. Theo thông tin trên một số báo, từ chủ một cửa hàng sửa chữa điện thoại, ông Bùi Quang Huy đã âm thầm lấn sân sang lĩnh vực công nghệ và trúng thầu (hoặc được chỉ định thầu?) hàng loạt các dự án công nghệ lớn của thành phố Hà Nội: từ cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến đến phần mềm hộ chiếu online, và đặc biệt nhất là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp… Dư luận và người dân thủ đô đặt dấu hỏi, ai đã bảo kê cho Nhật Cường để doanh nghiệp non trẻ này qua mặt hàng loạt đại gia công nghệ để trúng thầu những dự án lớn? Hay nói cách khác Nhật Cường là “sân sau” của ai ?

Không đủ tầm vóc, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ như các đại gia Viettel hay FPT mà lại được tham gia vào các dự án công nghệ của thủ đô, thậm chí “nguy cơ” trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển vĩ mô của thủ đô, vậy nên dư luận đặt những câu hỏi như trên hoàn toàn là điều dễ hiểu. Chia sẻ với báo chí ngay sau thông tin Nhật Cường Mobile bị khám xét và ông chủ Bùi Quang Huy bị khởi tố, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương đặt ngay vấn đề cần làm rõ ai đã chống lưng, bảo kê cho Nhật Cường.

Vụ Nhật Cường Mobile đang gây xôn xao dư luận không chỉ vì hành vi bỏ trốn của  Bùi Quang Huy mà dư luận và ĐBQH còn đặt dấu hỏi “đằng sau vụ Nhật Cường có lợi ích nhóm hay không”?
Vụ Nhật Cường Mobile đang gây xôn xao dư luận không chỉ vì hành vi bỏ trốn của  Bùi Quang Huy mà dư luận và ĐBQH còn đặt dấu hỏi “đằng sau vụ Nhật Cường có lợi ích nhóm hay không”?)

Thực ra câu chuyện “sân sau” không phải bây giờ mới có, tuy nhiên tới nay thì tình trạng này có thể nói là ở mức nghiêm trọng, thậm chí là rất nghiêm trọng. Còn nhớ tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty (diễn ra vào ngày 21/11/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng cảnh báo: “Tôi biết có ông có tới 14-15 cái “sân sau” ! Vào thời điểm đó nghe Thủ tướng nói ai nghe cũng thấy quá sức tưởng tượng vì chỉ một cái “sân sau” đã là nghiêm trọng lắm rồi. Bởi đi liền với “sân sau” chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng tham nhũng tài sản công, chính sách công, dự án công, sẽ giết chết những cạnh tranh lành mạnh, khiến cho kinh tế tư nhân đúng nghĩa không có cơ hội để ngoi lên. Có tiếp xúc với giới doanh nhân và nghe họ than vãn về việc không thể cạnh tranh nổi với công ty này, công ty kia, vì nó là “sân sau” của ông này - ông kia, mới hiểu được những tàn phá khủng khiếp mà vấn nạn “sân sau” tạo ra trong bức tranh kinh tế nước nhà.

Đề cập đến tình trạng “sân sau”, phát biểu kết luận Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng Công ty diễn ra 21/11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Không những 1 sân trước mà 4,5 sân sau. Có ông 14 -15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết”

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 cũng đã chính thức xác nhận tình trạng “sân sau”, “lợi ích nhóm”. Theo đó, qua các vụ án lớn đã xét xử cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích” hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu các dự án, thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng…

Giải pháp nào để ngăn chặn “sân sau” ?

Muốn giải quyết tận cùng vấn nạn “sân sau” nhất định phải tìm ra cách kiểm soát quyền lực của những người có cơ hội tạo ra những “sân sau”. Hay nói cách khác, phải có giải pháp vô hiệu hóa “quyền lực mềm” của những nhân vật quan chức nắm giữ các chức vụ quan trọng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

1. Theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và đấu thầu, chữ ký của ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM) hay của bà Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai), hay nói cách khác, thẩm quyền của họ là công tác tổ chức, xây dựng hệ thống chính trị theo Điều lệ Đảng, không có quyền quyết định trực tiếp việc phê duyệt dự án, công trình, chỉ định thầu hay đấu thầu tài sản công. Thế nhưng họ vẫn thiết lập được “sân sau” là vì “quyền lực mềm” của họ có sức ảnh hưởng lớn đến mức sai khiến người khác phải làm theo. Luật gia Nguyễn Quang Quý (Hội Luật gia tỉnh Gia Lai) cho rằng, đặc điểm của “quyền lực mềm” là không cưỡng bức hay ép buộc và thường là không để lại chứng cứ nên rất khó buộc tội. Hành vi vi phạm của ông Tất Thành Cang liên quan đến vụ Công ty Tân Thuận; của ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn (2 nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT) liên quan đến đại án AVG; hay của ông Vũ Văn Ninh (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ) liên quan đến vụ cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn… được thể hiện bằng các văn bản truyền đạt chủ trương như vậy là rất hiếm xảy ra.

Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều quy định nhằm để khống chế và kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên như Quy định số 47 – QĐ/TW về 19 điều cấm đảng viên không được làm; Quy định số 30-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Quy định số 102 - QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; đặc biệt là Quy định số 08 - QĐ/TW về nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TW… Tuy nhiên theo Luật gia Lê Công Tâm (Hội Luật gia Bình Định), vẫn còn một số điều quy định còn có kẽ hở bị lạm dụng. Ông Tâm dẫn chứng: Tại Điều 8 Quy định 47 quy định đảng viên không được “để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định”. Trong khi đó những vụ việc và vụ án đã xảy ra, “sân sau” được thiết lập đâu chỉ là người thân trong gia đình, rất ít có trường hợp như bà Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), cùng tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng bà là cổ đông sáng lập.

Hoặc tại Điều 10 quy định đảng viên “không được can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định”. Theo ông Tâm, rất khó xác định hành vi vi phạm, nếu họ sử dụng “quyền lực mềm”, thực tế cho thấy có nhiều trường hợp họ không cần phải “bật đèn xanh” nhưng cấp dưới vẫn tự nguyện làm thay (như trường hợp con của một Bí thư Tỉnh ủy được nâng khống điểm trong vụ án gian lận điểm thi gây chấn động dư luận).

Trong câu chuyện của bà Phan Thị Mỹ Thanh , có một thực tế là “sân sau” của bà đã tồn tại cả chục năm. Vậy thì vai trò của các cơ quan thanh tra cấp tỉnh đâu? Vai trò giám sát của các cán bộ địa phương đâu ? Quá khó để phát hiện ra sự thật hay vì một lý do đặc biệt, tế nhị nào đó mà ngay cả khi đã nhìn ra sự thật thì các cấp, ngành địa phương cũng quá khó để đưa sự thật ra ánh sáng ?

2. Trong khi đó nhìn lại những “sân sau” có dính đến các quan chức đã xảy ra thời gian qua, bên cạnh một số vụ án xử lý nghiêm được dư luận đồng tình ủng hộ thì vẫn còn một số vụ xử lý chưa kịp thời, có dấu hiệu “giơ cao đánh khẽ”, khiến người dân quan ngại. Luật sư Phạm Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP. HCM), dẫn vụ Công ty Tân Thuận, sau khi hoàn tất chuyển nhượng cho Quốc Cường (Gia Lai) khu dân cư Phước Kiển rộng 32,4ha, với giá 1,29 triệu đồng/m2, Công ty này chỉ thu về cho Nhà nước hơn 419 tỷ đồng, trong khi giá thị trường tại thời điểm khoảng 2.400 tỷ đồng; hay vụ Sadeco, Công ty Tân Thuận đã làm rõ được khoản tiền Nhà nước bị thất thoát 153 tỷ đồng. Cả 2 phi vụ đều được thực thi theo ý kiến chỉ đạo của ông Tất Thành Cang. Rõ ràng là nếu không có sự can thiệp bằng văn bản của ông Cang thì tài sản của Nhà nước sẽ không bị thất thoát. Hành vi của ông Cang, theo Luật sư Tuyên có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng đến thời điểm này, ông Cang mới chỉ bị giáng chức.

Tương tự đối với vụ cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ kết luận và chỉ ra hành vi cố ý làm trái các quy định pháp luật của một số quan chức Bộ GTVT trong quá trình thực hiện cổ phần hóa tại DN này. Tuy nhiên trong phần kiến nghị biện pháp xử lý sau thanh tra, liên quan đến xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ chỉ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm theo quy định pháp luật. Vì sao những sai phạm của tập thể và cá nhân có liên quan đến quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn không được chuyển sang Cơ quan điều tra để làm rõ theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định 86/2011/NĐ - CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, là câu hỏi lớn của dư luận nhưng chưa có lời giải thỏa đáng (?)

Đến vụ Nhật Cường Mobille, ngày 14/5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã ra quyết định truy nã đối với ông Bùi Quang Huy. Việc ông Huy bỏ trốn, dư luận cho rằng không phải ngẫu nhiên mà là có bàn tay trong. Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định) cho rằng nghi ngờ của người dân là có cơ sở. Bởi theo quy định quy trình tố tụng, sau khi vụ án bị khởi tố, thậm chí trước đó mọi “nhất cử, nhất động” của những nghi can đều nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng có chức năng. Việc ông Huy bỏ trốn là không khả thi, trừ phi có sự hỗ trợ… Trong khi đó đề cập đến những nghi ngờ của cử tri về tình trạng “sân trước - sân sau” trong vụ việc xảy ra tại Nhật Cường Mobile, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội (20/5), ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng hoài nghi đó là có cơ sở, nếu không làm sao doanh nghiệp này có thể phát triển như vũ bão trong một thời gian ngắn…

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh)

Sáng 22/5, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội 2018 và những tháng đầu năm 2019, đề cập đến vấn đề cải cách hành chính, đại biểu QH Trần Thị Quốc Khánh ( TP. Hà Nội) cho rằng, thời gian qua Hà Nội đang dốc vốn đầu tư trang thiết bị máy móc, thực hiện cải cách hành chính liên thông nhưng hiện tại vẫn ách tắc, chuyển biến quá chậm và không thực chất.

Trong lúc đó lại xảy ra vụ việc của Nhật Cường Mobile- đơn vị cung cấp trang thiết bị phần mềm cho nhiều dịch vụ hành chính công Hà Nội, khiến dư luận, người dân hoang mang.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh băn khoăn: "Đứng đằng sau vụ việc của Nhật Cường có lợi ích nhóm hay không?

Kết mở

Ông N.V.T - một Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư & xây dựng ở một địa phương xác nhận, phần lớn các dự án, công trình được giao cho “sân sau” của các vị lãnh đạo, ông đều nhận được từ các ý kiến chỉ đạo bằng miệng qua một cú phôn, thậm chí chỉ là cái gật đầu hay nháy mắt. Hàng năm, thành phố giao cho Ban tiếp nhận tổ chức thực hiện khoảng vài trăm tỷ. Và mặc dù là Giám đốc Ban nhưng ông không có thực quyền quyết định mà chủ yếu là làm nhiệm vụ phân phối lại các dự án, công trình cho các “sân sau” của các lãnh đạo sao cho đảm bảo công bằng. “Khó nhất là các dự án có vốn lớn bắt buộc phải qua đấu thầu, để “sân sau” của lãnh đạo trúng thầu, tôi phải chủ động “dàn xếp” và “lách” những kẽ hở của luật có thể...”. Nhiệm vụ của ông T bất khả thi là vì cái ghế ông đang ngồi phụ thuộc vào quyết định của nhân vật có “quyền lực mềm” đó… “Như vậy, muốn hạn chế sự ảnh hưởng của đảng viên có chức quyền, tiến tới hạn chế và từng bước triệt tiêu “sân sau” thì nhất thiết phải có những quy định của Đảng để làm vô hiệu hóa “quyền lực mềm” của những đảng viên đang ở các vị trí như ông Cang, ông Son, ông Tuấn… từng nắm giữ”, Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định) đề xuất quan điểm.

Dư luận và người dân mong mỏi công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước sẽ không có “vùng cấm” và không bao giờ chùng xuống như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu. Vì vậy hành vi sai phạm của ông Tất Thành Cang trong vụ Công ty Tân Thuận; hay của một số quan chức trong vụ cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; và kể cả nhân vật chưa “lộ diện” trong vụ Nhật Cường Mobille… nếu được cơ quan có chức năng điều tra, xử lý kịp thời và nghiêm minh theo quy định pháp luật, chắc chắn sẽ có tác dụng răn đe đáng kể, góp phần khống chế và triệt tiêu những “sân sau” nảy nở phát sinh.

Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: “Hàng loạt vụ việc ở TP.HCM, từ khu đô thị Thủ Thiêm, vụ Phước Kiển hay số 8 -12 Lê Duẩn… không chỉ một mình Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín làm được mà phải là những người trên cả 2 ông này nữa. Sân sau ở đây là quá rõ rồi vì không có những quan chức này đỡ đầu, chống lưng, cùng nhóm lợi ích thì làm sao họ làm được những việc động trời như vậy”

MINH TRUNG

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin