EVN lý giải về khoản tiền khổng lồ 42.000 tỷ gửi ngân hàng không kỳ hạn

Liên tục báo lỗ và đề nghị tăng giá điện song EVN lại cho thấy tập đoàn có tiềm lực tài chính khá mạnh khi dư hơn 42.000 tỷ đồng gửi ngân hàng tại thời điểm cuối quý II/2018. Tuy vậy, số tiền khổng lồ này lại được gửi không kỳ hạn - hưởng mức lãi suất gần như bằng không khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi.

Những ngày hè nắng gắt, dư luận xôn xao chuyện giá điện chỉ tăng 8,36% từ 20/3 nhưng hóa đơn tiền điện lại tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

Thêm vào đó là câu hỏi vì sao báo cáo lỗ và đề nghị tăng giá điện song trên thực tế theo báo cáo tài chính 6 tháng năm 2018, số dư tiền gửi ngân hàng của EVN ở thời điểm cuối quý II/2018 là 42.794 tỷ đồng. Con số này ở cuối năm 2017 là 32.363 tỷ đồng (trước đó, năm 2015, 2016, EVN có khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng trên tài khoản và 6 tháng đầu năm 2017 là khoảng 20.000 tỷ đồng).

 Dư luận xôn xao chuyện giá điện chỉ tăng 8,36% từ 20/3 nhưng hóa đơn tiền điện lại tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.
Dư luận xôn xao chuyện giá điện chỉ tăng 8,36% từ 20/3 nhưng hóa đơn tiền điện lại tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.)

Như vậy, rõ ràng khoản mục tiền và tương đương tiền (chủ yếu là tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng) của EVN tăng rất mạnh trong 2 năm qua (132% 6 tháng 2018, 162% năm 2017 và 222% 6 tháng năm 2018).

Vấn đề đặt ra là dựa vào mức lãi suất ngân hàng thì rõ ràng mức tiền gửi không kỳ hạn mà EVN đang xử lý với nguồn tiền này là không hợp lý. Theo lẽ thường, nếu tình hình tài chính không mấy sáng sủa như EVN trình bày thời gian qua thì đơn vị này hoàn toàn có thể lựa chọn mức tiền gửi khác với khoản tiền khổng lồ hơn 42.000 tỷ đồng.

Cụ thể có sự chênh lệch rất lớn giữa mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (chỉ ở mức 0,20%/năm) với mức lãi suất có kỳ hạn tối thiểu 1 tháng là 4,50%/năm và kỳ hạn 60 tháng, lãi suất có thể lên trên 6,80%/năm. Nếu áp mức lãi suất này vào trường hợp của EVN (số dư bình quân 37.000 tỷ đồng, trong 6 tháng), chi phí cơ hội mất đi là vô cùng lớn, khoảng gần 800 tỷ đồng (= 37.000 tỷ đồng * (4,5%-0,20%) * 6/12)

Bên cạnh đó, lỗ thuần từ hoạt động tài chính của EVN hiện đang rất lớn (6 tháng đầu năm 2018 lỗ 9.470 tỷ, cùng kỳ 2017 lỗ 6.922 tỷ).

Câu hỏi đặt ra là, tại sao EVN, với nguồn lực tài chính khủng (tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, đầu tư tài chính tăng mạnh trong 2 năm qua, đạt hơn 62.000 tỷ nhàn rỗi ở thời điểm quý II/2018), lại có kết quả thu thuần từ hoạt động tài chính âm ngày một lớn? (chênh lệch âm tăng thêm 35% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tiền vay ngân hàng chỉ tăng hơn 2%).

Liên quan đến vấn đề này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có thông báo chính thức. Theo đó, EVN cho biết số dư tiền gửi nêu trên được tổng hợp từ tất cả báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên của EVN bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ. So với số dư nợ phải ngắn hạn tại cùng thời điểm trả của EVN ( hơn 106.000 tỷ đồng) thì quá nhỏ, chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than), bán điện… (55.000 tỷ đồng) và trả nợ ngân hàng đến hạn (22.000 tỷ đồng).

Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ thể:

Cơ cấu tổ chức bộ máy hiện tại của EVN có hàng chục đơn vị cấp 2 và hàng trăm đơn vị cấp 3, cấp 4 hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư và sản xuất kinh doanh điện năng. Để đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng số một là cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, vì vậy mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.

Đối với các công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước. Công ty mẹ EVN cần phải có một số tiền lớn đủ để thanh toán tiền mua điện hàng tháng cho các đơn vị bán điện. Doanh thu tiền điện thường tập trung vào cuối tháng trong khi nhu cầu thanh toán tiền nhiên liệu và điện mua ngoài thường tập trung vào đầu tháng. Vì thế số dư tiền gửi của EVN vào cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại.

Trong lĩnh vực đầu tư, mặc dù nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng EVN và các đơn vị thành viên phải cung cấp đủ vốn theo kế hoạch, đáp ứng tiến độ thi công của các dự án, nhằm đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thủ tục hoàn tất các điều kiện để giải ngân của các Hợp đồng tín dụng thường bị kéo dài nên ngoài việc đảm bảo vốn đối ứng theo kế hoạch EVN và các đơn vị thành viên phải dự phòng thêm vốn để thanh toán cho nhà thầu trong trường hợp chậm giải ngân vốn từ các Hợp đồng tín dụng nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra của các dự án nhất là các dự án cấp bách, trong điểm.

Hiện tại, EVN có số dự nợ vay rất lớn vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao, đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai.

EVN cho biết tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị cân đối dòng tiền để đảm bảo thanh toán kịp thời cho các nhà cung cấp theo quy định của hợp đồng đã ký đồng thời thực hiện các giải pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/evn-ly-giai-ve-khoan-tien-khong-lo-42000-ty-gui-ngan-hang-khong-lay-lai-a431912.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin