FBI – cơ quan “chỉ trung thành với Hiến pháp”, đối đầu với Tổng thống

(Pháp lý) - Sự việc Tổng thống Mỹ Donal Trump bất ngờ sa thải giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) James Comey đang đẩy mối quan hệ giữa ông với cơ quan điều tra hình sự hàng đầu của Mỹ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, người dân Mỹ không lấy làm lạ vì việc đối đầu giữa FBI và giám đốc của họ với đương kim Tổng thống Mỹ đã là một “truyền thống đặc trưng” trong lịch sử hoạt động của FBI kể từ ngày thành lập. Khi xét lại quá trình lịch sử đó, nhiều người cho rằng vụ việc của Trump đã hội tụ nhiều điểm đặc biệt ở một số vụ việc xảy ra trong các đời Tổng thống Mỹ và giám đốc FBI trước đó.

Với việc sa thải Giám đốc FBI Comey - người đang nắm quyền trực tiếp điều tra bê bối của mình, vụ việc của Donal Trump được ví như “vụ thảm sát đêm thứ 7” của Nixon vào năm 1973.
Với việc sa thải Giám đốc FBI Comey - người đang nắm quyền trực tiếp điều tra bê bối của mình, vụ việc của Donal Trump được ví như “vụ thảm sát đêm thứ 7” của Nixon vào năm 1973.)

Vậy lịch sử đối đầu của FBI với Tổng thống Mỹ đã diễn ra như thế nào? Tổng thống Mỹ Donal Trump sẽ tiếp tục phải hứng chịu những hậu quả gì sau khi sa thải giám đốc FBI? Bài viết sau đây của Phóng viên Pháp lý sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc những thông tin bổ ích.

FBI – cơ quan “chỉ trung thành với Hiến pháp”

FBI là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ có nhiệm vụ thực hiện điều tra tội phạm ở cấp độ liên bang và tình báo nội địa, chịu trách nhiệm báo cáo trước Bộ trưởng Tư pháp (còn gọi là Tổng Chưởng lý) và Giám đốc Tình báo Quốc gia.

Được thành lập vào năm 1908, FBI có trụ sở tại Tòa nhà J. Edgar Hoover, Washintong, với 56 văn phòng đại diện tại các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ và hơn 400 cơ quan thường trú tại các thành phố nhỏ hơn và các khu vực trên toàn quốc. FBI cũng vận hành hơn 60 văn phòng “tùy viên pháp lý” và hơn chục văn phòng nhỏ trên toàn cầu. Những văn phòng ở nước ngoài tồn tại chủ yếu với mục đích phối hợp với cơ quan an ninh nước ngoài của Mỹ và thường không tiến hành hoạt động đơn phương ở nước sở tại. Ngân sách hoạt động của FBI được xem là vô cùng dồi dào (9,5 tỉ USD trong tài khóa 2016) khiến hoạt động của tổ chức này không bao giờ gặp khó khăn và phải phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân, tổ chức, đảng phái nào.

Nhiệm vụ chính của FBI là chống khủng bố, phản gián, bảo vệ quyền công dân, điều tra tấn công mạng, tham nhũng, tội phạm cổ cồn trắng, tội phạm có tổ chức, tội phạm bạo lực. Ngoài ra, FBI còn phòng chống, đối phó và điều tra các vụ việc liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đồng thời, FBI hợp tác, hỗ trợ các cơ quan hành pháp khác, chẳng hạn như nhận dạng dấu vân tay, kiểm tra trong phòng thí nghiệm và đào tạo. Họ cũng tập hợp, chia sẻ và phân tích thông tin tình báo, để hỗ trợ việc điều tra của mình và đối tác nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh Mỹ phải đối mặt.

J. Edgar Hoover, Giám đốc đầu tiên của FBI và cũng là người mở màn cho truyền thống “đương đầu với Tổng thống” của FBI.
J. Edgar Hoover, Giám đốc đầu tiên của FBI và cũng là người mở màn cho truyền thống “đương đầu với Tổng thống” của FBI.)

Về cơ bản, FBI hoạt động như một phần của Bộ Tư pháp Mỹ trong đó Tổng Chưởng lý có quyền chỉ định quan chức FBI để điều tra các tội ác chống lại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, FBI vẫn được biết đến là một trong những cơ quan độc lập nhất trong nhánh hành pháp khi nhiều đạo luật của Hoa Kỳ cho phép FBI quyền và trách nhiệm điều tra các tội ác riêng biệt. Truyền thông Hoa Kỳ đánh giá FBI là một tổ chức “bất khả xâm phạm”, quan trọng tới mức không thể thay thế được bởi tính phi chính trị, phi đảng phái và bởi những con người xuất chúng làm việc ở đó.

Giám đốc FBI được bổ nhiệm bởi Tổng thống Mỹ và phải được Thượng viện Mỹ thông qua. Giám đốc FBI chịu trách nhiệm về hoạt động hàng ngày tại FBI. Cùng với phó giám đốc, giám đốc đảm bảo các vụ việc và các hoạt động được xử lý một cách chính xác, đồng thời đảm bảo các văn phòng đại diện của FBI được lãnh đạo bởi người đủ trình độ. Luật pháp Mỹ quy định giám đốc FBI phải là người trung lập về mặt chính trị, không thể hiện lòng trung thành hay nghiêng về bất kỳ đảng nào, đồng thời quốc hội Mỹ hiện nay quy định thời gian làm việc của giám đốc FBI là 10 năm, không phụ thuộc vào nhiệm kỳ tổng thống nào. Tuy nhiên, với việc Tổng thống Mỹ được quyền sa thải giám đốc FBI mà không cần nêu lý do đã làm nhiều người e ngại về sức mạnh và tính độc lập thật sự của FBI cùng người đứng đầu của họ. Thế nhưng Trung tâm Hiến pháp Quốc gia, tổ chức phi chính phủ chuyên về giải thích hiến pháp Mỹ, gọi vị trí giám đốc FBI là “một trong những quan chức độc lập nhất trong chính quyền liên bang”. Và quả thực kể từ khi J. Edgar Hoover trở thành giám đốc FBI đầu tiên vào năm 1924, ông đã thề “FBI chỉ trung thành với hiến pháp” và khẳng định đây là cơ quan phi đảng phái và chỉ đơn giản là có trách nhiệm tìm hiểu sự thật.

Giới quan sát đánh giá, tính chất quyền lực, bí mật và nguồn lực dồi dào cả về ngân sách lẫn nhân lực của FBI khiến sự chính trực và không ngại đụng chạm của tổ chức này trở thành một nỗi “khiếp sợ” đối với cả đương kim Tổng thống và các quan chức chính quyền Mỹ bởi kết quả điều tra của FBI có thể là cơ sở để dẫn tới việc Tổng thống bị Nghị viện điều tra, luận tội và phế truất theo thủ tục chính trị. Sau khi bị phế truất - đồng nghĩa với việc mất quyền miễn trừ, các thủ tục điều tra, truy tố hình sự sẽ có cơ hội áp dụng đối với cựu Tổng thống như đối với một công dân bình thường.

FBI và lịch sử “đương đầu” với các Tổng thống Mỹ

Trong nhiều thập niên, FBI và giám đốc của họ đã không ít lần đối đầu trực diện với quyền lực của tổng thống. Người bắt đầu cho truyền thống đó cũng chính là J. Edgar Hoover, Giám đốc đầu tiên của FBI và đã lãnh đạo FBI trong 48 năm, bắt đầu từ năm 1924.

Hoover bắt đầu nói không với các Tổng thống đầu thời kỳ chiến tranh lạnh khi công khai chống lại Harry Truman và John F. Kennedy, nhưng phải đến thời kỳ của Richard Nixon thì cuộc “đối đầu” giữa FBI với Tổng thống Mỹ mới trở nên căng thẳng mà đỉnh điểm là đã dẫn đến sự từ chức của Tổng thống Richard Nixon trong năm 1974:

Năm 1970, Nixon thông qua kế hoạch dỡ bỏ gần như mọi hạn chế pháp luật với việc thu thập tin tức tình báo ở Mỹ và Nixon tin đó “là cách duy nhất để bảo đảm an ninh cho nước Mỹ”. Hoover thì lại cho đó là “chủ nghĩa phát xít” và nói ông sẽ “không chấp nhận một trách nhiệm như thế”. Chính bởi bị Hoover từ chối, Nixon đã chỉ đạo các cố vấn thân cận của ông ở Nhà Trắng lập một nhóm bí mật riêng chuyên đi nghe lén. Họ mở rộng các hoạt động này ra cả với những đối thủ chính trị của Nixon ở Đảng Cộng hòa. Chiến dịch kéo dài 9 tháng tới ngày 17-6-1972, khi một số thành viên trong nhóm bị bắt lúc cài máy nghe lén ở khách sạn Watergate, nơi đặt trụ sở của Đảng Dân chủ. Mặc dù khi đó Hoover đã qua đời được 6 tuần (do quỵ tim) nhưng FBI cùng “hậu bối” của ông đã tiến hành cuộc điều tra nổi tiếng nhất trong lịch sử của FBI mang tên “Watergate” – kết hợp với Công tố viên đặc biệt Archibald Cox. Bất ngờ thay, Nixon đã “vội vàng” sa thải Công tố viên đặc biệt Archibald Cox đồng thời chấp nhận đơn từ chức của Tổng Chưởng lý Elliot Richardson và Phó Tổng Chưởng lý William Ruckelshaus – những người tuyên bố thà từ chức để phán đối còn hơn là thực hiện mệnh lệnh của Nixon (vụ việc này được truyền thông Mỹ đặt tên gọi “vụ thảm sát đêm thứ 7”). Những quyết định “gây sốc” nói trên của Nixon lại chính là khởi đầu cho một cái kết khi các Nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã đưa ra các nghị quyết luận tội, Nixon buộc phải bổ nhiệm một Công tố viên đặc biệt mới và cuộc điều tra “Watergate” tiếp tục được tiến hành. 10 tháng sau, các băng ghi âm của Nixon đã được FBI tìm thấy và trước nguy cơ phải đối mặt với việc bị luận tội và phế truất, Nixon đã quyết định từ chức vào ngày 8/8/1974.

Vụ “Watergate” trên đây được coi là vụ việc nổi tiếng nhất trong lịch sử đương đầu của FBI với đương kim Tổng thống Mỹ. Thế nhưng truyền thống “chỉ trung thành với Hiến pháp” và “không ngại đương đầu với Tổng thống” đó của FBI đã được duy trì suốt nhiều đời Tổng thống và giám đốc FBI sau này trong đó điển hình hơn cả là ở đời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush:

Năm 1993, Tổng thống Bill Clinton sa thải ông William S. Sessions - người được Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm giám đốc FBI năm 1987. Ông William S. Sessions bị sa thải sau khi Văn phòng Trách nhiệm Nghề nghiệm của Bộ Tư pháp Mỹ kết luận ông này có hoạt động trái với đạo đức công vụ. Quyết định sa thải này của Bill Clinton không có gì đáng bàn nhưng ông Clinton không thể ngờ đó lại là sự mở đầu cho cuộc đối đầu căng thẳng giữa Bill Clinton với vị giám đốc FBI tiếp theo - Louis J. Freeh. Đây cũng là một trong những vị giám đốc FBI có “cá tính đặc biệt” khi chỉ nói chuyện với Tổng thống có 6 lần nhưng đã tiến hành 2 cuộc điều tra đối với Tổng thống Bill Clinton trong 7 năm ông đảm nhiệm cương vị giám đốc FBI. Cuộc điều tra thứ nhất mang tên “Whitewater” và cuộc điều tra thứ hai mang tên “Monica Lewinsky”: Khi Bill Clinton đang ở trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông và vợ là Hillary Clinton đã bị điều tra về hành động sai trái liên quan đến một vụ đầu tư bất động sản ở bang Arkansas – dự án mang tên “Whitewater” nhưng đã được Nghị viện Mỹ phán quyết vô tội. Sau đó, Bill Clinton bị phát hiện và điều tra về quan hệ ngoài luồng với nữ thực tập sinh ở Nhà Trắng Monica Lewinsky. Tổng thống Clinton công khai chối bỏ “quan hệ” với Lewinsky, nhưng sau này ông đã bị Hạ viện luận tội. Đến năm 1999, Thượng viện Mỹ xóa tội cho Bill Clinton và ông tiếp tục giữ cương vị Tổng thống Mỹ đến hết nhiệm kỳ.

Mặc dù bị điều tra vì những vụ “Whitewater” và “Monica Lewinsky”, nhưng vì lý do chính trị, ông Clinton đã không thể sa thải Freeh và gần suốt hai nhiệm kỳ phải sống chung với vị Giám đốc FBI mà ông căm ghét đó.

Người kế nhiệm Freeh là Robert Mueller cũng gây sự với chính quyền George W. Bush vì vụ “Stellar Wind” - chương trình cho phép NSA thu thập thông tin người dân với lý do chống khủng bố.

Và mới đây nhất là tới lượt ông James Comey khi đã tiếp tục một truyền thống lâu đời của FBI là chỉ phục tùng hiến pháp để trực tiếp tiến hành một trong những vụ lớn nhất của FBI trong nhiệm kỳ Tổng thống mới là điều tra mối quan hệ giữa ông Trump và Nga không chỉ trong kỳ bầu cử. Truyền thông Mỹ cho rằng, đó là lý do đằng sau việc Donal Trump sa thải ông Comey khỏi vị trí giám đốc FBI. Như vậy, Trump giống như Bill Clinton - cùng sa thải giám đốc FBI nhưng khi Bill Clinton sa thải William S. Sessions thì ông này không đang điều tra Tổng thống Clinton – đó là điểm khác nhau giữa hai vụ. Trump sa thải giám đốc FBI còn Nixon sa thải Công tố viên đặc biệt nhưng cả hai đều là người đang nắm quyền trực tiếp điều tra bê bối của đương kim Tổng thống, chính vì vậy truyền thông Mỹ gọi đây là “vụ thảm sát đêm thứ 7” của Donal Trump để đẩy vụ việc lên mức độ nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Sa thải Giám đốc FBI: Viễn cảnh nào dành cho Trump?

Trong bài viết “A Long Way from Coney to Watergate” được đăng trên một Tạp chí Nghiên cứu thế giới nổi tiếng, tác giả Sean Wilentz (Giáo sư môn Lịch sử tại trường Đại học Princeton) nhận định: Mặc dù vụ việc của Donal Trump được truyền thông Hoa Kỳ ví như “Vụ thảm sát đêm thứ bảy” của Nixon bởi cả hai cùng “vội vã” sa thải người đang trực tiếp điều tra bê bối của mình, nhưng rất khó để xảy ra một kết cục tương tự. Trừ phi một vụ việc bất ngờ nữa lại xảy ra, quyết định sa thải Comey của Trump có thể chẳng mở màn cho điều gì, hoặc chí ít là điều nào đó tệ hại cho vị Tổng thống. Giống Nixon, Trump có thể phạm những tội nghiêm trọng có thể bị luận tội, thậm chí còn nặng hơn những tội mà Nixon đã phạm phải. Giống Nixon, Trump có thể lo sợ rằng một vài bí mật khủng khiếp sẽ bị phát giác trừ phi ông sa thải người phụ trách điều tra của mình. Tuy nhiên ngay cả khi mọi thứ như vậy, Trump lại không giống Nixon ở chỗ ông có thể trốn tránh rất tốt vụ bê bối xung quanh mình.

Robert Mueller – cựu Giám đốc FBI (trước James Comey), nay được bổ nhiệm là Công tố viên đặc biệt điều tra vụ Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử của Donal Trump vào 2016.
Robert Mueller – cựu Giám đốc FBI (trước James Comey), nay được bổ nhiệm là Công tố viên đặc biệt điều tra vụ Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử của Donal Trump vào 2016.)

“Sự việc bất ngờ nữa lại xảy ra” để có thể đem lại chút “đe dọa” nào đó đối với vị trí Tổng thống của Donal Trump, theo ông Sean Wilentz chính là kết quả từ cuộc điều tra mối quan hệ giữa ban vận động của Tổng thống Donal Trump và Điện Kremlin (Nga) vào năm 2016.

Sau James Comey thì hiện nay, cựu giám đốc FBI Robert Mueller tiếp tục phụ trách vụ điều tra nói trên nhưng với cương vị Công tố viên đặc biệt. Cho đến nay (tháng 6/2017), vị trí giám đốc FBI vẫn đang bị bỏ trống nhưng ông Mueller tuyên bố sẽ điều tra bất kỳ mối liên hệ hoặc sự hợp tác nào, nếu có, giữa giới chức Nga và những cá nhân liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump cũng như bất cứ vấn đề nào phát sinh trực tiếp từ cuộc điều tra.

Ở một khía cạnh đối lập, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực xem xét những phương án áp dụng chuẩn mực đạo đức để ngăn cản việc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Muller về cáo buộc “Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016”. Theo luật Mỹ các luật gia vào ngạch phục vụ công chức trong vòng hai năm không được quyền đảm nhận những vụ việc liên quan đến khách hàng cũ. Công tố viên Robert Muller từng làm việc trong công ty luật WilmerHale, từng là đại diện cho lợi ích của Jared Kushner con rể Tổng thống Mỹ, đã lần lượt gặp đại diện các ngân hàng Nga và Paul Manafort cựu cố vấn của Trump. Tuy nhiên, Muller không đại diện trực tiếp cho Manafort và Kushner. Nếu như Bộ Tư pháp Mỹ chấp nhận luận cứ của Nhà Trắng thì có thể vị công tố viên đặc biệt sẽ bị loại khỏi cuộc điều tra.

Trong khi đó, nhiều người dân Mỹ đang rất trông chờ và hy vọng vào vị Công tố viên đặc biệt này có thể “làm nên một điều gì đó” để biến Trump thành “Nixon thứ hai”. Kênh truyền hình CNN dẫn lời chia sẻ của cựu Phó Giám đốc FBI dưới thời ông Mueller: “Robert Mueller là một người rất đáng tin cậy. Ông ấy không phải là một trong những người giỏi nhất, Robert Mueller, ông ấy là người giỏi nhất mà tôi từng gặp. Tài lãnh đạo, sự phán đoán, khả năng ra quyết định. Không ai có thể tốt hơn trong việc theo đuổi một mục tiêu mà không bị áp lực từ phía Quốc hội, Tổng thống, truyền thông, bất kể ai trong FBI, Bộ trưởng Tư pháp, Thứ trưởng Tư pháp. Không một ai tốt hơn”.

Hương Lan

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin